SHB tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Nhơn Ái, được thành lập vào ngày 13/11/1993 tại huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ với số vốn ban đầu chỉ 400 triệu đồng. Ngay từ khi mới đi vào hoạt động, phương châm của ngân hàng cũng giống như cái tên "Nhơn Ái" là cung cấp các dịch vụ trên tinh thần tình người đối xử với nhau thân ái, yêu thương, tránh tình trạng cho vay nặng lãi tại thời điểm lúc bấy giờ.
Bước ngoặt của ngân hàng xuất hiện vào năm 2005 khi ông Đỗ Quang Hiển đến gặp ông Trần Ngọc Linh (vị chủ tịch đầu tiên của SHB) để bàn chuyện hợp tác. Thời điểm đó có nhiều tập đoàn "nhòm ngó" Nhơn Ái nhưng ông Trần Ngọc Linh đã đặt niềm tin vào doanh nhân Đỗ Quang Hiển.
Thời điểm đó, rất nhiều tập đoàn kinh tế đến đặt vấn đề và góp vốn với Ngân hàng Nhơn Ái nhưng đều không thành công. Đến khi gặp ông Hiển, ông Linh đã thấy được sự tin tưởng, yên tâm và quyết định đặt vào tay ông Hiển Ngân hàng Nhơn Ái – nơi gắn bó gần như máu thịt của mình. "Tôi chọn ông Đỗ Quang Hiển. Thứ nhất là tâm của ông Hiển yêu mến ngân hàng. Thứ hai là ông Hiển có tầm nhìn, có thể nâng Ngân hàng Nhơn Ái phát triển thành một ngân hàng lớn." – Ông Trần Ngọc Linh nhìn lại.
Quả thực, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển, SHB đã chuyển đổi mô hình hoạt động từ ngân hàng nông thôn sang ngân hàng đô thị và hiện trở thành một định chế lớn, nằm trong Top 5 Ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam. Những thành quả và sự phát triển của SHB trong 18 năm qua là minh chứng rõ nét cho thấy niềm tin của ông Trần Ngọc Linh đã đặt đúng người, đúng chỗ và thể hiện sự vươn mình đầy ngoạn mục của nhà băng này.
Để hiểu hơn về cội nguồn sức mạnh đã biến SHB từ một nhà băng không tên tuổi trở thành một định chế lớn, uy tín trong và ngoài nước, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tổng Giám đốc SHB – Bà Ngô Thu Hà nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng này.
Là người có thời gian gắn bó với SHB từ giai đoạn chuyển mình ban đầu và là cầu nối giữa các thế hệ, bà có cảm nhận gì khi là người chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của SHB?
Tôi có duyên công tác tại SHB từ 2008, là một trong những lớp cán bộ đầu tiên làm việc tại trụ sở Hà Nội, khi đó đặt tại phố Thái Hà. Tôi rất vinh dự và tự hào khi được chứng kiến sự phát triển của SHB trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi SHB chuyển đổi thành ngân hàng đô thị và có mục tiêu chiến lược phát triển rất rõ ràng, thể hiện ngay từ chính tên gọi Sài Gòn - Hà Nội, trải dài theo chữ S của Việt Nam.
Gần đây, tôi vừa có dịp về thăm trụ sở giao dịch đầu tiên của Nhơn Ái, bây giờ là PGD Phong Điền. Gặp anh chị em rất vui và được anh chị em kể chuyện hồi xưa đi làm tín dụng bằng vỏ lãi (xuồng nhỏ) để đi thẩm định, cho vay vì trước mặt là sông, rạch. Tôi rất cảm động vì thấy anh chị em rất tâm huyết và yêu ngân hàng, yêu SHB. Có những người công tác tại PGD Phong Điền từ lúc ra trường cho tới khi về hưu.
Đó là thế hệ từ những ngày đầu tiên thành lập và vẫn gắn bó cho đến bây giờ, không chỉ tại Cần Thơ mà còn rất nhiều CBNV trên toàn hệ thống SHB, từ Bắc tới Nam. Phải thực sự yêu tổ chức của mình thì mới có thể gắn bó được như vậy. Các anh chị luôn sống vui, lạc quan khi làm việc tại SHB, hết tâm hết sức, tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho công việc chung.
