Khi thiếu tình thương, ta hay bám víu vào một thứ gì đó, như con mèo chẳng hạn. Khi đầy đủ tình yêu thương, ta sẽ chấp nhận để con mèo rời xa mình một chút.
Chắc là lúc tôi nghĩ: “Chao ôi, có một con người bên trong mình. Mình sẽ sinh ra và nuôi dạy một con người! Một con người! Nếu mình nấu một nồi cơm hỏng thì cùng lắm mình phải ăn một bữa cơm không ngon, nếu mình đầu tư một phi vụ hỏng - cùng lắm là mất tiền. Còn bây giờ là một con người, cả triệu thứ khác nhau!”. Nghĩ đến thế, tôi sợ lắm!
Ngày đó, tôi hay đi chùa. Tôi cầu khấn rất lâu, lắm lúc cả tiếng vẫn chưa xong. Cầu khấn từ ngoại hình cho đến sức khỏe của con, và thậm chí còn liệt kê một danh sách. Về sau, danh sách đó càng lúc càng ngắn. Giờ đây, tôi chỉ cầu mong mình có thể đồng hành với con, và con sẽ trở thành những người bình an và hạnh phúc nhất có thể.
Ừ ha, còn hơi một chiều nữa.
Có lần bạn tôi, tiến sĩ Phương Mai kể rằng cô ấy đã tự đặt câu hỏi: "Tại sao phải sinh con? Sinh con ra có thực sự tốt không?". Nghe vậy, tôi giật mình, tại sao 10 năm trước tôi không tự hỏi mình như vậy nhỉ?
Ngày ấy, mọi thứ xung quanh như cùng đẩy tôi từng bước đến việc sinh con. Tôi thậm chí còn không dừng lại suy nghĩ và phản biện: "Tại sao lại thế?". Tôi lớn lên theo một lộ trình: Sẽ phải đi học, rồi đi làm trong một cơ quan, sau đó phải lấy chồng và sinh con. Đó là một lối đi thẳng và không có đường tắt, cũng chẳng có rẽ ngang. Ta cứ thế mà đi thôi. Bây giờ, khi các bạn đặt câu hỏi phản biện có nghĩa là các bạn đã tiến bộ hơn, văn minh hơn và thông minh hơn chúng tôi hồi ngày xưa rồi.
Nhưng dẫu sao, chuyện ngày xưa cũng có một cái hay, đó là trước khi kịp hoang mang thì tôi đã có con. Giờ đây, tôi biết ơn vì đã có con. Với cá nhân tôi, chuyện có con không phải là màu hồng, nhưng nó tuyệt vời thật!
Cũng có một câu của nhà văn Mỹ mà tôi rất thích: "Quyết định sinh con là quyết định để trái tim của mình lang thang bên ngoài cơ thể".
Bạn có tưởng tượng được không? "Trái tim lang thang ngoài cơ thể" - nghe là thấy rất bất an, bồi hồi và căng thẳng. Bình thường, trái tim của ta được ở trong lồng ngực, được bảo vệ bằng bộ khung xương sườn và lúc nào cũng ở bên ta. Vậy cũng đã đủ run rồi, mà giờ còn… lang thang ngoài cơ thể. Lang thang, có nghĩa là bạn chẳng biết được nó sẽ đi tới đâu.
Lo lắm! Lo đến mức tới khi con đi học về, quây quần bên mình trong bữa tối, tôi mới dám nghĩ: “Ồ, vậy là một ngày an toàn đã tạm thời xong”. Mà đó là ngày tiểu học ha. Còn giờ đây, khi con vào tuổi vị thành niên, tôi vẫn luôn thấp thỏm, rằng có thể con đang ngồi cạnh mình ăn tối, nhưng biết đâu tâm hồn và những tâm sự nhạy cảm của con vẫn đang ở ngoài kia? Biết đâu con vẫn chưa an toàn, dù ngồi đây nhưng con vẫn đang bị tổn thương bởi lời nói của một ai đó? Thậm chí, tôi đã từng gặp những trường hợp mà con đang ngồi ăn bên cạnh bố mẹ, nhưng thâm tâm đã chuẩn bị rằng tối nay sẽ rời bỏ cuộc sống này. Vậy nên khi con lớn, nỗi lo chỉ khác đi thôi chứ chẳng giảm bớt đâu!
