Shinzo Abe sinh ra tại Nagato, Nhật Bản, ở tỉnh Yamaguchi, vào ngày 21/9/1954. Một gia đình "nhà nòi" đủ để giúp vị Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm được chìm đắm trong không khí chính trị ngay từ tấm bé.
Ông ngoại của ông, Nobusuke Kishi, là một nhà lãnh đạo quân sự quan trọng của Nhật Bản trong Thế chiến II. Ông từng làm việc với vai trò cố vấn của Tướng quân Hideki Tojo nổi tiếng. Kishi cũng từng là một tù nhân trong chiến tranh thế giới thứ II của quân đội Mỹ. Ông được thả sau 3 năm ngồi tù vào năm 1948 và sau đó trở thành một người ủng hộ chính sách đối ngoại thân Mỹ.
Ông Kishi trở thành Thủ tướng Nhật Bản từ năm 1957 đến năm 1960. Đối với người cháu sau này cùng ở cùng vị trí với mình, ông đóng vai trò như một người quan sát và phát hiện ra những điểm đặc biệt nơi Shinzo Abe . "Các đức tin và giá trị của Abe cũng tương tự như của Kishi" - ông Katsuei Hirasawa thuộc Bộ chế độ Nhật nói với tờ Time. "Ông ta thừa hưởng DNA chính trị của ông ngoại" - vị này nhấn mạnh.
Không chỉ họ ngoại, dòng họ nội của Shinzo Abe cũng quy tụ rất nhiều tên tuổi của nền chính trị Nhật Bản. Ông nội Kan Abe là người từng phục vụ trong Hạ viện Nhật Bản. Cha của Shinzo Abe là Shintaro Abe - Bộ trưởng ngoại giao của Nhật Bản từ 1982 đến 1986 và từng được nhắc đến như một người tiềm năng cho vị trí Thủ tướng. Bên cạnh đó, Shinzo Abe cũng có quan hệ gần gũi với Thủ tướng của Nhật là ông Eisuke Sato - người đã phục vụ quốc gia từ năm 1964 cho đến năm 1972 và sau đó được trao giải Nobel hòa bình.
Cho đến năm 2006, cuộc sống của ông Shinzo Abe dường như vẫn được trải trên con đường đầy hoa hồng. Học ngành khoa học chính trị tại Đại học Seikei ở Tokyo, ông đã tốt nghiệp ở đây vào năm 1977. Ông đến Mỹ vào cuối những năm 1970 để học thêm các lớp khoa học chính trị bằng tiếng Anh và chính trị tại Đại học Nam California. Sau đó, Abe trở về Nhật năm 1979 và làm việc cho tập đoàn thép Kobe trong ba năm.
Thế nhưng, không lâu sau đó, ông đã quay lại với con đường sự nghiệp giống với những thành viên nổi tiếng trong gia đình mình. Năm 1982 ông bước vào thế giới chính trị với tư cách là trợ lý cho cha mình. Dần dần, ông thể hiện sự nghiêm túc với những kế hoạch chính trị xa hơn và lớn hơn trong đời với việc tham gia vào Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, hay còn được gọi là LDP.
Sự nghiệp của ông Abe tiếp tục được "trải thảm" với các cấp bậc cao của Đảng Dân chủ Tự do (LDP). Vào cuối những năm 1980, ông làm thư ký riêng cho Chủ tịch hội đồng của LDP, và sau đó một lần nữa trở thành thư ký riêng nhưng là cho Tổng Thư ký của LDP.
Một biến cố đã xảy ra với cuộc đời của Shinzao Abe, ấy là cha của ông qua đời vào năm 1991. Kể từ đó, người ta nói rằng những tham vọng chính trị của ông trở nên sâu sắc hơn. Hai năm sau đó, vị chính trị gia trẻ tuổi được bầu vào Hạ viện Nhật Bản lần đầu tiên. Ở thời điểm này, ông 39 tuổi.
Ở những thời điểm đầu tiên nhận trọng trách của LDP trên chính trường Nhật Bản, người ta đôi khi vẫn nghĩ Shinzo Abe giống như một cậu công tử được cưng chiều trong gia đình nổi tiếng của mình.
Hirasawa, một trong những cố vấn pháp luật của Shiza Abe, kể lại câu chuyện Abe đọc truyện tranh manga trong cuộc họp Quốc hội. Người ta phát hiện Abe đang đọc truyện nhưng chàng trai trẻ cứng đầu và từ chối bỏ cuốn truyện tranh xuống.
Tuy nhiên, Sinzo Abe đã chứng minh đó chỉ là một giây phút lơ đễnh của một con người tài năng. Rất nhanh sau đó, Abe đã bắt nhịp với con đường quyền lực chính trị tại Nhật Bản giống như những người cha ông của mình. Vào thời kỳ nổi tiếng nhất, một tờ báo của Nhật Bản còn từng gọi ông là "Hoàng tử Chính trị của Nhật Bản".
