Không phải những siêu anh hùng với áo choàng tung bay, cũng chẳng có những công cụ tối tân như trong các bộ phim giả tưởng, Sài Gòn Xanh bắt đầu từ những người trẻ bình dị, mang trong mình một tình yêu mãnh liệt với môi trường và xã hội. Hằng tuần, họ sẵn sàng ngâm mình trong dòng nước ô nhiễm, cần mẫn phân loại thu gom và phân loại lượng rác khổng lồ, từng bước hồi sinh sự sống cho những dòng kênh đen. Đó là hành trình của sự kiên trì và tinh thần đồng lòng của tất cả thành viên từ gạo cội đến mới mẻ, nơi những nỗ lực nhỏ bé từng ngày kết lại thành niềm tin lớn lao vào một Việt Nam xanh, sạch hơn. Câu hát trong "Sống hết đời thanh xuân" thật giống với Sài Gòn Xanh: "Ai mang cơn gió đến lay nhành hoa, rồi đưa đi đâu đó nơi phương trời xa", họ chính là cơn gió âm thầm lan tỏa ý thức, lay động trái tim cộng đồng một cách bền bỉ suốt 2 năm qua.
Nhưng khi những thành tích, lời tán dương và những bài báo dường như ca ngợi họ đã quá nhiều, mọi người thường chú ý đến các con số, các giải thưởng thì ít ai chú ý đến những đóng góp thầm lặng phía sau…
Chủ Nhật - ngày hoạt động hằng tuần của Sài Gòn Xanh và các tình nguyện viên
Từ 6 giờ sáng, các thành viên chủ chốt của nhóm đã có mặt sẵn sàng tại nhà người dân đã liên hệ từ trước đón tình nguyện viên. Sau vài năm hoạt động, công tác chuẩn bị của Sài Gòn Xanh đã nhanh gọn, tối ưu hơn rất nhiều. Các bạn trai lúi húi trải quần áo bảo hộ, ủng nhựa, nón tai bèo ngay ngắn, các bạn nữ tất bật đóng chai nước uống, thuốc thang, khăn giấy, xa xa là các anh trai khoẻ hơn mang cây cào rác, thùng nhựa để chuẩn bị chinh chiến dòng kênh nhỏ thơ mộng nhưng đầy rác trên ngọn lục bình.
Những tiếng nhắc nhở, những cái nhìn ngó nghiêng nhau cứ liên tục tiếp diễn trong cái nắng sáng sớm tại con hẻm nhỏ tít quận 12 xa xôi. Để đi được đến đây, một số tình nguyện viên đã dậy từ tờ mờ sáng để tập kết đầy, chưa kể đến những thành viên chủ chốt phải chuẩn bị từ sớm hơn để cả đội có đầy đủ đồ bảo hộ, dụng cụ, phương tiện di chuyển và cả đồ ăn thức uống sẵn sàng chinh chiến với quái vật rác thải dưới dòng kênh. Anh bạn đội cơ động nhiệt tình chở hết người này đến người khác từ nhà mượn của người dân đến nơi làm việc hôm nay. Ấn tượng ban đầu đã quá dễ thương rồi, bao nhiêu sự ngại ngùng bỗng biến mất khi bắt đầu xắn tay áo, đội mũ, mang bao tay lên cào rác cùng mọi người.
Công việc sau 2 năm đã được phân chia tinh gọn, có thể gọi là chuyên nghiệp hơn trước rất nhiều. Cụ thể là những bạn nam khoẻ khoắn của nhóm sẽ phụ trách kéo giỏ rác vài ký lên bờ khi đội dưới nước thu gom xong. Đây là công việc tưởng đơn giản nhưng thử rồi mới biết, nó cần sức và bào sức kinh khủng, chỉ cần đứng ở vị trí này tầm 15 phút thôi thì bảo đảm, hai cánh tay bạn sẽ mỏi nhừ vì dây thừng và sức nặng của rác thải dưới nước. Nguy hiểm và cực nhọc không kém là những cô bạn nhỏ nhắn lẫn cậu bạn cao to ngâm mình dưới nước hàng giờ liền để “xử lý” đống rác đáng ghét nổi lềnh bềnh trên mặt nước, mắc kẹt vào đám lục bình xanh mướt kia. Trạm cuối cùng cũng đổ mồ hôi không kém chính là biệt đội cào rác để có không gian thu gom đống phế thải kia lại quăng lên xe, trả lại không gian sạch sẽ cho người dân xung quanh. Nơi đây cũng cần cơ bắp lắm đấy, nếu không có sức và kinh nghiệm thì sẽ bị rối tung rối mù lên và khiến việc di chuyển của người dân qua lại trở nên khó khăn.