Lúc đó, người mẹ sẽ tưởng tượng ra vô vàn tình huống, mà chỉ toàn tình huống xấu! Ta cứ tự nhủ phải tích cực lên nhưng mà… không được. Và khi không tư duy tích cực được, ta lo rằng con mình có thể sai lầm và con có thể gặp nguy hiểm. Rồi thậm chí ta còn lo rằng mình đã lo lắng, ta còn tự phán xét mình rằng tại sao không thể trở thành một người bố mẹ tích cực hơn?
Tôi còn nhớ khi còn làm cho một tờ báo tuổi teen và hàng ngày đọc những nỗi khổ của các bạn trẻ, tôi bức xúc lắm: Tại sao ba mẹ lại vô lý như vậy, kìm hãm, bắt ép, khống chế con đến thế! Nhưng khi làm mẹ rồi tôi mới hiểu: Tất cả đều là hệ quả từ nỗi lo lắng mà thôi!
Hãy nghĩ mà xem, cũng giống như mối quan hệ giữa cai ngục và tù nhân. Tù nhân có thể ra tù, còn cai ngục vẫn sẽ mãi làm việc. Trong khi lúc canh giữ, cai ngục cũng đâu được đi chơi? Kiểm soát con cái cũng có nghĩa là ba mẹ đang bị "cầm tù" trong nỗi lo sợ của mình. Thực ra, chính ba mẹ cũng là những người cần được thương, được thông cảm và giúp đỡ, chứ không cần "bị-chiến-đấu" đâu!
Đúng, họ không được học, cũng chưa được nhìn thấy một hình mẫu nào khác. Trước đây bố tôi rất nghiêm khắc và đánh mắng tôi hàng ngày. Nhưng ông nội tôi cũng đã từng như vậy với bố! Thời của bố, bố còn chưa từng được nhìn thấy một gia đình nào dân chủ cả. Chưa kể, bố còn bị những chấn thương tâm lý từ cuộc chiến tranh tàn khốc trước đó.
Khi ta hiểu được thì ta sẽ thương được. Và khi thương được, ta lại hiểu rằng tại sao người kia làm như vậy, ta sẽ bớt tức giận. Khi cả hai đặt mình vào vị trí của người kia thì sẽ đồng hành được với nhau.
Thật ra, khoảng cách thế hệ vẫn luôn là một vấn đề lớn từ xưa đến nay, nhưng dường như khoảng cách bây giờ… dài hơn. 30 năm của ngày xưa thì khác nhau ít thôi, còn bây giờ là vời vợi, sự khác biệt quá nhiều. Con cái phát triển quá nhanh và điều đó càng kéo dài thêm khoảng cách.
Hiểu một con người là rất khó, nên nói "Tại sao con không hiểu cho ba mẹ?" là một yêu cầu quá cao! Ngay như bây giờ, dù hơn 40 tuổi nhưng tôi cũng đâu thể hiểu hết ba mẹ mình. Vậy nên, nếu một bạn nào đó cảm thấy chưa hiểu ba mẹ thì đó cũng là một chuyện bình thường thôi, đừng nên tự dằn vặt quá nhiều. Ta bắt đầu có nỗ lực tìm hiểu đã là rất tốt rồi, hãy cứ cho mình thời gian và sự kiên nhẫn.
Có chứ, tôi sợ một cách kinh khủng.
Khi tôi đọc và học nhiều về tâm lý, tôi hiểu rằng mối quan hệ của ba mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của con sau này. Khi tôi không giữ được mối quan hệ đấy tốt đẹp, tôi oán trách mình.
Mãi sau này tôi cũng thấy rằng: Nếu cứ trách cứ như vậy sẽ chẳng giải quyết được gì. Tôi nhớ, thầy giáo tôi có nói: "Trước khi muốn bao dung với người ngoài, việc đầu tiên là phải bao dung với chính bản thân mình. Ta cũng là con người và cũng có quyền sai lầm. Ta chỉ làm sao để giảm hậu quả của nó đi thôi chứ đâu thể tránh được những chuyện không hay xảy ra trong cuộc sống?".
