Sau vài giờ nghe tin vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy, Sanamsay, tỉnh Attapeu, Lào. Nhận định, nơi đang xảy ra sự cố có rất nhiều người Việt Nam sinh sống nên chúng tôi đã nhanh chóng lên đường.
Từ TP HCM, xuyên đêm trên chiếc xe đường dài chúng tôi kịp đến cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kom Tum). Từ đây, di chuyển rất nhiều phương tiện ô tô, xe khách, xe gắn máy để đến trung tâm tỉnh Attapeu.
Thế nhưng, hiện trường xảy ra nằm tại huyện Sanamxay và để vào đó rất khó khăn. Hàng trăm phương tiện đang ùn ứ vì con đường độc đạo đang bị chia cắt bởi dòng nước lũ.
Một người bạn sống tại Lào liên tục khuyên chúng tôi không nên tiến sâu vào đó, vì rất nguy hiểm. Anh liên tục ngăn cản và căn dặn phải cẩn thận vì dễ bị cuốn theo dòng nước. Nhưng với mong muốn đến hiện trường thật nhanh để ghi nhận và để giúp đỡ họ bằng những gì chúng tôi có thể làm. Không thể chờ đợi lâu hơn, cũng chẳng suy nghĩ về những mối nguy hiểm có thể gặp phải phía trước, chúng tôi mượn tạm một chiếc xe gắn máy và tiến thẳng và vùng thiệt hại nặng nhất.
Video ghi nhận tại khu vực đập thủy điện tại tỉnh Attapeu, Lào
Khó khăn đầu tiên đã đến với chúng tôi khi lúc đó cơn mưa lớn như trút nước đổ xuống, khiến con đường đất trở nên khó khăn hơn gấp nhiều lần. Ổ gà, ổ voi lổm chổm, hai bên đường là những căn nhà không còn nguyên vẹn. Nhưng đây cũng chỉ là "rìa" của hậu quả trận vỡ đập.
Mất gần 5 giờ, cuối cùng chúng tôi cũng đến kịp khu hành chính huyện Sanamxay. Lúc này trời đã chập choạng tối, khung cảnh xung quanh đầy ảm đảm. Âm thanh ồn ào nhất có lẽ tiếng còi xe cấp cứu và tiếng máy trực thăng trên bầu trời.
Chợ Sanamxay - nơi sầm uất nhất hôm nay tiêu điều. Tiểu thương ở đây gần một nửa là người Việt Nam. Họ trầm tư và đang nổ lực gom góp những tài sản để chung tay giúp đỡ người dân Lào vượt qua thảm cảnh.
Ghé vào một trong ba khu tạm cư, chúng tôi bắt gặp hàng trăm con người đang nằm vật vờ. Mỗi phòng có đến 30 người tạm cư, chỗ ngủ chỉ vừa thân người. Rất nhiều người vẫn trong tâm trạng hoảng loạn khi không liên lạc được người thân. Số khác động viên nhau để vượt qua khó khăn. Điều đáng nói, dù cuộc sống tại nơi tạm cư thiếu thốn trăm bề nhưng mọi người không có chuyện tranh giành và mọi thứ diễn ra trong trật tự.
Ở những căn phòng tầng trệt, rộng, thoáng đều dành cho trẻ em, phụ nữ và người lớn tuổi. Mỗi bữa ăn những người thanh niên sẽ xếp hàng sau cùng để nhận thực phẩm.
Khi biết chúng tôi là phóng viên từ Việt Nam sang, một bệnh nhân khu hồi sức cố gắng ngồi dậy khi tay vẫn đang truyền nước biển.
"Anh Phóng viên ơi, cho em lên báo để gửi lời nhắn cho bố, mẹ ở Thanh Hoá và nhà chồng ở Hải Dương yên tâm. Hai ngày qua em không liên lạc được sợ ông bà lo rồi bệnh theo", người này nói giọng thều thào.
