Đầu tư 300 triệu đồng mở Doco Donuts & Coffee, xây dựng công ty rạp chiếu phim với số vốn vỏn vẹn 5 tỷ từ lợi nhuận tích lũy của Doco Donuts, được định giá 1,000 tỷ đồng sau 6 năm… Là nhà đầu tư, nhạc sĩ, nhà sản xuất phim - Dù trong vai trò nào Minh Beta cũng tạo nên sự kinh ngạc cho nhiều người.
Trước đây, mọi người biết đến Minh Beta trong lĩnh vực F&B (Food and Beverage - Dịch vụ nhà hàng và quầy uống) và trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc, hiện nay anh lại xuất hiện trong vai trò là người sáng lập nên chuỗi Beta Cinemas. Tại sao lại có sự "bẻ lái" đầy bất ngờ này, thưa anh?
Trước đây mọi người chủ yếu nhìn thấy tôi trong vai trò CEO Doco Donuts & Coffee, hay là nhạc sĩ sáng tác nên bài "Việt Nam ơi" mà ít người biết tôi còn nghiên cứu về điện ảnh từ lâu. Đứng ở góc độ một người nghệ sĩ tôi có góc nhìn tỉ mỉ hơn về ngành nghệ thuật thứ bảy, còn khi đứng ở góc độ một nhà đầu tư thì cần có cái nhìn tổng quan về thị trường. Tôi nhận thấy rằng dân số Việt Nam lớn nhưng doanh thu từ ngành điện ảnh còn rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philipines. Bởi vậy, tôi đã đặt ra bài toán cho mình là làm thế nào để vừa tìm được cơ hội kinh doanh khả quan, vừa thỏa mãn được niềm đam mê với nghệ thuật. Mà để đáp ứng được những yêu cầu này thì Beta Cinemas là một sự lựa chọn phù hợp. Tôi quan niệm mình là người khởi tạo, dù đó là một bài hát hay một doanh nghiệp, miễn là tạo ra giá trị thì tôi sẽ tìm cách khởi tạo.
Anh có hình dung được những khó khăn mà mình sẽ phải đối mặt không, nhất là vào thời điểm năm 2014 khi thị trường điện ảnh trong nước chưa khởi sắc?
Tất nhiên để bắt tay vào làm start-up sẽ có nhiều khó khăn, tuy nhiên khi đó tôi vẫn quyết tâm triển khai dự án bởi vì tôi nhận ra được những tiềm năng phát triển của thị trường điện ảnh. Tôi còn nhớ vào đầu năm 2014 có sự kiện CGV mua lại 80% cổ phần của Megastar. Khi đó, hệ thống 7 rạp chiếu Megastar sau 6 năm hoạt động mới bắt đầu có lãi, được định giá tới gần 100 triệu USD và được CGV mua lại. Có thể thấy CGV không chỉ đánh giá giá trị của Megastar tại thời điểm đó mà họ còn đánh giá được tiềm năng phát triển của hệ thống rạp này trong tương lai.
Anh đã lựa chọn chiến lược khởi động cho Beta Cinemas như thế nào?
Thay bằng việc khởi đầu kinh doanh tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng đã có hệ thống rạp chiếu phim lớn thì tôi tìm đến thị trường ngách, chưa có rạp chiếu để mang đến trải nghiệm mới cho người sử dụng dịch vụ. Thái Nguyên là sự lựa chọn của tôi khi triển khai rạp chiếu đầu tiên bởi đây là khu vực gần Hà Nội sẽ thuận tiện cho tôi trong việc đi lại giám sát dự án. Ngoài ra, Thái Nguyên còn có cụm trường đại học lớn và nhiều khu công nghiệp đang hoạt động. Ước chừng số lượng dân số tại đây có khoảng 400.000 người, cùng với hàng chục nghìn người lao động đang làm việc tại khu công nghiệp sẽ là những khách hàng tiềm năng của Beta Cinemas.
Chiến lược đầu tư rạp chiếu tại thị trường ngách đã có tác dụng như thế nào trong quá trình phát triển Beta Cinemas?
