Mặc dù bảo vệ môi trường ngày càng được nhiều người dân quan tâm, nhưng có một thực tế, trở thành người đi đầu về những sáng kiến xanh luôn là con đường khó. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp đã can đảm chọn con đường khó này để cùng cộng đồng hành động vì sự bền vững. Và hãng nước khoáng La Vie được biết đến như một điển hình của xu hướng doanh nghiệp phát triển bền vững này...
2020 là một năm đầy những biến động khó lường, vì thế không lạ khi không ít sáng kiến về môi trường phải tạm dừng để nhường chỗ cho ưu tiên sống còn của doanh nghiệp. Thế nhưng, với La Vie, những sáng kiến vì môi trường bền vững vẫn được tiếp tục.
Mới đây, công ty TNHH La Vie, một thành viên của tập đoàn Nestlé, thông báo ra mắt sản phẩm sử dụng chai làm từ nhựa tái chế dùng cho ngành thực phẩm như một nỗ lực thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn cho bao bì. Với mô hình này, chai nhựa không những không bị thải bỏ ra môi trường mà còn trở thành nguồn nguyên liệu giá trị.
Để có được cột mốc này, La Vie đã phải chuẩn bị trong vài năm, từ lúc lên ý tưởng cho đến khi sản phẩm đến được tay người tiêu dùng.
Trong một buổi sáng gặp gỡ với báo giới vào giữa tháng 12, tay cầm chai nước khoáng La Vie được làm từ nhựa tái chế dùng cho ngành thực phẩm (rPET), ông Fausto Tazzi - Tổng Giám đốc của La Vie, say sưa nói về cơ hội tái sinh cho mỗi chiếc vỏ chai cùng những nỗ lực đằng sau đó của cả một đội ngũ La Vie để thực hiện hành trình bền vững. Ông Fausto Tazzi hiện cũng là Phó Chủ tịch của PRO Việt Nam - Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam – Tổ chức ra đời như một biểu tượng về sự chung tay của các doanh nghiệp đầu ngành để thúc đẩy mô hình thu gom & tái chế rác thải tại Việt Nam.
Ông cho biết, việc La Vie sử dụng chai được làm từ 50% nhựa rPET có ý nghĩa góp phần hạn chế đưa thêm nhựa mới vào môi trường. Ngoài ra, để tạo ra nhựa rPET La Vie đang sử dụng, lượng chai nhựa tương đương đang có trong môi trường đã được thu gom & tái chế để quay lại vòng sản xuất và tiếp tục được sử dụng.
La Vie hiện là nhãn hiệu nước khoáng đầu tiên tại Việt Nam dùng chai được làm từ nhựa tái chế. Sáng kiến dùng chai rPET được áp dụng ban đầu với sản phẩm nước khoáng thiên nhiên La Vie 700ml - chai 50% rPET và dự kiến được mở rộng trong danh mục sản phẩm của công ty dựa trên nguồn cung nguyên liệu của thị trường.
Việc doanh nghiệp sử dụng chai nhựa tái chế là động thái giúp cộng đồng nhìn nhận rằng, chai nhựa sau khi sử dụng vẫn có thể được tái chế thành những sản phẩm mới được nhiều công ty lớn sử dụng. Từ đó, người tiêu dùng có thể thay đổi nhận thức, hành động trong việc thu gom, tái chế cũng như sử dụng vật liệu tái chế.
Chia sẻ thêm về sáng kiến sử dụng chai rPET, ông Fausto Tazzi cho biết thêm: "Điều này giống như khi chúng ta làm một cái gì đó mới. Ban đầu thường chỉ là những hành động đơn lẻ, nhưng sau đó ngày càng nhiều người làm theo và tới một lúc nào đó nó trở thành xu hướng chủ đạo".
Có một thực tế, những điều mới mẻ thường hay bị hoài nghi. Tuy nhiên, với vai trò là công ty mở đường, La Vie muốn chứng minh việc tái chế nhựa đạt chất lượng và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo thêm cuộc đời mới cho chai nhựa là hoàn toàn khả thi.
