Là 1 trong 5 Đại sứ truyền cảm hứng WeChoice Awards 2017, "Nữ hoàng khởi nghiệp" Trương Thanh Thủy (Thủy Muối) cùng những dự án của cô vẫn luôn vận hành và không ngừng lan tỏa. Thủy vẫn đều đặn chinh phục những ngọn núi, vẫn luôn là thủ lĩnh tiên phong trong những dự án hướng đến cộng đồng.
Điều khó khăn nhất của bất kỳ bệnh nhân ung thư nào không phải là những cơn đau dài dẳng, mà là khoảnh khắc họ phải chấp nhận sống với căn bệnh này cho đến suốt đời. Thủy nói, cuộc đời một bệnh nhân ung thư từ khi phát hiện bệnh sẽ trải qua 3 giai đoạn:
Với Thủy và những bệnh nhân cô đang truyền cảm hứng từng ngày, họ đã bước đến giai đoạn 3 và đang sống một cuộc đời tuyệt vời như được tái sinh lần nữa: với những nguồn vui mới, với lòng biết ơn và trân trọng cuộc đời.
"Tôi phải làm gì kế tiếp?" - Thủy Muối cũng như bất kỳ chiến binh K nào, khi tiếp nhận sự thật, cô luôn tự hỏi mình sẽ phải làm gì. Và rồi Thủy chọn sống một cách bình tĩnh, giải quyết từng công việc một trong ngày dù Thủy thừa nhận có một phần sợ hãi vẫn luôn đeo bám cô.
Bạn sẽ nói gì khi ai đó thông báo họ mắc bệnh ung thư? Rất nhiều người đã thể hiện sự thương cảm và nhìn bệnh nhân đầy tiếc nuối cho quãng đời của họ, dù đó chưa bao giờ là điều họ cần. Chính những suy nghĩ tiêu cực của người khác đã phá hủy cuộc sống của người bệnh và người thân của họ trước khi cơ thể họ bị tàn phá.
"Nhắc đến ung thư, người ta nghĩ đến những người bệnh hốc hác, đau đớn, tóc rụng, ngồi vật vờ dọc hành lang bệnh viện chờ thuốc... Vì vậy, tôi muốn thay đổi những suy nghĩ đó bằng cách lan tỏa những hình ảnh đẹp đẽ hơn của bệnh nhân ung thư. Một bênh nhân ung thư vẫn có thể chinh phục những đỉnh núi cao hơn 2.000 mét, như tôi. Những bệnh nhân ung thư vẫn tràn đầy năng lượng sống khi mặc cùng một loại áo, mang một loại giày và cùng hòa mình vào một điệu nhảy flashmoob...".
Đó cũng chính là những hoạt động mà Thủy Muối cùng Salt Cancer Initiative (SCI) đã tổ chức thành công trong gần 2 năm qua với thông điệp: Ung thư không phải là tiếng gọi của tử thần, mà đơn giản chỉ là cơ hội để chúng ta có thể sống một lần nữa, yêu thương một lần nữa, chân tình một lần nữa với những người xung quanh chúng ta.
"Tuổi thanh xuân của tôi có lẽ vội vã hơn rất nhiều người khác. Nhưng nếu tôi là một đạo diễn thì tôi cũng không thể viết được một kịch bản hay hơn cho chính cuộc đời mình. Mỗi chúng ta ai cũng là vai chính của đời mình, đừng là vai phụ trong đời người khác", Thủy Muối nói.
Ở Việt Nam, mỗi ngày có hơn 400 người được chẩn đoán ung thư, đó là 400 nỗi đau của 400 gia đình khác nhau, phải bước vào một trận chiến mà không ai chuẩn bị trước tinh thần. Đó là lý do Thủy Muối cùng SCI phát động dự án "Tôi là bệnh nhân ung thư" để chụp những bức ảnh đẹp đẽ nhất, tích cực nhất cho những người đã và đang trong giai đoạn điều trị ung thư.
Thông qua dự án này, Thủy Muối hy vọng 400 con người đó khi nhìn những bức ảnh này, họ sẽ biết rằng ngoài kia có những người có hoàn cảnh như chính họ nhưng có cách nhìn tích cực hơn với cuộc sống của mình.