Chị cho hay, mình là Vy Thị Thoa (37 tuổi, quê Thanh Hóa) đang truyền nước biển. Đã qua Lào sống được 5 năm cùng chồng và con gái 7 tuổi. Đêm 23-7, cả nhà đang chuẩn bị ngủ thì nghe tiếng động lớn. Trong vòng 30 phút nước ngập căn nhà và đẩy đi một đoạn dài. Trong lúc hoảng loạn, chị chỉ kịp trổ mái nhà cho từng người trèo lên trên nóc ngồi. Đến 0 giờ, nước vẫn không ngừng chảy xiết. Chị Thoa chỉ biết gào thật to mong ai nghe thấy. Thế mà đến sáng hôm sau, kêu khản cả tiếng, xung quanh chỉ bốn bề mênh mông nước.
Nhưng rồi sau đó, nhờ một người trong làng chèo xuồng ngang qua và ứng cứu. Kết thúc cuộc phỏng vấn với chị Thoa, chúng tôi ngay lập tức gửi những đoạn video quay được về tòa soạn, khi ấy ngoài nhiệm vụ phải hoàn thành đó lại là mong muốn những đoạn video ấy sẽ đến với người nhà của chị ở quê nhà.
Khi tận mắt chứng kiến quang cảnh tan hoang, nghe những câu chuyện do người dân kể lại, và những giọt nước mắt long trên mắt chị Thoa khi nhắc về gia đình, về thời điểm thoát chết thần kỳ ấy lại làm chúng tôi phải đi thật nhanh hơn, để biết đâu đấy sẽ còn những người Việt mong muốn được báo tin bình an với gia đình.
Tạm kết thúc nhiệm vụ của ngày hôm nay, chúng tôi ghé vào một nhà dân gần đó xin nước uống và tìm chỗ để viết bài. Anh Savongsay, chủ nhà hỏi thăm và khi biết chúng tôi là nhà báo đến từ Việt Nam, anh nói cứ ăn ngủ tại nhà anh cho tiện công việc.
Anh kêu chị vợ nấu cơm cho chúng tôi ăn, dọn chỗ cho chúng tôi ngủ và nói cần gì cứ nói với anh chị, đừng ngại. Anh chị cũng có con gái đang học tại Huế nên người Việt qua đây anh chị sẵn lòng giúp đỡ.
Gia đình anh xem chúng tôi như những thành viên trong nhà, mặc cho khó khăn vẫn bao trùm cuộc sống họ.
Ngày thứ 3 – kể từ sau khi xảy ra vỡ đập, chúng tôi có dịp theo chân cùng đoàn cứu trợ của Chính phủ Lào vào một khu dân cư bị cô lập và cận con đập nhất.
Con đường vào bản không có một đoạn nào khô ráo, toàn bùn là bùn. Hai bên đường là cảnh hoang tàn với những căn nhà trơ trọi, xiu vẹo ngâm trong bùn lầy.
Hình ảnh làm chúng tôi không thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy hai đứa trẻ lội bì bõm dưới đám bùn dày đặc cố gắng tiến đến chúng tôi để lấy nước uống. Người thân của hai cháu đã bị nước cuốn trôi. Không ai có thể tưởng tượng được hai cháu bé đã ăn gì, uống gì sống được 3 ngày qua?
Càng vào sâu, mùi xác động vật tỏa khắp nơi. Cứ vài trăm mét là bắt gặp trong vũng bùn một con trâu đang vùi mặt xuống, xình bụng.
Không khí tang tóc bao trùm khắp nơi và những người còn sống sót đang ngóng chờ một điều gì đó chưa rõ ràng. Số khác, đang nổ lực cào bùn ra khỏi căn nhà để có thể bắt đầu một cuộc sống mới.
Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc của mình dù có khó khăn đến mấy đi chăng nữa, bởi những tình cảm chúng tôi nhận được từ người dân, và hơn cả đó chính là sự cố gắng vượt qua nghịch cảnh, ý chí của những người dân nơi đây quá lớn, truyền cho chúng tôi thêm sức mạnh.
Người Lao động
Người Lao động