Các tuyến kênh T4, T5, T6 từ khi hoàn thành đã tác động mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tứ giác Long Xuyên. Nhiều tuyến đường dọc theo các tuyến kênh đã được nhựa hóa, người dân từ các nơi về an cư bên những bờ kênh, doanh nghiệp đến đầu tư những dự án lớn.
Theo ông Đỗ Minh Trí - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang - trước năm 1997, vùng Tứ giác Long Xuyên là khu đất trũng, nhiễm phèn nặng, nhiễm mặn cao ở các huyện ven biển Kiên Giang, sản xuất chủ yếu là lúa mùa 1 vụ mỗi năm. Đời sống của nông dân trong vùng vất vả do sản xuất nông nghiệp khó khăn. Những tưởng một diện tích rộng lớn vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ phải chịu cảnh phèn chua, hoang hóa suốt nhiều năm dài thì việc Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho đào các tuyến kênh T4, T5, T6 đã làm thay đổi, bật dậy sức sống tiềm năng của vùng đất này.
Đầu tuyến kênh T5 nối liền kênh Vĩnh Tế tại xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Ảnh: VĨNH KỲ
Có mặt trong nhiều chuyến khảo sát cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào năm 1996, ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang, nhớ lại: "Sau nhiều lần anh Sáu Dân (tên gọi thân mật của Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đi dọc kênh Vĩnh Tế để quyết định đào các kênh thoát nước như kênh T4, T5, T6 thì có rất nhiều ý kiến theo lý thuyết khoa học và cả những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, anh Sáu Dân đã quyết định phóng tuyến kênh T5 - Tuần Thống (nay là kênh Võ Văn Kiệt), khởi đầu cho việc khởi công xây dựng hệ thống công trình thoát lũ ra biển Tây. Thủ tướng đã "thu phục" được các nhà khoa học hàng đầu tham gia nên công trình hoàn thành vượt thời gian đề ra, làm chuyển động toàn bộ vùng Tứ giác Long Xuyên".
Dấu mốc lịch sử cho vùng Tứ giác Long Xuyên là vào ngày 22-4-1997, đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công đào các tuyến kênh T4, T5, T6 trải dài từ tỉnh An Giang qua tỉnh Kiên Giang và thông ra biển Tây, với chiều dài hơn 100 km. Đây là công trình thủy lợi nhằm thoát nhanh nước lũ từ thượng nguồn đổ về để tránh thiệt hại ngập úng do lũ; đồng thời khai thác vùng đất hoang hóa Tứ giác Long Xuyên với mục đích phát triển nông nghiệp. Trong đó, kênh T5 có quy mô lớn nhất với chiều dài 48 km, rộng gần 40 m, sâu từ 3,5 - 4 m. Điểm đầu tuyến kênh này tiếp giáp với kênh Vĩnh Tế tại vàm T5 (xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) và kết thúc tại cống Tuần Thống (xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang).
Người dân trong vùng vẫn nhớ như in hình ảnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhiều lần ghé kiểm tra tiến độ đào kênh. Ông Huỳnh Ngọc Ân, ngụ xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cho biết: "Lúc đó, việc đào kênh khẩn trương lắm! Máy xúc làm liên tục, bờ kênh được đắp cao, mưa lầy lội mà Thủ tướng vẫn xắn ống quần đi trên bờ kênh quan sát, đôn đốc việc thi công. Thủ tướng rất giản dị, gần dân. Nhờ tấm lòng của ông mà người dân nơi đây có được những con kênh tháo đất phèn, rước nước ngọt cho ruộng đồng tươi tốt, nên người dân quen gọi kênh T5 là "kênh Ông Kiệt"".
Nói về hiệu quả của tuyến kênh T5, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng tuyến kênh này đã làm thay đổi lớn cả vùng Tứ giác Long Xuyên, bởi vùng này bị lũ ngập sâu. Do đó, kênh T5 trước hết để thoát lũ nhanh ra biển. Sau đó là rửa phèn, rước nước ngọt vào đồng ruộng, rồi tiếp đến nhằm khai hoang, mở rộng diện tích sản xuất.
Ông Đỗ Minh Trí cho biết khi hệ thống các tuyến kênh T4, T5, T6 hoàn thành, tình hình phát triển nông nghiệp trong khu vực ngày càng tăng về năng suất và giá trị. Bên cạnh cây lúa, người dân còn chuyển đổi sang trồng màu và cây ăn trái. Năng suất bình quân hiện nay gần 6,7 tấn/ha/vụ. Điều này đã góp phần giảm nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể.
Thực tế, giá trị của kênh T5 được người nông dân hiểu rõ nhất. "Trước đây, nông dân trong vùng chỉ làm 1 vụ lúa/mùa do đất nhiễm phèn nhưng từ ngày có kênh T5, người dân làm được 2-3 vụ lúa. Có kênh thì cũng có đường, tuyến đường cặp kênh đã giúp nông dân vận chuyển nông sản thuận lợi. Cơ giới đã vào đến tận ruộng, nông dân canh tác dễ dàng, đời sống người dân từ đó mà khá giả" - ông Huỳnh Văn Sơn, xã Lạc Quới, vui mừng nói.
Xã Bình Giang (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) là nơi ôm trọn 30 km tuyến kênh T5 đi qua địa bàn tỉnh vốn là một vùng đất nhiễm phèn nặng, chỉ sản xuất 1 vụ lúa/năm. Từ khi có tuyến kênh đi qua, hệ thống thủy lợi được đầu tư hoàn chỉnh, toàn bộ diện tích trồng lúa của xã sản xuất được 2-3 vụ/năm. Chỉ tay về cánh đồng lúa ngút ngàn nằm phía trong cống ngăn mặn T5 giáp biển Tây, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Bình Giang, nói: "Ngày trước toàn bộ vùng này hoang hóa, nhiễm phèn - mặn, sản xuất không hiệu quả. Từ khi có "kênh Võ Văn Kiệt" dẫn nước ngọt tháo chua, rửa phèn cho vùng Tứ giác Long Xuyên, tạo điều kiện cho bà con phát triển, cuộc sống người dân khá lên rõ rệt".
Thủ tướng Võ Văn Kiệt với người dân quê hương xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. ẢNH: BẢO TÀNG VĨNH LONG
Còn ông Huỳnh Long Hải - nguyên Giám đốc Nông trường 422, xã Bình Giang - cho hay năm 1997, sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo phóng tuyến kênh qua đây, những vùng đất hoang hóa nhiễm phèn trước đây được gột rửa, rót lên lớp phù sa màu mỡ. "Ngay vụ lúa Đông Xuân đầu tiên, tôi và người dân trong vùng đã thu hoạch 4 tấn/ha, một con số ngoài sức tưởng tượng. Hiện năng suất lúa đã tăng lên 7-8 tấn/ha" - ông Hải chia sẻ.
Kỳ tới: Đóng góp lớn cho phát triển văn hóa
Người lao động