Đâu đó khi làm việc hăng say, nhóm bắt gặp những tiếng kèn xe kêu tránh đường để đi lại, hay ánh mắt khó hiểu nhìn nhóm trẻ này rảnh rang 12 giờ trưa đi hốt rác dưới cái mương rác không mười mấy năm nay. Thế nhưng họ đều đã quen với việc đó: “Kệ đi, họ hiếu kỳ thôi chứ xóm này có nhiều cô chú thấy mình tình nguyện làm vậy thì họ thương lắm”, rồi lại cười hề hề cào tiếp đống rác trên bờ. Hơn một năm qua, nhóm nhận được nhiều sự hỗ trợ từ địa phương, nhờ đó công việc đỡ vất vả hơn. Không còn cảnh trưởng nhóm phải giải thích mỏi miệng về mục đích hoạt động, giờ đây họ chỉ cần bắt tay vào làm và thật vui vẻ khi hoàn thành việc tốt thôi.
Hai chàng trai dáng người nhỏ nhắn đứng cạnh nhau, vậy mà khi bắt đầu làm cả hai lại khiến mọi người không khỏi ngỡ ngàng. Họ chẳng nói nhiều, cứ lặng lẽ cầm những bao rác lớn, kéo lên bờ, rồi lại cúi xuống bê tiếp mà không chút chần chừ, hay thật. Có bạn nam dẫn mẹ đi theo, cô ngồi một góc, ánh mắt tràn đầy tự hào dõi theo con trai mình. Sao mà đáng yêu không thể tả được. Người mẹ theo chân con trai làm việc tốt, và con trai cũng không khiến mẹ thất vọng khi trở thành người nhiệt tình nhất đội hôm đó. Cậu lăng xăng phụ hết nhóm này đến nhóm khác và cũng không quên trở thành cây hài của nhóm, kể biết bao câu chuyện cho mọi người quên hết mọi nhọc nhằn.
Rồi còn những bạn trẻ với hình xăm đầy tay, trông lầm lì nhưng lại là người chăm chỉ nhất. Có cậu làm mãi mà chẳng chịu đeo găng tay, đến khi bị bạn nữ kế bên “mắng yêu” thì mới chịu lục tìm đồ bảo hộ để được tiếp tục xuống nước cùng đội. Không được quên đội hậu cần đáng yêu nữa nhé, liên tục tiếp nước, tiếp sức cho đồng đội đang đội nắng dưới dòng nước đen ngòm. Phải công nhận, kỹ năng hoạt náo và động viên của đội này đúng là thượng thừa. “Các cổ” lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết, nói chuyện từ sáng đến trưa, chạy đi chạy lại không biết mệt để mọi người hoàn thành công việc nhanh hơn. Có bạn vừa học online, vừa tranh thủ lau mồ hôi cho đồng đội khiến ai cũng phải bật cười.
Họ làm việc hăng say, chẳng cần ai phải nhắc nhở, nhưng tuyệt đối không phải những buổi tình nguyện nghiêm túc khô khan như mọi người thường thấy trên báo đài. Ở Sài Gòn Xanh, vẫn là những bạn trẻ, hoặc những người lớn nhưng tâm hồn thì trẻ lắm. Trong lúc làm việc, họ kể chuyện phiếm, chọc cười nhau như bao Gen Z, đôi khi rủ nhau đu trend TikTok, lâu lâu lại hát hò vài câu. Thậm chí có lúc tìm thấy một con rắn to dưới dòng kênh, cả nhóm còn tranh thủ nhát mấy bạn nữ, náo nhiệt chẳng khác gì bọn học sinh tinh nghịch.
Khi công việc kết thúc, cả nhóm tắm rửa sạch sẽ, thay đồ khô rồi quây quần bên bữa cơm giản dị, tiếng cười nói rộn ràng át đi cả mệt mỏi. Có hôm trùng vào ngày sinh nhật một thành viên, thế là nhóm lập tức bày tiệc ngay tại chỗ với bánh kem và nến. Ai nấy đều thi nhau chọc ghẹo leader, khiến anh đỏ cả mặt nhưng không giấu được nụ cười hạnh phúc. Những ngày như thế không chỉ là công việc, mà còn là kỷ niệm, là nguồn năng lượng tích cực tiếp sức cho tuổi trẻ sống hết mình, vui hết mình, và làm điều gì đó ý nghĩa cho cuộc đời.