"Rồi ai cũng là 1 câu chuyện mà thôi, hãy là câu chuyện hay và tử tế cho đời. Tôi hy vọng những câu chuyện dưới đây sẽ là một nguồn cảm hứng cho mọi người và sẽ là nguồn động lực cho những bệnh nhân vừa được chẩn đoán ung thư trong ngày hôm nay."
Và đây là 3 câu chuyện về hành trình rất đẹp mà những chiến binh K đã mở lòng chia sẻ cùng với hashtag #ToiLaBenhNhanUngThu cùng SCI.
Chuyện bác sĩ - nha sĩ Phạm Trường Giang, một "chiến binh K" trải qua 5 lần mắc ung thư trong suốt 15 năm qua, đã không còn xa lạ gì với những bệnh nhân ung thư. 15 năm vượt qua mọi cú sốc, đau đớn và rồi mạnh mẽ đứng dậy, tiếp tục nuôi trong mình ngọn lửa khát khao sống mãnh liệt truyền đến mọi người - Đó là điều mà bác sĩ Giang đã làm. Chừng ấy thời gian kiên cường của bác sĩ Giang cũng là chừng ấy thời gian người phụ nữ của cuộc đời bác gạt nước mắt để đồng hành cùng chồng trong cuộc chiến này.
"Chỉ biết ôm nhau mà khóc" - Cô Đặng Thị Hồng kể lại thời điểm 15 năm trước, khi cô cầm trên tay tờ giấy xác nhận căn bệnh của chồng - "Nghĩ đến việc chồng mình sẽ chết, cảm thấy trên đời không còn gì nữa. Không thể giữ bình tĩnh được nữa, lúc đó cô mới cảm nhận được: ung thư thật đáng sợ!"
Năm 2003, cùng một lúc phát hiện trên một hệ tiêu hóa của bác sĩ Giang, cả hai vị trí qua nội soi, sinh thiết dạ dày và đại tràng góc gan cho kết quả giải phẫu bệnh lý đều là Carcinoma (thuật ngữ y học chỉ 1 trong 4 nhóm bệnh ung thư chính).
Giai đoạn 1 của bác sĩ Giang bắt đầu từ đó, sức khỏe yếu và tinh thần suy sụp khi nghĩ mình đã mang "án tử", bác sĩ đóng cửa phòng mạch ở Nhà Bè và chỉ nghĩ đến cái chết. Cứ mỗi một cái Tết trôi qua là bác lại mừng thầm: "Ôi xuân này tôi vẫn còn sống này!".
Hai đứa con của bác sĩ Giang và cô y tá Hồng vẫn còn ở tuổi ăn học, nên hai vợ chồng luôn nắm tay động viên nhau cùng cố gắng. Bác nói: "Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến gia đình, đến vợ. Nghĩ đến việc mình đi rồi, thì họ sẽ thế nào? Mình là trụ cột mà?"
Rồi bác sĩ Giang hiểu rằng, muốn có sức mạnh để vượt qua bệnh tật thì phải vững về tinh thần, vì mỗi người đều là 1 chiến binh K, chiến binh thì không buông vũ khí, chiến binh thì không được than thở. "Khi gặp gỡ những người bệnh ung thư, gặp Thủy Muối, mọi người đều chia sẻ những điều tích cực với nhau, cùng chụp ảnh, đi chơi, xem phim. Không than trách số phận, không có chỗ cho nước mắt rơi. Thủy Muối nói với tôi, thật ra cô ấy cũng có những dằn vặt bên trong, nhưng là một thủ lĩnh, cô có đau đớn dường nào cũng không nói ra, chỉ chia sẻ những điều đẹp đẽ đến với mọi người. Điều đó khiến những người bệnh, như tôi đây, không còn thấy đơn độc:".
15 năm với những ca mổ khác nhau đã để lại trên bụng bác một vết sẹo dài, nhưng bác sĩ Giang chưa bao giờ khóc vì đau, bác chỉ khóc khi nghĩ về việc phải chia tay người thân. Khi nghĩ đến mẹ, vợ và hình ảnh đứa cháu nội lém lỉnh hiện lên trước mắt, nước mắt bác cứ thế tuôn chảy.
