img

Cách đây vài năm, hình dung về những người "bỏ phố về quê" đóng khung thế này: Một cử nhân, thạc sĩ từ thành phố về quê xây dựng trang trại, thành công với mô hình kinh doanh nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Những câu chuyện đó, giới trẻ ngưỡng mộ khi lướt qua, nhưng mặc nhiên họ không nghĩ bản thân sẽ trở thành người như vậy.

Thành phố vẫn vui hơn.

Rồi biến cố đến, những bạn trẻ mất việc, không nhà cửa, không ràng buộc bắt đầu "di cư". Làn sóng bùng lên mạnh mẽ khi cuộc sống nông thôn yên ả vốn bị bỏ quên, được tô vẽ như chốn không áp lực trong các clip hàng triệu view. Hỏi người xem thèm không? Thèm chứ! Còn gì sướng hơn được sống mà ra vườn có rau sạch để ăn, ra biển có hải sản tươi mang về ngập giỏ… tiền chi tiêu sinh hoạt chỉ tốn xíu xiu.

Thành phố bỗng khắc nghiệt và chán chường quá, sau viễn cảnh đó.

Ở hiện tại, phố và quê không chỉ là tên gọi một nơi chốn. Nó là 2 màu cuộc sống tương phản, lựa chọn cái nào cũng phải đánh đổi.

Có người trở về nơi cha sinh mẹ đẻ (nhưng chưa sống bao giờ), có người tìm ra đảo (nơi xa lạ chưa từng tới), có người leo trèo trên mấy quả đồi dựng chòi sống ở đó (trong khi nhà của ba mẹ cách đó hàng nghìn cây số) và gọi đó là quê. Miễn sao có một nơi khiến sự xô bồ, sức ép, tiếng réo gọi của những cuộc họp, deadline,...  biến mất - thì đó chính là quê.

Cũng giống như 5 người trẻ dưới đây, họ đều có chung lựa chọn rời bỏ thành phố. Nhưng câu chuyện họ phải trải qua, đối mặt với quyết định của mình thì không ai giống ai.

Thành thị đưa ra quá nhiều điều kiện để sinh tồn, nhiều người đem  tài sản “lên đồi xuống biển” để sống vui trước đã - Ảnh 1.

Thành thị đưa ra quá nhiều điều kiện để sinh tồn, nhiều người đem  tài sản “lên đồi xuống biển” để sống vui trước đã - Ảnh 2.

Không rõ có phải là trùng hợp hay không nhưng để ý sẽ thấy những người lựa chọn đi khỏi phố là những người đã từng sống ở quê, bằng nhiều con đường, họ lên phố với mong muốn phát triển sự nghiệp, có cuộc sống sung túc hơn ba mẹ và quan trọng là không còn phơi lưng dưới nắng để phơi lúa sau mỗi vụ mùa.

Nhưng ở phố rồi mới biết “vùng đất hứa” đưa ra quá nhiều điều kiện để sinh tồn, như là mỗi ngày mở mắt dậy là phải trả tiền nhà, dành cả thanh xuân để thoát khỏi đám tắc đường, đêm ngủ giật mình vì sếp và báo cáo đang chờ.

Làm việc đến tận 10 giờ tối, bất chấp ngày nghỉ, chẳng biết ngoài kia đang mưa hay nắng khiến nhiều người tự hỏi: Hiện tại có thực sự khiến mình hạnh phúc?

Thành thị đưa ra quá nhiều điều kiện để sinh tồn, nhiều người đem  tài sản “lên đồi xuống biển” để sống vui trước đã - Ảnh 3.

Đó cũng là câu hỏi mà Tô Văn Lộc (quê Thái Bình) luôn tự hỏi mỗi ngày.

Từng là ông chủ của một gian hàng kinh doanh thời trang và đồ thủ công tại TTTM bậc nhất ở TP.HCM, Tô Văn Lộc cảm thấy cuộc sống không quá khổ sở nhưng lại rất bận. Bận đến mức ngày nào cũng cuốn vào guồng quay công việc, không có lấy một ngày nghỉ khiến anh chàng băn khoăn đích đến của mình là gì.

Sống ở thành phố, Văn Lộc trải qua đủ mọi cảm giác từ mệt mỏi, ngột ngạt đến lạc lõng, khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến công việc kinh doanh không suôn sẻ. Nên dù đắn đo nhưng “bỏ phố về quê” lại là suy nghĩ thường trực trong đầu khiến Văn Lộc dứt khoát đưa ra quyết định của mình. Anh chàng chọn về Thái Bình, quê gốc của mình để thử một lần làm nông dân.