Tôi cũng cố gắng, mà thật ra tới đâu được thì… còn tùy, tôi chưa hoàn toàn cân bằng được đâu. Nhưng có một điều ba mẹ có thể học được ngay và làm liền, làm càng sớm càng tốt, đó là phải dừng ngay việc nói xấu người kia. Bịa ra để nói xấu đã là xấu rồi nha, đứa trẻ sẽ rất thất vọng về người nói. Nhưng nguy hiểm hơn là khi nói xấu đúng, tức là người kia… xấu thật. Ban đầu, điều này có thể sẽ đạt mục đích là khiến đứa trẻ không còn muốn thân thiết với người kia, nhưng hậu quả nghiêm trọng là nó sẽ ghét chính bản thân nó. Vì một nửa dòng máu, một nửa ADN của con đã là của người kia rồi.
Về sau, tôi mới hiểu rằng: Hóa ra, khi tôi gặp quá nhiều khó khăn trong cuộc sống, chẳng phải do thiếu kiến thức hay kỹ năng, mà là mình thiếu niềm tin vào giá trị bản thân của chính mình. Nghe bố mẹ nói xấu lẫn nhau, mình sẽ thấy cả cơ thể mình xấu xa, mình không xứng đáng, mình không đủ tốt… . Dù có học thật nhiều kỹ năng, thật giỏi văn hóa, đạt thật nhiều giải thưởng - mình cũng sẽ lớn lên mà chẳng tìm thấy sự tự tin. Tôi nghĩ, bài học quan trọng nhất chính là dạy con tin rằng con là người có giá trị, con xứng đáng được sinh ra trên cuộc đời này. Và nhà mình dẫu có sai lầm thì đó là sai lầm của ba mẹ chứ không phải trách nhiệm của con. Sai lầm đó không phải là con. Tôi rất mong đám trẻ hiểu được điều đó.
Tôi cũng đang cố gắng để làm được. Nhưng thời gian đầu, sự cố gắng chỉ là về mặt lý trí. Tôi tức giận chồng cũ của mình rất nhiều nhưng lại nén nhịn nói ra. Tôi quyết định mình sẽ không "nói xấu". Thế nhưng, dù không nói xấu ra miệng nhưng cái năng lượng tức giận của mình vẫn có đó. Nó vẫn âm thầm tích tụ, vẫn hiện diện ở đâu đó.
Rồi dần dần tôi hiểu rằng, làm lành với người kia càng sớm, thì con mình càng đỡ khổ. Nhìn lại hành trình thật của gia đình tôi, gần đây khi tôi nói chuyện lại được với chồng cũ, đề nghị anh ấy hỗ trợ tiền nuôi con và giải tỏa nỗi ấm ức của mình, thì ngay lập tức con tôi đã thoải mái hơn. Tôi cũng tiếc lắm, tôi đã lỡ mất nhiều năm, lẽ ra con mình phải được hưởng sự giải tỏa này từ lâu rồi.
Làm lành với người kia, cũng là làm lành với quá khứ của chính mình. Và khi ta không còn trách cứ bản thân, những cơ hội mới sẽ tự mở ra. Nhiều năm liền tôi từng nghĩ rằng mình không được yêu là do mình không có kỹ năng quyến rũ. Tôi đã đi hỏi người coach của mình rằng: "Tại sao tôi chẳng yêu được ai? Tôi cần học kỹ năng gì?". Sau này, tôi mới hiểu, khi ta không còn phán xét và trách móc quá khứ thì ta mới yêu chính mình, và yêu chính mình thì tự khắc ta sẽ quyến rũ. Ta phải chấp nhận rằng: Ngày đó, ở tuổi đó, mình sai như thế mới là đúng. Mọi quyết định của ta thời điểm ấy, đều đúng nhất với ta ở thời điểm ấy rồi, ta đã làm tốt nhất có thể rồi. Và việc đã xảy ra có nghĩa là nó cần phải xảy ra. Cho nên là… thôi!
Có chứ, có trải qua rồi, và có bị ảnh hưởng rồi. Tôi vẫn nhớ ngày xưa bố từng đánh tôi rất nhiều. Mỗi lần đánh là bố lại nói: "Không được khóc!" Lúc đó, tôi tự thề với lòng mình rằng: Khi lớn lên, tôi sẽ không bao giờ cư xử với con mình như vậy. Cho đến một lần khi đối diện với Xu, tôi đã đánh Xu và cũng nói: "Không được khóc!"
Khi thốt ra câu đó, tôi suy sụp luôn. "Trời ơi! Mình đã đi vào đúng những gì mà ngày xưa mình từng sợ hãi và căm thù!". Hóa ra, nó đã vô thức ăn sâu vào bên trong tôi. Dẫu dùng lý trí rất nhiều, đôi khi nó vẫn bộc phát ra.
