Tiêu chuẩn để gia nhập Top10 tiếp tục được nâng cao, từ mức 8.100 tỷ của năm ngoái lên 8.500 tỷ đồng trong năm nay. Do vậy mà ngoại trừ những xáo trộn về vị trí, cả 10 người dẫn đầu vẫn là những "gương mặt thân quen". Trong khi đó năm 2016 chỉ cần tối thiểu 2.500 tỷ và năm 2017 chỉ cần 5.000 tỷ là đã đứng trong Top 10.
Tổng tài sản của Top10 năm nay đạt 360.000 tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ so với năm trước – chủ yếu nhờ tài sản của các lãnh đạo Vingroup tăng mạnh.
Tuy vậy trong một năm mà VN-Index tăng nhờ một số ít cổ phiếu chủ chốt thì cũng có khá nhiều doanh nhân chứng kiến khối tài sản của mình bị hao hụt. Năm 2019 chỉ còn 58 người sở hữu trên 1.000 tỷ đồng, giảm 7 người so với năm trước.
Trước việc ngày càng nhiều doanh nhân thay vì trực tiếp sở hữu cổ phần mà chuyển sang sở hữu qua các công ty đầu tư của cá nhân, từ bảng xếp hạng 2018, chúng tôi quyết định mở rộng phạm tính toán giá trị tài sản của các doanh nhân bao gồm cả phần sở hữu gián tiếp thông qua các công ty này.
Điều này sẽ giúp phản ánh sát hơn khối tài sản thực sự mà các doanh nhân này đang sở hữu. Trong bảng xếp hạng năm ngoái, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng là những người có khối tài sản tăng thêm đáng kể khi được cộng thêm lượng cổ phiếu sở hữu gián tiếp.
Cũng với phương pháp tiếp cận này, đầu năm 2019 tạp chí Forbes đã đưa thêm chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh vào danh sách tỷ phú đô la của mình.
Và để lượng hóa chính xác hơn nữa khối tài sản thực tế của các doanh nhân trên sàn chứng khoán, danh sách năm nay sẽ được bổ sung thêm giá trị lượng cổ phiếu OTC mà các doanh nhân nắm giữ mà chúng tôi thu thập được từ những nguồn đáng tin cậy.
Theo đó, tài sản của ông Trịnh Văn Quyết được bổ sung thêm lượng cổ phiếu Bamboo Airways và FLCHomes mà doanh nhân này đang nắm giữ.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục gia tăng khoảng cách với những người còn lại trong danh sách khi lượng cổ phiếu mà chủ tịch Vingroup nắm giữ tăng thêm 36.700 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 20% lên 214.500 tỷ đồng (tương đương 9,2 tỷ USD – cao hơn 1,6 tỷ USD so với số liệu của Forbes). Khối tài sản này bao gồm cổ phần Vingroup sở hữu trực tiếp và lượng sở hữu gián tiếp qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam – công ty do ông Vượng nắm quyền kiểm soát và sở hữu 92,88% cổ phần.
Nếu như năm ngoái lượng cổ phiếu của ông Vượng tương đương tổng tài sản của 17 người tiếp theo trong danh sách người giàu thì năm nay đã tương đương với 30 người kế tiếp. Hiện Vingroup vẫn là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Năm qua tiếp tục là một năm vô cùng bận rộn của tỷ phú Vượng và Vingroup với một loạt các hoạt động liên quan đến hoạt động bán hàng của VinHomes, VinFast, điện thoại- tivi Vinsmart, đầu tư thành lập Vinpearl Air cũng như hàng loạt thương vụ gọi vốn quy mô hàng tỷ USD cũng như thương vụ đình đám chuyển giao quyền điều hành Vincommerce cho Masan…
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo [vị trí thứ 2 - #2] tiếp tục là người phụ nữ giàu nhất trên TTCK với khối tài sản 30.000 tỷ đồng – tăng 18% so với năm trước.
Trong Top10 còn có 2 phụ nữ khác là hai nữ Phó Chủ tịch của Vingroup là bà Phạm Thu Hương [#4] - vợ ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thúy Hằng [#8] tiếp tục đứng trong Top10 với lượng cổ phiếu trị giá lần lượt là 17.400 tỷ và 11.600 tỷ đồng.
Chủ tịch FLC tăng 3 hạng lên vị trí thứ 3 với khối tài sản 20.500 tỷ đồng nhờ việc tính thêm giá trị lượng cổ phiếu Bamboo Airways và FLCHomes chuẩn bị niêm yết có trị giá 14.000 tỷ đồng bên cạnh lượng cổ phiếu FLC Group (FLC) và FLC Faros (ROS).
Theo nguồn tin của chúng tôi, ông Quyết đang nắm giữ 39,08% cổ phần của Bamboo Airways (trên thị trường OTC, giá BAV đang giao dịch khoảng 50-60.000 đồng, chúng tôi tính giá thận trọng ở mức 40.000 đồng/cp - tương đương giá chào bán cho một số cán bộ nhân viên BIDV) và 52,49% cổ phần FLCHomes (giá trị trường khoảng 35.000 đồng/cp). Vốn điều lệ của Bamboo Airways và FLCHomes hiện đạt lần lượt là 4.050 tỷ và 4.160 tỷ đồng.
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long giữ nguyên vị trí thứ 5 với khối tài sản hầu như không đổi, đạt 16.500 tỷ đồng.
Ở vị trí thứ 6 và thứ 7 lần lượt là chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh với 15.000 tỷ đồng và chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang với 14.600 tỷ đồng – giảm khoảng 26% so với năm ngoái.
Hai nhân vật còn lại trong Top10 là Chủ tịch Novaland Group Bùi Thành Nhơn [#9] với 11.200 tỷ và chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng [#10] với 8.500 tỷ đồng.
Gia đình ông Bùi Thành Nhơn là cổ đông chính của CTCP Novagroup và CTCP Diamond Properties - hai công ty đang nắm giữ lượng cổ phiếu Novaland trị giá gần 18.800 tỷ đồng. Tuy nhiên chúng tôi chưa thể xác định được tỷ lệ cụ thể để tính vào tài sản cá nhân.
Các vị trí từ 11 đến 20 cũng không có quá nhiều xáo trộn. Dù khối tài sản tăng thêm 32% lên 7.200 tỷ đồng, chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài chỉ thu hẹp được khoảng cách với Top10 chứ chưa thể trở lại.
Ở vị trí thứ 12 là chủ tịch Tài chính Hoàng Huy (TCH) Đỗ Hữu Hạ với xấp xỉ 5.000 tỷ đồng và thứ 13 là chủ tịch Phát Đạt (PDR) Nguyễn Văn Đạt với xấp xỉ 4.800 tỷ đồng và
Tính theo tốc độ tăng trưởng, ông Đỗ Hữu Hạ là người có tài sản tăng mạnh nhất trong Top 20 khi tăng hơn 80% so với năm ngoái và cũng là 1 trong 2 gương mặt mới của Top 20 cùng với ông Nguyễn Hiếu Liêm – cổ đông lớn của Novaland. Hai người ra khỏi danh sách là bà Nguyễn Hoàng Yến – vợ ông Nguyễn Đăng Quang và ông Bùi Cao Nhật Quân – con trai ông Bùi Thành Nhơn.
Có 4 người là người thân của những người trong Top10. Ba trong số này là người thân của chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh gồm: bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (vợ - vị trí thứ 15), bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (mẹ - #17) và ông Hồ Anh Minh (con trai - #18). Bên cạnh đó còn có bà Vũ Thị Hiền [#14], vợ ông Trần Đình Long.
Trí Thức Trẻ