Thiếu vắng niềm tin, chúng ta như những con tàu đi trong sương mù, nguyên liệu sẵn đầy trong khoang chứa nhưng đích đến cứ xa vời vợi. Mỗi chặng dừng, ta lại phân vân tự hỏi cứ tiếp tục hay bỏ cuộc giữa chừng? Nếu hết lần này đến lần khác ta nói với bản thân rằng mình không thể đến đích, vậy điều duy nhất ta có thể làm là gì?
Sự kiện lớn nhất của thể thao Việt Nam những ngày đầu 2018, vẫn còn âm vang trong lòng người hâm mộ, chính là kỳ tích của đội tuyển bóng đá U23. Từ một đội “lót đường” tại giải châu Á, chỉ mơ có ít nhất một điểm, đội bóng của chúng ta đã lần lượt hạ gục từng “ông lớn” của bóng đá châu lục, vào đến chung kết và giành ngôi Á quân. Một câu chuyện cổ tích gây chấn động.
Sau những ăn mừng và ngợi ca, người ta lắng lại để đặt câu hỏi: Đâu là nguyên nhân của kỳ tích? Là quả ngọt của công tác đào tạo trẻ do bầu Đức gây dựng? Là tài cầm quân của huấn luyện viên trưởng Park Hang Seo? Là sự khinh địch của các đối thủ và một chút may mắn trong từng trận đấu?... Tất cả đều đúng, nhưng chưa phải điều cốt lõi. Nguồn gốc của phép màu này đến từ một từ khóa được huấn luyện viên Park nhắc đến rất nhiều lần trong các cuộc phỏng vấn. Đó cũng là từ khóa mà nhiều người trẻ Việt hiện tại còn thiếu để chiến thắng trên đường đời: Niềm tin.
rả lời một cuộc phỏng vấn, ông Park Hang Seo chia sẻ: “Lần đầu gặp các cầu thủ Việt Nam, tôi bị bất ngờ vì họ có tốc độ, kỹ thuật và thể lực rất tốt. Nhưng dường như các cầu thủ không nhận ra rằng họ cũng có trình độ như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan. Điều đó làm họ mất tự tin. Chính vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên của tôi là làm công tác tư tưởng, giúp học trò có niềm tin vào chính họ.”
Niềm tin - đây là điểm khác biệt mấu chốt mà ông Park mang đến cho đội tuyển Việt Nam, so với các nhà cầm quân trước. Lần đầu tiên, chúng ta thấy các cầu thủ Việt Nam thi đấu với tâm lí vững vàng, lì lợm, không sợ hãi, ngay cả trước các đối thủ mạnh như Úc, Iraq, Qatar... Trong khi trước đây, chỉ một Thái Lan ở Đông Nam Á thôi cũng đã là “ông kẹ” khiến chúng ta bị khớp.
Thành công của ông Park nằm ở nghệ thuật xây dựng niềm tin tích cực cho học trò. Thuật ngữ chuyên môn gọi là Pygmalion effect - Hiệu ứng của Pygmalion. Trong thần thoại Hy Lạp, Pygmalion là một chàng hoàng tử cô đơn. Có tài điêu khắc, anh dùng hết tâm sức tạc nên bức tượng người con gái đẹp nhất để rồi yêu say đắm bức tượng đó. Pygmalion ngày đêm khẩn thiết cầu xin thần Aphrodite biến bức tượng thành người thật. Cảm động trước tình cảm chân thành ấy, nữ thần đã cho anh toại nguyện.
Câu chuyện này đã truyền cảm hứng cho nhạc kịch My Fair Lady năm 1956, lập kỷ lục suất diễn tại sân khấu Broadway. Nội dung có thay đổi để phù hợp với thời hiện đại: Ông giáo sư Henry Higgins khẳng định có thể biến cô gái quê mùa Eliza thành một quí cô sang trọng. Ông đã thành công, không phải bằng những phương pháp dạy dỗ quy củ, mà bằng cách đối xử với Eliza như một quý cô. Ông đã làm cho cô gái tin rằng mình là quý cô thực sự. Hiệu ứng Pygmalion ra đời từ đây, miêu tả cách niềm tin cùng sự tác động của hoàn cảnh có thể thay đổi con người và tạo ra kỳ tích. Đây là một trong những kĩ năng được giảng dạy trong các trường huấn luyện thể thao hoặc quản lý nhân sự. Bằng cách đặt ra mục tiêu và khiến một cá nhân tin rằng họ có thể đạt được một cách đủ mạnh, mục tiêu đó sẽ đạt được.
