Mùa hè năm 2013, tôi thất nghiệp lần thứ 2. Sống ngay cạnh nhà mẹ vợ, tôi chịu áp lực vô hình mỗi ngày. Ở Georgia, Mỹ khi đó trời nóng như đổ lửa, công việc khan hiếm. Mọi thứ đều như chống lại tôi. Tôi và gia đình cảm thấy cần làm gì đó. Quyết định được đưa ra là... mua một chiếc Porsche Cayenne.
1 tháng sau đó, tôi mua xe Range Rover. Tháng kế tiếp là một chiếc Range Rover nữa cùng một chiếc Cayenne. Câu chuyện cứ thế tiếp diễn. Đến tháng 11, tôi mua liền một lúc 6 xe. Chỉ trong chưa đầy nửa năm, tôi đã mua tới gần 20 chiếc xe sang. Vợ lẫn mẹ vợ tôi chẳng những không phiền lòng mà còn niềm nở hơn trước vì cuối cùng tôi cũng tìm được “công việc” kiếm tiền cho gia đình.
Trong những ngày tháng đó, tôi di chuyển liên tục. Tôi đón đêm giáng sinh năm ấy trên ghế sân bay cùng đồ ăn nhanh, bánh ngọt và bia để bắt chuyến bay hiếm hoi tới La Quinta tìm hiểu nguyên nhân xem tại sao chiếc Range Rover mình đặt mua đã quá lâu rồi vẫn chưa giao hàng. Khi làm thủ tục lên máy bay với hành lý đi kèm chỉ đúng một tờ séc 6 chữ số, nhân viên an ninh nhíu mày nhìn tôi và bắt đầu buổi “thẩm vấn” kỹ càng. Tôi dám chắc khi đọc những dòng này, không ít câu hỏi cũng đang hiện ra trong đầu bạn.
Xin hãy để tôi giải thích. Khi đó, tôi là một người trung gian trong quá trình xuất khẩu xe sang sang “chợ xám” Trung Quốc. Chợ xám là thuật ngữ kinh tế chỉ các hoạt động trao đổi hàng hóa một cách hợp pháp nhưng không chính thức, không được ủy quyền và ngoài mong muốn của nhà sản xuất đối với các hàng hóa đó hoặc ngoài ý muốn của cơ quan nhà nước điều tiết thị trường (khác với chợ đen là hàng hóa phi pháp).
Với một người thất nghiệp và chỉ có bằng cao đẳng như tôi (2 năm học đầu thậm chí còn là trong tù), đó là công việc khả dĩ nhất có thể kiếm được lúc đó.
Dù còn giữ lại khá nhiều nguyên tắc ngặt nghèo, nền kinh tế Trung Quốc trong những năm gần đây vẫn được đánh giá là phóng khoáng và tự do hơn rất nhiều so với giai đoạn trước kia, tạo nền tảng cho thứ mà nhiều người bản địa kỳ vọng gọi là “Giấc mơ Trung Quốc” khi so sánh với Mỹ.
Giới thượng lưu Trung Quốc đông đảo hơn bao giờ hết, tương ứng với đó là nhu cầu mua xe sang trọng bọc nhiều da nhất có thể, hàng ghế sau rộng nhất có thể, cửa sổ trời lớn nhất có thể ngày càng tăng.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc áp thuế 25% lên xe nhập khẩu mới – con số cao so với mặt bằng chung trên toàn cầu để hỗ trợ các thương hiệu nội địa hoặc buộc các hãng xe phải xây dựng cơ sở sản xuất tại đây. Khó khăn chồng khó khăn khiến xe hạng sang nhập khẩu tại Trung Quốc đội giá lên gấp nhiều lần mức tiêu chuẩn trên trường quốc tế.
Bởi vậy, ngay cả khi bỏ tiền ra thuê người trung gian mua xe ở Mỹ hay Canada rồi xuất xe sang Trung Quốc, tổng chi phí vẫn thấp hơn rất nhiều. Lấy ví dụ, Range Rover tôi mua tại Mỹ khởi điểm ở 88.345 USD trong khi tại Trung Quốc giá gốc xe đã là 1.518.000 NDT, tương đương khoảng 240.000 USD – gấp 3 lần tại Mỹ.
Giờ, có lẽ bạn đã hiểu số xe tôi kể trên được chuyển đi đâu. Tôi đứng tên mua chúng cho một công ty tại San Diego, tiền đương nhiên cũng do họ cung cấp. Tôi là một trong những người mua thế thân – tầng lớp nằm tận cùng bên dưới kim tự tháp nơi những ông chủ Trung Quốc ngự trị trên đỉnh.
