Mùa hè năm ngoái, có một lớp dạy nhảy TikTok Kid mở cửa trong khu phố nhà tôi – một khu phố ở huyện ngoại ô mới chỉ đang rục rịch lên quận. Nhiều người vẫn quen gọi đấy là làng, vỉa hè thì giống phố, nhưng đường thì vẫn là đường bê tông và số nhà còn chưa gắn đủ.
"Một lớp nhảy TikTok Kid, dành cho trẻ em từ 6-12 tuổi, ở một khu phố như vậy?", tôi nghĩ. Nó mọc lên trước cả những quán cà phê nhượng quyền, trung tâm Tiếng Anh, pub, club… Đối với tôi, đó là minh chứng không thể chối cãi cho TikTok Boom, sự bùng nổ của nền tảng mạng xã hội chia sẻ video ngắn này.
Nếu bạn chưa biết, TikTok đã cán mốc 3,3 tỷ lượt tải xuống vào năm 2022. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta hỏi 8 người bất kỳ gặp ngoài đường, trung bình sẽ có hơn 3 người cài đặt ứng dụng TikTok trong điện thoại.
Một gia đình hạt nhân 3 người có ít nhất một thiết bị xem được TikTok. Và khi một lớp dạy nhảy quảng cáo nó, họ không cần cắt nghĩa nhảy TikTok là gì, giống như từng phải giải thích nhảy Flashmob, Dancesport hay Zumba trước đây.
Nhảy TikTok đơn giản là nhảy giống như bạn thấy người ta nhảy trên TikTok.
Nghiên cứu cho thấy trẻ em tham gia vào các lớp học nhảy có thể rèn luyện được kỹ năng vận động phối hợp, giữ thăng bằng, nhận thức không gian. Học nhảy cũng đã được chứng minh có tác dụng giúp trẻ tăng cường khả năng phát triển ngôn ngữ, kỹ năng ghi nhớ, giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề và điều hòa cảm xúc.
Những đứa trẻ học nhảy thường củng cố được lòng tự trọng, sự tự tin và có tinh thần hợp tác tốt với bạn bè cùng trang lứa. Không có gì phải nghi ngờ, nhảy đem lại lợi ích cho sự phát triển của trẻ.
Nhưng TikTok? Ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra mạng xã hội này có ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của trẻ em và thanh thiếu niên. Trẻ em sử dụng TikTok có thể bị gián đoạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, suy giảm khả năng tập trung, gia tăng lo lắng, trầm cảm, thậm chí tử vong vì những thử thách nguy hiểm không được kiểm soát trên nền tảng.
Vậy chúng ta nên nói gì về cụm từ "nhảy TikTok", một thứ tốt cho trẻ đi kèm với một thứ tiềm ẩn nhiều tác hại?
Đối với một lớp dạy nhảy dành cho lưới tuổi từ 6-12 tuổi, đó rõ ràng là một quảng cáo tồi. Trừ khi, chính nhà quảng cáo và người tiêu dùng, ở đây là các bậc phụ huynh quá ngây thơ. Họ chưa thực sự biết những gì TikTok có thể gây ra với bộ não và sức khỏe của con em mình.
Cần phải nói rằng, chỉ bởi bạn đăng ký cho con vào một lớp nhảy TikTok không có nghĩa là bạn bắt đầu lập tài khoản TikTok cho con mình và để trẻ thoải mái sử dụng điện thoại cũng như mạng xã hội.
Nhưng đó là một trong những cách dễ dàng nhất để khơi gợi sự tò mò của trẻ, để chúng đặt ra những câu hỏi "Vậy TikTok là gì?", "Con có thể sử dụng TikTok hay không?", "Làm sao để xem hoặc đăng video lên TikTok?".
Nhiều bậc cha mẹ khá thoải mái giới thiệu TikTok cho con mình bằng cách tạo một tài khoản cho con, hoặc đưa điện thoại của bản thân cho trẻ xem chung tài khoản TikTok mà không biết: Trên thực tế, mạng xã hội này cấm người dùng dưới 13 tuổi.
Ofcom, một cơ quan quản lý truyền thông Anh Quốc, cho biết có hơn 60% trẻ em từ 8-11 tuổi và 33% trẻ em từ 5-7 tuổi ở nước này sở hữu tài khoản TikTok. Đặc biệt, 16% trẻ 3-4 tuổi ở Anh đã từng tiếp cận video TikTok gián tiếp thông qua cha mẹ. Các bậc phụ huynh có thể đã sử dụng TikTok để dỗ chúng nín khóc hoặc thu hút sự chú ý của trẻ để rảnh tay làm việc khác.
Khảo sát của Ofcom không điều tra hậu quả mà trải nghiệm TikTok đầu tiên mang lại cho trẻ (một thực nghiệm như vậy đối với trẻ em sẽ không được bất kỳ hội đồng đạo đức khoa học nào thông qua).
Nhưng từ báo cáo của các cá nhân là người trưởng thành, chúng ta thấy TikTok có sức cuốn hút rất mạnh ngay từ lần đầu sử dụng.