Với sản phẩm chai 50% rPET, La Vie còn muốn gửi gắm thông điệp rất rõ ràng cho các nhà sản xuất trong nước, đó là: "Nếu doanh nghiệp trong nước tạo ra loại nhựa tái chế đạt chất lượng dùng cho bao bì thực phẩm thì chắc chúng tôi sẽ là khách hàng của họ. Và một thông điệp nữa được gửi tới khách hàng của La Vie, đó là chúng ta hoàn toàn có thể tái chế chai nhựa và sản xuất ra những chai mới đẹp như thế này".
Được biết, rPET là loại nhựa được tạo ra từ vỏ chai PET đã qua sử dụng, với quy trình tái chế rất chặt chẽ để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh của ngành thực phẩm và đồ uống. Ngoài ra, để có nguồn nguyên liệu sản xuất rPET, cần có hệ thống phân loại, thu gom và tái chế chai nhựa PET.
Nhựa rPET được xem là một trong những giải pháp cho vấn đề rác thải hiện nay vì nhờ đó, bao bì sau khi sử dụng có thể quay trở lại vòng sản xuất thay vì thải bỏ ra môi trường, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Hiện ở Việt Nam chưa có ngành sản xuất nhựa tái chế dùng cho thực phẩm. Vì thế, thời gian đầu, phôi chai phải nhập khẩu từ châu Âu, La Vie theo đó phải lựa chọn dung tích 700ml làm thử nghiệm bước đầu khi nguồn cung còn hạn chế. Trong tương lai, La Vie kỳ vọng sẽ sớm kết hợp với các doanh nghiệp địa phương để có thể có nguồn phôi chai rPET trong nước.
Dĩ nhiên, tiên phong trong bất kỳ sáng kiến nào cũng đều có đánh đổi. Hiện tại, chi phí chai rPET đang cao hơn khoảng 30-50% so với chai sử dụng 100% nhựa nguyên sinh. Bởi, công đoạn làm sạch và tái chế nhựa rất nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. "Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng giảm lợi nhuận để thực hiện việc này vì đây là điều đúng đắn", ông nói.
Ông Fausto Tazzi cho biết thêm: "Chúng tôi hi vọng rằng, đến một lúc nào đó, không chỉ là 50% rPET mà chúng tôi có thể ra mắt sản phẩm dùng chai được làm từ 100% rPET. Hiện tại, rPET dùng cho thực phẩm chưa được sản xuất tại Việt Nam mặc dù chúng tôi rất mong muốn được hợp tác với các nhà sản xuất địa phương để sản xuất ra loại bao bì từ nhựa tái chế này".
Ngoài ra, để ra mắt được sản phẩm dùng chai nhựa tái chế, La Vie đã mất vài năm kể từ khi lên ý tưởng cho đến tìm nguồn cung rPET, sản phẩm trải qua quy trình nghiên cứu, lấy mẫu ở phòng thí nghiệm tại châu Âu và đáp ứng các tiêu chuẩn để được phê duyệt của tập đoàn Nestlé (Thụy Sĩ). Đồng thời đáp ứng các quy định của cơ quan quản lý tại Việt Nam. Chai nhựa rPET được La Vie sử dụng đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh đối với bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm do Bộ Y tế Việt Nam ban hành - QCVN 12-1: 2011/BYT. Đây cũng chính là tiêu chuẩn đang áp dụng cho chai làm từ nhựa mới.
Đây không phải lần đầu tiên La Vie chấp nhận những thách thức đặt ra cho doanh nghiệp đi đầu trong việc đưa ra các sáng kiến bền vững. Từ tháng 5/2018, La Vie là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam loại bỏ màng co nắp chai vì đây là phần bao bì nhựa có khả năng thu gom và tái chế gần như bằng không.
Ông Fausto Tazzi nhớ lại: "Trước khi thực hiện chiến dịch nói không với màng co nắp chai, chúng tôi đã khảo sát các bên và kết quả nhận về là, rất nhiều bên muốn tiếp tục sử dụng để bảo vệ chai. Như vậy, có thể nói La Vie đã rất dũng cảm khi nói không với màng co này. Dù vậy, kết quả doanh thu vẫn tăng. Qua chiến dịch này, La Vie muốn nhấn mạnh những chi tiết rất nhỏ nhưng có thể đóng góp rất lớn vào hành trình tái chế nhựa".
