Ban đầu, chúng tôi dự định sẽ thực hiện ghi hình buổi talkshow trong phòng làm việc của ông Quảng - như nhiều nhân vật CEO khác. Đó là một căn phòng nhỏ hình ngũ giác khá độc đáo, 3 mặt có cửa sổ hướng ra khu làm việc chung, bài trí đơn giản. Tuy nhiên, với diện tích quá khiêm tốn, căn phòng đã không đủ chỗ đặt các thiết bị máy quay. Chúng tôi phải dời khu vực ghi hình ra phía bên ngoài… sảnh lễ tân và buổi nói chuyện với CEO BKAV nhận được sự theo dõi của khá nhiều nhân viên công ty.
Năm 1989, khi còn là học sinh chuyên toán của Đại học Sư Phạm, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với máy tính và đó cũng là một trong những chiếc máy vi tính hiện đại đầu tiên tại Việt Nam. Tôi có người bác làm việc ở đấy nên may mắn được lên phòng máy sử dụng và bắt đầu say mê từ đó.
Có lẽ vì yêu thích máy tính từ hồi cấp 3 nên tôi chọn thi vào Đại học Bách Khoa. Thực ra tôi còn thi vào Học viện Ngân hàng và đỗ cả 2 trường. Tôi có sang học trường Ngân hàng một ngày, nhưng có lẽ sự đam mê đã giành chiến thắng nên sau đó, tôi về học tại Bách Khoa.
Vào mùa hè năm 1995, tôi mang máy tính về nhà và nghiên cứu về virus máy tính. Hiểu được nguyên lý của virus máy tính, tôi bắt đầu viết phần mềm. Còn quá trình kiểu như “sáng tạo ở ký túc xá hay gara” là giai đoạn sau đó. Ngày học đại học, thầy giáo Quách Tuấn Ngọc cũng tạo điều kiện cho tôi được ngồi ở phòng máy cả đêm lẫn ngày. Phòng máy không có giường nhưng cũng ăn ngủ ở đấy, cứ kê ghế rồi ngủ.
Tôi nghĩ có điểm chung của những người khởi nghiệp ngành công nghệ, đó là chỉ cần một chiếc máy tính thôi đã có thể thay đổi tất cả. Từ Bill Gates, Mark Zuckerberg cũng đều bắt đầu từ thời sinh viên. Tôi cũng ngẫm ra phần lớn những người thành công đều khởi đầu từ thời sinh viên, bởi đó là lúc họ có nhiệt huyết nhiều nhất và không sợ bị chê cười, dám làm những điều mới mẻ.
Mọi thứ tôi làm đều rất tự nhiên. Tôi nghiên cứu vì tò mò về virus máy tính, rồi khi máy tính của mọi người bị virus xóa dữ liệu thì tôi cung cấp cho họ, một cách vô vụ lợi. Thậm chí mỗi khi có một phiên bản mới thì 8 anh em trong nhóm lại gửi email thông báo cho tất cả người dùng. Thời đó, việc kết nối internet qua analog từ điện thoại rất chậm và đắt đỏ, không như bây giờ. Lương giảng viên của tôi lúc ấy cũng ở mức khá so với trung bình của với xã hội, tôi chẳng tiêu gì nhiều nên dùng tiền đó mua internet, gửi email cho mọi người. Tôi còn cung cấp cho người dùng số điện thoại cá nhân, đêm hôm họ gọi đến là chuyện bình thường.
Nhưng sau đó có nhiều người gọi quá, tôi không thể trả lời hết. Tôi trăn trở làm thế nào để giải quyết được việc này. Đến năm 2000, tôi xem TV và thấy người ta nói về doanh nghiệp, ra trường mấy năm rồi mà lúc ấy mới biết thế nào là Luật Doanh nghiệp. Tôi nhận ra doanh nghiệp là một phương thức để giải quyết công việc một cách khoa học và bài bản, trên quy mô lớn. Lúc trước mình cùng vài anh em làm vô vụ lợi nhưng chỉ chỉ phục vụ được vài trăm nghìn người, vài triệu người thôi. Hàng chục triệu người lại là câu chuyện khác. Vì thế tôi quyết định lập doanh nghiệp.
Nhưng khác với các bạn trẻ bây giờ lập doanh nghiệp để làm giàu, tôi chia sẻ rất thật, tôi lập doanh nghiệp chỉ với mục tiêu thu được tiền để có vốn tái đầu tư, trả lương cho các em sinh viên.