John Koetsier, một nhà phân tích hệ sinh thái di dộng, nhà báo cộng tác với tạp chí Forbes cho biết lần đầu tiên anh tải xuống TikTok là để nghiên cứu cách ứng dụng này vận hành:
"Tôi đã tải xuống ứng dụng để tự mình làm quen với nó, bằng cách tìm hiểu và bắt đầu xem các video dài chỉ 15 giây của Tiktok. Một giờ sau, tôi tái mặt, lắc đầu và tự hỏi buổi chiều của mình đã đi về đâu. Theo một nghĩa nào đó, tôi đã bị nghiện ngay từ lần xem TikTok đầu tiên".
Koetsier đã mang trải nghiệm của mình đi hỏi tiến sĩ Julia Albright, một nhà xã hội học nghiên cứu truyền thông và kỹ thuật số tại Đại học Nam California. Và cô ấy cho biết ứng dụng TikTok đã được thiết kế hết sức tinh vi, nhằm hút cạn sự chú ý của bạn giống như một cỗ máy đánh bạc.
Cả hai đều có âm thanh vui nhộn, khoảng thời gian xem ngắn giữa các lượt, hiệu ứng ánh sáng nhấp nháy và tạo ra những cơn sốt dopamin trong não bộ.
Nếu bạn chưa biết, dopamin là chất dẫn truyền thần kinh được não bộ giải phóng để thưởng cho bạn. Nó tạo ra cảm giác dễ chịu, đê mê mỗi khi bạn làm được điều gì đó mà bạn cảm thấy thích thú.
Vì vậy, trong trường hợp này, một lượng nhỏ dopamin sẽ xuất hiện trong não bạn mỗi khi bạn thắng một khoản tiền trên máy đánh bạc hoặc xem được một video thú vị trên TikTok. Nhưng vấn đề là gì? Bạn sẽ không thắng được một cỗ máy đánh bạc liên tiếp nhiều lần, cũng như không phải lúc nào cũng thấy một video trên TikTok thú vị.
Đó không phải là TikTok đã đề xuất sai video cho bạn, thuật toán của nền tảng này cố tình làm thế. Nó phát xen kẽ những video thú vị và video nhàm chán để đợi cho lượng dopamin của bạn giảm xuống, khiến bạn thấy nôn nao, tạo ra cảm giác thua cuộc, phải gỡ gạc.
Sau đó, thay vì nhét những đồng xu mới và gạt cần máy đánh bạc, bạn nhét thời gian của mình vào TikTok bằng cách vuốt lên liên tục. Chẳng mấy chốc, bạn lại thấy một video khiến bạn cười nắc nẻ, dopamin một lần nữa trào dâng trong não và vòng lặp tái diễn.
"Thuật ngữ tâm lý học gọi đó là sự củng cố gián đoạn", tiến sĩ Albright nói. "Nó có nghĩa là đôi khi bạn thắng, đôi khi bạn thua. Và đó là cách mà nền tảng này được thiết kế… chúng giống hệ như một máy đánh bạc".
Melody Wilding, một giáo sư hành vi con người tại Đại học Hunter, Hoa Kỳ cho biết mô hình củng cố gián đoạn này còn được ứng dụng trong huấn luyện động vật:
"Nếu bạn muốn huấn luyện một con vật làm điều gì đó, thì cách tốt nhất không phải lúc nào cũng thưởng cho chúng. Cách hiệu quả hơn là thỉnh thoảng trao phần thưởng cho con vật và vào những khoảng thời gian ngẫu nhiên".
Vậy, đó chính là cách mà người dùng TikTok đang được huấn luyện. Bạn nghĩ mình sẽ chỉ mở TikTok và xem khoảng 20 video trong 5 phút. Nhưng TikTok không bao giờ đề xuất cho bạn cả 20 video thú vị.
Sẽ chỉ có một vài trong số chúng thỏa mãn bạn và thế là bạn sập bẫy tâm lý. Bạn vuốt lên liên tục để tìm kiếm và thỏa mãn vòng lặp dopamin của mình. Cho đến khi bạn nhận ra 5 phút đã kéo dài thành 1 tiếng đồng hồ thì đã quá muộn.
Giống như 16% phụ huynh trong khảo sát phía trên của Ofcom tại Anh Quốc, Kim Quy, một bà mẹ của hai bé sinh đôi 3 tuổi (ngụ ở quận 8, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết chị đã quá ngây thơ khi cho con mình xem TikTok từ khi còn quá nhỏ.
"Ban đầu, tôi chỉ cho con xem để giải trí. Nhưng đến thời điểm hiện tại, con tôi luôn đòi nằng nặc. Mỗi sáng, cháu chỉ chịu dậy đi học khi nghe được tiếng nhạc từ video. Tôi cũng phải để con lên mạng trước giờ cơm, giờ ngủ. Cháu sẽ nghịch ngợm, vòi vĩnh, làm ồn đến khi được đáp ứng", chị Quy chia trẻ trên Zing.
