Năm 2020, Parasite làm nên lịch sử khi trở thành bộ phim Hàn Quốc - và cũng là phim tiếng nước ngoài đầu tiên - đoạt giải Phim xuất sắc nhất tại Oscar. Ngành công nghiệp làm phim ở Hàn Quốc vốn đã phát triển rất mạnh mẽ từ lâu, nhưng Parasite đã là cái tên đặt ra một kỷ nguyên mới cho phim Hàn - kỷ nguyên “toàn cầu hóa”. Từ thời khắc đó, khán giả thế giới có cái nhìn khác về phim Hàn Quốc, và ai cũng chờ đợi một cơn sốt toàn cầu mới, tiếp nối những thành công mà Parasite đã đặt ra. Không lâu sau, Squid Game ra đời - một cơn sốt chưa từng có của làng phim truyền hình Hàn Quốc khiến những khán giả hờ hững nhất cũng phải lật đật mở Netflix để không bị “lỡ trend”. Vì sao mà Squid Game - một bộ phim bạo lực với những chi tiết đậm chất Hàn - lại có thể đứng top 1 ở hơn 90 quốc gia khắp thế giới?
Squid Game là một bộ phim tốn hơn 10 năm để sản xuất, với ý tưởng năm lần bảy lượt bị từ chối. Đạo diễn Hwang Dong Hyuk nghĩ ra bộ phim khi cuộc sống của ông rơi vào tình cảnh túng thiếu, nợ nần đủ đường. Khoảnh khắc ấy, trong đầu ông vụt qua suy nghĩ “Nếu có một trò chơi nguy hiểm nào với phần thưởng khổng lồ, chắc chắn mình sẽ tham gia”. Ý tưởng tiền đề về Squid Game - cộng với sự ảnh hưởng từ nền văn hóa manga Nhật Bản - được ông nuôi dưỡng suốt nhiều năm trời cho đến khi Netflix gật đầu.
Không thể phủ nhận phim sinh tồn là một thể loại ăn khách. Trên khắp thế giới, dòng phim này đã sản sinh ra rất nhiều cái tên xuất sắc như Ready or Not, A Quiet Place, Gravity hay The Revenant… Việc tính mạng con người bị đẩy tới bờ vực, rơi vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” dễ dàng khiến người xem hồi hộp và tò mò. Cách các nhân vật phản ứng, thích ứng và tìm cách sống còn cũng là một yếu tố đắt giá khiến phim sinh tồn luôn có chỗ đứng riêng trong thế giới phim ảnh đa dạng. Thậm chí, có những hành trình sinh tồn, tìm cách sống còn khiến khán giả thở gấp, run rẩy còn hơn cả phim kinh dị.
Battle Royale là một bộ phim sinh tồn được coi là “kinh điển” của thế loại này. Tác phẩm này gây chấn động và xuất sắc đến nỗi giờ đây, cái tên của nó được sử dụng để gọi riêng cho một thể loại nhỏ hơn trong phim sinh tồn sinh tồn. Từ đó, người ta thường gọi battle royale là thể loại phim khi các nhân vật phải giết nhau để tìm ra 1 người sống sót cuối cùng. Squid Game chính là một bộ phim mang tính chất rất đặc trưng của thể loại battle royale.
Xét theo nhiều phương diện, khó có thể coi Squid Game là một tác phẩm xuất sắc, trọn vẹn ở mọi mặt. Tuy nhiên bất chấp nhiều tranh cãi và chê bai, series sinh tồn xứ Hàn này lại chạm tới những thành tích phim Hollywood còn phải chật vật. Một trong những lý do góp phần lớn nhất cho thành công của Squid Game, có thể coi là cách chủ đề sinh tồn đã được biến tấu và phát triển theo phong cách “vừa riêng vừa đại trà”, có nét độc đáo nhưng cũng phù hợp với thị hiếu đám đông. Những khán giả không dám xem phim ở mức “hardcore” với “đầu rơi máu chảy” như Battle Royale hay As the Gods Will vẫn có thể thưởng thức phần lớn Squid Game.