Tôi cũng như bao người khác thôi, lúc đầu bị ném đá cảm thấy rất đau khổ. Bạn hình dung xem, tâm của mình vẫn hướng đến việc cống hiến cho xã hội, trước đó còn được phong là “Hiệp sĩ công nghệ thông tin”, vậy mà giờ bị gọi là “nổ”. Không ai có thể sắt đá mà hiểu ngay ra những vấn đề ấy.
Thời điểm tôi phát ngôn rằng “Phần mềm diệt virus Bkav có thể cạnh tranh sòng phẳng với các phần mềm khác trên thế giới” cũng là cao điểm tôi bị nói “nổ”. Bạn cứ hình dung vào thời điểm 2005, gần như không ai dám nói sản phẩm của Việt Nam tốt hơn của nước ngoài. Thậm chí đến bây giờ, mọi người còn rất dè dặt. Sau này, tôi biết đó là do định kiến của xã hội rất lớn.
Về sau, tôi nghĩ có lẽ do mình làm phần mềm nên mọi người không nhìn thấy được, không hiểu rằng chúng tôi đã làm rất tốt. Đến 2009, tôi bắt đầu quyết định sản xuất điện thoại, với niềm tin rằng một sản phẩm hữu hình sẽ thay đổi định kiến. Nhưng hoá ra lúc đó tôi vẫn chưa thực sự hiểu hết vấn đề.
Phải mất một thời gian nữa, tôi mới ngẫm ra và có thể thoải mái với chuyện bị “ném đá”. Nhưng rõ ràng về mảng phần mềm, ở thời điểm đó có gần 10 phần mềm diệt virus bán ở thị trường Việt Nam nhưng đến nay chúng tôi chỉ còn một đối thủ duy nhất, thị phần của họ cũng bé hơn nhiều so với chúng tôi.
Lúc đầu tôi giống như “điếc không sợ súng”, chỉ nghĩ điện thoại giống như bao sản phẩm đã từng làm, nhưng khi bắt tay vào mới thấy câu chuyện hoàn toàn khác. Sản xuất phần mềm thì chỉ cần một chiếc máy tính là đủ, nhưng điện thoại thì chỉ một mình không đủ. Làm điện thoại cần cả chuỗi cung ứng.
Việc đầu tiên mà tôi bị “dội gáo nước lạnh”, đó là con chip. Lúc ấy, tôi biết các hãng khác đang dùng chip của Qualcomm, tôi bèn liên hệ ngay với Qualcomm và nghĩ rằng hiển nhiên có người mua thì họ sẽ bán. Nhưng kết quả là họ từ chối khéo.
Đang hừng hực khí thế mà không có chip thì làm thế nào? Tôi tập hợp các anh em trong công ty, đọc một email để gửi cho hơn 10 công ty làm chip trên thế giới. Đợi người ta trả lời, cũng rất hồi hộp. Intel trả lời đầu tiên, mừng quá khi họ đồng ý hỗ trợ. Nhưng vài tháng sau, họ lại trả lời là không hỗ trợ được. Dần dần, tôi biết lý do vì họ cũng đang sốt ruột muốn tham gia vào ngành sản xuất di động nhưng không đủ quyết tâm.
Rất may mắn sau đó, một nhà sản xuất chip cho ngành công nghiệp là Freescale (Mỹ) đồng ý. Nhưng họ chỉ đồng ý cung cấp chip thôi, không có nguồn lực con người. Ngày ấy tôi còn chưa biết đến khái niệm đó là gì. Tìm hiểu mới biết như Intel, Qualcomm,… ngoài việc cung cấp chip thì họ phải cung cấp một bộ máy nguồn lực con người để hàng ngày tương tác, làm việc với nhà sản xuất smartphone. Nhưng cuối cùng, Freescale cũng không phải nhà sản xuất chip cho Bphone 1.
3 năm sau, năm 2012, chúng tôi lại sang Qualcomm, mang theo một thiết bị đã biết cộng - trừ - nhân – chia nhưng không thể nào làm cho nó có thể nghe – gọi được. Qualcomm thấy chúng tôi quay lại với một thiết bị mà lần đầu tiên Việt Nam có, họ đã đồng ý. Chúng tôi đã đàm phán nhiều triệu đô với Qualcomm, là đơn vị đầu tiên của khu vực ký với họ. Mà đó mới là chuyện con chip, còn thiếu thốn đủ đường.