"Tôi thấy nền tảng này rất thông minh. Nó ghi lại thói quen của tôi và con để liên tục gợi ý các video đúng sở thích. Ngay cả tôi còn bị ‘cuốn’ khi lướt TikTok, huống chi là các bé. Quan trọng là tôi vẫn cố gắng dành thời gian quản lý, đảm bảo con tránh xa những đoạn clip nhạy cảm, dung tục. Tuy nhiên, tôi vẫn ở thế bất lực, chưa biết làm gì để con bớt 'nghiện'".
Tiến sĩ Troy Smith, một nhà tâm lý học tại Đại học Trinidad and Tobago cho biết ông cũng đã từng nói chuyện với hai phụ huynh có con trong độ tuổi vị thành niên:
"Một người nhấn mạnh rằng con trai của mình có triệu chứng lo lắng, không chịu ăn thậm chí cố gắng nói dối để tìm cách mở mạng xã hội khi bị bố mẹ hạn chế. Tôi rất muốn biết những hành vi giống như chứng nghiện này có phổ biến với người sử dụng TikTok hay không nếu có thì mức độ đến đâu" .
Để bắt tay vào cuộc điều tra, tiến sĩ Smith đã thực hiện một khảo sát trên 173 sinh viên đại học đang sử dụng nền tảng mạng xã hội này.
Bộ câu hỏi gồm những câu như: "Bạn có suy nghĩ ám ảnh về TikTok không? Bạn có cảm thấy thôi thúc phải sử dụng TikTok ngày càng nhiều? Bạn có đang lướt TikTok để quên đi các vấn đề cá nhân? Bạn từng cố gắng giảm tần suất sử dụng TikTok nhưng không thành công? Bạn có trở nên bồn chồn hoặc khó chịu khi không sử dụng TikTok? Thời gian sử dụng TikTok của bạn nhiều đến mức ảnh hưởng tiêu cực đến việc học hoặc công việc?".
Các câu trả lời của tình nguyện viên được tiến sĩ Smith chấm điểm theo một thang đo mức độ nghiện mạng xã hội được phát triển trước đây. Kết quả đăng trên tạp chí Addictive Behaviors cho thấy có tới 31,8% người sử dụng TikTok đang ở trong nguy cơ nghiện mạng xã hội.
"Các dấu hiệu rõ ràng nhất của chứng nghiện là người dùng trở nên căng thẳng, cáu kỉnh, lo lắng hoặc thể hiện cảm giác buồn bã mạnh mẽ khi tước quyền truy cập vào ứng dụng (triệu chứng cai nghiện) và họ từng nỗ lực kiêng mạng xã hội nhưng không thành công (tái nghiện)", tiến sĩ Smith nói.
Không chỉ khảo sát hành vi, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Neuro Image liên quan đến việc quét não bộ của các tình nguyện viên trong máy cộng hưởng từ chức năng fMRI cho thấy: Thuật toán đề xuất video của TikTok có thể thắp sáng các khu vực não bộ liên quan đến điều tiết dopamin và chứng nghiện, đặc biệt là vùng não bụng (VTA).
Khi các tình nguyện viên xem video ngẫu nhiên không do thuật toán của TikTok đề xuất, vùng VTA đóng vai trò trong quá trình xử lý phần thưởng của họ không được kích hoạt. Ngược lại, chúng sẽ hoạt động mạnh khi tình nguyện viên xem video được đề xuất bằng trang cá nhân hóa "Dành cho bạn" (For you) của TikTok.
"Dành cho bạn" là một sáng tạo của TikTok khiến mạng xã hội này khác biệt hoàn toàn so với các mạng xã hội trước đó như Facebook, Youtube hay Instagram. Nếu bạn để ý, mỗi khi bạn mở TikTok, ứng dụng này sẽ đưa bạn đến với trang "Dành cho bạn" chứ không phải trang "Đang theo dõi".
Các mạng xã hội khác ưu tiên vòng tròn quan hệ của bạn, thuật toán của chúng sẽ hiển thị các nội dung liên quan đến những người bạn biết và đang theo dõi trước tiên. Còn TikTok, nó ngay lập tức đẩy bạn vào một dòng chảy toàn video của những người lạ.
Có hai loại video mà bạn có thể bắt gặp ở đây: Loại thứ nhất là video đang trong vòng phản hồi dương. Chúng rất thú vị và đã được hiển thị cho rất nhiều người trước bạn. TikTok biết họ thích chúng dựa trên lượt xem, bình luận và lượt thích cao nên đã giới thiệu cho bạn, một khán giả tiềm năng cũng sẽ thích chúng.
Loại thứ hai là video thử nghiệm, khi bạn được chọn là một trong những người xem đầu tiên. Đặc điểm của loại video này là chúng có rất ít tương tác. Một lần nữa, bạn nghĩ TikTok bị lỗi, nhưng thực ra đó là một tính năng của họ.
TikTok không chỉ huấn luyện bạn, ứng dụng này còn khai thác quyết định của bạn, biến bạn trở thành một công cụ kiểm duyệt không cần trả lương. Khi bạn xem một video dạng thử nghiệm, lại có hai trường hợp có thể xảy ra.
Trường hợp thứ nhất, nếu bạn thấy video đó thú vị, TikTok biết bạn xem hết chúng và tương tác với chúng, video đó sẽ được đẩy sang vòng phản hồi dương và tiếp tục được phát cho những người dùng TikTok khác.
