Mâm cỗ Trung thu truyền thống không chỉ có các thức quà mùa thu để thưởng thức mà còn có hương hoa, vị trà để thỏa mãn khứu giác, có cả những món đồ chơi đầy ý nghĩa cho lũ trẻ để hồn cốt văn hóa truyền thống ngấm vào những thế hệ tiếp sau như những mạch nguồn còn mãi.
Trung thu, năm 2000.
Lẫn trong tiếng nhạc rộn ràng là giọng lũ trẻ ríu rít, hàng chục em bé chạy ùa ra chiếc sân chung khu tập thể nhà máy, tay đứa nào cũng cầm theo một chiếc đèn lồng, đứa có đèn ông sao, đứa đẩy đèn cù xoay tít, đứa có đèn lồng tự chế từ ống bơ sữa bò, lon nước ngọt, hộp xà phòng cũ…
Cô bé Bảo Trâm, 8 tuổi, váy áo xúng xính đứng trên "sân khấu" của khu tập thể, môi và má được mẹ "đặc cách" tô chút son đỏ, vừa biểu diễn văn nghệ vừa chúm chím môi sợ son phai đi mất. Cô bé khẽ nhún chân cảm ơn sau khi hát xong rồi chạy ào xuống, hòa cùng những đứa trẻ khác phá cỗ, rước đèn.
Với Trâm, đêm Trung thu là một chuyến phiêu lưu băng qua khoảng sân "khổng lồ" ấy, cùng một ngọn lửa lập lòe trong chiếc đèn ông sao nhỏ xinh. Trâm nâng niu chiếc đèn lắm, vì chỉ hơi sơ sảy để nghiêng hay làm cán đèn bị rụng ra, cô bé sẽ mất món đồ chơi duy nhất mùa Trung thu, như năm ngoái, và phải đợi chờ cả năm sau mới được mua tiếp.
Như mọi đứa trẻ, Trâm có tình yêu mãnh liệt với Trung thu. Cô rất mê bánh Trung thu, mê nhất là mứt bí sần sật và hạt sen trong nhân luôn được bố mẹ lấy ra để phần. Trâm cũng mê hồng đỏ vô cùng, thích cả vị ngọt mát mát của thịt lẫn cái sần sật của hạt. Trước những quả hồng chín màu đỏ cam rất hấp dẫn đấy, cô bé luôn băn khoăn nghĩ thật lâu vì nửa muốn ăn, nửa muốn để dành...
Ở phía khác của thành phố, làng Tây Hồ cũng đang có hội. Với trẻ nhỏ, Trung thu là bữa tiệc thịnh soạn nhất năm chỉ sau Tết Nguyên đán, là dịp người lớn thả cho con chơi thỏa thích, được ngủ muộn, chạy nhảy hò hét vang trời mà chẳng ai mắng. Cậu bé Hải Linh, 13 tuổi, nhấp nhổm đợi đến xong bữa cơm để được phá cỗ.
Linh "giàu có" hơn nhiều đứa trẻ trong làng, vì có tận ba bữa cỗ Trung thu khác nhau, cỗ bà nội, cỗ ở trong đình làng và cỗ bà ngoại. Từ ban ngày, bà nội đã đi chợ sớm chuẩn bị đủ hàng chục loại hoa quả, bánh, cốm... cúng cụ trước rồi bày dần ra mâm cho trẻ con nhìn mà học cách xếp đặt, ăn cơm tối xong mới cho các cháu phá cỗ. Phá cỗ ở nhà xong, Linh và các anh chị em sẽ đi phá cỗ đình làng xem múa sư tử. Đám trẻ con hiếu động bám đuôi mấy con sư tử đi quanh làng hò hét, đánh trống, khoe nhau lồng đèn. Sau đó, Linh sẽ sang bên bà ngoại phá cỗ toàn bánh Trung thu đủ loại, mà cậu bé mê nhất là bánh hình đàn lợn, cá chép…
Năm 2000 ấy, hai đứa trẻ có lẽ chưa biết đến sự hiện diện của nhau, nhưng tình yêu trong sáng vô ngần với truyền thống, với những đêm trăng Rằm và cỗ Trung thu đã như hai nhánh của một dòng sông chảy trong tim họ.
