Đồng đội hay gọi Dũng với biệt danh là Dũng Chíp. Biệt danh này từ đâu mà có?
Lúc chơi bóng hồi bé, so với bạn bè đồng trang lứa mình có thể hình nhỏ bé hơn so với các anh em.
Năm 12 tuổi, Dũng theo đuổi sự nghiệp của một cầu thủ chuyên nghiệp nên lên Hà Nội, nhưng cuối cùng lại bị trả về địa phương sau 2 năm. Lúc đó Dũng suy nghĩ gì?
Hồi ấy, mình cũng lên tập nhưng không được đá chính nhiều. Đội đi đá giải thì mình toàn dự bị. Thế là thôi, bố bảo về tập trung đi học bởi hồi đó mình học tốt. Cả mấy năm tiểu học không năm nào được học sinh giỏi, đến năm lớp 6-7 (thời gian lên Hà Nội để đá chuyên nghiệp) lại đạt học sinh giỏi. Vì thế, bố muốn cho về đi học hơn. Bố tiếc…
Còn việc mình đạt học sinh giỏi thì không phải là dạng xuất sắc mà chỉ là dạng cần cù bù thông minh thôi, cũng chỉ hơn 8,0 một ít.
Lúc đấy, Dũng thích đi học hay đá bóng hơn?
Thực ra, lúc đó mình cũng đang phân vân giữa chuyện đá bóng và đi học. Về nhà đi học thì vẫn được đá bóng với các bạn ở nhà, cũng vui. Đá chuyên nghiệp thì vất vả hơn, vì vẫn phải học nữa. Năm 12 tuổi, mình đi đá chuyên nghiệp nhưng bố xin riêng vào một lớp chọn. Đội 30 người thì 29 người học lớp thường, mỗi mình học lớp chọn. Thời gian rảnh hội kia đi chơi hết, mình thì làm bài tập "ngập mặt" không hết! (cười)
Sau khi về địa phương một thời gian, làm thế nào Dũng quay trở lại thi đấu chuyên nghiệp?
Năm lớp 8, thầy Giang – người dạy từ năm tiểu học và mời đi đá bóng, lên nắm đội ở nhà thi đấu Gia Lâm cho đi tập huấn ở Thái Lan và cũng được thi đấu nhiều. Ở nhà thì mẹ cũng thích bóng đá nên đông viên bố cho mình đi thi đấu chuyên nghiệp. Thế là lại đi.
Trong quãng thời gian ít được đá chính lúc 12 tuổi và sau này khi đá chuyên nghiệp ở CLB Hà Nội, có lúc nào Dũng gặp khó khăn mà chán nản, muốn từ bỏ không?
Không. Từ năm lớp 8, mình quay lại với bóng đá chuyên nghiệp thì sẵn đam mê trong người rồi thì càng quyết tâm hơn thôi. Xác định đây là con đường chính, mình lui hẳn việc học lại, chấp nhận học kém đi để đầu tư vào đá bóng. Thực ra, đá bóng lúc thầy Giang nắm đội thì mình được thi đấu nhiều hơn nhưng cũng bởi mình tiến bộ hơn nữa.
Điều gì khiến Dũng cảm thấy khó khăn nhất thời mới thi đấu cho CLB Hà Nội?
Thời còn thi đấu ở giải hạng nhất, các thầy bảo cứ mình lên đây (CLB Hà Nội) nhưng mình cương quyết không lên và gặp HLV Nguyễn Đức Thắng 3 lần để xin ở lại. Lúc đó, nhìn đội hình Hà Nội là mình không thấy cửa được đá mấy bởi vị trí đó (tiền vệ trung tâm) toàn sao, nhưng rồi cũng phải lên.
Tuy nhiên, lúc lên Hà Nội thì nhiều cầu thủ chấn thương, một số cầu thủ lớn tuổi cũng đi nên thầy Hùng (HLV Phan Thanh Hùng) tạo điều kiện cho đá cũng nhiều. Còn lúc khó nhất là khi chú Đức (HLV Phạm Minh Đức) làm, đội đá 5 trận thua 4, rất căng. Mình cũng không biết đá kiểu gì để đội thắng nữa dù vẫn được vào sân. Sau đó, chú Chu Đình Nghiêm lên làm HLV trưởng thì sơ đồ chiến thuật thay đổi, cách đá cũng khác và mình được tự do hơn chút. Quan trọng nhất là đội bóng thắng được 1-2 trận thì tinh thần anh em lên, vào guồng….