Ngược lại, nếu bạn thấy video đó nhàm chán và bỏ qua, xin chúc mừng, bạn đã quay vào ô mất lượt. TikTok vừa làm được hai điều cùng lúc: Họ tạo ra tâm lý củng cố gián đoạn khiến bạn thèm dopamin và cảm giác vuốt để gỡ gạc. Đồng thời, họ lấy chính phản ứng vuốt qua của bạn để ngừng đề xuất video nhàm chán đó cho người dùng tiếp theo.
Theo như Louise Matsakis, cộng tác viên chuyên mục công nghệ của Wired đánh giá, chính sự thông minh và tối ưu hóa của thuật toán "Dành cho bạn" đã biến trang chủ TikTok trở thành "bất động sản kỹ thuật số có giá trị nhất thế giới".
Ở thời điểm hiện tại, nó đã vượt mặt cả "New Feed" của Facebook, "All" của Youtube, "Home" của Twitter và "Following" của Instagram…
Cần phải nói rằng bất kỳ Big Tech nào, với bất kỳ ứng dụng mạng xã hội miễn phí nào ngày nay, cũng đều đang khai thác sự chú ý của bạn. Nếu bạn đang dùng một thứ gì đó không phải trả tiền, thì thực ra bạn đang bị biến thành sản phẩm để đem bán.
Các mạng xã hội kiếm tiền từ người dùng miễn phí bằng hai cách. Cách đầu tiên khá đơn giản, họ hiển thị quảng cáo. Nhưng cách thứ hai mới là những gì đáng bàn tới.
Mọi thứ bạn làm trên mạng xã hội đều được quét và phân tích để xây dựng lên một hồ sơ về bạn. Các Big Tech tạo ra một avatar của bạn trong thế giới của họ. Họ biết bạn thích gì, quan điểm chính trị của bạn ra sao, ngoại hình của bạn, các nhãn hàng mà bạn yêu thích…
Sau đó, cái được giá để bán cho các nhà quảng cáo chính là tệp hồ sơ này chứ không phải lượt hiển thị. Các nhà quảng cáo thì sẵn sàng trả tiền để có được tập khách hàng và chất lượng phục vụ cao hơn.
Toàn bộ cơ chế và mô hình kinh doanh trong cái được gọi là nền kinh tế chú ý này hoạt động hiệu quả đến mức, mỗi khi bạn mở mạng xã hội lên và xem, mạng xã hội đó đã đang kiếm tiền từ bạn. Và mỗi khi bạn đóng ứng dụng lại, dòng doanh thu của ứng dụng đó từ bạn cũng dừng lại.
Cho nên, Big Tech luôn tập trung tất cả sức mạnh thuật toán của họ để đảm bảo một mục tiêu tối thượng: "Làm thế nào để bạn cầm điện thoại lên, chọn ứng dụng của mình và mở nó càng lâu càng tốt?".
Theo Bob Fallon, giám đốc điều hành của Marketing Agency Bluewater có trụ sở tại Hoa Kỳ, TikTok hiện đang là ứng dụng khai thác tốt nhất nguồn tài nguyên quảng cáo dựa trên sự chú ý.
"Với tư cách là nhà quảng cáo, chúng tôi luôn cố gắng tìm kiếm khán giả. TikTok bây giờ thì không thiếu khán giả. Nhưng còn một điều khiến tôi phải ngả mũ trước TikTok, đó là tỷ lệ hoàn vốn chi tiêu quảng cáo (ROAS) của nền tảng này", Fallon nói.
"ROAS là KPI tiêu chuẩn vàng cho các nhà marketing kỹ thuật số. TikTok đang thắng thế các nền tảng mạng xã hội khác trong chỉ số này. Họ đang chiến thắng trên mọi mặt trận. TikTok có khả năng mang lại lợi nhuận chi tiêu trên quảng cáo rất hiệu quả - cả lợi nhuận từ thời gian quảng cáo và lợi nhuận trên thời gian chú ý của người dùng".
Vậy họ đã làm điều đó bằng cách nào?
Nếu bạn chưa biết, các nghiên cứu chỉ ra khoảng thời gian trung bình mà một người có thể giữ được sự chú ý của mình đang thu hẹp dần. Năm 2000, con số đó là 12 giây trong một thời đại chưa có smartphone.
Còn ngày nay, chúng ta chỉ còn có thể đặt sự chú ý của mình lên một sự vật trong 8 giây, kém hơn cả một con cá vàng (9 giây) không bị làm phiên bởi email, tin nhắn và thông báo trên điện thoại.
TikTok đã biết được những con số này, và họ đã tạo ra một nền tảng với các video có độ dài giới hạn dưới 15 giây. Fallon cho biết: "TikTok đã đáp ứng người tiêu dùng bằng cách cung cấp những video có độ ngắn hoàn hảo cho khoảng chú ý mà chúng ta đã bị thu hẹp ".
