6 lần phải chuyển địa điểm và có lúc tưởng chừng không thể duy trì nhưng saxophone Quyền Văn Minh vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê với Bình Minh’s Jazz Club. Đây là câu lạc bộ duy nhất ở Hà Nội chơi Jazz hằng đêm. Người được gọi là Huyền thoại sống của Jazz Việt Nam khẳng định: "Tôi còn năng lượng, còn sức khỏe thì còn tiếp tục chơi Jazz".
Chúng tôi hẹn gặp Nghệ sĩ ưu tú Quyền Văn Minh tại quán bar của ông vào một buổi sáng. Không gian nơi đây khá đơn giản với điểm nhấn là những bức ảnh của người nghệ sĩ và cây kèn saxophone. Người yêu thích Jazz và âm nhạc của Quyền Văn Minh cũng có thể lướt qua những kỉ niệm chương, bài báo viết về con đường âm nhạc đầy gian khó mà ông đã trải qua.
Cách đây gần 40 năm, ở Việt Nam gần như chưa có ai biết về Jazz, vậy ai đã giới thiệu ông đến với dòng nhạc này?
Tôi đến với nhạc Jazz hết sức tình cờ. Hoàn cảnh gia đình lúc đó không cho phép tôi theo học trường nhạc. Có rất nhiều lí do mà tôi không muốn nhắc tới. Hoàn cảnh thực tế lúc đó, tôi chỉ có thể học bằng cách nghe.
Tôi nghe các ca khúc cách mạng, nhạc đám cưới hoặc chiều Chủ nhật đạp xe ra vườn hoa Hàng Đậu, nghe chương trình của đài truyền thanh Hà Nội... Tất cả những thứ đó đều là âm nhạc. Nhưng tôi biết rằng ở trường nhạc (Nhạc viện Hà Nội) hình như họ có những loại hình những tác phẩm lớn hơn và nuôi tham vọng học lỏm.
Lúc ấy, tôi thường đạp xe đạp đến cửa trường để nghe ngóng. Không thể tiếp cận các lớp học, tôi nghe được nhiều âm thanh từ trong trường. Những âm thanh đó thật cuốn hút nhưng rất lộn xộn.
Không thể theo học tại ngôi trường mơ ước, nhưng đam mê âm nhạc không ngừng thôi thúc tôi. Từ những bản nhạc ngắt quãng trên đài phát thanh, tôi suy nghĩ: Nếu đài Việt Nam có nhạc thì radio quốc tế cũng phải có và mình có thể học hỏi những cái mới từ đài quốc tế.
Và thế là mỗi tối sau khi học bài xong, tôi chui vào chăn với chiếc đài Phillip để dò từng nốt sóng, hy vọng sẽ được nghe nhạc. Duyên may đã giúp tôi dò được một loại nhạc mới lạ. Tôi sững sờ khi được những âm thanh ấy. Đoạn nhạc có kỹ thuật "khủng khiếp" và cả những âm thanh tôi chưa từng nghe bao giờ.
Sau 15 phút đắm chìm trong âm thanh định mệnh ấy, tôi cố gắng nhớ lại từng âm thanh, từng nốt nhạc, khắc sâu trong tâm trí. Cứ thế những ngày sau, cứ đúng giờ ấy là tôi lại lôi đài ra nghe và lấy giấy bút với kỳ vọng ghi lại từng nốt nhạc và tự tập kèn, bắt chước sao cho thật giống những gì nghe được.
Khi ấy, tôi đã tự thề với bản thân mình sẽ phải chơi bằng được loại nhạc này.
Ở thời kỳ mà chẳng ai biết Jazz là gì thì ông học như thế nào?
Vào những năm 1970, khi đi diễn ở miền Nam, trong những ngày nghỉ, tôi lùng sục mọi cửa hàng băng đĩa để cốt tìm cho ra những bản nhạc Jazz. Lúc đó, người dân còn không biết Jazz là loại nhạc gì. Tôi phải mang kèn ra quán để hỏi, mô tả nó là những băng nhạc Mỹ mà có bìa in hình người da đen.
Thời điểm đó, băng đĩa của nước ngoài không được khuyến khích, ông chủ cửa hàng ái ngại nhìn tôi trả lời không có. Tôi phải nói cháu là nhạc công rồi mang kèn ra thổi vài bài ở giữa quán, thuyết phục mãi ông ấy mới tin, rồi lên gác tìm cho tôi một cuốn băng cassette.
Nhưng tôi lại không có đài để nghe băng, vét sạch cả túi có 10 đồng, tôi mua được cả băng và đài. Tôi quý lắm, gói ghém kỹ càng cả băng cả đài và về đoàn phải cất đi, sợ bạn bè mượn nghe nhiều lại hỏng.
