Đây là năm đầu tiên Fitch thực hiện đánh giá Sacombank và kết quả thể hiện Ngân hàng đã có những cải thiện liên tục trong quá trình tái cơ cấu, cũng như vị thế không ngừng tăng cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Trước đó, hồi tháng 3, Sacombank được một tổ chức xếp hạng quốc tế uy tín khác là Moody’s nâng 1 bậc xếp hạng do đã xử lý đáng kể các tài sản tồn đọng, giúp cải thiện chất lượng tài sản và khả năng sinh lợi nhuận.
Sacombank là một trong những ngân hàng TMCP lâu đời nhất ở Việt Nam. Năm 2015, nhà băng này thực hiện nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank), trở thành một trong 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam tại thời điểm đó, với tổng tài sản cuối năm 2015 là 292.033 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 22.080 tỷ đồng (trong đó vốn điều lệ là 18.852 tỷ đồng); mạng lưới hoạt động lên đến 560 điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 nước Lào, Campuchia; tổng số cán bộ nhân viên là 16.485 người. Đến thời điểm 30/11/2024, trải qua gần 8 năm tái cơ cấu, Sacombank tiếp tục duy trì được vị thế cao và nằm trong top các ngân hàng lớn nhất với tổng tài sản gần 717 ngàn tỷ đồng.
Nhớ lại thời điểm năm 2015, mặc dù phép cộng giúp Sacombank lớn lên nhanh chóng, nhưng hậu sáp nhập, Ngân hàng này cũng phải giải quyết những tồn đọng, đặc biệt là nợ xấu liên quan đến Southern Bank. Năm 2016, nợ xấu của ngân hàng hợp nhất lên đến 6,81% - gấp hơn 2 lần so với quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Song song đó, cũng giống như các doanh nghiệp thực hiện M&A khác, Sacombank còn phải dung hòa văn hóa kinh doanh, tích hợp hệ thống kế toán và công nghệ thông tin, giải quyết có hiệu quả nguồn nhân lực hậu sáp nhập. Tuy nhiên lãnh đạo Ngân hàng nhận định, những khó khăn ấy chỉ là tạm thời, về lâu dài M&A thường mang lại nhiều giá trị cộng hưởng tích cực, có lợi cho cả khách hàng lẫn cổ đông.
Và thực tế đã chứng minh, Ngân hàng này không nói suông, chỉ qua gần 8 năm (trong lộ trình 10 năm), Sacombank đã xử lý gần hết các vấn đề tồn đọng và cơ bản hoàn thành các mục tiêu trọng yếu. Cụ thể, Ngân hàng đã thu hồi, xử lý hơn 80% nợ xấu và tài sản tồn đọng; trích lập đầy đủ dự phòng theo đúng quy định, trong đó trích 100% dự phòng cho các khoản nợ bán VAMC chưa xử lý.
Chất lượng tài sản không ngừng được cải thiện với tỷ trọng của tài sản có sinh lời trong tổng tài sản đã được nâng lên mức gần 95%. Quy mô kinh doanh liên tục được đẩy mạnh, tăng bình quân 10-13%/năm. Lợi nhuận tăng gấp 62 lần, từ 156 tỷ đồng vào năm 2016 lên 9.595 tỷ đồng vào năm 2023 và dự kiến đạt trên 12.000 tỷ đồng trong năm 2024. Chuyển đổi số được tăng tốc nhằm gia tăng năng lực quản trị và phát triển sản phẩm dịch vụ đa tiện ích, đáp ứng nhu cầu ngân hàng số của khách hàng.
Trong khi đó các ngân hàng yếu kém bị yêu cầu tái cơ cấu bắt buộc cùng thời điểm năm 2015 là GPBank, CBBank, OceanBank (3 ngân hàng 0 đồng) và DongABank vẫn chật vật tìm đường suốt gần một thập kỷ. Mới đây, hai ngân hàng là CBBank và OceanBank đã phải thực hiện chuyển giao bắt buộc về với Vietcombank và MB. Còn 2 nhà băng nữa vẫn đang chờ phương án xử lý.
Đến thời điểm hiện tại, Sacombank chỉ còn duy nhất một nút thắt cuối cùng là chờ NHNN phê duyệt đề án để xử lý lô cổ phiếu STB của nhóm cổ đông liên quan ông Trầm Bê (32,5% cổ phần STB đang được VAMC quản lý). Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Sacombank chia sẻ, hiện nhà băng này đã trình NHNN và đang chờ phê duyệt.