Bằng những video này, nền tảng luôn kịp hiển thị phần hài hước nhất hoặc thú vị nhất của một nội dung, trước khi người dùng của họ mất chú ý và vuốt sang các video khác. Nhưng chính sự chẻ nhỏ nội dung của TikTok lại tiếp tục thúc đẩy khoảng thời gian chú ý của chúng ta giảm xuống.
Tiến sĩ Julie Albright tại Đại học Nam California cho biết: "Bộ não của chúng ta đang thay đổi dựa trên sự tương tác với các công nghệ kỹ thuật số này, thời gian của chúng ta đang bị nén lại".
Nếu bạn không tin điều đó, hãy thử xem một bộ phim được sản xuất vào khoảng những thập niên 2000. Rồi bạn sẽ thấy trong hầu hết các trường hợp, chỉ mất vài phút để bạn có ý định tua nó. Bạn sẽ tự hỏi: Khi nào thì mới đến đoạn hay đây?
Nhưng còn một điều đáng quan tâm hơn, đó là những đứa trẻ sinh ra trong thời đại TikTok, sự chú ý của chúng đang bị nền tảng này bẻ gãy ngay từ đầu.
Khảo sát cho thấy trẻ từ 4-15 tuổi dành trung bình 80 phút để xem TikTok mỗi ngày, điều đó có nghĩa là TikTok đã thu hút chúng cuộn qua khoảng 320 video trong khoảng thời gian đó. Đã qua rồi một thời mà những đứa trẻ dán mắt vào Youtube cả ngày. Bây giờ, khi đã say sưa với những đoạn video TikTok có độ dài chỉ 15 giây, mỗi clip trên Youtube với trẻ đã biến thành cả một bộ phim tài liệu.
Julie Jargon, chủ mục Gia đình và Công nghệ trên Tạp chí Phố Wall từng làm một cuộc khảo sát những bậc phụ huynh có con nhỏ mê TikTok, cô viết:
"Nhiều bậc cha mẹ nói với tôi rằng con họ không thể ngồi xem hết những bộ phim dài tập nữa, bởi vì đối với chúng, những bộ phim đó có cảm giác chậm chạp đến khó chịu. Những người khác đã quan sát thấy con mình phải vật lộn để tập trung làm bài tập về nhà. Còn chuyện đọc một cuốn sách thì thôi, quên đi".
Jargon đã đem điều này tới hỏi Michael Manos, giám đốc lâm sàng của Trung tâm Chú ý và Học tập, Bệnh viện Nhi Cleveland. Manos cho biết khi trẻ làm những việc đòi hỏi sự tập trung lâu dài, chẳng hạn như đọc sách hoặc giải toán, chúng cần sử dụng đến sự chú ý có định hướng.
"Sự chú ý có định hướng là khả năng ức chế sự phân tâm và duy trì sự chú ý cũng như luân chuyển sự chú ý một cách thích hợp. Nó đòi hỏi các kỹ năng bậc cao như lập kế hoạch và sắp xếp thứ tự ưu tiên", Manos nói.
Các chức năng này được chịu trách nhiệm bởi vỏ não trước trán. Nhưng khu vực này của trẻ chưa phát triển đầy đủ cho tới tận tuổi 25. Vì vậy, nếu trẻ em và cả trẻ vị thành niên tiếp xúc liên tục với TikTok, một ứng dụng huấn luyện chúng chú ý theo các khoảng thời gian ngắn, não bộ trẻ sẽ quen với những kích thích dạng ngắn này.
"Kết quả là bộ não chúng sẽ khó thích nghi với các hoạt động phi kỹ thuật số bên ngoài thế giới thông thường, nơi mọi thứ không diễn ra nhanh chóng như vậy", Manos nói.
Tiến sĩ Julie Albright đồng ý với điều này. Cô kể về một trong những sinh viên của mình từng dự định sẽ trở thành nhạc sĩ. Nhưng cậu ta tuyên bố nếu không thể làm điều đó trong 3 tháng thì cậu sẽ từ bỏ ước mơ của mình.
Giới trẻ bây giờ dường như không thể kiên nhẫn làm điều gì đó nữa. Nếu bạn hỏi kế hoạch 5 năm tới họ sẽ làm gì, những sinh viên Gen Z sẽ nhìn bạn như thể bạn bị điên. "Kế hoạch 5 năm ư? Họ thậm chí không thể khái niệm hóa một kế hoạch 5 năm là gì", tiến sĩ Albright nói.
Nghi ngờ về sự phổ biến của các trường hợp tương tự, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đang tài trợ cho một nghiên cứu trên 12.000 thanh thiếu niên, những người đã lớn lên trong thời đại kỹ thuật số.
Với nghiên cứu này, các tác giả hi vọng sẽ chứng minh được tác động của từng ứng dụng mạng xã hội tới sự phát triển trí não của thanh thiếu niên hiện đại, bao gồm những gì xảy ra sau thời đại TikTok.
Rất có thể, mạng xã hội video ngắn này đã "thay đổi hoặc làm tổn hại" đến khả năng xử lý thông tin trong thế giới thực của nhiều đứa trẻ, Bonnie Nagel, một trong những nhà khoa học tham gia vào dự án, hiện đang là giáo sư khoa học thần kinh và hành vi tại Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon dự đoán.
