Vào một ngày mùa thu năm 1984, Tổng thống Mỹ thời đó Ronald Reagan đã cam kết sẽ đưa nước Mỹ hưng thịnh trở lại trong bối cảnh chiến tranh Lạnh ở vào thời kỳ cao điểm. Trong khi đó bên kia bờ Thái Bình Dương, Trung Quốc đang cố gắng gượng dậy sau thời kỳ bất ổn chính trị, xã hội lẫn kinh tế. Vậy làm sao mà một quốc gia đang lâm vào khủng hoảng ở châu Á giờ đây lại có thể trở thành mối đe dọa với nước Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới như những gì Nhà Trắng nói?
Mặc dù sau cuộc khủng hoảng đại cách mạng văn hóa, nền kinh tế Trung Quốc thời kỳ cuối thập niên 1990 đã có một số cải cách ở vùng nông thôn nhưng khoảng 3/4 dân số thời đó vẫn phải sống trong tình trạng đói nghèo. Chính sách bao cấp với sự phân công kinh tế từ chính phủ đã kìm kẹp thị trường kinh tế tự do. Các nhà máy cố gắng sản xuất cho đạt chỉ tiêu đề ra nhưng lại bán với bất kỳ mức giá nào được nhà nước quy định, qua đó khiến nền kinh tế mất đi những chức năng cơ bản của nó.
Tuy nhiên giờ đây, sau nhiều năm bùng nổ với sự giàu có của cả một thế hệ tầng lớp trung lưu, người Trung Quốc đã dần quên khó khăn mà cha ông họ đã phải trải qua cũng như những đường lối mà người đi trước đề ra. Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực, từ số lượng người sở hữu nhà, số người dùng Internet, số sinh viên đại học tốt nghiệp và thậm chí là cả số tỷ phú đóng góp cho toàn cầu. Các nhà khoa học của nước này còn đang tính đến chuyện đưa người lên mặt trăng, một minh chứng rõ ràng cho sự phát triển của công nghệ, kinh tế, xã hội.
Tỷ lệ nghèo đói theo các số liệu công bố của chính phủ đã giảm xuống dưới 1% và Trung Quốc đang vươn lên như một đối trọng mới của Mỹ tại châu Á, điều hiếm khi xuất hiện kể từ sau cuộc chiến tranh Lạnh. Giờ đây, điều khiến nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc quan tâm không phải là có đuổi kịp được các nước phương Tây hay không mà là làm thế nào để hãm đà tăng trưởng quá nóng.
Chính sự phát triển của thế giới đã tác động khiến Trung Quốc thay đổi. Trớ trêu thay, khi người Trung Quốc làm quá tốt, sự bùng nổ kinh tế tại đây đang tác động ngược trở lại thế giới và điều này đang tạo nên hàng loạt xung đột về ý thức, lợi ích tại các quốc gia khác.
Trung Quốc đang vươn mình là một điều đang diễn ra rõ ràng hiện nay. Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện một chính sách tích cực mở rộng ra nước ngoài nhưng lại thắt chặt quản lý trong nước. Hàng loạt tập đoàn Trung Quốc đổ tiền ra nước ngoài nhưng những công ty quốc tế lại khó kinh doanh tại thị trường hấp dẫn số 1 thế giới.
Chính điều này đã gây nên xung đột về ý thức hệ mà tiêu biểu là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng cuộc chiến thương mại cũng như hướng sự công kích về chính quyền Bắc Kinh.
Như một hệ quả tất yếu mà rất nhiều nhà sử học đã quá quen thuộc, sự vươn lên của một sức mạnh mới sẽ đe dọa sức mạnh cũ và xung đột là điều không tránh khỏi. Trong rất nhiều thập niên gần đây, Mỹ đã tích cực hợp tác với Trung Quốc cũng như thúc đẩy nền kinh tế này nhằm hưởng lợi từ thị trường đông dân nhất thế giới.
Trước Tổng thống Trump, 8 đời tổng thống tiền nhiệm đã hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế này với hy vọng việc người dân giàu lên sẽ tạo nên sự thay đổi về chính trị, xã hội, kinh tế. Qua đó, các công ty Mỹ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi nhu cầu tăng cao.
Trớ trêu thay, những gì mà các đời tổng thống Mỹ cố gắng làm đang trở thành công cốc khi chính quyền Bắc Kinh vẫn thiên vị các công ty địa phương hơn, đồng thời siết chặt kiểm soát nền kinh tế bất chấp những chỉ trích từ Phương Tây.
Điều đáng ngạc nhiên là sự siết chặt này lại không bóp nghẹt nền kinh tế. Sự đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp cũng như phát triển công nghệ tại Trung Quốc vẫn được tiến hành như vũ bão. Suốt 40 năm, Trung Quốc đạt được tăng trưởng bất chấp nhiều lần bị dự đoán là sẽ gặp khủng hoảng hay được các chuyên gia dẫn chứng theo lý thuyết là sẽ suy thoái.