Bản thân tôi cũng đã gắn bó 15 năm với SHB, cảm nhận được sự yêu thương và tự hào ấy từ chính bản thân mình cũng như từ các anh chị em, các bạn nhân viên, thế hệ này nối tiếp thế hệ sau… Quan trọng nhất tại SHB, dù ở thế hệ nào thì mọi người đều rất yêu tổ chức, yêu ngân hàng. Giá trị văn hóa rất lớn ở SHB là sự nhân văn, tấm lòng yêu thương xuất phát từ tâm, từ trái tim cho đến mọi hành động, lời nói và việc làm của mình để làm sao đóng góp được vào sự phát triển của tổ chức. Văn hóa nhân văn ấy dù là ở tổ chức hay chính trong cuộc sống gia đình, xã hội đều thành công. Vì mọi thứ đều xuất phát từ trái tim, từ tâm.
30 năm xây dựng và phát triển, SHB cũng đã trải qua nhiều thăng trầm. Song nhờ những chiến lược phát triển rất rõ ràng trong hoạt động kinh doanh của Hội đồng quản trị mà SHB đã đạt được vị thế như ngày hôm nay: từ một ngân hàng nông thôn với vốn điều lệ 400 triệu đồng chính thức chuyển lên ngân hàng đô thị, sau đó là quá trình nâng vốn theo quy định cho đến bây giờ là gần 37.000 tỷ đồng.
Điều bà cảm thấy ấn tượng nhất trong văn hóa của "người SHB" là gì?
Đó là tinh thần cầu thị và đổi mới. Không phải chỉ bây giờ mà tại SHB luôn luôn tồn tại tinh thần cầu thị và đổi mới: "Chúng ta không già mà phải luôn giữ tinh thần trẻ, trẻ sáng tạo, trẻ nhiệt huyết và luôn có niềm tin, tình yêu với tổ chức và xã hội nói chung. Luôn nhận thức và sẵn sàng đổi mới thì mới phát triển được".
Chính sự đổi mới không ngừng đã tạo nên SHB ngày hôm nay. Sự đổi mới bắt nguồn từ định hướng chiến lược ngay từ câu chuyện nhận sáp nhập Habubank. SHB là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam thực hiện nhận sáp nhập một ngân hàng khác và là thương vụ duy nhất đến hiện nay khi có thể sáp nhập thành công 2 ngân hàng cùng niêm yết trên sàn chứng khoán (khi ấy là HNX), có quy mô vốn điều lệ, mạng lưới, nhân sư tương đương, Đó là một thương vụ ngoạn mục.
Nhiều thương vụ sáp nhập, tiếp quản khác có màu sắc, đặc thù riêng nhưng chúng tôi tự tin là đã thành công vì đến nay, gần như tất cả các cán bộ nhân viên Habubank vẫn ở lại gắn bó với SHB. Đó là cuộc sáp nhập rất thành công từ con người, từ tác động xã hội và sau đó là sự phát triển.
Thế hệ trẻ cũng thấm nhuần tinh thần và văn hóa đó. Các bạn trẻ bây giờ rất giỏi, rất đa tài, rất nhiệt huyết, nhiều sáng tạo và cái mới.
Tổng hòa sức mạnh giữa 2 thế hệ, hàng ngày, hàng giờ người SHB vẫn không ngừng sáng tạo, cùng với sự quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn sẽ tạo nên sự kết hợp tuyệt vời để SHB tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Sau khi trở thành một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam, mục tiêu tiếp theo của SHB là gì, thưa bà?
Trong chiến lược phát triển trong giai đoạn 2022-2027, SHB đặt mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả, áp dụng các công nghệ hiện đại hàng đầu và là ngân hàng số được yêu thích nhất. Để đạt được mục tiêu đó, SHB tập trung vào 4 trụ cột: (1) Đổi mới thể chế, cơ chế; (2) Lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm; (3) Con người là chủ thể; (4) Nền tảng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Với mục tiêu đã đề ra, SHB sẽ có những bước đột phá thúc đẩy mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả. Quy mô của SHB ngang tầm các tổ chức lớn khác nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng. Đây cũng là điều trăn trở của Ban Lãnh đạo và các anh chị em ngân hàng.