Phải nói nhạc Jazz đòi hỏi một đẳng cấp rất cao. Mặc dù rất thích nhưng khả năng lúc ấy của mình cũng có hạn. Tôi chỉ nghe nhạc khi có một mình và ghi lại những gì nghe được, luyện tập nó hàng ngày. Khi tôi ghi được hết cả đĩa ra cũng là lúc nhạc Jazz ngấm vào tôi. Tôi tua đi tua lại băng nhạc để ghi lại. Cho đến khi ghi hoàn tất các bài nhạc thì cuốn băng cũng hỏng.
Huyền thoại sống của Jazz Việt Nam đã học bằng băng cassette như thế nào?
Thế còn sáng tác Jazz theo cách riêng của ông thì sao?
Câu chuyện sáng tác nhạc thì phải đến hơn 20 năm sau, năm 1988. Năm đó, khi làm chương trình ở Hội nhạc sĩ, tôi đã nghĩ trong đầu: "Có lẽ mình phải viết!". Nhưng bước ngoặt chuyển sang viết nhạc là từ chương trình độc tấu 3 loại nhạc và tôi nhận lời về dạy ở Nhạc viện Hà Nội.
Đất nước "cởi trói" cho văn nghệ sĩ. Tôi theo đoàn nghệ thuật đi diễn ở các tỉnh, mỗi ngày 3-4 suất và có thu nhập cao. Với hoàn cảnh riêng là phải nuôi 2 đứa con, tôi cân nhắc rất nhiều trước lời mời giảng dạy của nhạc viện.
Một là theo chính đạo và chấp nhận kinh tế khó khăn. Bởi lúc đó, với tư cách người thầy, tôi sẽ không được làm những việc lung tung mà phải theo đuổi âm nhạc ở đẳng cấp cao. Mà điều đó đồng nghĩa với việc không có nhiều khán giả.
Hai là cứ yên phận làm nghệ sĩ ở đoàn ca múa nhạc Thăng Long, đi diễn và có tiền cùng với tự do.
Lúc đó tôi chỉ suy nghĩ rằng, cái gì cũng có tính hi sinh của nó. Làm được một việc lớn cho ngành nghề sẽ lớn hơn là chỉ nghĩ cho bản thân, cái tôi của mình.
Tôi cứ nghĩ mãi và đến năm 1991 thì bắt tay vào viết. Đến năm 1994 tôi đã có 5-6 tác phẩm, trong đó có 3 tác phẩm được diễn trong đêm nhạc ở Nhà hát Lớn năm 1994, bao gồm cả bản Tiếng khèn gọi bạn, Vấn vương mang âm hưởng của đồng bằng Bắc bộ với nét buồn nhưng thảm và bài thứ ba là Ngẫu hứng Tây Nguyên.
Ai đã hỗ trợ ông khi biểu diễn nhạc Jazz?
Lúc đó Quyền Thiện Đắc còn bé, các học sinh chưa trưởng thành, chỉ mình tôi cô độc trên con đường nhạc Jazz. Đêm nhạc đầu tiên tôi mời anh em ruột đến đệm nhạc vì không ai chơi với mình. Đến chương trình thứ 2 ở khách sạn Thắng Lợi, có thêm ban nhạc Sông Hồng và tôi có thêm thời gian đến luyện tập với họ.
Khi nhận lời về dạy ở Nhạc viện, tôi suy nghĩ rằng mình sẽ có cơ sở để xây dựng một lực lượng thực sự chuyên nghiệp.
Ai là học trò tâm đắc nhất của ông?
Cách đây khá lâu tôi đã hy vọng ở Trần Mạnh Tuấn khi cậu ấy được đi học ở Berlin. Năm 1993, trong ngày giỗ đầu mẹ tôi, tất cả học sinh đều đến thăm. Tôi có nói với Tuấn hãy cố gắng học và quay về để nâng âm nhạc Việt Nam lên. Nhưng cậu ấy bảo rằng: Em còn trẻ và còn nhiều việc phải làm. Tôi biết rằng mình không thể đặt hy vọng vào Tuấn nữa.
Tôi cũng có rất nhiều học sinh giỏi như Hồng Kiên, Bảo Long… Nhưng dường như tôi nhận thấy họ không cùng chí hướng để theo đuổi lý tưởng và xây dựng ngành saxophone. Cuối cùng tôi đành dành tất cả tâm huyết cho Quyền Thiện Đắc.
Thế giới âm nhạc cũng rất khốc liệt. Anh có thể là nghệ sĩ giỏi, nhưng để trở thành một người thầy, anh phải có tầm vóc, trái tim của một người thầy. Một người thầy phải học đủ tất cả mọi thứ trên thế giới này về saxophone. Vì thế, tôi cố gắng cho Đắc đi học ở nước ngoài.
Khi về nước, Đắc cũng từng có tư tưởng nửa muốn kiếm sống, nửa muốn làm một thứ âm nhạc ‘vừa phải’, thậm chí còn hơi lung tung. Nhưng tôi rất cương quyết, uốn nắn Đắc trở về đúng con đường của mình.