Quay trở lại với câu chuyện tại sân bay, sau khi tìm hiểu thấu đáo câu chuyện đồng thời kiểm tra tiểu sử của tôi qua dữ liệu liên bang, người nhân viên để tôi đi và thậm chí cho tôi số của anh ta, ngỏ ý muốn tham quan cùng vào phi vụ thú vị này. Có lẽ làm nhiệm vụ an ninh vào đêm Giáng Sinh mà trợ cấp chẳng được bao nhiêu cũng khiến anh cảm thấy mệt mỏi chăng?
Thực sự, kiếm tiền tại Mỹ không khó ngay cả với một người không học hành, không bằng cấp, không kinh nghiệm, không khéo léo. Tuy nhiên, kiếm nhiều tiền với những “đức tính” như vậy thì không khả thi, trừ khi bạn phạm pháp. Bất động sản hay Bitcoin? Xin chúc bạn may mắn. Về phần mình, tôi chọn cách mua xe, xe sang là đằng khác để kiếm tiền.
10.000 USD mỗi tháng – mức thu nhập không quá tồi so với độ khó của công việc. Bạn chỉ cần có bằng lái xe là đủ tiêu chuẩn, việc lách luật đã có người dạy. Các hãng xe và hệ thống đại lý của họ luôn có hệ thống dữ liệu riêng để ngăn cản bạn mua xe rồi xuất khẩu chúng sang các nước khác nhưng khe cửa hẹp đến đâu cũng vẫn có kẽ hở.
Tại đại lý Porsche mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ. Tôi giả vờ say rượu và để bạn tôi, đóng giả là bạn gái, lo liệu mọi chuyện, bản thân mình chỉ việc ký séc. “Bạn trai tôi đây phải mua cho tôi một chiếc Cayenne nếu không vợ anh ấy sẽ biết chuyện này ngay ngày mai đấy”, cô đóng kịch và không quên thêm vào “Đừng hỏi nhiều nếu không anh ấy tỉnh mất!”.
Sau khi nhận xe, chúng tôi lái chiếc Porsche mới tinh tới xe chuyên chở đã giao hẹn từ trước, ký giấy bàn giao, để lại chìa khóa cùng giấy tờ xe, sau đó nhận tiền – đơn giản và nhanh chóng vậy thôi.
Về phần chiếc Porsche, xe sẽ nhanh chóng tiến đến cảng biển nơi Cục Hải quan xác nhận đó không phải là xe trộm cắp rồi chuyển lên tàu tới Trung Quốc.
Trên thực tế, khi đã hoàn tất thủ tục mua xe, bạn có quyền bán lại cho bất cứ ai khác ngay khi rời đại lý, kể cả xuất xe sang nước ngoài. Tuy nhiên, hành động này không được BMW, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz hay Porsche hoan ngênh và họ sẽ ngay lập tức đưa bạn vào “sổ đen” nếu phát hiện, khiến việc mua xe lần 2 trở nên cực kỳ khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi.
Một ngày, tôi nhận được cuộc gọi của giám đốc đại lý nơi từng mua xe với những lời lẽ không hay ho cho lắm liên tục tuôn xối xả. Cũng đúng thôi, tôi đã ký văn bản cam kết không xuất xe ra nước ngoài mà. Về phần tôi phải đóng phạt 8.500 USD theo cam kết đã đành, đại lý trên cũng bị “phạt” bởi Porsche vì đã không khắt khe hơn trong khâu kiểm tra. Án phạt thì đủ loại, phổ biến nhất là giảm bớt số lượng xe “hot” cấp cho họ.
Tranh cãi nhanh chóng nổ ra giữa 2 bên. Hắn cho biết sẽ không thông qua giấy tờ cho chiếc Cayenne nhưng cũng sẽ không liệt tôi vào sổ đen của Porsche, đương nhiên bù lại tôi phải trả xe về đại lý ở tình trạng như mới. Đáp trả lại, tôi bảo hắn rằng việc hắn yêu cầu cũng là phạm pháp (đúng hay không thì tôi cũng chẳng biết!), bên cạnh đó thì làm sao quay đồng hồ về như cũ được nữa trừ phi đại lý của hắn làm việc này thường xuyên để lừa khách hàng?