Câu chuyện về hiệu quả cũng có nhiều nguyên nhân khách quan như khoảng thời gian 10 năm SHB phải tập trung xử lý những tồn tại hậu nhận sáp nhập. Tuy nhiên đến bây giờ, khi câu chuyện xử lý những tồn tại cơ bản hoàn thành theo đề án đã báo cáo lên Chính phủ và NHNN thì hành trình tiếp theo sẽ là bước dậm đà đổi mới, đột phá trong hoạt động kinh doanh để SHB ngày càng phát triển mạnh mẽ, phù hợp và xứng với quy mô mình đang có.
Việc phát triển cũng phải chia thành nhiều giai đoạn, và triển khai từng bước, an toàn, bền vững chứ không "cá chép hóa rồng" – tăng trưởng đột biến ngay được. Song, phải có những mục tiêu thách thức và khát vọng, phải có áp lực thì mới phát triển được.
Với 4 trụ cột đã đề ra, SHB sẽ phải đổi mới từ cơ chế thể chế, bộ máy tổ chức mà trong đó, CBNV là chủ thể quan trọng. Chúng tôi sẽ thực hiện nhiều hơn nữa các chương trình để nâng cao giá trị của CBNV, nâng cao kỹ năng, năng lực, kiến thức, quan hệ nội bộ và quan hệ xã hội
Ngay trong những ngày đầu tháng 11, SHB đã tổ chức thành công INNODAY – Ngày hội đổi mới, sáng tạo SHB với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Triển lãm sáng kiến, cải tiến của người SHB, vòng chung kết cuộc thi "Từ Tâm dụng Trí" với 6 đội thi xuất sắc…Chỉ trong 3 tháng phát động, cuộc thi "Từ Tâm dụng Trí" đã nhận về gần 350 ý tưởng, sáng kiến, cải tiến trong hoạt động kinh doanh hàng ngày từ tất cả các đơn vị trong hệ thống.
INNODAY thể hiện sự coi trọng đối với việc phát triển nhân tài của SHB, luôn đổi mới tìm tòi sáng tạo của CBNV và các chiến lược định hướng của BLĐ cho việc đóng góp vào sự phát triển.
Ở SHB, không phân biệt người già người trẻ mà luôn kết nối với nhau chặt chẽ, luôn tôn trọng, lắng nghe mọi sáng kiến, cải tiến.
Bên cạnh yếu tố con người, nền tảng nguồn vốn là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của mỗi ngân hàng. Là một trong những ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, SHB có kế hoạch mở rộng thêm quy mô nguồn vốn trong thời gian tới hay không, thưa bà?
SHB đã trải qua giai đoạn 10 năm tích lũy, hoàn thành xử lý các tồn tại trước đây và sẵn sàng cho giai đoạn bứt phá.
Nhận sáp nhập Habubank vào tháng 8/2012 và đến 2016, SHB tiếp tục nhận sáp nhập Vinaconex - Viettel, sau đó thành lập Công ty tài chính tiêu dùng SHBFinance. Là ngân hàng duy nhất nhận sáp nhập cả ngân hàng và công ty tài chính thực sự rất vất vả, vừa phải đối mặt nhiều biến động của thị trường đồng thời chúng tôi cũng phải gồng mình, cố gắng hết sức để giải quyết. Vì các tổ chức sáp nhập sẽ có những tồn tại bất cập mà mình phải cùng với họ để giải quyết. Và khi giải quyết những tồn tại như vậy thì mình phải dành nguồn lực trong đó có nguồn lực từ hoạt động kinh doanh.
SHB vừa xử lý các tồn tại, vừa tích lũy nội lực để quá trình hoạt động đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững.
Do đó, việc tăng vốn đối với ngân hàng là rất quan trọng nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo chuẩn quốc tế. Điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển của HĐQT: mở rộng hoạt động ra nước ngoài và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các định chế, tổ chức quốc tế.