17 năm sau, hai nhánh sông ấy mới "va" vào nhau, khi Linh là trưởng phòng marketing 1 công ty thực phẩm, còn Trâm đã là ca sĩ trưởng thành từ chương trình Vietnam Idol. Sự tâm đầu ý hợp trong tâm hồn đã kéo họ về chung một nhà, và tình yêu với văn hóa cổ truyền vốn rất lớn trong Trâm lại được khuếch đại thêm bởi nếp nhà tứ đại đồng đường của Hải Linh, bởi sự đảm đang, khéo léo nữ công gia chánh của mẹ anh.
Với nhiều gia đình Hà Nội gốc như nhà Hải Linh, những dịp lễ, Tết cổ truyền là những ngày rất đặc biệt, có cách bày biện, thưởng thức riêng, phép tắc được gìn giữ cả trăm năm. Mâm cỗ Trung thu Hà Nội cổ truyền, trước là biện lễ cúng gia tiên, sau rồi mới cho trẻ con phá cỗ nên các cụ chuẩn bị rất kỳ công.
Vốn sẵn tình yêu với văn hóa truyền thống, Bảo Trâm nhanh chóng tiếp nhận những cầu kỳ ấy như một nét văn hóa tốt đẹp cần giữ gìn. Tết Trung thu khi đã ra riêng, cặp vợ chồng trẻ dẫu bận rộn vẫn chọn cách quay về truyền thống để bé Kem được tận hưởng Trung thu đúng vị Trung thu ngày xửa ngày xưa.
Mâm cỗ Trung thu truyền thống của người Hà Nội, tuyệt nhiên không phải kiểu mâm cao cỗ đầy, thích gì mua nấy để bày ú ụ chứa chan, mà tinh tế ở chỗ chỉ cần ít thôi, mỗi thứ một chút, nhưng mùa nào thức nấy, món nào cũng mang hương vị mùa thu. Bảo Trâm làm đúng những gì được mẹ và mẹ chồng dạy dỗ, truyền lại.
Trước khi đưa bé Kem đi chợ cùng sắm sửa đón Trung thu, Bảo Trâm cẩn thận điểm lại từng món. Tết Trung thu theo đúng lệ xưa thật là nhiều thứ cần sắm sửa, nào cốm mộc làng Vòng, nào trà sen Hồ Tây, rồi bánh, trái nhiều loại.
Riêng hoa quả cũng cần đến thập loại mới đủ lệ bộ. Những quả được lựa chọn đều là tinh túy của mùa với những đặc điểm được truyền miệng bao đời như bưởi phải rám vỏ, chuối phải trứng cuốc vỏ đốm màu, mỏng dính mà vẫn chắc quả, đưa ngang mũi thấy tỏa hương ngọt lịm. Rồi nào thị, nào lựu đỏ… nhưng quan trọng nhất mà không thể thiếu là hai loại hồng đỏ và hồng xanh (hồng ngâm).
Tết Trung thu sẽ không trọn vẹn nếu thiếu vắng bánh nướng, bánh dẻo - loại bánh được xem là đại diện cho Trung thu. Giữa muôn trùng loại bánh hiện đại, Trâm vẫn chọn bánh thập cẩm đóng khuôn vuông, khuôn tròn đúng phong vị xưa. Tất nhiên cô không quên mua cho cô con gái cưng thêm một chiếc bánh nướng cá chép và vài giỏ lợn xinh xinh vừa để bày cho đẹp, vừa để lũ trẻ trong nhà thêm có thêm niềm vui trước giờ phá cỗ chính thức.