Vào tháng 9/2018, Trung Quốc đã vượt qua Liên Xô để trở thành thể chế theo đường lối xã hội chủ nghĩa lâu nhất thế giới, đồng thời kỷ niệm 69 năm ngày lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Theo New York Times, dù Trung Quốc có lẽ chưa phải là nền kinh tế số 1 thế giới nhưng không ai có thể phủ nhận rằng đây là thị trường tăng trưởng tốt nhất toàn cầu trong vài thập niên trở lại đây.
Sau cuộc khủng hoảng đại cách mạng văn hóa, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ khó lòng vươn lên với những mất mát từ chiến tranh và bất ổn chính trị. Tuy nhiên người Trung Quốc đã làm được điều không tưởng đó và trớ trêu thay, thành quả này đạt được là nhờ sự trợ giúp không nhỏ từ phía Mỹ.
Nếu trước đây hành chính công và bộ máy nhà nước là một trong những nguyên nhân gây cản trở cho sự phát triển kinh tế thì giờ đây mọi thứ đã thay đổi. Hầu hết các địa phương của Trung Quốc đều cố gắng mở cửa và thu hút nhà đầu tư. Đánh giá của chính phủ với địa phương dựa vào những thành tích kinh tế mà họ đạt được. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng hiểu được rằng “lợi ích” khi thu hút đầu tư cao hơn rất nhiều so với việc tiếp tục chèn ép người dân nghèo bản địa.
Đây là lý do mà hầu như mọi quan chức địa phương giờ đây đều tuyên dương lợi thế của địa phương mình, hứa hẹn sẽ cải cách để các nhà đầu tư rót vốn vào nơi họ quản lý. Thành tích, quan lộ, lợi ích… đã thúc đẩy Trung Quốc có sự chuyển mình rõ rệt sau những năm tháng bị đè nén bởi sự quan liêu.
Năm 1991, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô là Mikhail Gorbachev đã hoàn toàn thất bại khi cố gắng mở cửa nền kinh tế và đến tận ngày nay, người Trung Quốc vẫn đang nghiên cứu tại sao ông thất bại cũng như những bài học mà họ có thể rút ra.
Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, thậm chí giờ đây Trung Quốc đang trở thành một nền kinh tế tiêu dùng với nhu cầu mua sắm ngày một tăng cao khi người dân có thu nhập. Tại những thành phố lớn như Thượng Hải, các học sinh Trung Quốc có thành tích không kém những trường nhất nhì thế giới. Trước đây phương Tây nghi ngờ Trung Quốc có thể phát triển với sự giới hạn của chính trị thì nay họ đã phải công nhận mình sai lầm.
Một trong những thành công tiêu biểu giúp Trung Quốc chuyển mình mà không mắc sai lầm như Liên Xô là chính sách “ném đá dò đường”. Họ thành lập những khu kinh tế đặc biệt, hoặc cho phép người nông dân bán nông sản nhưng chính phủ vẫn giữ quyền sở hữu đất đai, hay cổ phần hóa một phần nhỏ công ty quốc doanh.
Trong quá trình chuyển đổi này, nhiều tranh cãi và xung đột đã diễn ra nhưng chính quyền Bắc Kinh đã vượt qua được. Chính phủ Mỹ thời kỳ này cũng đóng vai trò giúp đỡ quan trọng khi đào tạo lượng lớn du học sinh cho Trung Quốc, đồng thời mở các dòng vốn đầu tư vào thị trường này.
Mặc dù những tệ nạn quan liêu, tham nhũng… bùng phát mạnh khi Trung Quốc chuyển mình nhưng với sự cẩn thận, chính quyền Bắc Kinh vẫn đưa được nền kinh tế vươn lên số 2 thế giới.
Bên cạnh đó, chính sách đầu tư mạnh cho giáo dục cũng giúp Trung Quốc chuyển mình thành công. Hàng loạt trường đại học và trung tâm giáo dục theo chuẩn quốc tế được thành lập hoặc nâng cấp để cung cấp nhân lực chất lượng cao cho cả chính phủ lẫn doanh nghiệp.
Hiện nay, hàng năm Trung Quốc đào tạo được nhiều kỹ sư hơn cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cộng lại.
Sự dồi dào về nhân lực khiến chính phủ Trung Quốc dễ dàng thay thế được những quan chức thiếu hiệu quả trong hệ thống. Theo New York Times, giờ đây hầu hết quan chức Trung Quốc hướng tới tăng nguồn thu từ thuế, thu hút đầu tư, làm giàu cho người thân, bạn bè và người dân địa phương. Kể từ đó họ được đánh giá cao về thành tích và thăng tiến. Những người không thể đem về được lợi ích như vậy sẽ nhanh chóng bị tập thể đào thải.
Tất nhiên, song song với đó là những bất cập khi chính quyền địa phương bỏ qua những tiêu chuẩn sống khác như ô nhiễm môi trường, vi phạm luật lao động, bạo hành nhân công, vi phạm an toàn chất lượng sản phẩm… Dẫu vậy điều đó chẳng quan trọng, mọi người tăng thu nhập và tất cả đều vui vẻ, trừ những người chịu thiệt từ những vấn nạn trên.