Một số người kể rằng, khi còn là học sinh nhưng đi tập chuyên nghiệp, các cầu thủ hay hết tiền vào cuối tháng nhưng Dũng thì không, cuối tuần còn mang nguyên tiền được bồi dưỡng về. Còn khi lên CLB Hà Nội, cuối tháng các cầu thủ trẻ còn vay tiền Dũng vì chỉ có Dũng không tiêu xài nhiều nên vẫn còn tiền. Chuyện này có đúng không?
Buổi tối, các bạn hay ra căng tin ăn vặt. Mình thì không thích ăn ở hàng quán bên ngoài, chỉ ăn thêm đồ mà đầu tuần mẹ chuẩn bị cho như sữa, mì tôm… chỉ quanh quẩn trong phòng thôi nên không hết tiền.
Có một số cầu thủ vay nhưng không nhiều đâu, giúp đỡ nhau tí thôi. Các bạn thường thích ra ngoài chơi game hoặc ăn vặt ở ngoài buổi tối như bánh mì, xúc xích, mì tôm ở quán…
Dũng không tiêu xài như các cầu thủ khác là thói quen từ nhỏ hay có lý do nào khác?
Chắc là do tính cách từ gia đình, vốn cẩn thận và hay tiết kiệm. Mình cũng thế, không tiêu xài hay mua sắm nhiều, vừa đủ, thoải mái là được.
Các cầu thủ khác nói Dũng đi bar nhưng cứ 10h tối là về đi ngủ. Cái này là thật hay là đùa?
Cũng đúng thôi, vì đi bar không thấy gì vui, không có hứng lắm (cười). Trừ khi cả đội đi thì mình cũng đi, nhưng ra đấy ngồi ăn hoa quả, đến giờ ngủ thì mình đi về. Đi hát karaoke cũng thế, mình ngồi ăn hoa quả thôi chứ có uống bia với hát hò gì đâu.
Tác phong kỷ luật, thậm chí đi bar cũng phải về ngủ đúng giờ cũng là thói quen từ nhỏ của Dũng hay hình thành trong quá trình luyện tập?
Thói quen từ nhỏ là một phần thôi, quan trọng là tính cách mình nó thế. Nhiều người thích tụ tập, còn mình không thích tụ tập, cũng không thích uống rượu bia cho lắm. Người ta cứ bảo rượu bia ngon, nhưng mình chỉ thấy bia thì đắng rượu thì cay, chẳng thấy nó ngon gì cả. Mình thích uống cái gì ngọt ngọt. Nước ngọt! (cười)
Dũng cảm thấy mình trở thành một ngôi sao từ lúc nào?
Chắc là sau ASIAD, sau khi được tập trung lên đội tuyển quốc gia lần đầu tiên. Mặc dù lần đó giữa giải bị chấn thương phải đi về nhưng mình được nhiều người quan tâm, để ý hơn. Còn trước đó thì bình thường.
Từ một cậu bé bị trả về địa phương, Dũng tiến bộ rất nhanh trong thi đấu nhờ đâu?
Do cần cù là chính thôi, chứ còn năng khiếu của mình so với các bạn khác là cực kỳ hạn chế, ít lắm. Khi mình biết cần cù, hy sinh thì thành quả sẽ đến. Vấn đề là đến lúc nào thôi.
Còn về nghiêm túc, không chỉ riêng bản thân mình mà bất kỳ cầu thủ nào, dù lớn hay bé, cũng phải cần cù thì mới đạt được kết quả xứng đáng.
Dũng từng chia sẻ là nếu không đá bóng, thì sẽ làm giáo viên tiếng Anh. Vì sao lại là giáo viên tiếng Anh?
Ngày lớp 6 và lớp 7 mình học tiếng Anh không thấy mệt và thích. Các bạn trong lắm học thì 1-2 tiết là chán, còn mình học không thấy chán, đi học thêm tiếng Anh cũng thế. Bây giờ tiếng Anh chỉ tạm ổn thôi nhưng mà nếu cho đi học tiếng Anh vẫn thấy thích.
Cũng giống như bóng đá, nếu mình đam mê thì sẽ theo đuổi và không bỏ giữa chừng. Việc học và trở thành giáo viên tiếng Anh cũng giống như vậy.
Đoạt huy chương vàng SEA Games 30 môn bóng đá, đeo băng đội trưởng trong trận chung kết… Những thành tích này mang lại cho Dũng điều gì?