Mất công lắt nhắt đi nhiều nơi nhiều chỗ, nhưng Trâm vui và bé Kem háo hức. Cái háo hức của cô bé 2 tuổi bộc lộ qua đôi mắt đen láy, tròn xoe và những cái thơm má mẹ thật sâu. Kem còn quá nhỏ, buổi sắm Tết Trung thu với Kem hôm nay chỉ là một đi chơi cùng mẹ nhưng niềm hạnh phúc, nề nếp gia đình chắn chắn sẽ ngấm vào cô bé từ những điều giản đơn nhưng thật đẹp thế này.
Chuẩn bị mâm cỗ mất cả ngày trời mua sắm nên vui nhất chính là lúc "phá cỗ, trông trăng". Năm nay, Trâm thử làm chó bưởi theo hướng dẫn của người cô chồng, dù còn chút vụng về nhưng vẫn có thể gọi là thành công… Dưới ánh trăng Rằm tháng Tám vằng vặc, chú chó bưởi bông xù vừa hoàn thiện khiến lũ trẻ nắc nỏm khen. Trên chiếu hoa một mâm hồng, cốm lựu đỏ e ấp bên nhau như bảng màu tuyệt sắc. Rồi mùi thơm từ bánh, từ mấy loại bông nhài, móng rồng mới hái trong vườn nhà khẽ khàng đưa hương khiến ai nấy đều cảm thấy một niềm vui, nhỏ bé nhưng đầy thi vị.
Khi đã mâm cỗ đã xong, Trâm mới bày đủ đầy đèn ông sao, nào trống bỏi, trống con truyền thống mà chiều nay cô và Kem đã cất công lên Hàng Mã vừa để vãn cảnh phố xá, vừa để mua sắm chuẩn bị cho bữa tiệc. Để có được bữa tiệc đoàn viên hôm nay, Trâm bỏ biết bao công chăm chút, còn Hải Linh dù bận tối mắt, bao nhiêu hẹn ngoại giao với đối tác cũng từ chối hết để dọn dẹp, trang trí nhà cửa, đợi vợ con đi chợ về để sửa soạn mâm cỗ trông trăng. Theo nếp nhà Linh, những ngày Tết cổ truyền luôn là thời gian thiêng liêng dành cho gia đình. Và quả thực, với ngần ấy chăm chút của mọi thành viên, nó xứng đáng được trân trọng.
Thời khắc vui nhất chính là khi đồ chơi được mang ra. Năm nay, ngoài những món đồ mua sẵn ở Hàng Mã, Linh còn quyết định tự tay làm cho con một chiếc đèn lồng bằng vỏ lon sữa, giống như chiếc đèn của mình năm xưa.
Bàn tay vốn quen giở sổ sách, gõ máy tính và hoạch định chiến lược kinh doanh của Linh, hóa ra cũng chẳng lóng ngóng mấy khi anh tỉ mẩn đục cái lon sữa bò để làm lồng đèn cho cô con gái cưng. Trong bộ đồ thiên thần, Kem hí hửng cùng "đồng bọn" Tôm, Gạo, Chuột, Ỉn nhốn nháo quanh mâm cỗ đủ màu, đủ thức ngon lành mà mẹ Trâm bày biện.
Thỉnh thoảng sốt ruột, cô nàng lại quên mất mình đang xâu hạt bưởi với mẹ để mấy hôm nữa hạt khô cùng nhau mang đốt tí tách mà đưa mắt nhìn vào xem bố đã đục xong ống bơ, đã buộc dây đèn cho mình chưa.