Điều quý giá nhất của Sài Gòn Xanh là gì?
Thế Ân: Nhất định là con người! Những người trong nhóm có thể là sinh viên năm cuối, nhân viên văn phòng, mấy bạn nam với ngoại hình cực cool ngầu đẹp trai nha, hay mấy bạn nữ xinh lắm… Mỗi người một việc, nhưng đều có điểm chung là có tình yêu môi trường, muốn đóng góp cho cộng đồng dù là công sức nhỏ nhất. Đa số người dân trên địa bàn tụi mình từng hoạt động thì đều biết đến tụi mình. Nhưng cũng có vài cô chú tưởng nhầm CLB Sài Gòn Xanh là… bia Sài Gòn Xanh (cười). Một điều cũng ít người biết là đằng sau cái nhóm này, ban điều hành toàn là các bạn trẻ 9x và 2K siêu nhiều nhiệt huyết.
Kỉ niệm nhớ nhất khi đồng hành cùng Sài Gòn Xanh?
Ngọc Ánh: Kỷ niệm nhớ nhất có lẽ là buổi dọn rác ở Kênh Rạch Lăng vào tầm tháng 10/2024. Đó cũng là kênh mà chúng mình quay lại dọn rất nhiều lần nhưng lượng rác ở đó rất khổng lồ. May mắn là chúng mình đã đặt phao chắn rác nên kiểm soát lượng rác chảy về cũng tốt hơn. Tuy nhiên, khi chúng mình gần dọn xong thì lượng rác từ những nơi khác đổ về rất nhanh chỉ trong 30 phút đã quay lại như bình thường. Hôm đó ai cũng sốt ruột bởi trời vừa nắng, nhưng mà sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết của mọi người đã sốc lại tinh thần và hoàn thành 1 cách ngoạn mục.
Một vấn đề mà mình rất đau đáu chính là ý thức bảo vệ môi trường. Chỉ dựa vào Sài Gòn Xanh thì cứ dọn như thế mãi cũng không thể nào hết rác được, vì chỉ trong 30 phút thôi mà rác thải đã quay lại rất nhanh chóng, nhiều vô kể đặc biệt là thùng xốp, rác thải nhựa.
Thế Ân: Đó là lần team Ân bị dẫm phải đinh, nhưng nhờ sự hỗ trợ của các bạn trong team Sài Gòn Xanh và chính quyền địa phương thì mọi thứ vẫn ổn. Sự an toàn của các bạn tình nguyện viên phải đưa lên hàng đầu. Ân đưa ra các phương án trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, tiêm vacxin thương hàn, uốn ván, tả, phổi,... 1 số vacxin giúp hỗ trợ các bạn tình nguyện viên an toàn hơn.
Kiều Tú: Nhiều lắm nha, lần nào đi cùng Sài Gòn Xanh với mình cũng rất vui. Nhưng đặc biệt nhất có lẽ là chiến dịch lớn ở Tiền Giang. Chiều đầu tiên tụi mình rủ nhau tắm kênh, đến hôm thứ 2 thì đi dọn rác. Bãi rác ở biển, tụi mình dọn bao nhiêu thì biển… trả về bấy nhiêu. Nhóm làm xuyên suốt từ 8h sáng đến 3h chiều mà rác vẫn cứ ở đó. Lúc mình tháo bộ đồ bảo hộ ra, toàn là vỏ sò cứa vào người, mút xốp thì dính dính lên. Đó là ngày kỉ niệm mình không thể quên. Có thể lúc đó tụi mình chưa làm được gì nhiều cho bãi biển này, nhưng cái gì cũng phải có bắt đầu thì mới có kết quả chứ.
Vậy đã có những trường hợp nguy hiểm khi Sài Gòn Xanh hoạt động sao?
Thế Ân: Trước mỗi hoạt động luôn có sự hướng dẫn để giảm thấp nhất rủi ro cho các bạn tình nguyện viên mới cũng như các bạn cũ. Các vật nguy hiểm mà Sài Gòn Xanh phải đối mặt không chỉ là đinh mà còn mảnh sành, gai, xác động vật, các loài động vật nguy hiểm như rắn, bò cạp,... Đặc biệt là kim tiêm.
Ân cùng các bạn cố gắng hết sức thông tin về điểm rác, các mối nguy hiểm, tăng cường y tế cho các lần hoạt động, quan sát cũng như điều phối hoạt động 1 cách an toàn và hiệu quả nhất. Còn về kim tiêm thì Sài Gòn Xanh có trang bị cho các bạn thuốc Prep kháng virus HIV và PeP trong các trường hợp xấu nhất bị kim đâm. Bổ sung các kiến thức sơ cứu để tăng tính an toàn hiệu quả cho các hoạt động của Sài Gòn Xanh.