Tôi cũng hay sợ hãi và lo lắng. Tủ lạnh nhà tôi luôn đầy bởi tôi lo con mình sẽ bị đói ăn. Ngày xưa, tôi đã có một tuổi thơ triền miên đói ăn, nỗi lo lớn nhất ngày ấy là bị đói. Thời bây giờ, nỗi lo lớn nhất là… ăn nhiều quá, tôi vẫn chẳng thể "chuyển kênh" được. Tôi vẫn lo con đói, vẫn lo hết tiền.
Mãi cho đến dịch Covid vừa rồi, tôi mới hóa giải được vấn đề đó, khi thực sự rơi vào cảnh… đói thật. Đối diện với một cái tủ lạnh trống trơn vì chẳng mua được gì, tôi nhận ra: Mình vẫn không chết. Tôi nhận ra ồ mình đã vượt qua nỗi sợ đó. Hóa ra, có những điều mình có thể vừa học và vừa tập. Nó khiến tôi tự tin hơn rằng: Cuối cùng, mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Đúng, họ thiếu tự tin nhiều thứ lắm! Họ thiếu tự tin là họ có khả năng bảo vệ và đồng hành cùng con. Họ cũng không tự tin là con có đủ bản năng sinh tồn để vượt qua những khó khăn. Nhưng trầm trọng nhất là họ thiếu tự tin vào xung quanh, họ không dám tin rằng cuộc đời này có rất nhiều sự hỗ trợ và giúp đỡ. Nếu ta không thể giúp được con, thì sẽ có người A, người B hoặc người C sẽ giúp con mình…
Mỗi ngày tôi đều gặp những phụ huynh như vậy, nhiều lắm! Đa phần, phụ huynh tìm đến tôi để hỏi tìm một chuyên gia tư vấn tâm lý cho con, họ nghĩ con mới là người có vấn đề chứ không phải là mình. Câu hỏi của các phụ huynh luôn là: "Làm sao để con tôi sửa cái này, làm sao để con tôi chữa được bệnh nọ…" Càng về sau, tôi càng nhận ra: Nếu ba mẹ ổn và vui vẻ thì đứa con cũng vậy thôi! Ít ra, con sẽ học được cách cư xử của ba mẹ mà đối mặt với những vấn đề của mình. Khi ba mẹ bình an, ba mẹ mới có thể bình tĩnh và sáng suốt.
Từ đó mới có thể chọn ra cách đúng để ứng xử với con. Cũng với câu nói đó, cũng chủ ngữ và vị ngữ đó nhưng ta nói bằng một năng lượng quá đỗi lo lắng thì cũng chẳng hiệu quả.
Tôi không muốn so sánh, bởi ngày xưa cũng có những áp lực của riêng nó. Nhưng đúng là, trẻ con bây giờ áp lực thật. Áp lực từ câu nói: "Giờ sướng quá còn gì!". Không, bây giờ trẻ con có những cái khổ khác ngày xưa. Nếu có một con số để đo đếm, thì hình như bây giờ… khổ hơn thật.
Ngày xưa, ta sống một tuổi thơ giản dị hơn, nỗi khổ cũng thật đơn giản. Nỗi khổ rất cụ thể, ba mẹ, ông bà nhìn thấy và hiểu được. Nếu các con đói, bố mẹ hiểu ngay. Còn bây giờ trẻ con không khổ vì đói nữa, mà khổ vì thừa. Ba mẹ rất khó thông cảm được điều đó, vì đã trải qua nỗi khổ ấy đâu?
Ví dụ tôi chẳng thể hiểu được cảm giác không thèm ăn của con. Xu - Sim cũng có những nỗi lo mà bản thân tôi chẳng thông cảm nổi. Sim thì nghĩ Làm sao để ăn kiêng? Xu thì nghĩ Làm sao sống mà không phải ăn cơm? Xu còn ước sau này sẽ chế ra một viên thuốc mà chỉ cần uống ực thôi là cả ngày chẳng cần ăn nữa.
Cũng may rằng tôi đã nhận ra: Vì mình không có trải nghiệm đó thôi, chứ còn nỗi lo của con là có thật, cảm xúc của con là thật.
