img

Đà Lạt trong tiềm thức của rất nhiều người, dù sống ở đây nhiều năm hay khách du lịch từ phương xa đến, đều là hình ảnh về một thành phố đầy những con dốc - cũng là thứ quen thuộc nhất và gắn bó với cuộc sống của biết bao thế hệ người dân nơi đây. Từ trung tâm, ngay sát khu Hoà Bình là con Dốc Nhà Làng cho đến nhưng con dốc ven hồ Xuân Hương, hay là Dốc Nhà Bò ở phía cuối đường Đào Duy Từ… Chẳng đâu như ở đây - nơi mà bạn có thể liên tục bắt gặp những con dốc ngoằn ngoèo lên xuống. Những con dốc ấy mang trong mình linh hồn của Đà Lạt, mang những kỷ niệm của biết bao thế hệ đã và đang sinh sống ở nơi đây. Ai đó đã từng nói về Đà Lạt bằng những mỹ từ hết sức lãng mạn, rằng "cầu thang ai rải giữa trời", rồi cũng có nhiều người gọi thành phố ngàn hoa bằng một cái tên khác: thành phố dốc.

Tết này ghé Dốc Nhà Làng, ngắm hoa đã nở đầy bên thềm và lắng nghe chuyện tháng năm của người Đà Lạt - Ảnh 1.

Mỗi thế hệ, họ yêu Đà Lạt theo cái cách của riêng mình. Nếu các thế hệ trước yêu Đà Lạt bởi sự bình yên, truyền lại tình yêu ấy cho con cháu qua những câu chuyện mưa nắng bốn mùa quanh những con dốc thì các thế hệ sau lại muốn tìm cách mang thêm niềm vui mới, tình yêu mới khoác lên những con đường quen thuộc. Chẳng cần tìm đâu xa, cứ lang thang đến Dốc Nhà Làng ở ngay gần Khu Hoà Bình thuộc trung tâm Đà Lạt, sẽ thấy ngay những câu chuyện tháng năm đang ngày ngày hằn in lên những bậc thang, những triền dốc nơi này.

Tết này ghé Dốc Nhà Làng, ngắm hoa đã nở đầy bên thềm và lắng nghe chuyện tháng năm của người Đà Lạt - Ảnh 2.

Dốc Nhà Làng thật ra là con đường mang tên Nguyễn Biểu nằm ở phường 1, ngay gần Khu Hoà Bình. Thế nhưng, có thể do địa hình nơi này toàn dốc đứng, cũng có thể do người ta đã quá quen với cái tên xưa cũ đó, nên ai cũng gọi là Dốc Nhà Làng. Nghe bảo, hồi trước có một khu dân cư sống ở đây được gọi là Nhà Làng. Mọi con dốc xung quanh đều hướng về Nhà Làng nên người ta gọi như vậy. Cũng có người kể rằng trước đó, con dốc này có tên là Già Làng, sau này cứ gọi chệch dần đi, tới giờ thì người ta quen gọi là Nhà Làng hơn. Những câu chuyện ấy cứ được truyền miệng từ các ông bà, cô chú sống trong khu tới những đứa trẻ lớn lên nơi đây, tới cả các vị khách du lịch từ phương xa ghé thăm.

Sơn KOVA - Tôi vẽ thành phố tôi

Đi sâu vào phía trong những con dốc mới thấy cuộc sống nơi này nhộn nhịp thế nào. Sáng sáng, những hàng bánh căn, hủ tiếu… lách cách tiếng bát đĩa, nhộn nhịp người qua kẻ lại. Có những người làm việc ở phía ngoài con dốc nhưng cũng vào đây ăn sáng. Nép trên đầu đoạn dốc là những bà cụ bán thịt, bán rau quen mặt hàng chục năm qua. Tới khoảng 9 - 10 giờ sáng hàng ngày, các hàng cà phê, những tiệm may, tiệm bán quần áo cũng bắt đầu mở cửa. Con dốc bừng sáng dưới ánh nắng cao nguyên Đà Lạt, ai cũng bận rộn với công việc của riêng mình, nói đúng hơn là những câu chuyện của riêng mình.

Tết này ghé Dốc Nhà Làng, ngắm hoa đã nở đầy bên thềm và lắng nghe chuyện tháng năm của người Đà Lạt - Ảnh 4.

Dốc nhỏ, người đi qua, kẻ đi lại tấp nập là thế nhưng chẳng mấy khi thấy va chạm. Có vẻ như người dân ở đây đã quá quen với cái sự dốc đứng ấy. Thỉnh thoảng, chẳng may vì chen chúc mà va vào nhau, câu "xin lỗi" ân cần lại nhanh chóng đưa mọi chuyện trở về quy củ. Ngồi ăn đĩa bánh căn, hoặc lang thang chụp ảnh quanh những bậc thang mà gặp mấy bà, mấy ông bán hàng ở đây, hay là những ông chú đang ngồi cà phê nhâm nhi buổi sáng, hỏi chuyện vài ba câu, họ chẳng ngại ngần mà kể đủ thứ chuyện về con dốc này.