Ngọc Ánh: Có lần, nhóm chúng mình nhặt được hơn 100 kim tiêm chỉ trong một buổi dọn. Đã có nhiều trường hợp dẫm phải kim tiêm dưới nước, buộc phải đi tiêm phòng để phòng chống phơi nhiễm. Ngoài ra, những con vật như rắn xuất hiện rất thường xuyên, đến mức không thể đếm xuể. Có những lần mọi người bị dị ứng, ngứa ngáy vì tiếp xúc với nước kênh bẩn, hoặc bị trầy xước do các vật sắc nhọn. Thực sự còn rất nhiều câu chuyện muốn kể, nhưng mình chỉ chọn chia sẻ về những mối nguy hiểm mà nhóm thường xuyên phải đối mặt.
Lương Thuyên: Ban đầu đi dọn thì cũng hơi sợ vì bùn sình, nhưng khi được dọn dẹp cùng các bạn thì không còn sợ gì nữa. Mình chỉ cần 1 đôi bao tay, đôi ủng… có thể dọn rác rồi. Mình cũng cần cẩn thận trong quá trình dọn sẽ có vật nhọn, kim tiêm, nhiều mảnh sành. Cũng may mắn là chưa gặp vấn đề sự cố gì khi dọn rác.
Cô bạn phụ trách y tế giấu tên: Dưới nước có nhiều chướng ngại vật lắm. Có hôm tụi mình cào trúng cả bao kim tiêm, gai ốc nổi đầy. Có những kim còn không đậy nắp, nhìn mà sợ, nhưng phải quyết tâm dọn sạch. Có bạn bị xước chân vì lan can, tụi mình phải đưa lên trạm y tế để xử lý.
Lương Ngọc: Tụi mình chưa giải quyết được vấn đề bảo hiểm, nhưng luôn cố gắng trang bị đầy đủ bảo hộ, từ găng tay chống cát, chống nước, đến tiêm phòng uốn ván, thương hàn, phổi. Nhờ vậy các bạn yên tâm hơn khi tham gia.
Thế đâu là thách thức lớn nhất mà Sài Gòn Xanh phải vượt qua trong hành trình của mình?
Thế Ân: Thử thách lớn nhất của Sài Gòn Xanh đó chính là 1 hoạt động vì cộng đồng mang tính bền vững lâu dài. Nhóm đã quyết định gia nhập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM - trở thành Câu lạc bộ Sài Gòn Xanh, được sự bảo trợ của Hội. Nhờ đó câu chuyện khó khăn thử thách mang tính bền vững của Sài Gòn Xanh được giải quyết rất nhiều phần.
Sau quãng thời gian đồng hành cùng hoạt động vì môi trường. Ân có nhận thấy sự thay đổi nào trong cả ý thức lẫn hoạt động của người dân, nơi team từng đi qua?
Thế Ân: Mình thấy nhiều nơi thay đổi về ý thức cũng như hoạt động của người dân. Như ở phường Linh Đông (TP Thủ Đức), các cô chú luôn ủng hộ Sài Gòn Xanh thực hiện các hoạt động tuyên truyền, và gần đây nhất là thành lập Linh Đông Xanh - 1 nhóm chuyên hỗ trợ về hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn phường. Rất nhiều điểm rác tại phường Thạnh Lộc, khi tụi mình trở lại thì thấy rác đã không còn xuất hiện nữa. Đó là những điều Sài Gòn Xanh hạnh phúc và tự hào trong suốt chặng đường vừa qua!
Cảm xúc cô gái dễ xúc động như Ngọc Ánh thế nào khi nhìn đồng đội của mình ngâm mình trong rác để dọn dẹp nên những con mương/kênh sạch đẹp?
Ngọc Ánh: Phải nói là mình vừa xót, vừa thương nhưng song song với đó là sự ngưỡng mộ và nể phục. Mình hi vọng là mỗi người sau này có 1 chút ý thức thôi để một ngày nào đó đồng đội của mình sẽ bị "thất nghiệp". Mình chỉ mới gắn bó với Sài Gòn Xanh khoảng hơn 1 năm gần đây, nhưng luôn coi nơi này như ngôi nhà thứ 2. Mình luôn trở về ngôi nhà khi có thời gian và cảm thấy cuộc sống có gì đó mệt mỏi.