Hiện nay nếu cứ nghĩ đến các cụm rạp lớn tại Hà Nội, TP. HCM bạn sẽ nghĩ ngay đến không gian chiếu phim rất rộng lớn, sang trọng với mức giá vé cao. Trong khi tại thị trường các tỉnh có quy mô dân số lớn, nhu cầu xem phim tại rạp luôn có nhưng mức chi tiêu của người dân thì có hạn. Nếu muốn tạo nên mức giá vé xem phim phù hợp với phần đông người tiêu dùng Việt thì cần hình thành nên chuỗi rạp phim hướng đến những đối tượng khách hàng như vậy.
Đến với Beta, cảm giác đầu tiên sẽ là sự thân thiện, gần gũi, tối ưu hóa diện tích và các nguồn lực mình sẵn có. Thay bằng việc đầu tư vào một rạp chiếu tại khu vực trung tâm có mức thuê mặt bằng đắt đỏ thì chúng tôi tìm đến các khu vực vùng ven, nơi tập trung nhiều trường đại học hay các khu công nghiệp để vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa đưa sản phẩm đến đúng đối tượng khách hàng. Thực tế là bài toán đầu tư của tôi đã đi đúng hướng khi nhận được sự phản hồi tích cực từ thị trường, hiện nay hệ thống 14 rạp Beta Cinemas đạt doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, mức lợi nhuận trên 20% so với doanh thu, tăng trưởng 20-30% qua từng năm.
Từ chiến lược tìm thị trường theo lối khác biệt, tiếp theo anh muốn đặt ra mục tiêu nào cho Beta Cinemas?
Khi hệ thống rạp đã đi vào vận hành ổn định, bài toán tiếp theo tôi đang đặt ra cho Beta Cinemas là tìm kiếm thêm các đối tác để thực hiện các thương vụ nhượng quyền nhằm mục đích đi nhanh hơn và xa hơn, mở rộng thêm các khu vực để phục vụ được nhiều khán giả hơn nữa.
Khái niệm nhượng quyền đã khá quen thuộc với nhiều người Việt Nam, nhưng nhượng quyền rạp chiếu phim thì hình như tôi mới nghe thấy lần đầu?
Đúng là như vậy (cười), bởi vì Beta Cinemas hiện nay là mô hình nhượng quyền rạp chiếu phim tiên phong tại khu vực. Điều này xuất phát từ thực tế là tại các quốc gia xung quanh Việt Nam, các hệ thống rạp chiếu phim đều thuộc sở hữu của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có quy mô lớn, hoạt động trên pham vi rộng. Với chiến lược phủ sóng mạnh mẽ cùng hệ thống rạp chiếu sang trọng, chi phí tốn kém thì rõ ràng bài toán đầu tư này không dành cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đó là chưa kể bản thân doanh nghiệp điều hành cũng không có nhu cầu nhượng quyền. Trong khi đó tại Việt Nam mô hình kinh doanh hộ gia đình rất phố biến, đa số mọi người đều có tinh thần khởi nghiệp. Bởi vậy, tôi mong muốn tạo nên mô hình Franchise rạp chiếu phim phù hợp với đặc trưng của địa phương, vừa làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân tại khu vực đó, vừa lan tỏa thương hiệu Beta Cinemas đến với nhiều người tiêu dùng trong nước hơn nữa.
Anh lựa chọn đối tác dựa trên các tiêu chí nào?
Một đối tác đáp ứng được các tiêu chí về vốn, network, sự nghiêm túc khi làm kinh doanh sẽ là lựa chọn của tôi. Hiện nay các nhà đầu tư có ngân sách trung bình từ 4 tỷ đồng/phòng chiếu là đã có thể triển khai dự án của Beta Cinemas. Chúng tôi sẽ hỗ trợ đối tác trong việc đánh giá thị trường, tính khả thi của dự án. Quá trình thi công, điều hành và đào tạo nhân sự tại dự án sẽ do Beta Cinemas đảm nhiệm. Trừ chi phí thuê mặt bằng ở mức khá cố định thì các chi phí đầu tư khác đều có thể co giãn linh hoạt được. Thông thường thì các mặt bằng gần khu vực trung tâm, các khu dân cư lớn hay khu công nghiệp sẽ là các khu vực có đầy đủ tiềm năng để kinh doanh nhượng quyền rạp chiếu phim.
Bài toán lợi nhuận được Beta Cinemas đặt ra cho đối tác nhượng quyền là gì?
