img
Tổng thống Donald Trump, Nước Mỹ trước tiên và APEC 2017 - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump, Nước Mỹ trước tiên và APEC 2017 - Ảnh 2.

Năm 1975, lãnh đạo của 6 nước công nghiệp gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italy và Nhật Bản gặp nhau ở Ramboillet (Pháp) để thảo luận về các vấn đề thế giới mà trọng tâm là cuộc khủng hoảng dầu mỏ đang đe dọa kinh tế toàn cầu. Kể từ đó đến nay, các hội nghị, diễn đàn đa phương với sự tham gia của những nhà lãnh đạo chủ chốt trên thế giới là một nét nổi bật trong các mối quan hệ quốc tế. Bắt đầu các cuộc họp thường niên từ năm 1989, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) cũng nằm trong xu hướng ấy.

Là người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới, sự có mặt của Tổng thống Mỹ thường thu hút được nhiều sự chú ý. Nhưng năm nay, sẽ có rất nhiều vấn đề xoay quanh ông Donald Trump. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra sẽ là: vị Tổng thống tôn sùng chủ nghĩa bảo hộ sẽ thể hiện những gì tại một sự kiện thúc đẩy toàn cầu hóa và tự do thương mại trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á kể từ khi nhậm chức?

Tổng thống Donald Trump, Nước Mỹ trước tiên và APEC 2017 - Ảnh 3.

Kết quả bầu cử Mỹ 2016 đã khiến thế giới chấn động bởi chiến thắng thuộc về một tỷ phú bất động sản chưa từng tham gia vào các hoạt động chính trị. Trong mắt các cử tri, sức hấp dẫn của ông nằm ở lòng yêu nước và nỗi luyến tiếc quá khứ vàng son. 

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump chỉ miêu tả các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình bằng những từ ngữ khá mơ hồ. Tuy nhiên, ông thể hiện rõ ràng rằng hàng chục năm trên thương trường đã trang bị cho ông khả năng đàm phán để mang về những thỏa thuận tốt hơn, thông minh hơn và cứng rắn hơn cho nước Mỹ, dù bằng cách đe dọa tăng thuế gấp nhiều lần hay lật lại những hiệp định lâu đời. Theo cách nói của ông, những rắc rối mà Mỹ đang gặp phải sẽ được giải quyết một cách đơn giản, dễ dàng và nhanh chóng ngay sau khi có một người thích hợp ngồi vào phòng Bầu dục.

Tổng thống Donald Trump, Nước Mỹ trước tiên và APEC 2017 - Ảnh 4.

Tự do thương mại chính là một trong những chủ đề lôi kéo ông vào thế giới chính trị. Từ những năm 1980, ông đã bày tỏ sự giận dữ trước chuyện các nước "lừa dối" và cướp đi việc làm của người Mỹ. Xuất hiện trên các talk show truyền hình, ông nói với Oprah Winfrey hay Larry King rằng Nhật Bản đang "cướp bóc" trên quê nhà của ông. Gần 40 năm sau, đích tấn công mới của ông là Trung Quốc. 

Với lời thề quyết bảo vệ các sản phẩm "Made in America", Donald Trump đã "triệu hồi" công thức nổi tiếng của người tiền nhiệm Ronald Reagan trong những năm 1980: kết hợp những lời cổ vũ mạnh mẽ với việc chĩa mũi dùi tấn công vào hàng hóa nhập khẩu, đe dọa châm ngòi chiến tranh thương mại để hối thúc ngành sản xuất của nước Mỹ.

Tổng thống Donald Trump, Nước Mỹ trước tiên và APEC 2017 - Ảnh 5.

Về phần mình, ông Trump đã đi xa hơn khi nhắc đến cả vấn đề an ninh quốc gia. Cố vấn kinh tế Peter Navarro biện luận tình trạng mất việc làm trong ngành sản xuất đã ảnh hưởng đến cả ngành công nghiệp quốc phòng. Nội các của ông Trump thậm chí đã áp dụng một điều luật đã có từ năm 1962 nhưng hiếm khi được sử dụng để mở cuộc điều tra tìm kiếm những tác động của nhôm và sắt nhập khẩu đến an ninh quốc gia. 

Ngay sau khi nhậm chức, ông đặt bút ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP – hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương. 3 tháng sau, ông yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ điều tra kỹ lượng hoạt động thương mại giữa Mỹ và 16 quốc gia, trong đó có hơn một nửa là các quốc gia châu Á. Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc là những nước có thặng dư thương mại song phương lớn nhất với Mỹ. Không có gì bất ngờ, Trung Quốc đứng đầu danh sách với 350 tỷ USD, gấp 5 lần so với nước thứ 2 là Nhật Bản. Nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang lớn hơn bao giờ hết.

Tất cả các nước kể trên đều là thành viên APEC. Bên cạnh đó là yêu cầu đàm phán lại NAFTA – hiệp định thương mại giữa Mỹ và 2 thành viên APEC khác là Canada và Mexico.

Tổng thống Donald Trump, Nước Mỹ trước tiên và APEC 2017 - Ảnh 6.

