“Tết” – chỉ 1 từ ngắn gọn thế thôi mà lại có sức mạnh, gợi lên biết bao cảm xúc xốn xang, háo hức trong hầu hết chúng ta. Bởi sau một năm dài vất vả, kỳ nghỉ dài với những phút giây đoàn viên, ấm áp cuối cùng đã đến. Thế nhưng, với một nửa thế giới, Tết đôi khi lại trở thành một nỗi ám ảnh. Tết thử “sức bền” của những cô đã có chồng, có con, bởi phần lớn thời gian họ phải sấp ngửa trong bếp, đối nội, đối ngoại. Và với những nàng “son rỗi”, Tết cũng chưa hẳn là lúc nghỉ ngơi, thư giãn…
Nói đến Tết có thể đơn cử một món rất quen thuộc: Nem rán. Tết là chuỗi ngày của nem rán! Cúng ông Công ông Táo, nhà nào cũng có nem rán, Giao thừa cũng lại đôi mâm cỗ nữa, cỗ nào cũng yên vị 1 đĩa nem… Lắm khi tôi trộm nghĩ, nem của ngày Tết xếp chồng lên có khi được cả một mâm sính lễ đem đi ăn hỏi. Những chiếc nem ấy và cả những canh măng, canh bóng, măng miến, bánh chưng… ngon thì ngon thật, nhưng đôi khi lại chính là ác mộng của phụ nữ, dù còn “son rỗi” hay đã “theo chồng bỏ cuộc chơi”.
Thật vậy với những ai đã yên bề gia thất, những chảo nem to ì xèo trong bếp, những vuông bánh chưng chằn chặn dẻo thơm chính là công sức biết bao ngày vất vả, từ chuẩn bị tới gò lưng cuốn, rán, luộc, vớt... Và nữa, lấy chồng, đồng nghĩa với việc có thêm một gia đình thứ hai, Tết nhất không thể chỉ chăm chăm nghĩ cho ngôi nhà nhỏ của mình mà còn phải lo mua sắm, quà cáp cho hai bên nội ngoại. Cùng với đó, bao khoản tiền đang "đội nón” ra đi: Mua quần áo mới, quà biếu họ hàng đôi bên nội ngoại, mua bao lì xì, và tất nhiên là cả thực phẩm Tết chất đầy tủ lạnh…
Với các nàng độc thân, Tết là một “khoá học” làm vợ đảm dâu hiền mà cô giáo đứng lớp chính là mẹ. Dù là các cô thích nữ công gia chánh hay những nàng “công chúa, tiểu thư” thích làm điệu thì khi Tết đến vẫn phải tâm niệm, Tết đồng nghĩa với việc “đánh vật” với bát nhân thịt và xấp bánh đa, để pha nước mắm cho chuẩn, gói bánh chưng cho vuông, luộc bánh chưng không sống, rồi thứ đến là miến, măng, bóng, thịt… Tất cả đều là cao lương mỹ vị, đòi hỏi sự cầu kỳ, khéo léo, đảm đang. Chẳng phải tự dưng mà con gái chưa chồng cũng sờ sợ Tết là thế đâu!
Và đừng tưởng gói nem tròn, rán nem ngon thì đã qua được “ải”, bởi các cụ đã dạy: “30 chưa phải là Tết!”. Nếu như Tết của phụ nữ có chồng là để đối nội, đối ngoại, thì Tết của các cô thiếu nữ là lúc cái nết na, đảm đang bắt đầu được cô dì chú bác đến ăn Tất niên đặt lên "bàn cân" đem ra thẩm định, đánh giá xem “ái nữ” của gia chủ đã đủ tiêu chuẩn lấy chồng hay chưa. Vậy là từ câu chuyện rán nem, làm cỗ mà dắt dây theo biết bao nỗi ám ảnh khác nữa: “Ôi, con gái khéo thế này là lấy chồng được rồi.”, “ Thế bao giờ lấy chồng?”, “Bao giờ dắt bạn trai về nhà?”…
Ừ nhỉ, ai bảo Tết của người độc thân thì bớt đi nỗi hoang mang, lo sợ. Chẳng thế mà mới đây, khi tôi hỏi những cô gái tình cờ bắt gặp trên phố, dù câu trả lời khác nhau chỗ này, chỗ khác, nhưng hầu hết đều thú nhận: "Sợ thế, Tết ơi...!"