Tương tự những màn ra mắt đầy màu sắc của các ca sĩ trong giới giải trí ở Nhật Bản, màn giới thiệu của Shinza Abe trước giới chính trị của đất nước mặt trời mọc cũng đầy ấn tượng, với sự quyết liệt trước những động thái của Triều Tiên.
Đối với Triều Tiến, nơi giới chính trị Nhật Bản coi là một đối thủ lâu đời, Abe có thái độ rất mạnh mẽ. Ông từng công khai chỉ trích chính quyền ở nước này khi họ xác nhận đã bắt cóc các công dân Nhật Bản và đưa đến Bắc Triều Tiên hồi những năm 1970.
Ở thời điểm đó, Abe đóng vai trò là người trả lời cho phía Nhật Bản và ông đã yêu cầu nhóm những người bị bắt cóc phải được trở về Nhật Bản ngay lập tức. Abe cũng thường xuyên xuất hiện trên truyền hình ở những chương trình liên quan, tạo ấn tượng trước công chúng rằng ông là một nhà chính trị mạnh mẽ.
Năm 1999, ông trở thành Chủ tịch Ủy ban Phúc lợi Xã hội của Hạ viện Nhật Bản. Ngay năm sau đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Chánh văn phòng Chính phủ trong Chính phủ nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Mori Yoshirō. Năm 2003, ông trở thành Tổng thư ký của LDP, và vào năm 2005 ông được bổ nhiệm làm chánh văn phòng trong Chính phủ nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Koizumi Junichirō. Đây là thời điểm mà Shinzo Abe đã tiến sát vị trị Thủ tướng Nhật Bản gần hơn bao giờ hết.
Năm 2006, sau 5 năm đương nhiệm, Thủ tướng Koizumi từ chức, và Abe đã tiếp quản hầu hết những di sản của người tiền nhiệm trong cùng Đảng. Sau khi được chọn trong cuộc bầu cử được tổ chức giữa các thành viên LDP, Shinzo Abe lên nắm quyền thủ tướng của Nhật Bản vào ngày 26/9/2007. Thời điểm đó, ông trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Nhật Bản kể từ sau chiến tranh.
Là người theo chủ nghĩa dân tộc, ông Abe kêu gọi các cử tri xây dựng một ý thức hệ về phẩm giá quốc gia. Sau khi nắm quyền, ông Abe đưa ra dự luật nhằm kêu gọi sửa đổi bản Hiến pháp Hòa bình của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến II. Ông cũng khích lệ lòng tự hào dân tộc của người Nhật và ủng hộ đạo luật yêu cầu giảng dạy về lòng yêu nước trong trường học.
Có những thời điểm, Abe đã bị dư luận nghi ngờ rằng ông là một người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thứ có thể làm trầm trọng các mối quan hệ của Nhật với các nước láng giềng. Shinzo Abe đã ngay lập tức xoa dịu điều này khi vào tháng 10/2006, ông đã tới thăm Bắc Kinh và Seoul nhằm trấn an các đối tác thương mại lớn của Nhật Bản về một bầu không khí hợp tác không có xung đột.
Trong thời gian đầu nhiệm kỳ, người ta thấy tỷ lệ ủng hộ Shinzo Abe trong các cuộc thăm dò dư luận tăng lên rất cao.
Tuy nhiên, không bao lâu sau đó, danh tiếng của Abe bị lung lay mạnh mẽ.
Trước hết, cuộc tranh luận về việc tư nhân hoá Japan Post đã khiến ông gặp rắc rối. Scandal của nhiệm kỳ ông Abe nối tiếp khi Bộ trưởng Y tế trong nội các của ông là Hakuo Yanagisawa đã "vạ miệng" khi nói phụ nữ Nhật nên có chức năng như là "máy tạo giống" (theo bản dịch của Economist) nhằm thay đổi mức sinh thấp của đất nước.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nông nghiệp tự tử vào tháng 5/2007. Sau đó, người kế nhiệm cũng buộc phải từ chức. Hai sự vụ liên tiếp này đều bắt ngồn từ việc 50 triệu tài khoản hưu trí trên toàn Nhật Bản đột nhiên biến mất, theo xác nhận của Chính phủ.
Kết quả tích lũy của những cú đánh thẳng vào danh tiếng của Abe là một thất bại to lớn của LDP trong các cuộc bầu cử nghị viện được tổ chức vào ngày 29/7/2007. Chỉ trích bắt đầu nhắm vào vị Thủ tướng. Các nhà kinh tế cho rằng ông Abe đã "tỏ ra ở tầm cao, tỏ ra khác biệt và không quan tâm đến những mối quan tâm hàng ngày của người dân".