Trung bình với cụm rạp 3 phòng chiếu của Beta Cinemas sẽ mang về doanh thu khoảng 12 tỷ đồng/năm, thời gian hoàn vốn sẽ trong quãng từ 3-5 năm. Với những cụm rạp nhượng quyền đã được Beta Cinemas thực hiện trước đó thì các dự án đều có tỷ suất lợi nhuận cao, ổn định.
Theo anh đánh giá thì hiện tại Beta Cinemas đang đứng ở vị trí nào trên thị trường?
Sau 6 năm tham gia thị trường, tôi được chứng kiến sự phát triển của ngành điện ảnh trong nước, đi kèm với đó thì việc cạnh tranh là điều tất yếu. Tuy nhiên tôi vẫn kiên trì hướng đến những khách hàng trung cấp bởi mỗi thị trường đều cần phải có một bài toán kinh doanh khỏe mạnh, một mô hình đầu tư phù hợp với lượng khách hàng sẵn có tại khu vực đó. Với chiến lược phát triển Beta Cinemas thì tôi không chú tâm đến các đối thủ khác mà chỉ chú trọng đến việc mở rộng hệ thống. Trong mọi cuộc đua tôi luôn quan niệm là tôi đang chạy đua với chính mình chứ không đua với người khác (cười)
Được biết vừa qua Beta Cinemas đã thực hiện thành công việc gọi vốn từ quỹ đầu tư Daiwa PI Partners. 8 triệu USD là số vốn không hề nhỏ, để triển khai thành công kế hoạch này trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, anh đã làm những gì?
Việc gọi vốn của Beta Cinemas được bắt đầu tư đầu năm 2019, đến cuối năm khi mọi thứ gần như đã hoàn tất thì dịch Covid-19 bùng phát khiến mọi việc đều bị chững lại. Trong thời điểm giãn cách xã hội, hệ thống rạp của chúng tôi phải ngừng hoạt động trong nhiều tuần đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số. Tuy nhiên, điều bất ngờ là khi Việt Nam khôi phục lại trạng thái bình thường mới thì chuỗi Beta Cinemas đã phục hồi rất nhanh, thậm chí doanh thu của hệ thống còn tốt hơn cả trước thời điểm dịch và chúng tôi đã hợp tác thành công thương vụ 8 triệu USD trong thời gian đó. Tất nhiên là quỹ đầu tư không đơn thuần chỉ nhìn vào các số liệu tăng trưởng của chúng tôi trong mùa dịch mà họ đã có đánh giá đường dài về tiềm năng phát triển của thị trường và năng lực cạnh tranh của Beta Cinemas. Được định giá hơn 40 triệu USD, hiện tại Beta Cinemas đang là chuỗi rạp chiếu phim trung cấp lớn nhất Việt Nam và có sự phát triển mạnh mẽ nhất so với các hệ thống rạp chiếu phim khác trong cùng phân khúc.
Anh dự định sẽ sử dụng số vốn này như thế nào?
Với số vốn này tôi sẽ tiếp tục đầu tư các cụm rạp có vai trò tạo dựng thương hiệu tại Hà Nội và TP. HCM, từ đó làm bàn đạp để hỗ trợ được cho các đối tác tại các địa phương xa hơn. Với mô hình nhượng quyền, tôi hy vọng Beta Cinemas sẽ đi xa hơn, tiếp cận nhanh hơn tới các khách hàng ở vùng xa xôi để cán mốc 50 rạp chiếu phim trong vài năm tới.
Từ câu chuyện kêu gọi vốn đầu tư thành công trong mùa dịch bệnh của Beta Cinemas, theo anh đâu là những điều kiện cần và đủ để một start-up gọi vốn thành công trong thời điểm hiện nay?
Tất nhiên vào thời điểm kinh tế thế giới bị suy thoái vì dịch bệnh thì việc kêu gọi vốn sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khi thế giới đang thiết lập một trật tự mới thì start-up nào nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu của xã hội thì sẽ có cơ hội thành công. Đó là điều kiện cần, còn nếu xét về điều kiện đủ thì tôi nghĩ dù hoạt động trong lĩnh vực nào thì các yếu tố về tầm nhìn, sứ mệnh, hay sự nỗ lực vươn mình của người sáng lập vẫn luôn giữ vai trò quan trọng mang đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong bất kỳ hoàn cảnh kinh tế nào.
Xin cảm ơn anh!
Nhịp sống kinh tế