Có thể nói Squid Game là một phiên bản Battle Royale được “ngào đường” bên ngoài. Xuyên qua phần hiệu ứng thị giác bắt mắt, các “đấu trường” cầu kỳ, những trò chơi tuổi thơ và dàn diễn viên cứng cáp, Squid Game vẫn là mang đến sự tàn khốc, vẫn khiến người xem phải đặt ra câu hỏi về nhân sinh quan, trật tự xã hội.
Xét về phần ý tưởng của các trò chơi hay concept đấu tranh sống còn, Squid Game có lẽ còn thua kém nhiều bộ phim đến từ xứ Nhật. Đó cũng là lý do nhiều khán giả theo dõi Squid Game với kỳ vọng thưởng thức những màn đấu trí hay các pha hành động nảy lửa đều ít nhiều thất vọng. Tuy nhiên, các bộ phim Nhật Bản vẫn thường gặp vấn đề khi tiếp cận khán giả quốc tế, chủ yếu ở cách thể hiện dễ bị gọi là “giả trân” hay quá khác biệt so với các quy chuẩn diễn xuất thường thấy. Chính vì thế, Squid Game cho dù còn có nhiều thiếu sót (lại còn dính thêm lùm xùm “copy ý tưởng”) thì vẫn là một sản phẩm dễ tiêu thụ, dễ “ngấm” hơn cho khán giả đại chúng.
Dòng phim battle royale luôn nổi tiếng với cách tác giả xây dựng một thế giới mới tách xa hiện thực. Những thế giới “phản địa đàng” (dystopia) như của The Hunger Games hay Alice in Borderland phát huy tốt tác dụng của mình khi tác giả có thể thoải mái sáng tạo, phóng tác những trò chơi, đường đi nước bước điên cuồng nhất mà không vướng phải rào cản logic thông thường. Bất ngờ thay, Squid Game đi theo hướng ngược lại: trò chơi sinh tử trong phim là một trò lén lút, diễn ra ngay giữa xã hội ngày nay. Nhiều lần, nhà sản xuất không ngần ngại kéo khán giả về với thực tại – cho dù phim có đang hoang đường đến mức nào đi chăng nữa. Squid Game khiến khán giả phải băn khoăn: liệu ở đâu đó trên thế giới này, có một “Squid Game” tương tự đang xảy ra hay không?
Với mô hình phim dài tập, Squid Game thoải mái mang tới những câu chuyện, những mặt cắt tâm lý đặc sắc của dàn nhân vật đã được điêu khắc tỉ mỉ. Những tập phim điển hình như Hell (khi các nhân vật bị trả về thế giới thực) hay Gganbu (khi mọi người đối đầu trong trò bắn bi) không khiến khán giả phải “tim đập chân run” vì trò chơi tử thần, nhưng người xem vẫn dễ dàng sởn da gà vì sự khốc liệt, sự đau đớn đến cùng cực ở mặt tâm lý. Chuyện sinh tồn trong Squid Game không chỉ diễn ra trong khuôn khổ trò chơi. Với những người khổ sở ở tầng lớp cuối cùng trong xã hội, mỗi ngày họ tồn tại đã là một cuộc chiến sinh tồn.
Yếu tố thực tế chính là điểm khiến khán giả dễ kết nối, dễ cảm nhận Squid Game nhất. Từ ý tưởng về mô hình các trò chơi cho tới những vấn đề xã hội nhức nhối mà phim đặt ra, khán giả dễ dàng liên hệ được Squid Game với thực tế. Đây là điểm ít bộ phim sinh tồn nào có thể làm được. Sự phân chia giai cấp, phân biệt giới tính, tham nhũng... hiện lên trong thế giới bắt mắt của Squid Game vừa hư vừa thực, vừa đủ tính giải trí để khán giả bị cuốn vào phim, nhưng cũng đủ tính thời sự để người ta phải suy ngẫm.
