Sapa, khoảng 7h sáng, 5 độ C, sương mù dày đặc, mưa phùn lất phất. Anh Hà, cán bộ cung ứng vật tư ra khỏi nhà, không quên xỏ hai chiếc túi bóng bên ngoài giày cho đỡ ướt và cóng chân. Trên chiếc xe Wave đời 2012, anh Hà chạy gần 40 km để đến nhà từng hộ dân thu mua lá Actiso. Những ngày thu hoạch lá Actiso rơi vào đợt rét đậm, rét hại của vùng núi Sapa. Mà cây này lạ lắm, càng lạnh giá, rét buốt, sương muối, càng phát triển mạnh mẽ.
Anh Hà là nhân viên của Công ty TNHH MTV Traphaco Sapa làm việc với đồng bào dân tộc thiểu số thu mua lá Actiso theo kế hoạch sản xuất của nhà máy. Gần chục năm làm công việc này, anh Hà ăn cơm với cộng đồng nông hộ trồng Actiso không xót nhà nào. "Yêu cộng đồng quá nên gắn bó" là lý do anh bám trụ tại vùng đất Sapa, Lào Cai, mặc cảnh xa vợ xa con.
Traphaco Sapa là công ty con 100% của CTCP Traphaco (mã chứng khoán: TRA), công ty dược vốn hoá thị trường gần 3.700 tỷ đồng. Actiso là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất sản phẩm đông dược Traphaco. Công ty đã đăng ký thành công chứng nhận vùng trồng dược liệu đạt chuẩn GACP WHO, tập huấn định kỳ 2 lần/năm cho nông hộ, và xây dựng nhà máy sản xuất đạt chuẩn GMP-WHO.
Năm 2022, Traphaco Sapa đạt doanh thu gần 75 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3,4 tỷ đồng, tăng trưởng cả hai chỉ tiêu hơn 30% so với năm trước đó. Công ty 22 năm tuổi là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị xanh của Traphaco, đảm bảo ổn định chất lượng và số lượng dược liệu phục vụ sản xuất sản phẩm đông dược, thế mạnh của công ty.
Năm 2022, Traphaco đạt doanh thu 2.399 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 293 tỷ đồng, đều tăng trưởng 11% so với năm trước đó. Công ty xếp thứ hai trong số các nhà sản xuất dược phẩm niêm yết về quy mô, chỉ sau Dược Hậu Giang (mã chứng khoán: DHG). Kết quả nói trên cũng là thành tích tốt nhất mà Traphaco đạt được từ trước tới nay.
Bên cạnh việc tăng trưởng đáng kể, các chỉ số hiệu quả kinh doanh của Traphaco cũng ấn tượng không kém. Đặc biệt, biên lợi nhuận gộp đạt 56%, cải thiện gần 3 điểm phần trăm so với 2021. Xét riêng nhóm hàng thành phẩm, biên lãi gộp của Traphaco lên tới gần 64%. Việc biên lợi nhuận gộp cao của công ty chủ yếu đến từ nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định với giá cạnh tranh; quản trị chi phí sản xuất tốt; và kế hoạch mua hàng nguyên vật liệu chủ động theo mùa vụ.
Hai chỉ số ROA và ROE, lợi nhuận trên một đồng tài sản và vốn chủ sở hữu, đạt mức cao mới trong hai năm qua. Năm 2022, Traphaco lập kỷ lục ROA 16,66% và ROE 22,17%. Các chỉ số này nằm trong tốp đầu nhà sản xuất dược phẩm của Việt Nam.
Thế mạnh của Traphaco là đông dược, đóng góp gần 2/3 doanh thu công ty. Theo kênh phân phối, OTC là chủ đạo, chiếm 93% doanh số. Các sản phẩm của Traphaco có độ phủ trên hơn 30.000 nhà thuốc trên toàn quốc, báo cáo thường niên 2022 nêu.
Nhưng thực tế, đông dược hiện nay chỉ chiếm 20% giá trị thị trường thuốc, 80% là tân dược. Mặt khác, cạnh tranh thị trường đông dược ngày càng trở nên gay gắt. Chiến lược phát triển đông dược trong giai đoạn đầu đã giúp Traphaco đạt đến quy mô lớn, với năng lực nghiên cứu phát triển và sản xuất cao, nguồn lực dồi dào, thương hiệu mạnh. Công ty hiện nay đã có đủ điều kiện để nắm bắt các cơ hội phát triển trong mảng tân dược.
Năm 2021, đại hội đồng cổ đông Traphaco đã thông qua nghị quyết tái cấu trúc hoạt động kinh doanh với hai mục tiêu chiến lược: giữ vững vị thế số 1 mảng đông dược và tập trung phát triển Tân dược chất lượng cao. Dự án tái cấu trúc là cơ sở đưa công ty bước vào giai đoạn tăng trưởng mới đầy thú vị, với việc thay đổi toàn diện các khía cạnh từ nghiên cứu phát triển quản trị điều hành cho đến kinh doanh.
Trong khi đông dược được xem như "con bò sữa", mảng ngoài đông dược vẫn còn là ẩn số đối với Traphaco. Đây chính là thế mạnh của cổ đông lớn Daewoong mà Traphaco có thể tận dụng. Công ty Hàn Quốc mua lại 15% cổ phần Traphaco từ cuối năm 2017, cùng với Mirae Asset nắm 25%.