Các nhà khoa học đã thực hiện nhiều thử nghiệm và chứng minh rằng, bộ não tin vào những gì chúng ta nói với nó nhiều nhất. Từ những gì chúng ta khẳng định liên tục, bộ não sẽ tạo ra các hiệu ứng giống như vậy. Một trong các thí nghiệm nổi tiếng nhất của giáo sư Robert Rosenthal (Đại học Harvard) thực hiện năm 1964 khi ông đã giả vờ tiến hành một bài kiểm tra IQ. Sau đó ông thông báo với các giáo viên rằng một nhóm học trò của họ có tiềm năng hơn nhóm còn lại. Một thời gian sau, kết quả học tập của nhóm ấy tiến bộ vượt bậc, dù tất nhiên, không có sự khác biệt nào về IQ cả. Các giáo viên đã tương tác với nhóm học trò ấy theo cách giúp các em tin rằng mình thật sự thông minh hơn.
Niềm tin có sức mạnh tác động đến hành vi và kết quả. Người thành công nhất không hẳn là người đặt ra mục tiêu lớn nhất, mà là người có niềm tin vững chắc và mạnh mẽ nhất vào chính mình, vào con đường mình đã chọn.
ó gì bất hợp lý chăng khi ngày hôm nay, người trẻ chúng ta có rất nhiều cơ hội học hành, làm việc và mở rộng tầm mắt, môi trường giao tiếp rộng lớn gấp nhiều lần các thế hệ trước, thế nhưng với chúng ta, niềm tin lại là một thứ gì đó xa vời và xa xỉ.
Rất nhiều bạn trẻ hiện nay có xu hướng đóng chặt cửa, dửng dưng với đời sống xã hội, mất dần niềm tin vào điều tốt đẹp trong cuộc sống chung quanh. Dù hiểu rõ giá trị của yêu thương và chia sẻ với tha nhân, thực tế chúng ta luôn đề phòng trước người lạ, tránh bắt chuyện với người không quen, không dám cho ai đó đi nhờ xe giữa đường vì sợ bị trộm cướp, bị làm hại. Ngay cả những người ở gần bên như bạn học, hàng xóm, lòng tin chúng ta đặt vào họ cũng ít dần…
Nhưng hơn hết thảy, khủng hoảng niềm tin vào nghề nghiệp và xa hơn là sự nghiệp, vẫn là chủ đề mạnh nhất. Một vòng qua các diễn đàn của giới trẻ, dễ dàng đọc được những tâm sự chán nản và cảm giác vô định. Rất đông bạn trẻ không có niềm tin vào công việc mình làm. Các lý do phổ biến: Thiếu đam mê, không yêu thích công việc được gia đình định hướng, hoặc hối tiếc vì đã chạy theo nghề nghiệp thời thượng mà quên lắng nghe mong muốn thực sự của bản thân... Rất nhiều bạn hiện làm việc chỉ để kiếm tiền cầm cự qua ngày, không thể vạch ra bước đi kế tiếp. Một số khác may mắn hơn có thể lựa chọn thay đổi hay tìm cơ hội mới, nhưng cũng không hề tin tưởng tương lai sẽ mang đến cho mình bước phát triển hay niềm hạnh phúc.
Thiếu vắng niềm tin, chúng ta như những con tàu đi trong sương mù, nguyên liệu sẵn đầy trong khoang chứa nhưng đích đến cứ xa vời vợi. Mỗi chặng dừng, ta lại phân vân tự hỏi cứ tiếp tục hay bỏ cuộc giữa chừng? Nếu hết lần này đến lần khác ta nói với bản thân rằng mình không thể đến đích, vậy điều duy nhất ta có thể làm là gì?
Câu trả lời đơn giản: Ta không thể làm gì cả.
Ý chí hay khát vọng là cách gọi khác của niềm tin vào bản thân. Duy trì nó, cần thêm niềm tin vào con người và môi trường quanh mình. Một khi thiếu vắng niềm tin, mãi mãi ta là con tàu lênh đênh giữa đại dương. Niềm tin là ngọn hải đăng dẫn lối. Thắp sáng ngọn hải đăng ấy chính là thách thức lớn với mỗi người trẻ.
ó nhiều cách tồn tại trong xã hội, có nhiều cách đối diện với xã hội, nhưng cách chúng ta đối đãi với cuộc sống ra sao, cuộc sống sẽ trả lại chúng ta như vậy. Hành trình trưởng thành kỳ thực là hành trình đặt những viên gạch của lòng tin. Tin vào thế giới chung quanh và làm cho thế giới ấy tin tưởng vào mình. Từng có câu nói khá hay: “Nếu không tin Trời thì phải tin người. Nếu không tin người thì phải tin mình.”