Trong một bài phỏng vấn, chính đạo diễn Hwang Dong Hyuk đã chia sẻ rằng lý do Netflix chấp nhận đầu tư sản xuất Squid Game là do chủ đề phân chia giai cấp đang ngày càng trở nên trầm trọng – nhất là từ thời điểm đại dịch Covid-19 ập tới.
Như một đứa trẻ phải pha đường vào thuốc đắng, khán giả đại chúng vẫn luôn hài lòng khi nhìn thấy một thứ gai góc được gói ghém trong vẻ ngoài dễ thương, bắt mắt. Squid Game vì vậy mà là một Battle Royale ngọt ngào, dễ nuốt hơn nhưng không vì thế mà mất đi sự sâu sắc xuyên suốt.
Có lẽ ngay cả Netflix lẫn các diễn viên, ekip làm phim đều không ngờ được mức độ thành công và viral của Squid Game. Bộ phim này trở thành cái tên top 1 ở hơn 90 lãnh thổ quốc gia có Netflix, phụ đề được dịch sang 37 thứ tiếng và được lồng tiếng sang 34 ngôn ngữ khác. 9 ngày sau khi phim ra mắt, ông Ted Sarandos - đồng chủ tịch của Netflix đã khẳng định Squid Game đang trên đà trở thành phim nói tiếng nước ngoài thành công nhất của hãng. Thậm chí, ông khẳng định phim có cơ hội vượt qua Bridgerton để trở thành cái tên thành công nhất của Netflix.
Không thể phủ nhận mức độ viral của Squid Game trên mạng xã hội. Dạo quanh TikTok, Facebook, Twitter hay YouTube thời gian gần đây, dễ dàng thấy hàng trăm, hàng nghìn video lấy cảm hứng từ những trò chơi chết chóc của phim. Sức ảnh hưởng của Squid Game vượt ra khỏi thế giới mạng để tạo ảnh hưởng khủng khiếp trong đời sống thực. Khán giả đổ xô đến những trung tâm thương mại được trưng bày búp bê Young Hee của trò “Đèn đỏ, đèn xanh”, với mỗi đoạn video đều thu hút hàng chục, trăm nghìn lượt thích từ netizen khắp thế giới.
Nhờ Squid Game, đôi giày Vans trắng (món đồ các người chơi trong phim được dùng) cũng trở nên vô cùng đắt hàng, doanh số tăng 7800% - một con số quá khủng khiếp cho dù không có một màn quảng cáo lộ liễu nào xuất hiện trong phim. Không chỉ Vans được hưởng lợi từ Squid Game, mà các hãng bán giày trơn màu trắng trên khắp thế giới đều được tìm kiếm nhiều hơn 97% kể từ khi phim ra mắt.
Một trò chơi khác tạo ra cơn bão lớn trên mạng xã hội chính là trò “tách kẹo”. Trong Squid Game, thí sinh được phát những miếng kẹo đường được in chìm họa tiết. Nhiệm vụ của họ là phải tách được hình vẽ ra mà không làm vỡ nếu không muốn đối diện cái chết.
Trò tách kẹo này vốn là một trò chơi đường phố phổ biến tại Hàn Quốc xuất phát từ những năm 1950, nhưng trước giờ ít được để tâm. Thế nhưng kể từ khi Squid Game ra mắt, “cơn khát” cho món kẹo này cũng trở nên khủng khiếp hơn bao giờ hết. An Yong Hui – nghệ nhân làm kẹo đường cho Squid Game giờ đây chứng kiến lượng khách kỷ lục tìm đến sạp hàng của anh mỗi ngày. Chia sẻ với Reuters, An Yong Hui kể rằng anh còn khó có thể về nhà vì số lượng đơn đặt hàng quá lớn. Mỗi ngày sau khi phim chiếu, có hơn 500 đơn đặt món kẹo đường này ập về khiến anh “trở tay không kịp”. Không chỉ anh mà rất nhiều nghệ nhân, tiểu thương bán kẹo đường nhỏ lẻ tại Hàn Quốc cũng hưởng lợi không nhỏ nhờ cơn sốt Squid Game.