Khi phương tiện truyền thông trở nên nhanh hơn và kích thích hơn, nó sẽ tạo ra một vụ va chạm với những gì xảy ra bên ngoài đời thực. Não bộ những đứa trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý những thông tin chậm và ít kích thích hơn.
Và thử nghĩ mà xem, chúng có thể tua video trên Youtube nhưng làm sao có thể tua được cuộc sống thực mà chúng đang sống bên ngoài màn hình?
Quay trở lại với lớp học nhảy TikTok, bạn có tự hỏi tại sao nhảy TikTok lại trở thành một thương hiệu?
Thực tế, bạn có thể nhảy bất cứ một điệu nhảy nào trên TikTok, Flashmob, Shuffle hay Zumba chỉ cần các động tác của nó được cắt nhỏ ra hoặc nén lại để phù hợp với khoảng chú ý và độ dài video trên nền tảng. Và sau đó, nó ngay lập tức trở thành một điệu nhảy TikTok.
Điều này dẫn chúng ta quay trở lại lịch sử 5 năm về trước, TikTok trước khi là TikTok bây giờ từng là một ứng dụng hát nhép có tên là Musical.ly. Ứng dụng này cho phép người dùng tự quay các đoạn video nhảy và hát theo điệu nhạc, cuối cùng đã thu hút được hơn 200 triệu người sử dụng trên khắp thế giới vào năm 2017, trước khi bị mua lại bởi ByteDance.
ByteDance sau đó phát triển Musical.ly thành hai phiên bản ứng dụng Douyin phát hành nội địa ở Trung Quốc và TikTok phát hành trên quy mô toàn cầu. Cả hai ứng dụng tiếp tục chinh phục người sử dụng bằng cách khai thác nhu cầu nhảy và thể hiện bản thân của con người.
Xuyên suốt lịch sử của nền văn minh, nhảy được coi là một loại hình ngôn ngữ hình thể, giúp biểu đạt ý tưởng và cảm xúc. Các xã hội nguyên thủy từ 10.000 năm trước đã sử dụng những điệu nhảy tập thể như một phương tiện giao tiếp trong các nghi lễ với thần thánh, cầu cho mùa màng bội thu, thể hiện sự tôn kính hoặc lòng biết ơn.
Nhảy cũng được sử dụng như một ngôn ngữ biểu diễn trong các buổi kể truyện, giúp truyền đạt kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các điệu nhảy cá nhân được sử dụng để thể hiện sự khỏe mạnh, oai phong của những người đàn ông. Đối với phụ nữ, đó cũng là một cách để thu hút bạn tình khác giới.
Trong xã hội hiện đại, nhảy tiếp tục truyền đạt tất cả những ngôn ngữ hình thể đó của con người, cho dù là một buổi lên đồng, một tiết mục múa trên sân khấu, dạ tiệc khiêu vũ, khi bạn nhảy trong quán bar hay khi bạn nhảy một mình trong nhà, trước camera của một chiếc điện thoại.
Điều đặc biệt với nhảy TikTok, đó là nó vừa mang tính cá nhân vừa mang tính tập thể. Mạng xã hội này khai thác nhu cầu và bản năng bắt chước của con người. Trong khi bạn nhảy một mình trước camera thực ra là bạn đang tham gia vào một nghi thức tập thể, nơi hàng triệu người khác cũng đang bắt chước, cover lại cùng một điệu nhảy giống như bạn.
Bên dưới lớp áo giải trí hóa ra là một nhu cầu kết nối "tâm linh", nó đánh thức một ẩn ức nằm sâu bên trong văn hóa loài người, một nhu cầu chuyển động đồng bộ để mang lại cảm giác đoàn kết mạnh mẽ.
Mỗi khi tham gia một thử thách nhảy trên TikTok, bạn sẽ thấy mình thuộc về một nhóm, một cộng đồng. Bạn cũng sẽ không còn ngại thể hiện bản thân khi ở trong đám đông. Những điệu nhảy Tiktok vì thế có sức hút rất mãnh liệt, dù chúng có kỳ quặc, hoặc đôi khi nhạy cảm đến phản cảm.
Lấy ví dụ về WAP, một thử thách nhảy trên TikTok đã thu hút được hơn 1,2 tỷ lượt xem vào năm 2020. Rõ ràng ngôn ngữ hình thể của điệu nhảy này không phù hợp với mọi hoàn cảnh và đối tượng, đặc biệt là trẻ em.
Thử thách WAP bao gồm nhiều động tác xoay người, đá và xoạc chân, thậm chí mô phỏng hành động nhạy cảm. Và một khi biết WAP là gì, nhiều người lớn có khi còn phải cảm thấy đỏ mặt.
Bất chấp điều này, vẫn có những đứa trẻ ngây thơ tham gia vào thử thách WAP trên TikTok. Chúng cover lại điệu nhảy mà không cần hiểu nó có ý nghĩa gì. TikTok, trên thực tế, ngập tràn những điệu nhảy có xu hướng tình dục hóa. Và bởi mạng xã hội có lượng người dùng trẻ lớn, nó vô tình trở thành một thỏi nam châm thu hút những kẻ biến thái, chuyên săn lùng trẻ em.