Giới quan sát nhận định, nút thắt cuối cùng này phải được Chính phủ, NHNN "cởi" chứ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào "người Sacombank". Khi nút thắt ấy được mở chắc chắn sẽ giúp Sacombank vững thêm nội lực, từ đó tăng vốn, tăng vị thế, tâm thế để bứt tốc và phát triển bền vững. Đồng thời góp phần củng cố thị trường tài chính Việt Nam, ổn định hệ thống ngân hàng và nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Như vậy, có thể nói, Sacombank là một hình mẫu về tái cơ cấu hiệu quả, nhất là khi Ngân hàng sử dụng hoàn toàn nguồn vốn tư nhân, của các cổ đông chứ không phải từ nguồn vốn Nhà nước. Và kết quả tái cơ cấu gần cán đích của Sacombank cũng phải kể tới hai động lực chính: Một bên là nền tảng, kinh nghiệm và tính cách quyết liệt đặc trưng của đội ngũ lãnh đạo cũng như tinh thần đoàn kết, nỗ lực của tập thể hơn 18.000 CBNV của nhà băng này. Và một bên là sự đồng hành, hỗ trợ từ Chính phủ, Cơ quan ban ngành, NHNN và đặc biệt là hàng triệu khách hàng, đối tác và cổ đông. Kết quả xếp hạng tín nhiệm từ các tổ chức uy tín hàng đầu thế giới như Fitch Ratings hay Moody’s là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công ấy.
Trong chặng đường vừa qua, song song với tích cực tái cơ cấu, Sacombank còn thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Hiện nay, khách hàng khi tiếp cận hệ sản phẩm - dịch vụ của Sacombank đã có thể trải nghiệm một hành trình số liền mạch và nhất quán, mọi nhu cầu tài chính được giải quyết một cách nhanh chóng và tiện lợi. Nhiều công nghệ mới, đa tiện ích đã được Ngân hàng tiên phong cung cấp đến khách hàng, điển hình như: Ứng dụng ngân hàng số Sacombank Pay tích hợp mọi dịch vụ tài chính; Công nghệ eKYC mở tài khoản/thẻ thanh toán, thẻ tín dụng phi vật lý có ngay trong 5s; Kết nối thanh toán không chạm với Apple Pay, Google Pay, Samsung Pay, Garmin Pay; Quét QR thanh toán, chuyển tiền, rút tiền nhanh chóng trong nước và thị trường 3 nước Thái Lan, Hàn Quốc, Campuchia,…
Trong giai đoạn mới, lãnh đạo Sacombank xác định, việc nâng cấp, đổi mới, hiện đại hoá hạ tầng công nghệ trở thành một yếu tố then chốt trong hoạt động chuyển đổi số. Vừa qua, Sacombank đã hợp tác cùng CMC Telecom đưa vào hoạt động Data Center Tân Thuận, đây là trung tâm dữ liệu thứ 3 của Sacombank được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hạ tầng, bảo mật và liên thông dữ liệu.
Hiện Sacombank cũng đang ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu Căn cước và VNeID khách hàng cung cấp nhằm triển khai tốt hơn các sản phẩm - dịch vụ, giúp khách hàng giao dịch thuận tiện, nhanh chóng, an toàn hơn kể cả trực tiếp lẫn trực tuyến trên môi trường số. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để Sacombank xác thực - định danh điện tử, "làm sạch" nguồn dữ liệu khách hàng, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo, cho thuê mượn tài khoản ngân hàng.
Vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN tại Lào, Sacombank là ngân hàng Việt Nam duy nhất được Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN xướng tên tại Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN 2024 (ABA 2024) - lĩnh vực Chuyển đổi số (Digital Transformation). Đây là giải thưởng uy tín cấp khu vực ASEAN được tổ chức hàng năm kể từ năm 2007 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc và có đóng góp cho sự phát triển của khu vực.
Bên cạnh đó, Sacombank cũng đang thay đổi mô hình hoạt động kinh doanh, thu gọn và hiện đại hóa các điểm giao dịch, phát triển các kênh giao dịch số phù hợp với xu thế thị trường. Hiện tại, 546 điểm giao dịch của nhà băng này trên toàn quốc đang khoác lên mình một nhận diện mới theo mô hình điểm giao dịch mở, với thiết kế hiện đại; ứng dụng các quy trình số hoá, tự động hóa thao tác nghiệp vụ, rút ngắn 60% thời gian giao dịch, mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ, thân thiện với khách hàng giao dịch tại quầy. Đặc biệt, một số điểm giao dịch truyền thống cũng đang được Sacombank chuyển đổi mô hình sang điểm giao dịch số 24/7, phục vụ khách hàng hoàn toàn tự động bởi công nghệ.
Hồi tháng 6 vừa qua, International Business Magazine (IBM) đã bình chọn và trao 2 giải thưởng quan trọng là "Ngân hàng bán lẻ sáng tạo nhất Việt Nam 2024" và "Ngân hàng số sáng tạo nhất Việt Nam 2024" dành cho Sacombank. Đây là năm thứ 4 nhà băng này nhận được các giải thưởng danh giá từ IBM, cũng là minh chứng cho nỗ lực số hóa của Ngân hàng.