Hiện nay ngành tư nhân Trung Quốc sản xuất hơn 60% sản lượng toàn quốc và thuê tới hơn 80% lực lượng lao động. Họ cũng đóng góp tới 90% số việc làm mới hàng năm trên cả nước.
Với những thành công đó, không khó hiểu khi Trung Quốc dần trở thành đối trọng với nền kinh tế Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình những năm gần đây đã tăng cường hỗ trợ cho các tập đoàn quốc doanh cũng như nâng rào cản với công ty Mỹ. Chính quyền Bắc Kinh cũng đòi hỏi những doanh nghiệp nước ngoài tiết lộ bí mật công nghệ nếu muốn tiếp cận thị trường này.
Rõ ràng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng những công ty quốc doanh của họ đã thay đổi và đủ sức lãnh đạo nền kinh tế để cạnh tranh với Mỹ.
Vào tháng 12 tới đây, Trung Quốc sẽ kỷ niệm 40 năm ngày thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế. Giờ đây khi đã đạt được hàng loạt thành quả nhất định nhờ mở cửa thị trường, Trung Quốc đang tác động ngược lại các quốc gia khác.
Ngoài việc tác động gián tiếp khi là công xưởng của thế giới, Trung Quốc còn khiến phương Tây ngả mũ với hàng loạt công nghệ tiên tiến mà họ phát triển. Đó là chưa kể đến nguồn tiền cũng như nhân lực dồi dào mà quốc gia này đổ sang các thị trường khác thông qua con đường đầu tư hay du lịch.
Ngày nay, không một chuyên gia Phương Tây nào dám đánh giá thấp Trung Quốc. Vụ việc hãng thời trang Dolce & Gabbana bị tẩy chay tại thị trường này và phải chính thức lên tiếng xin lỗi cho thấy sức mạnh của nền kinh tế số 2 thế giới hiện nay ra sao.
Thậm chí khi cuộc xung đột thương mại đang diễn ra nhưng nhiều nhà máy vẫn không muốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc sau nhiều năm đầu tư. Rất nhiều trường hợp dịch chuyển sản xuất sang Thái Lan, Việt Nam, Indonesia rồi lại phải quay về Trung Quốc bởi ở đây họ có cả một hệ thống logistic, chuỗi sản xuất, nhân lực và nhiều nhà máy cung cấp khác mà ở các quốc gia khác không có.
Nhiều quan chức Mỹ hiện nay cho rằng Trung Quốc đang ăn cắp sự giàu có của họ khi ít nhất 2 triệu việc làm đã dịch chuyển khỏi Mỹ. Tuy nhiên chính nền kinh tế này đã góp công lớn khi đưa Trung Quốc vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO), rồi trở thành bạn hàng lớn nhất, nhà đầu tư lớn để rồi giờ đây phải than phiền rằng mình bị đánh cắp.
Trung Quốc không phải là nước duy nhất trên thế giới mở cửa nền kinh tế nhưng đây là một trong những thị trường mở cửa sớm nhất, với độ rộng lớn chưa từng có và đạt được kết quả đáng kinh ngạc.
Câu hỏi hiện nay đặt ra là liệu nền kinh tế này có duy trì được đà phát triển với vị thế là đối trọng thay vì bạn hàng như trước đây của Mỹ hay không?
Cuộc chiến thương mại hiện nay mới chỉ là điểm khởi đầu cho hàng loạt thách thức. Trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên truyền quan điểm sự hồi sinh của dân tộc Trung Quốc thì nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ đang có dấu hiệu “dìm” thị trường này khi bị đe dọa đến vị thế.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng nóng khiến người dân đòi hỏi nhiều hơn ở chính phủ. Ngoài thu nhập tăng, họ muốn không khí sạch hơn, thực phẩm an toàn hơn, thuốc tốt hơn, giáo dục hoàn thiện hơn, chống bất bình đẳng xã hội và tham nhũng… Tuy vậy, chính quyền Bắc Kinh hiện đang khó lòng giải quyết những yêu cầu này.
Thay vào đó, họ đang phải vất vả để duy trì nền kinh tế đang giảm tốc và một dân số ngày càng già hóa. Tất nhiên, người dân vẫn tin tưởng vào tầng lớp nhà lãnh đạo của họ với những lời như “thời kỳ mới đòi hỏi phương pháp mới”. Tuy vậy rõ ràng Trung Quốc đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức khi trỗi dậy là một đối trọng mới của Mỹ trong kinh tế, chính trị, quân sự và xã hội.
Tất nhiên, đà phát triển của Trung Quốc sẽ chưa chấm dứt. Tờ New York Times nhận định kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng gấp 10 lần Mỹ trong 40 năm qua và tỷ lệ này có thể tiếp tục là 2 lần trong tương lai gần. Chính quyền Bắc Kinh vẫn sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân khi làm tăng thu nhập của họ trong khi nhiều công ty đề nghị Tổng thống Trump nên đi đến một thỏa thuận với Trung Quốc thay vì làm gia tăng căng thẳng như hiện nay.
Trí thức trẻ