Đến nay, hầu hết các đơn vị khác trong ngành cũng đã đồng loạt bỏ màng co nắp chai trên sản phẩm của mình. Chưa kể, La Vie còn là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam ra mắt sản phẩm sử dụng bình dung tích 19 lít – đây là loại bình có thể tái sử dụng được nhiều lần.
Trong năm 2019, La Vie là một trong số ít doanh nghiệp tiên phong ra mắt sản phẩm nước khoáng chai thủy tinh với quy trình thu gom và tái chế 100%. Đến nay, sản phẩm La Vie chai thủy tinh đã có mặt tại nhiều hệ thống nhà hàng và khách sạn cao cấp như Pizza 4P, Park Hyatt, New World, Le Meridien, Pullman Phú Quốc, Radisson Blu Phú Quốc… Trong đó, chai thủy tinh La Vie sau khi sử dụng sẽ được những nhà hàng và khách sạn này thu gom lại để chuyển về nhà máy tái chế chai thủy tinh.
Cũng trong năm 2019, nhà máy La Vie tại Long An là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức Liên minh Bảo vệ nguồn nước (AWS) cấp chứng nhận quốc tế về quản lý nguồn nước bền vững. Đây là một trong những hành động La Vie hướng đến bảo vệ nguồn nước tự nhiên cũng là nguồn sống của chính mình bởi sản phẩm chủ lực của công ty là nước khoáng thiên nhiên.
Để thực hiện tầm nhìn hướng đến một tương lai không rác thải, sẽ cần thời gian cũng như nỗ lực của không chỉ La Vie mà cả cộng đồng doanh nghiệp và nhiều bên có liên quan. Bởi, rác thải là một trong những vấn đề lớn mà thế giới ngày hôm nay đang phải đối mặt.
Cách đây khoảng 2 năm, La Vie đã từng thuê một đơn vị tư vấn để nghiên cứu giải pháp về thu gom, phân loại, tái chế chai nhựa sau sử dụng. Kết quả cho thấy dù thu hồi toàn bộ các chai của La Vie, số này cũng chỉ chiếm 1% lượng chai nhựa trong ngành giải khát.
Do đó, công ty hiểu rằng nếu làm một mình thì việc thu hồi này không đem lại nhiều tác động mà cần phải hợp tác với những công ty khác. Đó cũng là lý do, La Vie cùng các "ông lớn" trong ngành giải khát và bao bì đã liên kết để thành lập Liên minh Tái chế Việt Nam (PRO Việt Nam). Tham vọng của PRO Việt Nam là vào năm 2030 tất cả bao bì đóng gói do các thành viên đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế.
"Giải quyết vấn đề này cần có hướng tiếp cận một cách tổng thể. Nếu chỉ một mình La Vie thu gom và tái chế thì tỷ lệ cuối cùng tính ra rất nhỏ. Do đó, La Vie không làm một mình, mà tiếp cận theo hướng hợp tác với những đơn vị khác để mang lại lợi ích thiết thực hơn", ông Fausto Tazzi nhấn mạnh.
"Chúng tôi rất tự hào La Vie là thành viên sáng lập của liên minh PRO Việt Nam, bây giờ đã có 18 thành viên. Trong đó mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một hệ thống để có thể thu gom, phân loại, tái chế, đảm bảo những bao bì mà các thành viên đưa ra thị trường sẽ không bị thải ra môi trường hay đưa vào những bãi chôn lấp"- Vị này tự hào chia sẻ.
Những nỗ lực này cho thấy, việc ra mắt sản phẩm đóng chai 50% nhựa tái chế chỉ là một phần trong chiến lược rất dài của La Vie, trên hành trình tạo giá trị chia sẻ và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Đây chỉ là một phần trong kế hoạch dài hơi. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực cho công cuộc phát triển bền vững, với La Vie, điều này đặc biệt quan trọng và được quan tâm nhiều hơn.
"Chúng tôi xem La Vie là một công ty hàng đầu. Khi mà nói về một công ty hàng đầu thì không có nghĩa là chỉ dựa vào quy mô của công ty là lớn hay nhỏ, mà nó cần sự can đảm, cần vai trò của người dám chịu trách nhiệm, dám đi đầu. Làm người đi theo (follower) sẽ dễ hơn là người đi đầu, vì người đi đầu sẽ phải mở đường và gánh chịu rủi ro", ông Fausto Tazzi chốt lời.
Nhịp sống kinh tế