Không lâu sau đó, ngày 12/9/2007, Shinza Abe phải rời ghế Thủ tướng với lý do mà nhiều người hiểu ý nghĩa đằng sau nó - lý do sức khỏe. Nhắc đến sự kiện này, tờ Washington Post mô tả: "Ở thời điểm tồi tệ nhất của cuộc đời, ông Abe mất cả sức khỏe và danh tiếng. Ông ấy chỉ có cơ hội lãnh đạo nước Nhật trong 366 ngày. Thậm chí, ông ấy còn bị nhạo báng trước công chúng. Đỉnh điểm của sự ê chề mà Abe phải chịu có lẽ là khi ông đi máy bay, một hành khách ngồi cùng hàng đã yêu cầu đổi chỗ". Còn các chuyên gia chính trị cho rằng, ông Abe thật không may mắn khi trở thành nạn nhân của một thời kỳ bất ổn trong đời sống chính trị của Nhật Bản.
Đừng quên câu "những giọt nước sẽ khoan thủng hòn đá", và Shinzo Abe là một con người như thế.
Sự ê chề ở mức đỉnh điểm không khiến Shinzo Abe từ bỏ sự nghiệp chính trị. Hơn 5 năm sau những khoảng khắc đầy biến động trong nền chính trị nước Nhật, người ta thấy người đàn ông 58 tuổi đứng lên từ chính nơi ông đã vấp ngã. Thật trùng hợp, nước Nhật thời điểm đó cũng cần một ai đó đến và kéo cường quốc trong quá khứ, với bước nhảy vọt từng làm cả thế giới ngưỡng mộ, thoát ra khỏi những vũng bùn kinh tế đã kéo dài cả thập kỷ.
Năm 2012, Shinzo Abe được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản một lần nữa với chiến thắng vang dội. Khi ông trở lại chiếc ghế quen thuộc cũng là lúc Nhật Bản đang đau đầu với những vấn đề dai dẳng: giảm phát, nợ công tăng, sự sụt giảm vị thế so với Trung Quốc... Ưu tiên cao nhất của ông Abe lúc đó là thực hiện những cam kết trong quá trình tranh cử được gọi với cái tên ngắn gọn là Abenomics. Kế hoạch này bao gồm 3 điểm chính là thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng.
Dù có nhiều tranh cãi xung quanh Abenomics nhưng đến nay, rõ ràng chương trình này đã mang lại hiệu quả với nước Nhật. Đó là những kỷ lục mà nền kinh tế Nhật rất lâu mới được chứng kiến như tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%, đồng yên yếu thúc đẩy xuất khẩu. Chỉ số Topix đang đạt đỉnh trong 10 năm trong khi chỉ số Nikkei 225 cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1996....
Chưa dừng lại ở đó, ông cũng trở lại với tư cách lãng đạo LDP, giúp Đảng này trở lại sự ổn đinh sau 5 năm khủng hoảng tưởng như không có lối thoát. Tờ Wall Street Journal mô tả đây là sự trở lại tuyệt vời trên chính trường Nhật Bản trong bối cảnh quốc gia này ngày càng tụt hậu so với Trung Quốc và các nền kinh tế đang nổi trên toàn cầu.
Năm 2014, Tạp chí Time cũng bầu chọn Abe là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới vào năm 2014. Trên trang bìa tờ Economist, Thủ tướng Shinzo Abe được mô tả như một "Siêu nhân chính trị".
Khi Shinzo Abe được hỏi rằng ông đã làm gì để thay đổi kết cục thảm hại 5 năm về trước, ông nói: "Trong lần làm thủ tướng trước, tôi không dành ưu tiên cho chương trình nghị sự của mình. Tôi háo hức hoàn thành mọi việc ngay lập tức và kết quả là chính quyền của tôi sụp đổ trong sự thất bại. Sau khi từ chức, tôi dành 6 năm đi khắp đất nước để làm một việc đơn giản là lắng nghe. Ở đâu tôi cũng nghe thấy người dân than vãn về tình trạng mất việc làm do giảm phát kéo dài và tiền tệ mất giá. Người ta còn chẳng hy vọng gì vào tương lai. Vì thế, chính phủ mới của tôi sẽ ưu tiên loại bỏ giảm phát và xoay quanh nền kinh tế Nhật Bản".
Nhật Bản là đất nước mà sự hổ thẹn có thể giết chết cả một con người. Thế nhưng, chắc chắn Shinzo Abe là trường hợp đặc biệt. Khác với một nước Nhật Bản mang trong mình cả sự tự tin và mâu thuẫn, người ta thấy Shinzo Abe là con người có thể tạo ra thay đổi.
"Abe đã lấy lại sự phục hồi trong chính trị không giống với bất cứ ai ở đất nước Mặt trời mọc kể từ sau Thế chiến II. Ông trở lại từ sự tủi hổ với thông điệp mới và sự cộng hưởng về một nước Nhật mạnh mẽ hơn" - Tờ Washington Post viết.
Tại hội chợ công nghệ CeBIT được tổ chức tại Hanover trong năm 2017 này, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói về người đồng cấp Nhật Bản: "Trong thời đại chúng ta phải tranh cãi với nhiều người về thương mại tự do và các giá trị dân chủ, là một dấu hiệu tốt khi Đức và Nhật Bản không còn phải tranh cãi về điều này nữa. Chúng tôi chỉ tìm cách định hình tương lai theo cách có lợi cho mọi người".
Trí thức trẻ