Hoạt động chuyển đổi số tại Sacombank đã trở thành một phần của văn hoá doanh nghiệp. Bởi chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là chuyển đổi công nghệ, mà còn là chiến lược cải cách toàn diện về tư duy, văn hóa và phương pháp làm việc mới để hiện thực hóa các ý tưởng đột phá.
Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực đạt Net-zero vào năm 2050, các ngân hàng được đánh giá là có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các sáng kiến tài chính xanh và đầu tư bền vững nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang một tương lai xanh hơn.
Tại Sacombank, công nghệ - số hoá và tư duy đổi mới sáng tạo không chỉ giúp tạo ra mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn là động lực chính giúp Sacombank thực hiện mục tiêu dài hạn - Phát triển bền vững theo mô hình ESG.
Ngân hàng đang tích cực phát triển nhiều chính sách, trong đó có tập trung nguồn tín dụng xanh lãi suất ưu đãi vào các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh mang tính bền vững như nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...
Với khách hàng cá nhân, Sacombank cũng đang triển khai nhiều giải pháp, chương trình nằm lan tỏa đến khách hàng các khái niệm, thói quen về tài chính xanh như thúc đẩy các giao dịch qua kênh số (tiết kiệm, mua - bán ngoại tệ,… trực tuyến ngay trên Sacombank Pay) gián tiếp góp phần bảo vệ môi trường khi hạn chế sử dụng giấy và giảm phát thải từ các phương tiện di chuyển cá nhân; Triển khai các gói vay ưu đãi lãi suất khi khách hàng mua xe điện, hướng tới di chuyển xanh, thân thiện với môi trường; Triển khai các giải pháp thanh toán không tiền mặt với các loại hình giao thông công cộng, giao thông xanh;…
Song song đó, thực hiện sứ mệnh "Đồng hành cùng phát triển", Sacombank luôn đặt vị thế của các hoạt động xã hội ngang tầm với các kế hoạch kinh doanh và kỳ vọng về sự đóng góp toàn diện không chỉ cho sự thịnh vượng của nền kinh tế mà còn cho sự bền vững của xã hội. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Sacombank đã khởi động và duy trì thành công nhiều chương trình thường niên hướng đến cộng đồng như chương trình Hiến máu nhân đạo "Sacombank - Chia sẻ từ trái tim", Học bổng "Sacombank - Ươm mầm cho những ước mơ"; Chương trình "Ấm tình mùa Xuân"; Giải việt dã "Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng"...
Năm 2024, Sacombank cũng đang tích cực đóng góp kinh phí vào công tác xóa nhà tạm - nhà dột nát; xây dựng các công trình trường học, nhà văn hóa, cầu đường, nhà vệ sinh công cộng chất lượng cao hay các chương trình mang điện, đèn đường; nước sạch, giếng khoan đến nhiều khu vực khó khăn,... với ngân sách hơn 100 tỷ đồng.
Với những nỗ lực của mình, Sacombank trong năm 2024 đã lần đầu tiên lọt vào Top 10 Thương hiệu ASEAN 2024, giải thưởng được trao tại lễ trao giải "ASEAN Award 2024" - nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế ASEAN 2024 lần thứ 5, được tổ chức tại Singapore. Theo đó, Sacombank được Hội đồng thẩm định đánh giá cao về chất lượng sản phẩm dịch vụ; hoạt động kinh doanh bền vững; đồng thời có những đóng góp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế...
Sacombank chuẩn bị tròn 33 tuổi. Trong chặng đường vừa qua, Sacombank là ngân hàng duy nhất trong hệ thống "từng trải" với nhiều cung bậc: từ vô cùng mạnh mẽ và có vị thế cao giai đoạn trước năm 2012, sau đó là M&A và thêm gần một thập kỷ thực hiện tái cơ cấu. Đến nay, với những thành quả đạt được, cùng sự tin tưởng của hơn 20 triệu khách hàng và hàng chục ngàn cổ đông, Sacombank đang khẳng định nội lực vững chắc của mình cũng như vị thế khó mất đi trên thị trường, sẵn sàng bứt phá trong giai đoạn mới.
Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đây cũng là thời điểm mà đất nước cất cánh với thế và lực vững chắc để hội nhập sâu rộng về mọi mặt hơn nữa với thế giới.
Và Sacombank ở tuổi 33 với tâm thế của một doanh nghiệp lớn, có đầy thế và lực, sẵn sàng thay đổi để tạo bước đột phá và hướng tới những mục tiêu to lớn hơn, cùng đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Tổ Quốc