Năm 2019, một nhóm phóng viên của Mirror đã thực hiện một cuộc điều tra nạn săn mồi của những kẻ ấu dâm trên TikTok. Họ phát hiện ra mạng xã hội này đang biến trẻ em thành mục tiêu tấn công của những kẻ biến thái.
"Chúng tôi thấy một video trong đó một bé gái tuổi teen đang nhảy trong khi những người khác nhìn chằm chằm và thúc giục bé gái "Cởi quần áo ra"", họ viết. "Trong video khác của một bé gái 15 tuổi ngây thơ, nó đã thu hút được hàng loạt bình luận thô thiển của những người đàn ông nói về hành vi tình dục".
Cuộc điều tra bao gồm phỏng vấn các bậc phụ huynh tại nhiều trường tiểu học và trung học ở Anh. Nhiều người đã báo cáo việc con mình trở thành nạn nhân của những kẻ ấu dâm thông qua các thử thách như #tradefortrade (một dấu hiệu giao dịch nội dung khiêu dâm) và #takeitoff (một thử thách cởi bỏ quần áo).
Những kẻ săn mồi này có thể lưu video TikTok của những đứa trẻ về máy để trao đổi hoặc tải lên các trang web khiêu dâm. Chúng cũng thường sử dụng bình luận công khai hoặc tin nhắn trực tiếp để dụ dỗ những đứa trẻ trong độ tuổi còn đi học.
Đối phó với tình trạng này, TikTok cho biết họ đã cấm tin nhắn riêng tư được gửi đến tài khoản người dùng dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, mạng xã hội không có cách nào để kiểm tra tuổi thật của người dùng, thực tế là nhiều trẻ em dưới 13 tuổi vẫn khai khống tuổi để lập tài khoản.
Trong một cuộc điều tra khác của The Telegraph, họ đã phỏng vấn những nhân viên kiểm duyệt nội dung cho TikTok ở Anh Quốc. Những nhân viên này cho biết khoảng 10% những tin nhắn riêng tư mà họ kiểm tra chứa đựng nội dung không phù hợp từ người lớn gửi tới trẻ em.
Đôi khi họ thấy một tài khoản của trẻ em có tới 10 tin nhắn khác nhau từ 10 người lạ, tất cả đều có nội dung quấy rối. Tuy nhiên, theo chính sách của TikTok, những nhân viên này chỉ có thể đình chỉ tài khoản của những kẻ ấu dâm 7 ngày.
"TikTok thực sự nguy hiểm, có rất nhiều kẻ săn mồi đang tìm kiếm trẻ em trên đó. Chúng tôi đã thấy những kẻ ấu dâm bị khóa tài khoản trong một tuần, nhưng sau đó, những kẻ này lại quay lại trò chuyện với những đứa trẻ như bình thường", một cựu nhân viên kiểm duyệt làm việc cho TikTok chia sẻ.
Anh ấy sau đó đã nghỉ việc và cảnh báo người thân không nên cho con cái sử dụng ứng dụng này:
"Tôi không cảm thấy an toàn khi để ai đó tiếp tục ở đó và tin tưởng vào các chức năng báo cáo nếu họ cảm thấy bị đe dọa, bởi vì các hình phạt của TikTok không có tác dụng. Nếu có thể, các bậc cha mẹ nên cấm con cái họ sử dụng TikTok. Trong trường hợp họ không thể làm thế, hãy thực sự cẩn trọng và kiểm tra tài khoản của con mình hàng ngày".
Công bằng mà nói, không phải bất cứ điều gì trên TikTok cũng tiềm ẩn rủi ro hay nguy hiểm dành cho thế hệ trẻ. Giống như các mạng xã hội khác, TikTok đang trở thành một nền tảng kết nối, cho phép những người trẻ tìm thấy nhau, thể hiện bản thân, kích thích sự sáng tạo, hoặc đơn thuần là có những phút giây giải trí lành mạnh.
Ứng dụng cũng đang cải tiến mình để trở nên an toàn hơn với trẻ em và thanh thiếu niên. Chẳng hạn như năm 2020, TikTok cho ra mắt hai tính năng "An toàn gia đình" (family safety mode) và Ghép nối gia đình (Family Pairing) cho phép các bậc phụ huynh kết nối tới tài khoản của con mình, từ đó quản lý được thời gian sử dụng, nội dung hiển thị và hạn chế tin nhắn trực tiếp của người lạ tiếp cận con mình.
Trong năm 2021, TikTok cũng áp dụng một loạt các quy định mới nhằm bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên. Ví dụ, ứng dụng sẽ ngừng đẩy thông báo "Push notifications" sau 21 giờ đối với tài khoản trẻ em trong độ tuổi 13-15 và sau 22 giờ đối với thanh thiếu niên 16-17 tuổi.
Những tài khoản TikTok dưới 16 tuổi sẽ bị cắt tính năng tin nhắn trực tiếp, trong khi người dùng từ 16-17 tuổi sẽ phải chủ động bật tính năng này nếu họ muốn.