Rất nhiều thứ, từ người hâm mộ đến sự nổi tiếng…, nhưng mình thật sự không để ý lắm đến những điều đó. Quan trọng nhất là đạt được điều mình mong muốn. Mình đã quá tuổi thi đấu ở SEA Games mà vẫn được đi đá, lại còn vô địch nữa thì đúng là không nghĩ đến thật. Thành tích đó cũng bõ công mình thi đấu cần cù, liên tục từ đầu năm nên rất vui.
Ngoài tấm huy chương vàng lịch sử của SEA Games, năm nay Dũng còn sở hữu nhiều thành tích khác. Có khi nào Dũng thấy mình "bay khỏi mặt đất" không?
Không. Trong bóng đá, từ lâu mình đã xác định không được phép "bay bổng" quá nhiều. Ở SEA Games 30, ngay sau hôm thắng Indonesia 2-1 với bàn thắng ở phút cuối, mình là anh lớn phải phát biểu ở đội. "Quên cái trận đấy đi, tập trung cho trận tới, đừng để cảm giác bay bổng quá nhiều. Mạng xã hội và báo chí hay tâng bốc, hoa lá cành các thứ và cái đó sẽ không tốt cho cảm xúc khi vào sân thi đấu", mình bảo với các đồng đội như thế.
Sau huy chương Vàng SEA Games, nhiều người cũng hỏi "có thấy năm nay thành công hay viên mãn các thứ…", mình bảo "vẫn bình thường thôi", không vì huy chương mà đòi hỏi gì thêm. Mình muốn giữ tinh thần của một người mới bắt đầu đi đá bóng. Tinh thần nó phải như thế!
Vì sao lại là "tinh thần của một người mới bắt đầu đi đá bóng"?
Có hôm mình lên T&T Group gặp bác Hiển (ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc T&T Group, nhà tài trợ chính của Hà Nội FC), bác có chia sẻ: "Mỗi ngày đến công ty, hãy làm việc như một chàng trai mới bắt đầu".
Mình thích thái độ "lúc nào cũng hừng hực như mới bắt đầu" của bác. Nên sau mỗi giải đấu, mình lại muốn trở về như một cầu thủ vừa mới bắt đầu. Mình giờ đã 26, 27 tuổi rồi nhưng thích có cảm giác như các cầu thủ trẻ, lúc nào cũng tươi roi rói. Sướng!
Ngoài việc thích tinh thần "lúc nào cũng như mới bắt đầu", Dũng thích điều gì khác ở bầu Hiển?
Mình đọc nhiều bài báo về bác Hiển, dù không hiểu về nhiều về kinh tế lắm nhưng cũng muốn biết con đường đi của bác như thế nào, cố gắng ra sao. Một số cái mình học được không liên quan đến đá bóng lắm nhưng áp dụng vào cuộc sống đời thường thì cũng tốt như là "tinh thần làm việc lúc nào cũng như người mới bắt đầu" hay "đôi khi cũng phải liều lĩnh một chút".
Trước mình hay cầu toàn, hay gặp bác thì bác khuyên là "nên sút nhiều hơn", rồi "tự tin hơn, quyết liệt hơn". Những cái đó cũng giúp mình vỡ ra nhiều và thay đổi theo hướng tiến bộ hơn. Bên cạnh đó, người ta nhắc nhiều đến "máu bóng đá" của bác nhưng mình hiểu rộng hơn là tinh thần dân tộc chảy trong huyết quản của Chủ tịch Hiển. Chính vì khát vọng mang hình ảnh đất nước ra "biển lớn" thông qua bóng đá nên anh em nhiều lúc "siết tay nhau mà đá".
Có khi nào Dũng thấy bầu Hiển chán bóng đá không?
Có lúc mình cũng thử đặt tâm thế vào vị trí của bác Hiển – một ông bầu bóng đá, thì sẽ nghĩ gì. Đầu tư cho đội bóng, cầu thủ như thế, đội đá cũng thắng nhiều, có nhiều thành tích nhưng vẫn bị gièm pha kiểu "một ông bầu nhiều đội bóng". Thậm chí, có lần bác Hiển đến sân còn bị lăng mạ… Mình mà là bác Hiển, có khi bỏ bóng đá lâu rồi, nhưng bác Hiển vẫn rất kiên nhẫn. Thậm chí mình còn thấy bác Hiển đầu tư nhiều hơn, yêu nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn cho bóng đá nước nhà với mục tiêu vươn tầm châu lục.