Trong quá trình 6 năm rưỡi, chúng tôi thuyết phục được 200 nhà cung ứng cung cấp con tụ, con trở, cơ khí, chống nước, công nghệ phay,… Tổng cộng có khoảng 900 linh kiện trong một thiết bị. Vì thế mà smartphone được gọi là tinh hoa công nghệ. Làm được smartphone là làm được hầu hết mọi thứ.
Trước kia làm phần mềm diệt virus, tôi đã hiểu tâm lý, thói quen hình thành trong người Việt Nam, rằng mình là một nước nghèo nên mọi thứ phải rẻ. Khi một công ty Việt Nam tạo ra một sản phẩm nào đó thì mọi người lại nói: Phải rẻ nhé! Phải rẻ nhé! Ngược lại, nếu bán giá đắt thì sẽ bị chỉ trích là “hút máu”, kiếm tiền. Nhưng thế là các bạn không hiểu về kinh doanh, “kinh doanh” ở đây là làm ra của cải cho xã hội.
Kinh doanh hay doanh nghiệp chỉ là một phương thức giúp làm việc tốt hơn thôi, có những người có nhu cầu mua sản phẩm giá rẻ, người muốn mua tầm trung hoặc cao cấp, thì xã hội mới phát triển. Bây giờ ai cũng mua giá rẻ thì ai là người bay bổng trong các sáng tạo. Không phải lúc nào rẻ cũng tốt, giá rẻ hạn chế rất nhiều sự sáng tạo. Tôi biết tâm lý của mọi người như vậy nhưng nếu mình cứ chiều theo thì ngành công nghệ của Việt Nam không bao giờ phát triển được, sẽ mắc bẫy giá rẻ.
Đến nay tôi đã bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt, chưa hề thu về đồng nào nhưng tôi không làm giá rẻ ngay. Tôi làm sản phẩm cận cao cấp và ra mắt Bphone tại CES để phá vỡ định kiến trên. Tại sao các nước khác đắt đỏ hơn mình? Có nước nào phát triển mà rẻ hơn mình không? Tôi hoàn toàn có thể làm giá sản phẩm rẻ trước, nhưng sẽ phát sinh 2 vấn đề.
Thứ nhất, mọi người lại bảo rằng: “Ừ! Việt Nam chắc cũng chỉ làm được thế này thôi!” và rồi đánh giá năng lực của Việt Nam bằng một sản phẩm giá rẻ như vậy. Thứ hai, khi đã làm giá rẻ thì sau đó sẽ không thể thay đổi sang phân khúc cao hơn được, phải liên tục phải cắt giảm cho rẻ nhất, dẫn đến không thể có công nghệ cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn. Bên cạnh đó, còn vì định kiến xã hội rất lớn. Những người mua sản phẩm giá rẻ thường có thu nhập chưa tốt. Vậy thì sau đó, khi có nhiều tiền hơn, họ sẽ muốn mua những sản phẩm của hãng khác, thoát ra khỏi hãng giá rẻ. Nếu để ý sẽ thấy ví dụ ở Ấn Độ, mọi thứ đều yêu cầu giá rất rẻ nên cuối cùng, họ làm outsource thành công nhưng làm sản phẩm thì không được.
Tôi ra mắt tại Triển lãm công nghệ hàng đầu như CES cũng không phải chỉ cho oai, mà để khẳng định người Việt Nam có thể làm được những sản phẩm cao cấp, cạnh tranh được với các ông lớn.
Ngay tại thời điểm đó tôi cũng chưa hiểu hết, phải mất một thời gian ngẫm nghĩ. Thời điểm ấy, tôi tin rằng khi mình ra mắt một thiết bị vật lý đẹp thế này, có thể so sánh với những hãng Apple, Samsung thì không có cớ nào mọi người không tự hào và thích thú. Nói thật lúc ấy tôi phơi phới niềm tin như vậy. Kể cả khi tôi nói “Thật không thể tin nổi!” cũng là từ trong tâm phát ra, rất vô tư. Bởi chúng tôi làm vì mục đích xây dựng ngành công nghệ - công nghiệp Việt Nam. Mình cứ nghĩ rằng ra mắt điện thoại thì sẽ hết ném đá, vậy mà còn bị ném đá nhiều hơn.