Tại Việt Nam, Squid Game thu hút sự chú ý khổng lồ của khán giả đại chúng. Dòng phim sinh tồn ở Việt Nam không quá phổ biến, thế nên ngay khi Squid Game ra mắt, bộ phim đã chạm tới sự thích thú của rất đông khán giả đại chúng. Dĩ nhiên, có thể thấy rất nhiều những cuộc tranh cãi nảy lửa trên MXH, những phân tích nhiều chiều về nội dung phim. Và điều đó càng giúp Squid nhận về sự tò mò và quan tâm tột độ của người xem. Dù vậy không ai có thể phủ nhận mức độ viral rộng rãi của bộ phim. Chỉ cần nhìn những tương tác cao chóng mặt của những video, bài viết liên quan tới trend Squid Game ở bất cứ một group cộng đồng, hay ngay cả những meme được cư dân mạng chế lan tràn khắp mạng xã hội - cũng đủ chứng minh Squid Game chính là bộ phim hot nhất thời điểm này.
Squid Game cũng là cơ hội đổi đời vô tiền khoáng hậu cho các diễn viên tham gia. Lee Jung Jae và Park Hae Soo - hai tài tử lão làng đảm nhiệm vai chính ở Squid Game cũng là người nằm ngoài “cuộc chơi Instagram” bấy lâu nay. Tuy nhiên, sức nóng của phim đã khiến hai nam diễn viên mở tài khoản Instagram rồi nhận về lượng follow choáng ngợp từ khán giả khắp thế giới. Dù vốn là những cái tên đình đám tại Hàn Quốc, thế nhưng phải nhờ Squid Game mà tài năng của họ mới được thế giới biết đến và công nhận. Tài khoản Instagram của Lee Jung Jae thu hút 1,3 triệu người follow trong vòng 1 ngày, trong khi hơn 750 nghìn người cũng ồ ạt bấm follow Park Hae Soo trong vòng 1 ngày.
Không chỉ tiếp nối thành công cho dàn diễn viên tên tuổi bao gồm Lee Jung Jae và Park Hae Soo, Squid Game còn là cơ hội đổi đời cho những gương mặt mới - điển hình là Jung Ho Yeon. Chỉ đóng 1 phim, nữ diễn viên, người mẫu sinh năm 1994 trở thành cơn sốt khắp thế giới, lượt follow trên Instagram tăng theo đơn vị hàng triệu mỗi ngày. Từ sao hạng C, cô trở thành sao hạng A của Kbiz chỉ trong ngắn ngày, độ nổi tiếng vượt qua cả thành tích đàn chị như Lee Sung Kyung hay Song Hye Kyo mất cả sự nghiệp để gây dựng. Có thời điểm, mỗi ngày Instagram của nữ diễn viên đều tăng thêm 1 triệu lượt follow. Tài năng và sự nổi tiếng của Jung Ho Yeon hậu Squid Game khiến hãng Louis Vutton cũng bổ nhiệm cô làm Đại sứ toàn cầu mảng Thời trang, Đồng hồ và Trang sức.
Không chỉ Jung Ho Yeon mà ngay cả các diễn viên phụ như Kim Joo Ryung (vai Mi Nyeo) hay Lee Yoo Mi (vai Ji Young) cũng “thăng hạng” ầm ầm trên mạng xã hội, được công chúng coi như những gương mặt tiềm năng của phim Hàn.
Thành công khủng khiếp của Squid Game là điều chưa có tiền lệ. Tài tử Lee Jung Jae chia sẻ rằng trước khi ra mắt, ông chỉ mong phim thể hiện ổn. Những cái tên trước đây của Netflix Hàn như Kingdom, Extracurricular, Sweet Home hay D.P. đều có sự thể hiện khá - được đánh giá cao nhưng không quá bùng nổ ở các nước khác. Đó là chưa kể kịch bản của Squid Game đã bị từ chối suốt hơn chục năm bởi biết bao nhiêu hãng phim, nhà đài vì quá kỳ dị, bạo lực. Chính vì vậy, sự bùng nổ bất ngờ của bộ phim sinh tồn này cũng khiến không ít người thắc mắc, tò mò.