Trong chiến lược tái cơ cấu, Traphaco cần tìm ra các động lực tăng trưởng dài hạn bên cạnh các sản phẩm chủ lực "Hoạt huyết dưỡng não" và "Boganic" vốn đã tồn tại 20 năm trên thị trường và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu công ty.
Mặt khác, Traphaco cũng cần hoàn thiện mô hình quản trị kinh doanh hiện đại, dựa trên báo cáo đánh giá của KPMG về: mô hình tổ chức, tài chính ngân sách, kế hoạch và sản xuất.
"Với kinh nghiệm nghiên cứu phát triển dược phẩm, cùng sự tư vấn của đối tác KPMG và cổ đông lớn, công ty xác định đông dược và tân dược đều đóng vai trò quan trọng đối với cả doanh nghiệp và người dân cần những giải pháp điều trị đa dạng, toàn diện", Traphaco viết về dự án tái cấu trúc.
Thành công của trong năm 2022 của Traphaco không chỉ thể hiện qua số liệu tài chính. Trong năm đầu tiên triển khai dự án tái cấu trúc toàn diện, công ty đã tiến hành chia tách trình dược viên đông dược và ngoài đông dược kênh OTC cho 6 tỉnh tiên phong: Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nội, Nghệ An, Khánh Hoà, Long An. Doanh thu nhóm này vượt kế hoạch 14%. Đặc biệt, nhóm ngoài đông dược vượt kế hoạch 25% và tăng 31% so với năm 2021. Kết quả sáng sủa này tạo tiền đề cho Traphaco tiến hành tái cấu trúc toàn bộ các tỉnh thành trong hệ thống năm 2023.
Song song đó, việc phát triển sản phẩm mới tự nghiên cứu, triển khai ra thị trường là một trong những mục tiêu quan trọng của Traphaco. Trong hai năm 2021 – 2022, doanh thu triển khai sản phẩm mới cộng dồn đạt 156 tỷ đồng, vượt 140% kế hoạch, đóng góp 7% vào doanh thu của nhà sản xuất dược phẩm. Năm 2023, Traphaco tiếp tục lựa chọn danh mục 18 sản phẩm triển khai mới ra thị trường. Kết hợp cùng chương trình chia tách trình dược viên đông dược – ngoài đông dược trên toàn quốc, sản phẩm mới kỳ vọng đóng góp vào tăng trưởng chung của Traphaco.
Kênh ETC cũng là một nhân tố đáng chú ý, mặc dù chỉ đóng góp khoảng 7% vào tổng doanh thu Traphaco. Năm 2023 đánh dấu sự thay đổi từ hình thức đấu thầu cũ sang đấu thầu trực tuyến. Doanh thu kênh ETC được dự báo sẽ tăng dựa trên cơ sở về việc mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân và dự báo tốc độ tăng trưởng nhanh của thuốc biệt dược gốc, thuốc generics đã được cấp giấy phép sản xuất, theo Fitch Solutions.
Traphaco là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi từ dư địa tăng trưởng của ngành và xu hướng dài hạn của thuốc kênh ETC. Chiến lược của Traphaco là tăng cường đầu tư mảng thuốc tân dược và kênh điều trị, công ty đã ký kết hợp tác với tập đoàn Daewoong, thực hiện chuyển giao công nghệ các sản phẩm điều trị, đánh giá rà soát và đưa giải pháp nâng cấp dây chuyền lên tiêu chuẩn EU-GMP. Điều này giúp gia tăng khả năng cạnh tranh cho Traphaco trên kênh ETC khi thuốc ngoại chiếm phần lớn thị phần thông qua đấu thầu.
Mảnh ghép quan trọng khác của bức tranh tăng trưởng Traphaco là "số hoá" mọi khâu trong hoạt động sản xuất kinh doanh: từ đầu tư công nghệ hiện đại tại nhà máy tân dược Hưng Yên giúp cấp quản lý dễ dàng kiểm soát mọi hoạt động sản xuất; cho đến "số hoá" trong công tác tài chính - kế hoạch giúp gia tăng hiệu quả và ra quyết định dựa trên dữ liệu; hay "số hoá" để cá nhân hoá trải nghiệm khách hàng.
Năm 2023, Traphco sẽ xây dựng các mục tiêu cho chiến lược chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2023 – 2025. Công ty hướng tới: xây dựng năng lực quản trị, điều hành tập trung dựa trên dữ liệu; tối ưu vận hành khối văn phòng, thúc đẩy năng lực sản xuất - phân phối cho kênh OTC và ETC; nâng cao trải nghiệm khách hàng và ứng dụng các nền tảng khách hàng trung thành của công ty.
Traphaco đặt mục tiêu doanh thu 2.600 tỷ đồng, tăng trưởng 8%; lợi nhuận sau thuế 326 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm trước đó. Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận của công ty dược vẫn ở mức hai chữ số bất chấp tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn và sức mua trong nước sụt giảm. Kết quả của dự án tái cơ cấu toàn diện đang dần hiện ra, điều này khiến cho Traphaco đang trở thành công ty dược phẩm đáng xem trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Tổ quốc