Rõ ràng, chiếc đèn từ lon sữa làm sao màu mè bằng những đèn lồng nhựa vừa màu sắc, vừa có nhạc, song có lẽ lũ trẻ dù còn nhỏ vẫn cảm nhận được chiếc đèn đó là của riêng, làm riêng cho mình nên hào hứng lắm. Chúng tranh nhau chiếc ống bơ ngộ nghĩnh, vừa "rước đèn" quanh chiếu trải trên sân thượng, vừa khua trống bỏi nhặng xị. Đêm Trung thu ồn ào như thế nhưng ai ngắm cảnh tượng ấy cũng chỉ thấy bình yên mà thôi.
Trong những buổi trà dư, tửu hậu mạn đàm về chuyện xưa này, nhiều người bảo Trung thu và những ngày Tết cổ truyền càng ngày càng nhạt. Quả đúng là thời buổi hiện đại, người ta ngày càng chuyên môn hóa, đồ uống, thức uống ngày càng sẵn nên lễ, Tết có phần bị xem nhẹ. Nhưng ở những gia đình coi trọng nề nếp, mong muốn lưu giữ nét văn hóa cổ truyền, ngày lễ nào cũng đậm như nhau.
Bởi họ yêu lắm, quý lắm những lệ xưa nếp cũ cha ông truyền lại nên dù bận rộn đến đâu họ cũng để dành cho tâm hồn mình, gia đình mình những góc riêng. Tình yêu ấy tự nhiên như hơi thở, cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, bằng lối sống hằng ngày, bằng nề nếp, văn hóa gia tộc, nên họ chấp nhận "bảo thủ" một chút để truyền lại những lề thói đẹp cho con cháu.
Hải Linh xác nhận: "Theo mình, để cho con hứng thú với những mùa Trung thu và ngày hội cổ truyền, chính bố mẹ phải truyền lại và nuôi dưỡng tình yêu đó nơi con, như tuổi thơ mình từng được trải nghiệm. Việc giữ gìn truyền thống, những tinh hoa trong tinh thần của dân tộc, mà Trung thu là một phần trong đó, quan trọng lắm.
Phố xá có thể thay đổi chứ hồn cốt, phong vị thì không đâu nếu người lớn chú tâm. Giờ đồ chơi nhiều thứ hiện đại quá, sẵn mua quá nên trẻ con ít đứa được ngồi nhìn bố làm đồ chơi cho con với vẻ háo hức, ngưỡng mộ. Người lớn bận rộn nên ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến không khí đón Trung thu của con trẻ".
Còn Bảo Trâm, dù không sinh ra ở Hà Nội, nhưng gần 20 năm gắn bó với văn hóa, nét duyên của những mùa lễ Tết, cũng yêu truyền thống theo một cách rất sâu. Trâm bảo, trong thời đại hiện nay, Việt Nam hòa nhập với thế giới, du nhập nhiều những lễ hội của nước ngoài nên việc lũ trẻ có được háo hức như thời xưa là rất khó, dẫu vậy cô cũng như gia đình luôn cố gắng để tạo ra những ngày lễ trọn vẹn cho các thế hệ tiếp sau.
"Trâm nghĩ rằng không khó để các bố mẹ giữ lại nguyên vẹn không khí Trung thu cho trẻ em thời hiện đại. Hãy xác định đó là một ngày lễ của gia đình, là "Tết đoàn viên" khi đó không có smartphone, không TV, ông bà bố mẹ dành thời gian cho trẻ, dạy trẻ cách chơi những đồ chơi và trò chơi dân gian.
Chồng Trâm cũng là một người khá truyền thống, những dịp lễ nào không phải ngày lễ cổ truyền thì mọi thứ diễn ra bình thường, và chúng mình dành toàn tâm toàn ý cho những ngày lễ chính, còn hơn rong chơi tất cả các ngày lễ, ngày nghỉ mà lễ nào cũng làng nhàng nhạt nhạt như nhau. Trăng nghìn năm vẫn sáng, nhưng vẫn đầy bí ẩn đó thôi? Người lớn không mặn nồng, chẳng trách thấy Trung thu nhạt." - nàng ca sĩ trải lòng.
Trí thức trẻ