Thành công bùng nổ của Squid Game bên cạnh chất lượng nội dung, còn có thể kể đến 2 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là may mắn, thứ hai là định hướng phát triển nội dung không-truyền-thống của Netflix Hàn Quốc đang ngày càng đổi mới bộ mặt phim giải trí đất nước này.
Không khó để nhận ra Netflix ôm tham vọng lớn khi rót 770 tỷ won (khoảng 680 triệu USD) để sản xuất nội dung tại Hàn Quốc từ 2016 cho tới 2020. Chỉ tính riêng trong năm 2021, hệ thống truyền hình trực tuyến này đã có ý định bỏ ra 550 tỷ won cho việc sản xuất phim ảnh Hàn (số tiền thưởng Squid Game đã là gì!).
Hơn ai hết, Netflix hiểu được tiềm năng cũng như nền văn hóa Hallyu khổng lồ của nền giải trí Hàn. Khác với những nhà đài truyền thống như KBS, MBC hay tvN, hệ thống này nuôi “tham vọng bá chủ” lớn hơn rất nhiều. Sau thành công của Parasite, có lẽ họ nhận ra rằng khán giả thế giới chấp nhận xem những thứ không-phải-Hollywood, nhưng nó cần phải phù hợp về chất lượng, nội dung. Những bộ phim do Netflix sản xuất cần có yếu tố đột phá để có thể được đem tiêu thụ tại các thị trường vốn chưa cởi mở với phim ảnh châu Á.
Nhờ thu hút khán giả ở khắp thế giới, Squid Game mới chạm tới sự thành công kinh hoàng như bây giờ. Những vấn đề được phim đả động - cho dù có nằm trong thế giới, văn hóa và ngôn ngữ Hàn Quốc thì vẫn mang sức ảnh hưởng quốc tế, khiến khán giả thế giới hiểu và đồng cảm. Squid Game dễ dàng bước qua rào cản của sự khác biệt văn hóa để khán giả toàn cầu nhận ra Hollywood-không-phải-là-tất-cả.
Sự “toàn cầu hóa” phim Hàn của Netflix mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà làm phim Hàn Quốc. Các tác phẩm được phát hành ở quy mô đa quốc gia cũng hiển nhiên nhận được khoản tiền đầu tư lớn hơn, mang đến chất lượng tương xứng. Kingdom có mức đầu tư gần 2 triệu USD cho mỗi tập, còn Sweet Home tiệm cận mức 3 triệu USD. Squid Game cũng nằm trong top những cái tên đắt giá nhất của truyền hình Hàn, với kinh phí được cho là gần 2 triệu USD cho mỗi tập. Những con số 2, 3 này đủ để sản xuất một bộ phim điện ảnh “bom tấn” tại Việt Nam. Tất nhiên mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng những con số này cũng cho thấy Netflix đang nghiêm túc trong cuộc chơi thay đổi bộ mặt truyền hình Hàn như thế nào.
Truyền hình Hàn Quốc đã đi rất xa từ cái thời “máu trắng” với “ung thư”, tình cảm sến rện. Các đài truyền hình cũng nỗ lực đổi mới, tạo ra những Itaewon Class, Step Up về chuyện khởi nghiệp, Something in the Rain về mối tình chị - em hay Penthouse 3 phần tiệm cận thể loại viễn tưởng. Thế nhưng phải tới Netflix, người ta mới thực sự nhận thấy phim Hàn có thể gai góc và hấp dẫn đến thế nào. Kingdom, Extracurricular, Sweet Home, D.P. hay mới nhất là Squid Game chính là đại diện cho một “kỷ nguyên” mới của phim Hàn khi đích đến là tất-cả-các-nước-trên-thế-giới, và một phần công sức không nhỏ thuộc về Netflix cùng cuộc chơi mang tính đổi mới của mình.
Pháp luật & bạn đọc