Ngoài ra, bạn có thể vào phần "Quyền riêng tư và cài đặt của ứng dụng" trong TikTok bằng cách nhấn vào dấu 3 chấm trên góc màn hình hồ sơ. Điều này sẽ cho phép bạn thiết lập tính năng "An toàn", trong đó bạn có thể tùy chỉnh ai có thể đăng nhận xét, có thể sử dụng tính năng "Song ca", ai có thể xem video hoặc gửi tin nhắn cho con bạn. Có 3 tùy chọn là "Mọi người", "Bạn bè" và "Tắt".
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cần biết đó là: Dù bạn có cố gắng làm bất cứ điều gì để dựng một tấm rào chắn giữa những đứa trẻ và TikTok, bản năng khám phá vẫn sẽ giúp chúng tìm ra được cách để vượt qua.
Vào tháng 3 năm 2021, TikTok cho biết họ đã sử dụng những thuật toán quét để phát hiện ra 7,3 triệu tài khoản thuộc về trẻ em dưới 13 tuổi. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy những đứa trẻ vẫn có cách để sử dụng mạng xã hội này.
Bằng cách khai khống hồ sơ về độ tuổi, những đứa trẻ dưới 17 tuổi cũng có thể mở khóa toàn bộ các tính năng mà TikTok đang hạn chế. Và còn một điều nữa, bạn thực sự không cần tài khoản đăng nhập để xem TikTok.
Cách mà thuật toán "Dành cho bạn" của TikTok làm việc khiến bạn thực sự không phải theo dõi hay kết bạn với bất kỳ ai trên nền tảng này để xem được những video mới nhất, bắt trend nhất.
Vì vậy, bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể truy cập vào thế giới của TikTok thông qua việc tải ứng dụng hoặc gõ tên trang web trên trình duyệt.
Tiến sĩ Kathryn Smerling, một nhà trị liệu tâm lý học tại New York cho biết việc cấm hoàn toàn trẻ em sử dụng TikTok không nhất thiết là một lựa chọn thực tế hoặc hiệu quả. Vậy giải pháp tốt hơn là gì?
"Hãy nói chuyện với con bạn về những ưu điểm và nhược điểm của mạng xã hội", tiến sĩ Smerling nói. Bạn cần dạy con những kỹ năng mềm khi sử dụng internet, bao gồm cách cư xử và tự bảo vệ mình trên không gian ảo, nơi chúng có thể gặp gỡ và tương tác không chỉ với bạn bè mà vô vàn người lạ khác.
Hãy để ý nếu trẻ có bất kỳ bất thường nào về mặt tâm lý như: thức quá khuya, xa lánh người thân trong gia đình, đột nhiên tự ti, ít nói và không muốn dùng mạng xã hội. Đây có thể là những dấu hiệu cho thấy con bạn đã bị xâm hại hoặc bắt nạt trên mạng.
Dấu chân kỹ thuật số (Digital footprint) cũng là một khái niệm bạn cần giải thích cho con mình. Những đứa trẻ đủ lớn sẽ hiểu rằng bằng cách lập tài khoản TikTok hay bất kỳ mạng xã hội nào khác, thông tin, danh tính cá nhân, từng tấm ảnh, video, bài đăng, đoạn chat chúng tải lên đều sẽ được lưu lại và tồn tại ở đâu đó vĩnh viễn.
Các thông tin này đều là tài sản cá nhân, nhưng chúng thường được các mạng xã hội khai thác, thậm chí bán cho bên thứ ba. Bản thân người dùng khác cũng có thể khai thác thông tin cá nhân từ bạn.
Nếu trẻ, thường là những đứa trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên hiểu được điều này, chúng sẽ biết cách để sử dụng mạng xã hội một cách chừng mcực và thận trọng hơn.
Cuối cùng, cách tốt nhất để hạn chế thời gian mà trẻ dành ra trước màn hình là hãy hoán đổi chúng với thời gian trong thế giới thực. Tiến sĩ Smerling cho biết: "Bạn cần phải đảm bảo trẻ có các hoạt động toàn diện bao gồm thể thao và hoạt động thể chất. Trẻ cũng cần được tiếp xúc với thiên nhiên để chống lại tác động của mạng xã hội".
Ví dụ: chơi thể thao sau giờ học, một buổi cắm trại cuối tuần, đi bộ đường dài cùng gia đình, một lớp học nhảy (nhưng không phải nhảy TikTok)… Theo các chuyên gia, những hoạt động này thậm chí có thể đảo ngược tác động của mạng xã hội lên tâm lý và não bộ trẻ.
"Hãy đảm bảo con bạn chỉ dành một lượng thời gian hạn chế trên các nền tảng đó, để mạng xã hội không phải là tất cả những gì chúng nói và làm. Con bạn cần một cuộc sống cân bằng, chúng cần thời gian để học tập, thời gian dành cho gia đình và cả thời gian để làm những việc khác nữa", tiến sĩ Smerling nói.
Tham khảo Forbes, Wsj, Cyberpurify , Verywellhealth, Parents, Telegraph, Mirror, Huffingtonpost , Addictive Behaviors , NeuroImage, Frontiersin, Wired
Thể thao văn hoá