Có những gia đình đã có tới "ngũ đại đồng đường" sống ở đây, những người ông, người bà đã gắn bó với con dốc từ thuở lọt lòng… nên bao nhiêu câu chuyện ở đó, họ gần như đều được chứng kiến hết. Bởi vậy nên khi có thông tin dốc Nhà Làng được chọn để thực hiện dự án "Phố Bên Đồi", chào đón Festival Hoa Đà Lạt 2020 và đón năm mới Canh Tý, bà con đều nhất loạt đồng ý, rồi còn cùng nhau đi thu dọn rác trên tất cả những con đường xung quanh khu nhà để chuẩn bị thực hiện các bức hoạ trên tường, khoác áo mới lên cho dốc Nhà Làng. Thế là mùa xuân này, Dốc Nhà Làng sẽ có thêm thật nhiều đoá hoa nở rực rỡ trên những bức tường, những triền dốc và bên từng bậc thang...

Tết này ghé Dốc Nhà Làng, ngắm hoa đã nở đầy bên thềm và lắng nghe chuyện tháng năm của người Đà Lạt - Ảnh 6.

Các thế hệ về sau, họ không chỉ muốn giữ gìn vẻ đẹp của dốc Nhà Làng nói riêng và Đà Lạt nói chung, nhiều người còn muốn mang thêm những nét đẹp mới mẻ hơn, vui tươi hơn đến với thành phố ngàn hoa. Bằng cách riêng của mình, người trẻ cũng muốn thể hiện tình yêu với thành phố, quê hương họ. Cũng bởi vậy, khi dự án "Phố Bên Đồi" bắt đầu được triển khai, đã có rất nhiều người chung tay để làm nên những tác phẩm nghệ thuật, làm nên tấm áo mới cho những bức tường, cánh cổng, taluy đá, bờ đá… ở đây. Các hoạ sĩ trẻ, những sinh viên mỹ thuật, với sự chung tay giúp đỡ của rất nhiều người khác từ mọi nơi đã quy tụ về đây, làm nên rất nhiều tác phẩm với những ý nghĩa lớn lao. Đó là hình ảnh bác sĩ A. Yersin - người có công phát hiện ra Đà Lạt, hay người nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đưa những bước chân phiêu lãng qua mảnh đất cao nguyên. Đó là những mảnh đất, con người Đà Lạt qua các tác phẩm thấm đẫm linh hồn xứ sở mùa sương như Chiều chủ nhật buồn, Tuổi đá buồn, Dấu chân địa đàng, Xin Mặt trời ngủ yên…

Tết này ghé Dốc Nhà Làng, ngắm hoa đã nở đầy bên thềm và lắng nghe chuyện tháng năm của người Đà Lạt - Ảnh 7.

Đó còn là những kỷ niệm tuổi thơ trong tác phẩm nữ sinh trường Trung học Bùi Thị Xuân mà chỉ cần nhìn thấy nó thôi, nhiều người bà, người cô lại xúc động bởi bao ký ức sống lại. Cô Yến, một người sống trong con dốc này, cũng là một nữ sinh cũ của trường Bùi Thị Xuân kể, cứ mỗi lần ngắm bức vẽ này là cô lại thấy cả tuổi thơ. Những ký ức thời còn cắp sách tới trường cứ ùa về trong cô.

Ở một góc khác của con dốc, nơi đón được ánh nắng Mặt trời mỗi sáng sớm đã xuất hiện thêm những đoá hoa dã quỳ vàng rực. Ông Huỳnh Sin, bậc cao niên hơn 80 tuổi sống tại con Dốc Nhà Làng bùi ngùi kể lại rằng: "Ngày trước, xung quanh đây trồng nhiều dã quỳ lắm này!". Có vẻ như, hình ảnh những đoá quỳ ngày xưa đã in sâu trong tâm trí ông, và sự xuất hiện trở lại của chúng trên những bức tường đã khiến ông chợt nhớ lại những ký ức ngày nào.

Tết này ghé Dốc Nhà Làng, ngắm hoa đã nở đầy bên thềm và lắng nghe chuyện tháng năm của người Đà Lạt - Ảnh 8.

Cô Loan, người giáo viên về hưu đang sống ở đây chia sẻ rằng: Nhìn những bức tường rêu phong ở những nhà xung quanh dần được phủ kín bằng những hình ảnh rực rỡ, cô thấy nôn nao vô cùng. Phải đến khi bức hoạ "Tựa tường hoa" xuất hiện trên tường nhà cô thì cái nôn nao ấy mới được xoa dịu. Vui hơn cả là khi bé Gấu - thằng cháu của cô cứ đứng đó chỉ vào bức tranh và nói rằng hai đứa trẻ kia chính là nó và chị gái khi lớn lên. Hoá ra, có những niềm vui chỉ từ những điều giản đơn như vậy.