Vậy thế nào là một cá nhân đáng tin cậy?
Câu trả lời đơn giản: Đó là người sở hữu sức mạnh, khả năng, ưu thế, hoặc nắm giữ một tri thức nào đó mà người khác có thể dựa vào. Một vài lầm tưởng rằng uy tín chỉ có ở những người từng trải, có địa vị, có tiếng nói trong xã hội. Nhưng kỳ thực, uy tín là thứ được tích lũy lâu dài, bằng những thói quen rất nhỏ như giữ lời hứa, hành xử trung thực, lời nói chân thành, thái độ tích cực, sẵn sàng bày tỏ và chia sẻ...
Đặc biệt ngày hôm nay, trong một thế giới ngày càng xơ cứng và bị đe dọa bởi viễn ảnh mơ hồ về AI, thì lòng tin sẽ tìm đến những biểu hiện của nhân tính. Ta nóng nảy hay đôi khi thô lỗ? Bạn yếu đuối hay nhút nhát? Ta không xinh đẹp không giàu sang? Ta từng phạm sai lầm nào đó trong cuộc đời? Những điều như thế không ảnh hưởng uy tín của ta. Ngược lại, có thể các khiếm khuyết ấy lại làm nổi bật nhân tính của ta trong mắt chung quanh. Điều quan trọng là giữ lời hứa, hành xử trung thực, không đổ lỗi, dám nhận sai... Càng thành thật, chúng ta càng tạo được niềm tin một cách vững chắc.
Niềm tin không chỉ mang đến sức mạnh, mà còn là thành trì bảo vệ tâm trí ta. Thống kê cho thấy 15% dân số Việt Nam mắc phải 1 trong 10 loại bệnh tâm lí như trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi…. Nhiều bạn trẻ nói rằng việc phải thức giấc mỗi ngày mà không biết có gì đang chờ đợi, không hy vọng, không có một mục tiêu, khiến họ rơi dần vào vòng xoáy của những cảm xúc tiêu cực. Thiếu niềm tin là con đường ngắn nhất dẫn đến trầm cảm.
iềm tin này đã từng chứng minh sức mạnh to lớn của nó. Một đất nước nhỏ bé như Việt Nam, với tiềm lực hạn chế về quân sự và kĩ thuật, đã đi qua hai cuộc chiến tranh lớn trong thế kỷ 20. Hỏi bất kỳ một cựu chiến binh nào, chúng ta đều nhận được cùng một câu trả lời về cội nguồn của chiến thắng: Niềm tin. Thế hệ cha ông tin tưởng vào một tương lai hòa bình, ấm no nhất định sẽ đến. Niềm tin chung đó trở thành niềm tin riêng vào sự lãnh đạo của cấp trên, tin vào đồng đội cạnh bên mình, và tin vào chính bản thân mình có thể đóng góp cho mục tiêu lớn. Giống như một hiệu ứng Pygmalion của dân tộc, cha ông chúng ta không đầu hàng nghịch cảnh, và cuối cùng đã chiến thắng.
Nhưng trong cuộc sống hiện đại, có được niềm tin đủ vững và đủ mạnh đang là thách thức vô hình. Chúng ta thất vọng về người khác nhiều hơn là phát hiện ra điểm tích cực để gắn kết cùng nhau. Trên môi trường mạng xã hội, mọi chi tiết đều có thể bị soi xét từ nhiều góc độ, với nhiều mức độ. Một lời nói, một hành động, một bức ảnh ngỡ như vô thưởng vô phạt cũng có thể khiến chủ nhân mất sạch uy tín của mình. Giữ khoảng cách, dè chừng lẫn nhau trở thành một bản năng sống mới. Chúng ta tin rằng mình đang hành xử khôn ngoan hơn, an toàn hơn. Hiếm ai nhận ra những gì mình đang mất đi giá trị còn lớn hơn, trong nhiều khía cạnh cuộc sống, đặc biệt là trong công việc.