Chi nhánh SHB ở Campuchia và Lào
Về mạng lưới, SHB là ngân hàng cổ phần đầu tiên có chi nhánh ở cả Lào và Campuchia và sau đó thành lập ngân hàng con tại 2 quốc gia tại Đông Dương, mở Văn phòng đại diện tại Myanmar và có kế hoạch vươn xa hơn nữa ra các thị trường châu Úc, châu Âu, châu Phi nhằm mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm. Nơi đâu khách hàng cần, nơi đâu có yêu cầu của khách hàng là chúng ta sẽ phục vụ. Đương nhiên, việc mở rộng cũng phải đáp ứng điều kiện các nước và các quy định khác.
Trong một vài năm gần đây, khi nền kinh tế gặp khó khăn thì chiến lược kinh doanh cũng cần thận trọng hơn. Trong những giai đoạn khó khăn nhất, SHB vẫn nỗ lực đồng hành cùng khách hàng, tổ chức nhiều cuộc họp với các Hiệp hội, doanh nghiệp nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ, giúp khách hàng phục hồi.
Được biết, SHB đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Định hướng lựa chọn cổ đông chiến lược của SHB là gì, thưa bà?
SHB vẫn luôn tìm các cổ đông chiến lược là các tổ chức, định chế tài chính quốc tế song do ảnh hưởng bởi Covid-19 nên đã có một khoảng thời gian gián đoạn. Hiện SHB vẫn đang tích cực xúc tiến, trao đổi, làm việc với các đối tác nước ngoài.
Tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược của SHB là các tổ chức, định chế tài chính: thứ nhất là "môn đăng hộ đối", có cùng quy mô trở lên, có uy tín, năng lực tài chính tốt; đáp ứng các quy định chặt chẽ của NHNN; có chiến lược đầu tư ra nước ngoài rõ ràng và có thế mạnh riêng để cùng nhau phát triển…
Đặc biệt nhiều đối tác mạnh về digital banking ở châu Á cũng đang đặt vấn đề với SHB để cùng phát triển. Họ có thể đem những thế mạnh của mình để giúp SHB cung cấp các sản phẩm cho khách hàng tốt hơn nữa, thu hút khách hàng về SHB, giao dịch tại SHB nhiều hơn, qua đó mang lại nhiều lợi ích hơn.
Là một trong những ngân hàng cổ phần lớn nhất trên sàn chứng khoán, SHB đã mang lại cho cổ đông những giá trị gì, thưa bà?
Theo thống kê, SHB là thuộc Top đầu các doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn nhất với hơn 70.000 cổ đông.
Cổ đông là người đồng hành với mình, ủng hộ mình thì mình phải làm cho cổ đông yên tâm, tin tưởng vào sự phát triển của ngân hàng. Do đó, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất, SHB luôn đảm bảo lợi ích của cổ đông thông qua việc chi trả cổ tức đều đặn hàng năm với tỷ lệ tăng dần từ 7% đến nay là 18% theo tốc độ phát triển bền vững của ngân hàng.
Với cán bộ nhân viên của SHB thì sao?
Thứ nhất, có thể khẳng định, thu nhập của SHB ở mức hấp dẫn trên thị trường. Do đó, tỷ lệ nhảy việc của SHB luôn thấp nhất thị trường. Đó là minh chứng cho thấy anh chị em gắn bó vì yêu tổ chức và thấy phù hợp với mình.
Thứ hai và quan trọng nhất là Văn hóa nhân văn của SHB chính là chất keo gắn bó giữa các cán bộ nhân viên ở lại. Đó là sự đoàn kết, chia sẻ yêu thương từ Ban Lãnh đạo đến nhân viên, giữa đồng nghiệp với nhau ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất.
Thứ ba, trong tất cả chiến lược, nâng cao giá trị nguồn nhân lực luôn được SHB coi trọng đầu tư, hướng đến và thực thi. Giá trị các bạn được nâng lên là niềm vui và thành công của SHB.