Sau màn đấu khẩu qua cả điện thoại và email với logic dần trôi về những câu hăm dọa tống nhau vào tù, hắn cúp máy và không quên nhắc tôi rằng “sẽ còn làm việc với nhau”. Việc gì thì tôi cũng chẳng biết, chỉ biết hắn đã quên không báo lại cho bộ phận chăm sóc khách hàng và quà mừng xe mới vẫn được gửi tới tận cửa nhà tôi (cám ơn Porsche!).
Khoảng 1 tháng sau khi mua chiếc Cayenne trên, tôi lần mò tới nhiều chuỗi đại lý lớn tìm “bạn” mới. Mọi chuyện vẫn diễn ra suôn sẻ 100% cho tới một ngày tôi lâm vào tình thế khó khi mua 1 chiếc Cayenne và 1 chiếc Range Rover Sport chỉ cách nhau chưa đầy một tuần.
Vấn đề ở chỗ 2 đại lý Porsche và Land Rover chung chủ đồng thời nằm đối diện nhau. Cảm giác rón rén vào đại lý này và thót tim khi thấy nhân viên đại lý khác bước qua quả thật khó quên. Tôi vẫn nhận được số xe mình đặt mua đúng hẹn nhưng nhanh chóng bị liệt vào sổ đen của cả 2 sau khi đối chiếu dữ liệu. Khi đó tôi chỉ tiếc mỗi việc quà thêm cũng không còn nữa.
Là người mua thế thân, tôi buộc phải nghỉ hưu non khi các đại lý, các hãng xe đã nhẵn mặt với mình. Thêm nữa, trả một cục tiền mặt để mua xe là một hành động rất bất thường (ít nhất là tại Mỹ) trong khi trả bằng thẻ tín dụng lại dẫn tới rủi ro về các khoản nợ chồng lấn lên nhau.
Các hãng xe sau này cũng chia sẻ thông tin cho nhau lẫn Cục Hải quan Mỹ rất nhanh nên nếu bạn đủ may mắn và thông minh, bạn có thể thu lời nhanh từ khoảng... 3 xe đổ lại. Về phần tôi, sự nhanh nhạy và sáng tạo giúp con số tiêu thụ được lên tới hàng chục trước khi giải nghệ.
Nếu phải chia sẻ kinh nghiệm của mình, tôi phải nói rằng giai đoạn khó nhất là làm sao “thuyết phục” được bên tài chính và bảo hiểm để lấy giấy tờ bàn giao xe. “Mánh” đã bị bắt bài là tỏ vẻ như một doanh nhân thành đạt thường phải di chuyển đây đó. Một cuộc điện thoại tới giám đốc bán hàng yêu cầu nhân viên đại lý ra sân bay đón mình (thường là tôi tự chạy xe ra rồi chờ sẵn ở đó) tới xem và mua xe là “bài” mà tôi đã học thuộc lòng.
Một chiếc xe sang xuất khẩu thành công có thể mang lại cho người thế thân 500 tới 7.000 USD nhưng yêu cầu bạn rong ruổi tìm đến các đại lý khắp mọi miền Bắc Mỹ - những nơi chưa cập nhật “sổ đen” để hành sự. Tới 2015, tôi biết mình cần chuẩn bị tìm phương án khác khi... mẹ mình đi mua xe mà không được vì họ tôi đã trở thành “từ cấm” trong danh sách của Land Rover.
Tới 2018, tôi đã “cai” công việc của mình được hơn 2 năm dù vẫn nghe ngóng tình hình đây đó. Khi tôi còn “làm việc” tích cực, các hãng xe cũng có làm gắt lên và đã thuyết phục được chính phủ thiết lập rào cản ngăn chặn tình trạng tuồn xe sang chợ xám. Đôi lúc nhân viên chính phủ còn có quyền áp dụng các biện pháp mạnh tay như tịch thu xe và đóng băng tài khoản cá nhân nếu phát hiện sai phạm.
Tuy vậy, tới 2015, rào cản được gỡ bỏ. Xe hay tiền tịch thu được trả lại. Cùng lúc đó, Trung Quốc lại nới lỏng thêm quy định khi cho phép đại lý đặt tại nước này nhập xe trực tiếp qua các khu vực thương mại tự do – nói cách khác là gián tiếp... tiếp tay cho bọn tôi. Trong năm 2017, số xe dạng này chiếm 14% tổng số xe nhập khẩu vào Trung Quốc.
Trí thức trẻ