Lý giải đó đúng. Nhưng tuổi teen ở thời đại nào cũng hoang mang, ngay cả cách đây hàng trăm năm hoang mang mà. Nhưng thời đại này nhiều thách thức hơn, và các ba mẹ của thời đại này bận rộn quá, họ không trải nghiệm được những gì đám trẻ đang bước qua, nên khó mà thấu cảm lắm.
Ngày xưa cũng có những áp lực nhưng ít hơn rất nhiều. Ví dụ chuyện áo đẹp, giày đẹp, ngày xưa ta chỉ nhìn thấy những đứa bạn cùng xóm mà mình gặp thôi. Bây giờ thì có đến hàng ti tỉ thứ để so sánh.
Tôi đã làm việc ở một tờ báo tuổi teen 18 năm, đã được nhìn thấy, lắng nghe biết bao nỗi khổ của các bạn nhỏ. Điều đó giúp tôi hiểu rằng con đang bức xúc, chứ chẳng phải do con hư.
Tuổi teen hay bị áp lực từ bạn bè, rồi ba mẹ bị áp lực theo con. Tôi thiếu tự tin và chưa được công nhận, nghe chuyện con kể nhà bạn này giàu, bạn kia có ô tô, nhà bạn kia có bố - tôi thấy suy sụp và có lỗi với con. Tôi tự trách mình sao không đủ giàu? Sao không đủ cho con mình nhiều trải nghiệm hơn? Tại sao không thể giữ gia đình hạnh phúc cho con có trọn vẹn ba mẹ bên nhau? Có những lần tôi đã khóc.
Rồi đến cột mốc khi tôi có cuốn sách đầu tiên và bắt đầu nhận được lời khen ngợi từ người khác. Đâu đó, khi ta được công nhận, ta sẽ thấy bản thân mình có chút giá trị. Khi con nói về việc nhà bạn bè có ô tô, tôi đã đáp: "Ừ, nhưng mẹ đã viết được cả một cuốn sách về con cơ đấy!". Nghe cũng… trẻ trâu thôi, nhưng mình đã đối diện với những đòi hỏi của con một cách bình tĩnh hơn. Và khi mình bình tĩnh rồi thì mình chẳng cần phải giải thích, chẳng cần lý luận mà chỉ cần: "Hihi, vậy hả!". Thế là xong!
Trong cuộc chiến so sánh, thì ngòi nổ là khi cả mẹ, cả con đều chưa thấy mình có giá trị. Ta dùng đồ không xịn bằng người khác là ta thua người khác. Còn khi ta tin vào giá trị của mình, ai có gì thì mình… kệ họ chứ! Mình ổn ở mặt khác mà!
Một trong những việc tôi vẫn nỗ lực làm mỗi ngày, đó là cố gắng nói cho các ba mẹ hiểu rằng: Họ có giá trị! Họ đang làm rất tốt. Nếu ta cứ chê họ sai, họ sẽ hoảng, và dù ta trao họ phương pháp đúng thì cũng chẳng xài được. Vậy nên, việc cần làm là giúp phụ huynh hiểu rằng họ đang ổn, họ đang làm đúng ở vị trí và điều kiện của họ. Tương lai sẽ ổn thôi! Nếu ngày sau chưa ổn thì đó chưa phải là kết thúc.
Khi ta có niềm tin đó, ta sẽ nghĩ ra được những cách tốt hơn để chia sẻ với con cái của mình, đôi khi chẳng cần làm gì vĩ đại, mọi chuyện cũng sẽ… tự ổn. Tôi thường hay kể về những sai lầm của mình, để mọi người hiểu rằng: Sai lầm là chuyện cũng bình thường thôi mà!
Bởi họ lớn lên trong một thời đại định kiến nên những định kiến đó vẫn sống trong họ. Để học cách chấp nhận là một điều quá khó, vì họ chưa từng được chấp nhận trong đời. Giống như trong "tài khoản ngân hàng" chỉ toàn những lời chê trách thì khi rút ra cũng sẽ chỉ toàn chê trách mà thôi. Khen một lời cũng còn gượng gạo. Bố mẹ cứ sợ con kiêu căng, nên cả đời tôi chưa từng được bố mẹ khen, thể hiện sự hài lòng thầm lặng cũng chưa có.