Tinh thần ấy đã lan tỏa tới mình và các anh em để có được những thành công không chỉ ở cấp độ câu lạc bộ mà còn ở cấp độ đội tuyển trong năm 2019.
Trong trận đấu vòng loại với Thái Lan ở SEA Games 30, sau khi bị thua 2-0 ngay 10 phút đầu tiên, Dũng nghĩ gì?
Thực ra, nhiều người lo sợ bóng ma của trận thua Thái Lan 3-0 năm 2017 quay về. Nhưng mình hôm đó lại không bị ám ảnh như vậy. Thực ra là đang 2-0 nhưng mình chỉ cần ghi 1 quả là vẫn vào vòng trong. Khoảng cách thực ra chỉ là 1 bàn thắng trong khi còn tới 80 phút nữa. Trong sân, có lẽ mình là một trong các cầu thủ bình tĩnh nhất và không có cảm giác lo sợ mấy.
Dũng có thể chia sẻ một kỷ niệm buồn cười nhất ở SEA Games 30?
Có lẽ buồn cười nhất là lúc thầy Park cãi nhau với trọng tài và cứ hất hất cái cằm. Ở trong sân bọn mình biết nên buồn cười lắm nhưng không dám cười (cười). Về nhà xem tivi lại càng thấy buồn cười khi thấy thầy Park cứ đứng hất hàm (cười).
Dũng có kỷ niệm gì đặc biệt với thầy Park ở SEA Games 30?
Trước giải, thầy Park đi nhuộm tóc đen nhánh. Thế mà đi đá SEA Games được có 7 ngày mà tóc đã bạc nhiều lắm rồi. Ông Lee (trợ lý HLV Lee Young Jin) bảo là: "Ông Park stress quá, nghĩ nhiều, lo lắng và áp lực quá". Hôm cuối cùng, lúc bị thẻ đỏ thầy phải lên khán đài ngồi và sau đó lại phải vào phòng một mình. Lúc đó, mình có vào phòng với thầy mà chỉ một mình được vào. Hai thầy trò cứ ôm nhau, rồi thầy nói cảm ơn đến mười mấy lần bằng tiếng Việt Nam.
Ở CLB Hà Nội, cầu thủ nào có ảnh hưởng lớn nhất đến toàn đội?
Anh Thành Lương và anh Văn Quyết. Hai anh ấy là tấm gương để cầu thủ trẻ nhìn vào. Kỹ năng hay tư duy chơi bóng trên sân chỉ là một phần, mà quan trọng là cách họ sinh hoạt, sử dụng đồng tiền và đối xử với đồng đội. Đó là điều mà các cầu thủ trẻ phải học trong bất kỳ môi trường nào.
Với các cầu thủ trẻ thì Dũng thích ai nhất?
Quang Hải. Hải ít hơn mình 4 tuổi nhưng chín chắn, không bị bay bổng của cầu thủ trẻ. Hải chừng mực và chững chạc hơn so với các cầu thủ khác. Mình nói chuyện cũng hợp gu với Quang Hải và kiểu như Đức Huy.
Cầu thủ quốc tế thì Dũng thích ai nhất?
Mình thích nhiều lắm vì cứ 2-3 năm lại đổi thần tượng một lần, như bây giờ thích Kevin De Bruyne (cầu thủ Bỉ đang đá cho Manchester City). Cứ ông nào đá hay là mình thích. Bóng đá luôn thay đổi, ông này đang hay nhưng 2 năm nữa ông khác lại hay rồi. Mình thích ông khác vì cái hay của ông kia mình đã học được rồi thì thôi (cười).
Từng tâm sự vợ không thích bóng đá, Dũng có từng chạnh lòng khi mình là cầu thủ nổi tiếng mà vợ lại không thích xem mình thi đấu?
Vợ mình không biết gì về bóng đá cả, nhưng mình thích cái đó. Tốt đấy! Về nhà không nói chuyện đá bóng nữa, chỉ nói chuyện con hoặc khác chứ không đả động gì bóng đá cả. Mình đá, vợ mình còn chả mấy khi xem. Không thích là một phần, còn lại xem không hiểu, xem lại sợ thấy chồng bị đau, lại xót… nên thôi. Lúc mình đá, vợ mình đi dọn nhà, trông con, nấu cơm... chứ không xem.
Trí Thức Trẻ