Tết này ghé Dốc Nhà Làng, ngắm hoa đã nở đầy bên thềm và lắng nghe chuyện tháng năm của người Đà Lạt - Ảnh 9.

Và thế là, trên con dốc nhỏ ngày nào còn lấm lem màu rêu mốc, giờ đây đã nở đầy những hoa dã quỳ, rồi cả những đoá hoa cẩm tú cầu, hồng leo, mimosa - mang hơi thở của thành phố ngàn hoa Đà Lạt. Anh Tuyên - người thợ may đã lấy tên con dốc đặt cho cửa tiệm của mình vẫn luôn tay với những bộ vest mà khách đặt cho Tết. Thế nhưng cứ thỉnh thoảng, anh lại vô thức ngước nhìn ra bên ngoài, nơi mấy đứa trẻ đang huyên náo bên bức tường hoa. Chưa tới Tết mà cả con dốc bỗng trở nên rộn ràng hơn hẳn. Mùa xuân đến sớm hơn, và cũng sẽ ở lại lâu hơn với những người dân sống trong Dốc Nhà Làng.

Tết này ghé Dốc Nhà Làng, ngắm hoa đã nở đầy bên thềm và lắng nghe chuyện tháng năm của người Đà Lạt - Ảnh 10.
Tết này ghé Dốc Nhà Làng, ngắm hoa đã nở đầy bên thềm và lắng nghe chuyện tháng năm của người Đà Lạt - Ảnh 11.

Từ lời nói đến hành động là cả một quá trình mà những người dân sinh sống trong dốc Nhà Làng cùng các hoạ sĩ và đội thi công chung tay thực hiện. Từ những mảng tường rêu phong cũ kỹ, chằng chịt những vệt sơn, nét vẽ đen đỏ, những viên gạch đã lộ dần ra dưới mảng sơn bong tróc, những lối đi vương vãi rác bẩn…, họ cùng nhau dọn sạch, trải lên đó những lớp sơn màu, những hình ảnh với thật nhiều kỷ niệm gắn bó với Đà Lạt.

Tết này ghé Dốc Nhà Làng, ngắm hoa đã nở đầy bên thềm và lắng nghe chuyện tháng năm của người Đà Lạt - Ảnh 12.

Cả một công trình, không phải ngày một ngày hai, cũng không phải nhờ một người mà hoàn thành ngay được. Ông Nguyễn Trung Hiền, người sáng lập dự án "Phố Bên Đồi" chia sẻ rằng: "Phố nghệ thuật Dốc Nhà Làng không chỉ đơn thuần là một con phố bích hoạ mà còn kết hợp với nghệ thuật sắp đặt để tạo nên một không gian nghệ thuật chung, cùng kể nên câu chuyện ở xứ hoa Đà Lạt. 

 Và ở đó, người dân trong khu phố đóng vai trò rất quan trọng, từ khâu xây dựng, hoàn thiện cho đến những tương tác để cho tác phẩm trở nên sống động hơn".

Sau khi con phố nghệ thuật được hoàn thiện, cuộc sống người dân nơi đây cũng có thêm những thay đổi mới. Con phố sạch sẽ hơn, những lối đi chẳng còn vương nhiều rác. Những mảng tường rêu cũ kỹ như bừng sáng với các mảng màu tươi tắn hơn, giống như "nở hoa", giống như "vườn cổ tích" theo cách người dân nơi đây so sánh. Khách du lịch qua lại nhiều hơn, có cả những vị khách từ tỉnh thành khác, thậm chí là các nước khác. Họ đến để chụp ảnh, để thăm thú, và để nghe thật nhiều những câu chuyện về Dốc Nhà Làng.

Những ngày này, Đà Lạt cũng bắt đầu rộn ràng hơn với không khí mùa xuân và đón Tết. Đường phố tấp nập hơn bởi người đi mua sắm, kẻ đi bán buôn. Thành phố này vốn dĩ lúc nào cũng ngập tràn hoa, nhưng mùa xuân này, khu nhà của những người dân trong Dốc Nhà Làng sẽ tươi tắn, rực rỡ hơn hẳn với sự xuất hiện của những bức tranh đủ màu sắc. 

 Giờ đây, ai cũng bắt đầu quen gọi nơi này bằng cái tên quen thuộc và thân thương là "làng bích hoạ", giống như cái tên "Dốc Nhà Làng" đã tồn tại hết năm này qua năm khác, sống trong lòng mỗi người dân nơi đây…

Tết này ghé Dốc Nhà Làng, ngắm hoa đã nở đầy bên thềm và lắng nghe chuyện tháng năm của người Đà Lạt - Ảnh 14.




Ngọc Ánh
Sơn KOVA, Quý Nguyễn, Mén
Caro, Dương Lê
Theo Trí Thức Trẻ



Theo Ngọc Quý

Trí thức trẻ

Trở lên trên