Chúng ta đều rõ tầm quan trọng của kỹ năng teamwork, nhưng hợp tác với nhau lại không dễ chút nào. Chúng ta khó thống nhất quan điểm, hay tranh cãi về quyền lợi, hiếm khi đặt mục tiêu chung lên hàng đầu. Chị Liên Trần, chuyên viên xây dựng hệ thống nhân sự cho các ngân hàng quốc tế chỉ ra điểm yếu phổ biến nhất của các bạn trẻ mà chị huấn luyện hơn một thập niên qua: “Các nhóm làm việc được tạo dựng về hình thức đúng là một team, nhưng không thực sự là một đội. Họ chỉ là các cá nhân xuất sắc làm việc cùng nhau, nhưng không là đồng đội của nhau. Họ không chia sẻ thông tin. Họ tìm kiếm vị trí nhưng né tránh trách nhiệm nếu team gặp vấn đề. Tôi không nghi ngờ tài năng lẫn khả năng của các bạn ấy, nhưng tốn rất nhiều thời gian và công sức giúp họ hợp tác. Để các bạn ấy thay đổi thái độ, tôi liên tục chứng minh: Không ai có thể phát triển nếu không được nhìn nhận như một nhân tố tích cực. Để được như thế, trước tiên, mỗi bạn phải tin vào cộng sự của mình và có được lòng tin của họ. Tin tưởng lẫn nhau, mỗi cá nhân trở nên mạnh hơn. Họ là một phần của nhóm làm việc hiệu quả, gắn bó, có thể đạt được những mục tiêu thực sự có ý nghĩa.”
Sự tin tưởng quan trọng trong mọi mối quan hệ. Khi những người trong “vòng tròn” của ta cảm thấy an toàn, họ thoải mái bày tỏ cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Từ đây mọi người cùng nhau phát huy ưu điểm, phát hiện lỗ hổng và tránh được các rủi ro.
rong quyển Democracy in America, Alexis de Tocqueville chứng minh chính lập trường Thanh giáo của những người di cư đã thiết lập nền tảng vững chắc cho nền dân chủ ở Mỹ. Ở Việt Nam, các quan niệm của đạo Phật về nhân quả từng là nền tảng cho đạo đức và niềm tin. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, trước sự phát triển quá nhanh của khoa học kĩ thuật và phương thức giao tiếp ảo, con người rơi vào trạng thái hoang mang. Có quá nhiều thứ để tin và không có gì để tin. Cả hai đều cùng mang đến một hệ quả.
Người trẻ chúng ta dễ dàng đánh mất niềm tin khi gặp thất bại. Có bạn chán sống, có bạn nghi ngờ chính mình, có bạn muốn rời bỏ mục tiêu khi vấp các trở ngại đầu tiên. Can đảm đối diện nỗi sợ, mạnh mẽ đương đầu thất bại là các bước chúng ta nên trải qua trên con đường xây dựng sự tự tin và thu phục lòng tin. Có thái độ tích cực là cách nhanh nhất để vực dậy niềm tin vào chính mình. Bạn chọn nhìn vào mặt sáng hay mặt tối của thế giới, thế giới cũng sẽ nhìn lại bạn theo cách tương tự.
Tin vào bản thân thôi chưa đủ. Dù trên mạng hay trong công sở, chúng ta còn học cách tin tưởng người khác và làm sao để họ tin tưởng mình. Chúng ta cần mở lòng, đặt lòng tin vào con người và nỗ giữ niềm tin đó, dù trải qua biến cố hay khó khăn.
Giờ là lúc cần đưa “niềm tin” trở thành một mục tiêu cụ thể, bên cạnh kiến thức. Chúng ta học cách xây dựng và tích lũy niềm tin bản thân, cũng lâu dài và thiết thực như tích lũy kiến thức. Những niềm tin tích cực là thuốc bổ cho tâm hồn, giúp ta vui vẻ hạnh phúc, cũng như mang đến sức mạnh để đạt được các mục tiêu. Kỳ tích của U23 Việt Nam là một minh chứng đầy cảm hứng
Năm 2018 đang đến. Bạn đã có lời chúc dành cho bản thân trong năm mới? Có lẽ bên cạnh những điều quen thuộc như công việc tốt hơn, mối quan hệ hạnh phúc hơn, tiền bạc nhiều hơn…, chúng ta ước có được “một niềm tin vững chắc hơn” vào cuộc sống và con người.
Muốn đến đích thì phải đi. Muốn đạt được thì phải nỗ lực. Chúng ta có thể khởi sự khác nhau, có những lựa chọn khác nhau. Nhưng chẳng phải mỗi hành trình đều được bắt đầu theo cùng một cách: Người lên đường tin rằng mình sẽ tìm thấy một điều gì đáng giá?
Lúc này đây, bạn đã có đủ niềm tin để lên đường rồi chứ?
Theo Trí Thức Trẻ