Tôi bị stress nặng trong gần 2 năm sau đó, tình trạng còn tệ hơn cả trầm cảm. Suốt 2 năm ấy tôi không lên công ty. Nhưng, không bao giờ tôi nghĩ đến từ bỏ, bởi vì công việc đó như bản năng vậy. Mình đã nghĩ rất sâu, rất kỹ rồi, dứt khoát là Việt Nam phải làm và làm được.
Gần 2 năm, tôi điều hành công ty từ xa. Vừa làm Bphone 2017 vừa suy ngẫm sự đời, triết học. Tôi tìm về đến gốc, giải thích chính mình, tại sao mình làm như vậy vẫn bị chửi? Tôi nhận ra rằng mọi thứ đều có quy luật, rằng bất kể việc nào có tác động lớn tới xã hội thì không thể không gây tranh cãi. Việc mà ai cũng thấy dễ thì đã không gây tranh cãi.
Đến cả những vĩ nhân, nhà bác học, doanh nhân lớn không ai không từng bị ném đá. Nói như vậy không phải tôi ví mình như các ông ấy. Tôi nhìn ra bài học từ đó. Dĩ nhiên chúng ta phải nói cho sòng phẳng, rằng: một việc lớn dĩ nhiên bị ném đá nhưng bị ném đá chưa chắc đã là chuyện lớn. Nhưng ít nhất, có dấu hiệu bị ném đá thì có thể đó là việc lớn.
Đội ngũ của tôi chắc chắn cũng bị mất tinh thần, một số nhân sự cấp trung nghỉ nhưng không nhiều. Bởi vì các anh em cũng xuất phát như tôi, ngay từ đầu mục đích làm không phải vì kiếm tiền mà để giải quyết những vấn đề lớn của xã hội, cho nên niềm tin rất lớn. Ngay cả tôi, bị stress nhưng tôi vẫn thể hiện được quyết tâm.
Còn việc kinh doanh, vì là người làm công nghệ nên mọi vấn đề quản trị, vận hành tôi đều tiêu chuẩn hóa, quy trình hoá bằng công nghệ. Thế nên cho dù tôi không trực tiếp có mặt ở công ty nhưng mọi việc hoạt động hết sức bình thường. Chỉ là không đột phá hẳn thôi. Và trong 2 năm đó, chúng tôi vẫn nghiên cứu và cho ra mắt mẫu Bphone mới vào 2017.
Không phải!
Tôi kể lại câu chuyện năm 2017. Trước khi ra mắt Bphone 2017, tôi có gửi hồ sơ mời Vingroup tham gia đầu tư cùng. Tuy nhiên hai bên không thống nhất được cách làm. Và sau đó như mọi người cũng biết, Vingroup tự làm, còn tôi thì vẫn làm theo cách của mình.
Thực ra làm công nghệ vẫn phải bắt đầu từ công nghệ. Chúng tôi thực sự thiếu tiền, tôi đã bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư, nhưng thực tế, nghìn tỷ ở mảng này rất nhỏ bé. Cứ thử nhìn sang những công ty cùng ngành, ít nhất cũng phải có tỷ USD trong tay. Hãng Xiaomi làm sản phẩm phân khúc giá rẻ thôi nhưng họ cũng có tỷ USD. Còn chúng tôi chỉ có 1.000 tỷ tiền Việt thôi mà đã làm được như vậy, đó là sự nỗ lực của cả đội ngũ, của con người Việt Nam.
Làm smartphone thực sự cần nhiều tiền, nhưng không phải chỉ là vấn đề tiền bạc. Nếu chỉ cần bỏ ra tỷ USD mà có thể làm được thì tôi chắc rằng các quốc gia châu Âu đã bỏ tiền ra để làm. Sau thời kỳ hoàng kim của Nokia, họ không thể làm được. Không phải vì không có tiền, mà bởi họ không còn đủ năng lượng để làm.
Tôi nghĩ là đã phá vỡ được. Rõ ràng tại thời điểm chúng tôi chuẩn bị ra mắt Bphone, mọi người vẫn nói với nhau câu chuyện rằng “Việt Nam không làm nổi con ốc vít”. Nó nặng nề kinh khủng. Nhưng bây giờ không ai nói vậy nữa, câu nói ấy tuyệt chủng rồi. Giờ đây họ nói về việc có cạnh tranh được với Apple hay không. Kể cả tôi đang bị ném đá, người ta bảo “Làm sao cạnh tranh được với Apple?”. Như vậy là tốt rồi, ít nhất họ thừa nhận là có thể so sánh đã, còn được hay không, chờ kết quả.
Nhịp sống kinh tế