Chương trình 27/10 vừa qua mang tính chuyển giao, tổng kết sự nghiệp âm nhạc, đồng thời gửi gắm vị trí lèo lái "con thuyền Jazz" cho con trai Quyền Thiện Đắc. Tôi giao trọng trách cho Quyền Thiện Đắc. Anh phải là thuyền trưởng cho nhạc Jazz Việt Nam.
Ngoài nhạc Jazz ông có đam mê nào khác không?
Ngoài nghệ thuật ra thì tôi rất thích đọc sách, uống rượu, hút xì gà và nói chuyện về âm nhạc. Đó là những thứ gây hưng phấn, tác động lên não, hỗ trợ công việc của tôi. Đó là những thứ thuộc về sở thích.
Ông có suy nghĩ gì về sự cạnh tranh giữa Jazz và những loại nhạc khác?
Người Việt Nam có thói quen nghe ca khúc có lời dẫn dắt, sự đầu tư rất lớn của đất nước về âm nhạc cổ điển và sự phát triển công nghệ, thị hiếu ủng hộ cho âm nhạc điện tử và một lớp trẻ chưa từng nghe nhạc Jazz. Không ai có thể cạnh tranh với điều khó như thế.
Tuy nhiên, nhạc Jazz tự thân đã chứng minh sức sống của nó. Tôi hiểu được điều này khi bắt đầu mở câu lạc bộ Jazz. Nhạc Jazz không cần phải cạnh tranh.
Saxophone Quyền Văn Minh: Nhạc Jazz không cần phải cạnh tranh!
Việc kinh doanh Jazz Club của ông thế nào?
Nhiều người bạn từng nói rằng tôi đang "tìm tới con đường chết" khi mở Jazz Club. Và không may là năm 1997, Jazz Club đầu tiên của tôi mở cửa vào tháng 7 thì đóng cửa tháng 12.
Sau thất bại đó, tôi đóng cửa và xem một đống phim chưởng. Trong những bộ phim, chính luôn thắng tà. Chính quãng thời gian đó đã là cảm hứng để tôi đã viết bài Sống hay là Chết và in trong đĩa nhạc cá nhân năm 1999. Tiếng kèn đám ma được sử dụng làm chất liệu chính của chủ đề 1 của bản nhạc.
Năm 2001, khi những người bạn Nhật nghe được bài này, họ thắc mắc về sự ma mị của bản nhạc. Tôi giải thích ý nghĩa của bài nhạc rằng: Nếu như anh đang sống mà không ai để ý thì cũng coi như anh chết rồi. Khi anh đã chết mà nhiều người vẫn quan tâm và nhớ đến anh thì anh còn sống mãi.
Đó là một triết lý đơn giản và những người Nhật rất tán thưởng ý nghĩa đó. Tôi nghĩ, sức sống của âm nhạc nằm ở chính ý nghĩa nhân văn của nó.
Cuộc sống Jazz so với các nghệ sĩ khác có gì khác biệt?
Nhạc Jazz đòi hỏi kỹ thuật chơi cao hơn so với nhiều thể loại khác. Và tốc độ phát triển nhạc Jazz trên thế giới rất nhanh. Đó là một điều rất khủng khiếp đối với nghệ sĩ Jazz đích thực. Bởi nếu có tham vọng đuổi theo tốc độ phát triển của Jazz thế giới thì sẽ không bao giờ kịp.
Vì bản sắc dân tộc, tôi rẽ ngang sang một lối khác của nhạc Jazz. Tôi lựa chọn standard Jazz – Jazz kinh điển, nó không đòi hỏi quá nhiều về tốc độ và kỹ thuật mới. Tôi khai thác kho tàng âm nhạc dân gian là chất liệu gốc. Tôi vẫn chơi nhạc để duy trì, tích tụ và phát triển ra những bản sắc riêng của dân tộc.
Ông có ước mơ gì với nhạc Jazz Việt Nam?
Nhạc Jazz xuất phát từ bản năng của người da đen. Âm nhạc là sức sống tự thân. Ban ngày họ đi lao động, họ hát hò để quên mệt nhọc. Đêm về họ đốt lửa lên, hát hò để lấy lại tinh thần. Tôi kính trọng lịch sử nhạc Jazz. Vì thế mà coi tất cả khó khăn mà tôi đang trải qua là bé tí.
Tôi có ước mơ là từ nay đến cuối đời có thể viết nhạc về tất cả các dân tộc Việt Nam. Hiện nay, tôi mới viết một chút về dân tộc Mông, Thái , Tây Nguyên, đồng bằng quan họ. Đó là thành tích của tôi dành cho bản thân và cũng là vốn cho các học trò. Điều tôi muốn làm không dễ. Nhưng tôi còn năng lượng, còn sức khỏe. Tôi vẫn nghĩ, vẫn diễn, đi dạy hàng ngày và viết nữa viết nữa.
Trí Thức Trẻ