Đó cũng là những đánh giá thực tế khi các tổ chức quốc tế trực tiếp vào khảo sát tại SHB. Tạp chí hàng đầu về nhân sự tại châu Á HR Asia đã 3 lần vinh danh Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) là "Nơi làm việc tốt nhất châu Á năm 2023, Asia Awards Organization công nhận SHB có "Thiết kế nội thất không gian làm việc xuất sắc nhất châu Á" 2023.
SHB cũng nhận được sự đánh giá và sự tín nhiệm cao từ các định chế tài chính quốc tế WB, IFC, ADB, JICA... và là ngân hàng phục vụ và cho vay lại từ các tổ chức đó với giá trị lên tới gần 3 tỷ USD, có thể nói là hàng đầu trong các ngân hàng cổ phần.
Để có sự tin tưởng của các tổ chức này, SHB phải đạt được những tiêu chuẩn quốc tế ở nhiều mặt như Quản trị rủi ro, Quản trị điều hành, trong đó có nhân tố nguồn nhân lực, môi trường làm việc. Thậm chí, các tổ chức, định chế quốc tế lớn còn kế hoạch đầu tư vào SHB với vai trò cổ đông.
Bà muốn gửi gắm thông điệp gì cán bộ nhân viên tại SHB khi ngân hàng chuẩn bị bước sang tuổi 30?
Từ trước tới nay, SHB luôn trong tâm thế đổi mới để phát triển. Sau một thời gian tích lũy, SHB đã có nền tảng vững chắc để bứt phá, là điều kiện để công cuộc chuyển đổi bây giờ mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn.
Cùng với sự biến động không ngừng của thị trường, của xã hội, SHB phải chuyển đổi chính mình để bắt kịp sự phát triển của thị trường, vươn lên bứt phá. Tại SHB, chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện ở khắp mọi nơi, bắt đầu từ tư duy mỗi người, từ lãnh đạo đến mỗi cán bộ nhân viên. Tự mình phải tự nhận thức được những việc làm hàng ngày của mình đã thực sự đổi mới hay chưa, đem lại sự khác biệt với ngày hôm qua chưa, ngày mai có kế hoạch gì để tạo sự khác biệt với hôm nay. Điều đó mới thể hiện được kết quả rõ nét của sự chuyển đổi, mới đạt được mục tiêu, khát vọng thách thức đã đặt ra.
Sự chuyển đổi ở SHB còn là sự kết hợp chặt chẽ xuyên suốt từ 4 trụ cột: (1) Đổi mới thể chế, cơ chế; (2) Lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm; (3) Con người là chủ thể; (4) Nền tảng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đây sẽ là những nền tảng chủ chốt giúp SHB trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả, áp dụng các công nghệ hiện đại hàng đầu và là ngân hàng số được yêu thích nhất.
Tại mốc son 30 năm SHB, với quyết tâm cao độ của toàn thể Ban Lãnh đạo và CBNV, SHB đã sẵn sàng chuyển đổi toàn diện để chinh phục những đỉnh cao mới. Chúng ta kiên định theo mục tiêu đã đặt ra, quản lý thực thi theo mục tiêu; Gắn kết lợi ích và sự phát triển của ngân hàng với lợi ích, sự phát triển của từng cá nhân; Hành động quyết liệt trong từng công việc, lời nói cần đi đôi với hành động, hành động cần đem lại kết quả; Lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau để tạo điều kiện phát huy các ý tưởng sáng tạo đổi mới; Phát huy nội lực, vận dụng sáng tạo theo môi trường, điều kiện kinh doanh đặc thù của từng đơn vị, từng địa bàn; Phát huy tinh thần đoàn kết và văn hóa doanh nghiệp theo 6 giá trị cốt lõi "Tâm – Tin – Tín – Tri – Trí – Tầm".
Tin rằng với sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của toàn thể các thành viên, trong chặng đường chuyển đổi sắp tới, SHB sẽ tiếp tục phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả, từng bước vươn tầm khu vực và thế giới.
Xin cảm ơn chia sẻ của bà và xin chúc SHB bước sang tuổi 30 với thật nhiều thành công!
Tổ Quốc