Thú thật, giữa tôi và bố mẹ rất khó để thể hiện tình yêu thương, ôm hôn hoặc nói những lời âu yếm. Đôi khi nhìn những gia đình có thể thân thiết và chia sẻ với nhau, tôi ghen tị lắm! Vậy nên tôi đang cố gắng làm những điều đó với con, còn với bố mẹ thì vẫn là một hành trình dài mà tôi vẫn đang học.
Tôi thông cảm với những đứa con không thể hiện được tình yêu với bố mẹ, dù rằng trông họ rất bất hiếu. Họ cũng muốn được yêu bố mẹ lắm chứ. Nhưng trước khi một đứa trẻ bất hiếu là nó đã rất bất hạnh rồi. Chẳng có đứa trẻ hạnh phúc nào lại bất hiếu cả. Những người bất hiếu cũng ôm nhiều đau khổ lắm!
Bạn đã nhận ra được điều đó, có nghĩa là đã được 9 điểm rưỡi rồi đó. Bạn nhìn ra vấn đề của mình, cũng giống như việc bác sĩ đã chẩn bệnh xong, vậy thì lộ trình đưa ra sẽ đơn giản thôi.
Việc đầu tiên là bạn có thể bỏ câu "mình chắc chắn sẽ toxic" là được rồi, chỉ là "có thể" thôi. Câu chuyện của bạn làm tôi xúc động ở chỗ: Tôi đang nhìn thấy một người thiếu tình thương. Khi thiếu tình thương, ta hay bám víu vào một thứ gì đó, như con mèo chẳng hạn. Khi đầy đủ tình yêu thương, ta sẽ chấp nhận để con mèo rời xa mình một chút.
Ba mẹ cũng vậy, nếu ba mẹ thiếu tình thương và niềm tin từ ngày nhỏ, ba mẹ sẽ luôn cố gắng níu giữ và đặt tình thương của mình vào một thứ nhìn thấy được. Và khi nó không trong tầm mắt có nghĩa là đã chẳng còn gì trong tay. Giống như khi con mèo của bạn chui xuống gầm giường và bạn cảm thấy đã mất nó mãi mãi. Từ từ bạn phải cảm nhận được rằng: Khi mình không nhìn thấy không có nghĩa là mình mất hết, dù mình không nắm được thì nó vẫn ở đây. Hoặc dù không có trong tay nhưng rồi mọi chuyện vẫn ổn.
Nghe thật mông lung phải không? Nhưng tuyệt vời là bạn sẽ làm được. Hãy cứ nuôi những con mèo nữa, và rồi khi có đứa con, mọi chuyện sẽ khác thôi!
Nhu cầu được thương lớn hơn nhu cầu được ăn. Thương người khác và được người khác thương là nhu cầu lớn kinh khủng, nó tác động đến mọi hành động của mình. Khi con người ta cảm thấy bản thân không đủ yêu thương, họ sẽ làm những việc rất khùng điên. Ta có thể thấy nhiều người làm việc rất nỗ lực, thành công, vĩ đại, nhưng cũng chính họ - khi gặp các nhà tâm lý trị liệu, lại nói rằng: Họ làm việc trong sự tuyệt vọng, bởi họ không tin rằng họ vẫn sẽ được yêu thương nếu họ ngưng làm việc.
Đó là một điều lớn kinh khủng, không biết tôi có thể tự dạy được không, nhưng tôi vẫn muốn nói với chúng rằng: Tình yêu là có thật.
Đúng, phải tin, chứ hiểu vẫn chỉ là lý trí mà thôi! Tình yêu đâu phải trong lý trí, nó là cảm xúc. Cảm xúc mới là đủ mạnh, còn lý trí chỉ là kẻ đi theo.
Tôi đã có 40 năm không dám nghĩ rằng tình yêu có thật, bởi tôi chưa bao giờ được nhìn thấy nó, chưa bao giờ được nhìn thấy bố mẹ yêu nhau. Khi tôi ly hôn, cuộc sống cũng chẳng xáo trộn nhiều, con tôi vẫn được ăn uống đầy đủ, hàng ngày vẫn đi học trường tốt, nhưng tôi biết con tôi thiếu một ví dụ trực quan về tình yêu. Tình yêu là thế nào? Là người bố, người mẹ ôm nhau, người mẹ được hạnh phúc, được an toàn, được mềm mại. Tôi không muốn con phải luôn nhìn thấy mẹ cứ giương vây lên chống đỡ. Thứ tôi muốn con mình nhìn thấy: Cảm giác được yêu và được an toàn là thế nào!
Tổ quốc