Thực ra cũng sẽ có người lớn sẽ e ngại khi thấy Gen Z dọn rác. Liệu các bạn có từng gặp định kiến nào về việc này không? Và mọi người vượt qua hay đối mặt với chuyện này thế nào?
Ngọc Ánh: Mình lại nghĩ khác một chút. Bởi tình nguyện viên của Sài Gòn Xanh vẫn có rất nhiều cô chú lớn tuổi tham gia và rất nhiệt tình, không hề có khoảng cách hay định kiến nào hết.
Lương Thuyên: Trước giờ mình không quan tâm người khác nghĩ gì về mình như thế nào. Việc dọn rác là hành động khiến mình cảm thấy hãnh diện và tự hào về bản thân lắm! Khi tham gia Sài Gòn Xanh, mình cảm thấy được nhận nhiều hơn là cho đi. Bởi vì mình được đóng góp gì đó cho cộng đồng, trả ơn "mẹ thiên nhiên", được cười vui… là thấy hạnh phúc lắm đó!
Kiều Tú: Mình từng thấy một số bình luận định kiến, nhưng thật ra chỉ là thiểu số. Nếu xem các clip của Sài Gòn Xanh, bạn sẽ thấy các cô chú gần đó thường xuyên hỗ trợ tụi mình, và các bạn Gen Z hay thậm chí các em nhỏ cũng có cách nhìn tích cực hơn về rác thải. Các bạn mang đến nhiều ý tưởng sáng tạo để bảo vệ môi trường. Tụi mình không dám nói Sài Gòn Xanh là điều gì lớn lao, nhưng tự hào vì những gì đã làm được và hy vọng mọi người cùng chung tay yêu môi trường.
Nghe đến đấy thì thấy các bạn toàn niềm vui chứ nhỉ, sao buồn được khi sau những ánh mắt khó hiểu, suy nghĩ phán xét hay tiếng còi xe khó chịu ban đầu thì khi các bạn rời đi, những người dân tại đây nhắn nhủ với tụi trẻ "Xanh" thế này nè. "Rác ở đây toàn thứ khủng khiếp: nhựa, xác thú vật, thậm chí cả bô toilet. Bốc mùi không chịu nổi, khách đến quán là bỏ đi ngay. Từ khi tụi nhỏ tới, con kênh thay đổi thấy rõ. Ai cũng mừng lắm!" - anh quán nước kể về Sài Gòn Xanh với ánh mắt sáng rực. "Công việc này đâu phải ai cũng làm được. Lục bình, rác bám chặt, nhiều khi còn phải chặt từng gốc rễ. Vậy mà mấy đứa trẻ, toàn sinh viên, chẳng ngại vất vả, lao xuống dọn từng chút một", chị gái đã sống ở khu vực ô nhiễm hơn 40 năm gần khu vực thốt lên. Hình ảnh các bạn trẻ lấm lem bùn đất, nhưng vẫn làm việc đều tay, chẳng ngại khó, đã lay động biết bao người dân xung quanh. Một bà cụ đứng từ xa nhìn theo, thầm thì: "Thấy tụi nó cực vậy mà cũng thấy thương. Dọn xong sạch sẽ, thiệt là mừng". Những lời nhắn gửi giản dị ấy, chẳng khoa trương, nhưng như tiếp thêm sức mạnh cho các bạn trẻ trên hành trình lội ngược dòng nước đen.
Sài Gòn Xanh không chỉ dừng lại ở việc dọn sạch những dòng kênh đen ngòm hay gom nhặt hàng tấn rác thải. Hành động của họ mang đến một giá trị sâu xa hơn: thay đổi ý thức cộng đồng. "Một người thay đổi ý thức bằng 10, 100 lần một chiếc máy xúc rác," trưởng nhóm Lương Ngọc chia sẻ. Công việc của Sài Gòn Xanh không phải để nhận những lời tung hô, mà để gieo những hạt mầm ý thức vào từng hành động nhỏ nhất, từ việc bỏ lon sữa đúng chỗ đến không vứt rác bừa bãi. Những thứ mà nhóm bạn trẻ này nhận lại ở Sài Gòn Xanh cũng nhiều lắm. Đó là những tình bạn, kỉ niệm chẳng thể nào quên được. Và hơn nữa có những mối quan hệ đầy dễ thương, thú vị đã bước ra sau những lần vất vả cùng nhau dọn rác. Đâu phải tự nhiên mà dạo gần đây, giới trẻ đồng loạt rủ nhau đi dọn rác để có thêm những mối quan hệ lành mạnh và tử tế đâu!
Tổ Quốc