Còn Kim Ngân (30 tuổi, quê Bảo Lộc), từng phấn đấu để đạt được đến vị trí quản lý của phòng Kinh Doanh thuộc một công ty Thương Mại Điện Tử ở TP.HCM với đãi ngộ và mức lương khá tốt, hơn 30 triệu/tháng vẫn bỏ ngang để… về quê để làm freelancer.

Lý do của cuộc lội ngược này là: Ngoài 8 tiếng làm việc, phải làm online tới khuya để đảm bảo doanh số, Ngân thậm chí không có ngày nghỉ cuối tuần. Sức khỏe suy giảm, không có thời gian cho bản thân và các mối quan hệ xung quanh nên cảm thấy không thể tiếp tục duy trì cuộc sống như vậy.

Khi cuộc sống ở thành phố đã dồn họ đến một áp lực đỉnh điểm, rời bỏ để đi tìm một nơi để trốn đúng nghĩa và để nghỉ ngơi gần như là quyết định không có đúng sai.

Ai nghĩ họ bồng bột, “tuổi trẻ chưa trải sự đời” thì không biết, chứ họ thật sự phải dũng cảm lắm mới dám đánh đổi như vậy. Thực ra, tại thời điểm Lộc hay Ngân vác balo ra đi chẳng xác định rời thành phố mãi mãi, không ép mình phải thành công hơn cuộc sống cũ. Đôi khi chỉ là 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hay 3 năm,... cũng đủ để chữa lành và có thêm trải nghiệm.

Thành thị đưa ra quá nhiều điều kiện để sinh tồn, nhiều người đem  tài sản “lên đồi xuống biển” để sống vui trước đã - Ảnh 4.

Tuy nhiên lựa chọn này cũng khi khiến họ vấp phải khá nhiều sự phản đối.

Với bố mẹ - những người đã vất vả nuôi con ăn học, tự hào khoe với hàng xóm con tôi trên thành phố quản lý người này làm ông chủ nọ, đùng phát bạn bỏ hết, họ sẽ sốc. Niềm tự hào của gia đình giờ đang sống ở quê, ở đảo theo một cách “lông bông”,... giải thích với họ hàng sao đây?

Kim Ngân nhận đã trải qua chuyện này: “Ba mẹ mình ban đầu cũng lo lắng, không hiểu tại sao mình lại quyết định như vậy. Khi mình nói về những định hướng, gia đình cũng chưa thực sự hiểu mình sẽ làm gì đâu, vì hình thức freelancer và digital marketing với người lớn nó khá mới.

Nhưng may mắn, ba mẹ vẫn ủng hộ và tin tưởng mình, đó cũng là động lực để mình cố gắng nhiều hơn. Còn người quen họ hàng cũng có một số người nghĩ rằng mình thất nghiệp, hay nói rằng bỏ bao nhiêu công sức ăn học mà giờ thất bại nên mới phải về hay sao, rồi nhiều khi cũng có sự so sánh giữa con cái người này người kia đã làm đến chức vụ gì rồi lương cao ra sao”.

Còn Lộc thừa nhận anh chàng sợ dị nghị của người thân và hàng xóm: “Về quê mọi người sẽ bàn đến mình như câu chuyện ‘làm quà’ trong các cuộc tán gẫu đầu xóm cuối thôn. Nhưng cũng là câu chuyện vô thưởng vô phạt nên họ cũng quên nhanh. Còn người thân sau mấy năm thấy mình vẫn ‘sống ảo’ được thì cũng tạm an tâm rồi”.

Và sống khác luôn có cái giá của nó. Tâm trạng thoải mái, phấn chấn hơn nhưng ngoại hình không còn được như trước.

Ví như cuộc sống của Nguyễn Thị Thảo (29 tuổi, sống tại Đắk Lắk) - cô gái bán nhà mặt phố, mua đất hoang làm vườn. Ngày ngày “đầu đội trời, chân đạp đất” để dọn cỏ, trồng rau trái, làm vườn khiến vẻ ngoài thay đổi trông thấy. Thảo nói: “Thấy mình già và đen đi rất nhiều, đến mức lâu rồi mình không dám chụp ảnh”.

Thành thị đưa ra quá nhiều điều kiện để sinh tồn, nhiều người đem  tài sản “lên đồi xuống biển” để sống vui trước đã - Ảnh 5.

Nói gì thì nói, muốn sống cuộc sống trong mơ, cũng vẫn cần phải có tiền. Không dễ dàng để có những hình ảnh được chia sẻ trên mạng. Đâu thể ngày nào cũng lặn biển, đâu phải tự dưng về quê là có sẵn vườn rau xanh mát chỉ việc hái ăn. Đó cũng vẫn là một “cuộc chiến” nhưng chỉ là theo một cách khác thôi.