Cô Hồng vẫn luôn nhẹ nhàng đến bên cạnh những lúc bác sĩ Giang yếu mềm nhất. Cô ngồi cạnh mà chẳng cần nói gì, cô chỉ cười, mời bác cùng nhảy khiêu vũ trên nền một bài hát kỷ niệm của hai người, và cũng chẳng hứa hẹn điều chi. Đó là những giờ phút "chăm sóc giảm nhẹ" hiệu quả nhất đối với bác sĩ Giang. Bác nói, không có cô Hồng thì sẽ không có bác ngày hôm nay.
"Chúng tôi đã yêu nhau hàng chục năm trước, thì sau khi ung thư đến với mình, chúng tôi lại yêu nhau hơn trong 15 năm này. Vợ, là điều may mắn nhất mà tôi có được. Tôi luôn cảm ơn vì cô ấy vẫn còn tình cảm và trân quý tôi đến tận bây giờ", bác sĩ chia sẻ.
Nếu như Thủy Muối là một vận động viên leo núi sung sức nhất thì bác sĩ Giang cũng chẳng kém cạnh với những trận đấu tennis quyết liệt dù là giữa trưa nắng. Ung thư có thể chọn bất kỳ ai để thử thách họ, và họ có thể chọn bất kỳ thái độ nào để đối mặt với ung thư.
Và đây, một câu chuyện khác của cô Nguyễn Thị Thuơng Huyền, bệnh nhân phát hiện ung thư cổ tử cung vào một ngày tháng 5/2012. Lần lên Sài Gòn chữa bệnh, cô đã từng nghĩ đó là chuyến đi cuối cùng của đời mình.
Lên Sài Gòn xạ trị suốt 2 tháng dài đằng đẵng, cô Huyền hết nằm vỉa hè trước bệnh viện thì lại mon men nằm dưới gầm giường trong quá trình chữa bệnh ở BV Ung Bướu. Cũng như những bệnh nhân khác, cô phải xổ ruột, nhịn ăn, vào thuốc mê, chạy máy xạ trong cổ tử cung... Nỗi sợ nhất với cô chính là những lần bác sĩ găm kim vào tử cung để chạy xạ.
Càng đau đớn, khát vọng sống của cô càng mãnh liệt. Cô Huyền kể:
Vừa chiến đấu với ung thư, cô Huyền lại mắc phải một căn bệnh hiếm gặp khác là phù mạch bạch huyết mà trên thế giới tỷ lệ mắc chỉ 1/10.000 người. Cô đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ ở Sài Gòn thì đều nhận được cái lắc đầu từ chối. Rồi có một đợt chồng cô chở lên Sài Gòn chữa bệnh, cô lại bị cuớp giật hết toàn bộ giấy tờ tùy thân, hồ sơ bệnh án 5 năm ung thư và 10 triệu đồng kinh phí để chữa bệnh.
"Trong phút chốc tôi cảm thấy suy sụp, lạc lõng giữa Sài Gòn và tự lầm bầm: Này ông trời, ông thử thách tôi hơi nhiều rồi đấy!"
Không để mình gục ngã một giây phút nào, cô Huyền tự nhủ: Càng bế tắc thì càng bền tâm. Ung thư đã không làm cô gục ngã thì không có bất cứ trở ngại nào có thể quật đổ được cô.
Chia sẻ với hashtag #ToiLaBenhNhanUngThu, cô viết:
"Ung thư đã cho tôi cơ hội khám phá ra con người tôi có sức chịu đựng đến là thế. Cũng từ đó tôi sống nhẹ nhàng như mây trôi, không bon chen, không đố kỵ, thích giao lưu với bạn bè và đến mọi nơi mình thích bởi đời người là vô thường.
Tôi muốn tiếp thêm cho những đồng bệnh của tôi niềm tin và nghị lực của mình.