Đúng là Tết bận rộn, quay cuồng, tất tả, ngược xuôi… nhưng xét cho cùng, Tết không có lỗi, nên sẽ là cực đoan nếu cứ đổ mọi tội tình cho kỳ nghỉ cuối năm tuyệt vời này.
Tìm về bản chất sâu xa, Tết là thời điểm thiêng liêng, giao hòa của vạn vật, là lúc con người sát lại gần nhau, để trân trọng, nâng niu, thắt chặt những mối quan hệ! Thử nghĩ mà xem, nếu không có Tết, trẻ con sẽ bớt đi vài ngày háo hức, người già sẽ mất đi những khoảnh khắc khấp khởi mong cháu chờ con.
Và hãy nhìn theo một hướng tích cực hơn, đôi khi ngay cả những khoảnh khắc trong bếp của mẹ và con gái bên chảo nem ngày Tết vất vả thật đấy nhưng ai bảo không có chút nào vui vẻ? Đó là những nụ cười khi hoàn thành một đĩa nem ngon, và biết rằng người thân yêu sẽ thưởng thức và thích thú, hay là ánh nhìn tự hào rạng rỡ của mẹ khi thấy cô con gái đã trưởng thành, lớn khôn. Nếu không có Tết, sẽ có những người mà ta chẳng thể đến thăm, đơn giản cũng chỉ vì thiếu đi một cái “cớ”, một cái “cớ” rất nhân văn, một cái “cớ” đầy tình người – Tết.
Thế đấy, hãy dừng lại một phút trước khi kêu ca, than vãn, để nhớ rằng, cuộc sống thay đổi chóng mặt, biểu hiện không chỉ trên giá của bát phở, hay cái bánh mì, mà còn ở cách người ta kết nối, giao tiếp với nhau. Tết sẽ mãi giữ được những giá trị quý giá, thiêng liêng, chỉ cần có sự điều chỉnh, thay đổi để vừa vặn hơn với nếp sống mới vốn đã đổi thay dần theo thời gian. Nếu cứ mãi cứng nhắc với quá nhiều lễ nghi, thủ tục, kiêng kỵ, cấm đoán giữa lúc cuộc sống đã thừa thãi căng thẳng, mệt mỏi, có lẽ chúng ta khó lòng yêu mãi những ngày Tết như xưa, đặc biệt là phụ nữ – những người luôn mong muốn cho gia đình được sung túc, chu toàn trong những ngày đầu xuân năm mới!
Suy cho cùng, không phải mâm cao, cỗ đầy hay những lễ nghi hoành tráng mới khiến Tết trở nên quan trọng, mà chung quy là mấy chữ “gia đình”, “đoàn viên”, “sum vầy”. Nem công chả phượng chế biến cầu kỳ, gia công phức tạp, có thì cũng thích, cũng đẹp, cũng ngon đấy, nhưng nếu không có, nếu quá mất thời gian, đòi hỏi nhiều công sức, khiến bất cứ người phụ nữ nào từ tề gia nội trợ tới mới chớm xuân thì đều sợ hãi, âu cũng nên thay đổi ít nhiều!
Thay vì ngày ba mâm cỗ đủ đầy, nem rán canh măng do một tay người vợ, người con gái tần tảo, cặm cụi, sẽ chẳng có gì thất lễ nếu ta sum vầy bên nhau, cùng ăn đôi bữa mì lẩu tôm chua cay hay sườn hầm ngũ quả do chính tay người chồng úp cho vợ, vừa giải ngấy, vừa giản đơn. Ừ, Tết là sum vầy, yêu thương mà, đâu phải vì bữa cơm ăn sơn hào hải vị hay mì úp nhẹ nhàng mà mất đi ý nghĩa? Và thay vì miễn cưỡng trả lời mấy câu hỏi vô thưởng, vô phạt nhưng lại có phần... vô duyên: “Lấy chồng/lấy vợ chưa?”, chúng ta có thể chủ động chia sẻ những dự định, những mong muốn trong tương lai với gia đình, người thân – những người thực sự quan tâm và muốn chia sẻ với ta mọi điều.
Hãy bắt đầu thay đổi từ Tết năm nay, bởi Tết sẽ luôn đẹp, luôn đáng yêu với tất cả mọi người khi ta không còn những ám ảnh, sợ hãi!
Trí thức trẻ