“Cuộc chiến” mới của Lê Huyền (SN 1999) quê ở Phú Thọ, khi rời bỏ công việc ổn định ở Hà Nội lương từ 15 - 20 triệu đồng để ra đảo Phú Quý (Bình Thuận) với 12 triệu đồng trong túi là… học lặn để mưu sinh.

Nhưng học lặn không phải một sớm một chiều mà thành thạo. Cô chia sẻ: “Yêu cầu tối thiểu để học lặn cũng phải biết bơi trước. Đối với mình học lặn không khó nhưng cũng không dễ. Trung bình thì có thể học khoảng 2 buổi là biết lặn nhưng để chuyên nghiệp chắc chắn cần nhiều thời gian hơn. Nhưng nếu ai sợ da đen đi và tàn nhang thì mình nghĩ nên cân nhắc. Còn mình không thấy đây là sự đánh đổi, mình tự nguyện lựa chọn nên hạnh phúc vì điều đó”.

Huyền cũng chính là cô gái cầm tháng lương cuối cùng ra đảo sống với niềm tin: “Có chân, có tay, sẽ có cơm ăn”.

Nhưng không phải ai cũng may mắn được sống vô tri như vậy khi chuyển tới một vùng đất mới. Có người ngay cả cuộc sống bình thường không nợ nần cũng chẳng làm được sau khi bỏ phố mà đi. 

Thành thị đưa ra quá nhiều điều kiện để sinh tồn, nhiều người đem  tài sản “lên đồi xuống biển” để sống vui trước đã - Ảnh 6.

Vân Lam (SN 1993) cô gái quê Đồng Tháp, lên TP.HCM tìm việc rồi giờ lại đang sống ở Đà Lạt đã trải qua thời gian dài vật lộn với chuyện kinh tế khi bỏ công việc bàn giấy tìm chốn chữa lành.

Năm 2019, Vân Lam gom hết tiền tiết kiệm vay thêm bạn bè và người thân được khoảng 100 triệu. Ban đầu chưa làm vườn, Lam vẫn ở trong thành phố. Nhưng khoảng nửa năm, khi dịch bệnh ập đến, số tiền 100 triệu chỉ còn lại 1/3 nhưng vẫn chưa làm được gì.

Sống ở Đà Lạt, các chi phí hàng ngày như thuê nhà, ăn uống không hề thấp. Nên hầu hết ai cũng “bị khớp” vì làm không đủ tiêu, không có dư. Khó duy trì cuộc sống tại thành phố, với số tiền 1/3 còn lại, Lam tiếp tục vay mượn bạn bè, gom góp được khoảng hơn 100 triệu nữa để đi thuê đất, trồng rau làm vườn.

Nhưng tiền bạc không phải là khó khăn duy nhất, điều kiện sống ở vùng núi là 1 thách thức lớn với những ai vốn không quen thuộc. Không ít lần Lam phải tự mình leo qua một ngọn đồi cao, cây cối rậm rạp để kiểm tra khi nguồn nước tưới cây gặp vấn đề. Chỗ Lam chưa có điện lưới nên phải mua điện của nhà khác. Lúc điện hư thì Lam tự sửa vì không biết nhờ ai, tiền gọi thợ thì đắt đỏ. Bình thường Lam sẽ kiểm tra các mối nối, cầu chì tổng xem bị hư ở đâu thì tự sửa.

Văn Lộc cũng trầy trật không kém khi trở thành một nông dân chính hiệu. Đó là cơn bão đầu tiên làm văng nguyên mái nhà, những mùa đông lạnh tê tái, da mặt và môi nứt nẻ máu; là cú trượt ngã ê mông khi mùa nồm ghé đến, độ ẩm đặc quánh cháy cả CPU máy tính;...

Thực tế, cuộc sống bên ngoài thành phố khắc nghiệt và căng thẳng hơn nhiều so với tưởng tượng. Sống ở đâu cũng vậy, ở phố, ở quê hay ra đảo thì cũng đều cần sự vững vàng từ tài chính đến kỹ năng sống. Một cuộc sống “vô tri” cần nhiều hơn chứ không thể chỉ mang “một túi mơ to” là có thể sống yên vui qua ngày.

Thành thị đưa ra quá nhiều điều kiện để sinh tồn, nhiều người đem  tài sản “lên đồi xuống biển” để sống vui trước đã - Ảnh 7.

Đặt chung 1 câu hỏi với tất cả bạn trẻ đã có lựa chọn rời xa thành phố: Thấy chuyến đi này đã thay đổi mình điều gì?