Chúng ta hãy luôn lạc quan, yêu cuộc sống và lan tỏa nhiệt huyết của mình đến với cộng đồng. Để chứng tỏ rằng: Căn bệnh ung thư không thể làm giảm đến chất lượng cuộc sống. Mà chính nó đã đem chúng ta xích lại gần nhau, để yêu thương khỏa lấp hết nỗi đau đang giày vò trên thân thể mỗi chúng ta".
Ung thư không lấy đi của ai điều gì, nhất là tình yêu. Thật vậy, với chị Trần Thanh Thảo, cô gái trẻ thích được gọi bằng cái tên Midori, thì chuyện tình của chị và Anh chính là minh chứng sống động nhất cho điều này.
Chị và Anh gặp nhau trước khi phát bệnh được 1 năm. Cả hai đều là đồng nghiệp, quý nhau, thích nhau, rồi yêu nhau lúc nào không hay. Rồi chị phát hiện mình có một khối u ở ngực phải. Ngày 7/3/2017, chị đi siêu âm. Ngày 9/3, chị được bác sĩ thông báo đã mắc bệnh ung thư vú. Chóng vánh và bàng hoàng, Midori vẫn nhớ rõ tim chị như ngừng đập trong khoảnh khắc ấy.
Cái chạm ngực đầu tiên mà chị để Anh làm, không lãng mạn như trong phim, đó là lúc chị để Anh cảm nhận khối u trên ngực mình. Khi đã biết được sự thật, Anh chỉ im lặng, mắt nhòa đi.
"Ngày đầu tiên khi vừa tỉnh lại sau phẫu thuật, anh tới thăm, chẳng hiểu sao tôi không ngần ngại, mà lặng im để anh xem vết mổ, đó là khoảng lặng im khó nhọc, tôi thấy một nỗi buồn trũng sâu, nước dâng lên trong mắt", chị Midori chậm rãi kể lại.
Một lần khác, chị nói với anh về tất cả những mối đe dọa mà bác sĩ muốn chị phải lường trước, về cuộc sống sau này, về một điều mơ hồ xa xỉ gọi là "Gia đình". Khoảng thời gian ấy, chị chỉ muốn chia tay để Anh tìm một người phụ nữ khác. Nhưng rồi Anh vẫn đến thăm chị điều đặn, chỉ khi chị bắt đầu hóa trị, chị quyết định tránh mặt Anh bằng mọi giá. Cũng thời gian này, Anh bắt đầu sốc và nản.
Sau khi hóa trị, vào tháng 7/2017, thời điểm mà chị Midori trở nên xấu xí nhất, tóc bắt đầu rụng và quả đầu dần thành... quả bưởi thì Anh quay lại, kiên trì nhắn tin và kiên trì muốn được làm chỗ dựa cho chị trong lúc này.
"Anh ấy là người không giỏi giao tiếp chia sẻ, tôi càng lạnh lùng, càng nhắn tin từ chối thì anh ấy càng nhắn tin hỏi han quan tâm. Kiểu như, mình nhắn 1 đằng thì anh trả lời 1 nẻo. Một tháng sau, sức khỏe ổn định, tôi hẹn gặp Anh ở công viên để nói rằng tôi không có khả năng sinh con. Anh chỉ mếu máo như một đứa trẻ: Anh không biết đâu, em còn phải sinh con gái cho anh mà. Đó là khoảnh khắc tôi thấy càng thương Anh và chấp nhận Anh bên mình", chị kể lại.
Nói về cuộc sống của mình sau khi tham gia điều trị, Midori cho biết chị vẫn duy trì các hoạt động và nuôi những ước của mình.
"Tôi vẫn đi làm, đi học, đi bơi và chơi thể thao, thi thoảng vẫn mơ ước viển vông. Tôi cực kì hiếm khi dùng từ “Mình bị ung thư”, bởi tôi xem việc điều trị ung thư này chỉ như một công việc kèm thêm trong lịch trình hoạt động hàng tháng của mình. Khi chia sẻ câu chuyện này, tôi mong muốn mọi người thêm tin rằng, những điều ngọt ngào vẫn luôn hiện hữu, và cuộc sống vẫn luôn dành cho chúng ta những nụ cười. Tôi là Midori - trong tiếng Nhật, nghĩa là màu xanh - hi vọng".
Hành trình của chị Nguyễn Thị Phượng có lẽ là một trong những hành trình chiến đấu vất vả và đau đớn nhất. Phượng chiến đấu không chỉ vì mình mà còn vì mẹ và đứa con trai nhỏ. Đến thời điểm này, căn bệnh ung thư của chị đã vào giai đoạn cuối: di căn lên não.
Mẹ và ông ngoại đều bị ung thư phổi, nên căn bệnh này không phải là một cái tên xa lạ với chị Phượng, chỉ có điều, chị khônng nghĩ nó lại đến với mình một cách tàn nhẫn như vậy.
“Khi bác sĩ nói tôi có khối u, tai tôi bắt đầu lùng bùng và sợ hãi. Khi xác định đó là khối u ác thì nước mắt tôi rơi lã chã. Lúc bước ra cửa phòng, hai chân tôi run rẩy, tim đập nhanh, người ta hỏi gì cũng không biết, không kiểm soát được cơ thể mình. Tôi cứ đi, thẫn thờ mà cứ không biết đi đâu. Tôi nghĩ về tiền điều trị, tiền nuôi con, tiền chữa bệnh cho mẹ. Cảm giác lúc đó như tôi đã mất tất cả mọi thứ, chỉ muốn chạy về ôm các con”.
Giữa năm 2016, chị lên Sài Gòn điều trị ung thư, khi uống đến 7 toa thuốc nhưng vẫn không đáp ứng được bệnh, chị mới biết bệnh của mình đã di căn lên não. Sau khi điều trị 15 tia xạ thì chị Phượng bị liệt 2 chân, phải nằm 1 chỗ. Sau đó chị được chuyển đến BV Dân tộc học để điều trị giảm nhẹ.
Chị Phượng vẫn nhớ khoảnh khắc chị hôn mê, chị vẫn nghe được bác sĩ nói rằng nên đưa chị về nhà, để con chị được gặp mẹ, chị như rơi xuống ngàn vực sâu khi nghe được lời “tuyên án” đó.
“Tôi mạnh mẽ nói mình không sợ chết, nhưng sâu trong suy nghĩ, tôi sợ phát run lên được. Khi nằm 1 chỗ, 1 mình, thì nỗi sợ đó lại tăng lên. Hàng ngày cứ phải để bạn bè, đồng bệnh khiêng mình lên xuống. Tim tôi thắt lại, không thở được, đã có lúc tôi chỉ muốn uống thuốc tự tử để thoát khỏi cái cảnh sợ chết, đau đớn như này. Mỗi khi thấy nghe tin một bệnh nhân ung thư vừa qua đời, tôi lại tự hỏi: Khi nào đến mình đây?”
Nghĩ như vậy nhưng vì con, vì mẹ, chị chưa bao giờ cho bản thân được phép bỏ cuộc. Nhờ sự động viên của những người thân và các bệnh nhân ung thư khác, chị quyết định đứng lên, tập từng bước đi lại, mỗi lần bước đi là một cơn đau đâm vào tim. Nhiều lần đau đến ngất xỉu, chị được đưa vào phòng cấp cứu hồi sức.
Sau nửa năm kiên trì vượt qua đau đớn và nước mắt chỉ để chứng minh cho các con chị thấy mẹ của chúng mạnh mẽ thế nào, chị đã có thể đi lại bình thường.
“Ông trời còn cho mình được sống giây phút nào trên đời thì mình vẫn phải cố gắng từng giây phút đó. Tôi cố gắng cho con và cho mẹ. Ung thư đã cho tôi một nghị lực và một giới hạn mà tôi chưa từng nghĩ có thể vượt qua được nó, tôi cũng đã có thêm một gia đình nhỏ với những cô bác trong SCI, cuộc sống của tôi thay đổi từ sau ung thư. Có đau đớn, sợ hãi, nhưng cuối cùng thì hạnh phúc và yêu thương luôn là thứ đồng hành cùng mình. Bây giờ, tôi không còn nghĩ đến cái chết nữa”.
Trí thức trẻ