Họ đưa ra những đáp án như sau:

Lộc: “Mình tự thấy đẹp trai hơn, khỏe khoắn hơn lúc ngồi máy lạnh ở thành phố. Tâm hồn thì an yên, ít suy nghĩ nên chẳng thấy mình già đi quá nhanh đâu. Còn tính cách có phần trầm lắng hơn vì mình chủ yếu quanh quẩn với gà, vịt, cỏ cây. Đôi khi ai mà bắt gặp mình trò chuyện với cái cây hay con gà, con ngỗng đừng bất ngờ nha”, Lộc hóm hỉnh nói về cuộc sống hiện tại sau 3 năm về quê.

Thành thị đưa ra quá nhiều điều kiện để sinh tồn, nhiều người đem  tài sản “lên đồi xuống biển” để sống vui trước đã - Ảnh 8.

Ngân: “Mình luôn mong muốn cuộc đời mình là một cuộc đời đáng sống và có ý nghĩa. Và việc bỏ phố về quê cũng là một trong những bước ngoặt để mình có thể sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn. Hiện tại thì mình rất vui vì nhiều người nhớ đến mình với hình ảnh là một người truyền cảm hứng tích cực về việc một cô gái có thể sống cuộc sống độc lập, tự do và trọn vẹn”.

Thảo: “Mình của trước đây suốt ngày ở trong nhà, con cái không ra ngoài chạy nhảy được vì trước nhà là đường lớn, xe cộ chạy ầm ầm và bụi bặm. Những lúc rảnh mình cũng chỉ ôm điện thoại, đi lên đi xuống trong nhà, cuộc sống rất tẻ nhạt. Ngày nào mình cũng mong thời gian trôi nhanh cho hết ngày. Còn bây giờ, khi lựa chọn một nơi sống khác, các bé nhà mình chạy nhảy trong vườn cả ngày, rời xa điện thoại. Làn da cũng đen nhẻm, nhưng đổi lại mẹ con rất vui và yêu thích cuộc sống bình yên này.

Vậy là đích đến cuối cùng của tất cả những ngã rẽ, lựa chọn vẫn hướng về điều khiến bản thân hạnh phúc.

Ở thời bố mẹ mình, hạnh phúc là kiếm đủ tiền nuôi con ăn học, xây được cái nhà che nắng che mưa và an cư lạc nghiệp, nhưng đến thời bọn mình, hạnh phúc như Lộc nói đó: Đẹp trai hơn, khỏe khoắn hơn, tâm hồn bớt mệt mỏi. Hạnh phúc là thấy mình của hiện tại sống tốt hơn ngày hôm qua dù cho đang sống ở đâu.

Thành thị đưa ra quá nhiều điều kiện để sinh tồn, nhiều người đem  tài sản “lên đồi xuống biển” để sống vui trước đã - Ảnh 9.

Nhưng vậy vẫn chưa đủ!

Những người trẻ quyết tâm thay đổi như Kim Ngân hay Lê Huyền có những mục tiêu xa hơn nữa, không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Họ còn góp sức phát triển cộng đồng nơi mình đang sống.

Như Kim Ngân, cô thành lập một dự án du lịch, mang mọi người từ phố về trải nghiệm núi rừng Bảo Lộc để chữa lành, để quay về bên trong từ những hoạt động yoga và retreat giữa thiên nhiên.

“Khi nghe nhận xét của những người bạn sau chuyến du lịch tham gia dự án mà mình khởi xướng như: Bảo Lộc tuyệt vời vậy mà giờ mình mới biết, yêu nơi này mất rồi, nhờ chuyến đi Bảo Lộc mà mình nhận được vài thông điệp mình cần phải nghe,... thì mình biết là bản thân đang đi đúng hướng, được sống một cuộc đời có nhiều ý nghĩa rồi”, Kim Ngân bày tỏ.

Khi ở Phú Quý, Lê Huyền tham gia các hoạt động nhặt rác, bảo vệ môi trường biển. Từ những hoạt động này, cô cảm thấy gắn kết hơn với nơi mình đang sống và hiểu rõ mục đích của sự thay đổi mà có thể khi bắt đầu chỉ mang tính tạm bợ.

“Hồi xưa mình chăm chỉ ôn thi để xuống Hà Nội học nhưng lớn rồi mình nhận ra, sống ở đâu không quan trọng, quan trọng là mình sống như thế nào và làm được gì cho gia đình, xã hội. Phú Quý giờ giống như ngôi nhà của mình, ở đó có bạn bè, công việc và rất nhiều cơ hội cho bản thân”, Lê Huyền chia sẻ.

Thành thị đưa ra quá nhiều điều kiện để sinh tồn, nhiều người đem  tài sản “lên đồi xuống biển” để sống vui trước đã - Ảnh 10.

 

Theo Team Đời sống

Phụ nữ số

Trở lên trên