Cuộc gặp mặt của các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC (MRT) hồi tháng 5 chính là cuộc họp về thương mại lớn nhất kể từ khi ông Trump nhậm chức. Dù sau khi sự kiện kết thúc, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói rằng "Tổng thống Trump rất coi trọng việc tôi đến đây và thể hiện rằng Mỹ vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong khu vực", phần lớn các phát biểu của ông tại sự kiện này xoay quanh chuyện Mỹ đang đối mặt với khoản thâm hụt thương mại khổng lồ và cảnh báo sẽ chống lại "hoạt động thương mại không công bằng". Miêu tả sự kiện này, Reuters đã có một cái tít khá đắt, tạm dịch là: "Đại diện thương mại Mỹ mang chính sách "Nước Mỹ trước tiên" đến Hà Nội".

Tổng thống Donald Trump, Nước Mỹ trước tiên và APEC 2017 - Ảnh 7.

Cho đến thời điểm hiện tại, ông Trump vẫn chưa tăng thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc hay gắn mác Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ như đã tuyên bố khi tranh cử. Thế giới có thể "thở phào" vì chiến tranh thương mại vẫn chỉ là một nguy cơ, nhưng không ai có thể phủ nhận bức tranh thương mại toàn cầu đã thay đổi vì Tổng thống Trump.

Tổng thống Donald Trump, Nước Mỹ trước tiên và APEC 2017 - Ảnh 8.

Tổng thống Donald Trump, Nước Mỹ trước tiên và APEC 2017 - Ảnh 9.

Cứ 20 năm một lần, người Mỹ lại bước vào một cuộc tranh luận khá gay gắt về chỗ đứng của mình trên thế giới. Thông thường thì điểm khởi đầu của các cuộc tranh luận này khá giống nhau: sau khi đạt được thành công nhất định từ 1 cuộc chiến tranh tốn kém, Mỹ tự thu hẹp chính sách đối ngoại để tránh những gánh nặng trong bối cảnh nền kinh tế không còn đủ lớn để duy trì vai trò như cũ hay đơn giản là cần ưu tiên những vấn đề trong nước. Nhưng khi những thách thức đột ngột nổi lên, họ lại bắt đầu tự hỏi liệu đó có phải là quyết định đúng đắn khi mà tầm ảnh hưởng của Mỹ bị suy giảm.

Tổng thống Donald Trump, Nước Mỹ trước tiên và APEC 2017 - Ảnh 10.

Đó là những gì đã diễn ra ở nước Mỹ trong những năm 1950, 1970 và 1990. Gần đây nhất, bắt đầu từ năm 2014, cuộc tranh cãi trên chính trường Mỹ nổ ra xoay quanh những chủ đề như sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), nội chiến ở Syria, động thái của Nga ở bán đảo Crimea và sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Đông Á. Thường thì sau những cuộc tranh luận, phần thắng sẽ nghiêng về phe ủng hộ việc hoạt động tích cực hơn để củng cố vị thế của Mỹ trên thế giới. 

Tuy nhiên, với những gì Tổng thống Donald Trump đã thể hiện, mọi thứ trở nên phức tạp và khó có thể nói là vẫn đi theo quy luật. Một số người cho rằng ông Trump muốn xóa bỏ hoàn toàn trật tự mà thế giới vẫn duy trì từ sau chiến tranh Lạnh đến nay, người khác cho rằng ông dang đảo ngược mọi thứ mà Mỹ đã cố gắng đạt được kể từ năm 1945.

Tổng thống Donald Trump, Nước Mỹ trước tiên và APEC 2017 - Ảnh 11.

Một trong những chính sách mà cựu Tổng thống Barack Obama đã cố gắng cứu vớt trong những ngày cuối cùng ở Nhà Trắng chính là "xoay trục châu Á". Ông tin rằng sự hiện diện của Mỹ tại đây về mọi mặt, từ quân sự đến hợp tác kinh tế, sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn lao. 

Tuy nhiên nỗ lực ấy đã không thành. Và phải đến tận 9 tháng sau khi nhậm chức, người kế nhiệm Donald Trump mới phát đi tín hiệu đầu tiên về mối quan tâm của ông đến châu Á. Ngày 16/10, Nhà Trắng chính thức xác nhận ông sẽ có chuỗi công du châu Á kéo dài từ 3-14/11, với nhiều đích đến gồm Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Philippines.

Tổng thống Donald Trump, Nước Mỹ trước tiên và APEC 2017 - Ảnh 12.

Theo chuyên gia phân tích Prashanth Parameswaran của tờ The Diplomat, đây chính là một cơ hội quý báu mà ông nên tận dụng để giải tỏa những lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á, cũng như bắt đầu định hình hướng cách tiếp cận mới với châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. 

Khi tranh cử Tổng thống, ông Trump đã hứa sẽ lật ngược chính sách của Mỹ đối với châu Á. Ông đe dọa thực hiện chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đánh thuế 45% đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước này và cả gắn mác Bắc Kinh là kẻ thao túng tiền tệ. Ngay sau khi đắc cử, ông phá vỡ tiền lệ 40 năm khi điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan và đe dọa sẽ không công nhận chính sách "một Trung Quốc". Trong tuần đầu tiên ở Nhà Trắng, ông rút Mỹ ra khỏi hiệp định TPP – thứ mà nhiều người cho là xương sống quan trọng đảm bảo sự hiện diện của Mỹ ở châu Á.

Tổng thống Donald Trump, Nước Mỹ trước tiên và APEC 2017 - Ảnh 13.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, chính sách đối ngoại của ông lại tuân theo lối đi truyền thống hơn. Hồi tháng 2, trong cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông đã thừa nhận chính sách "một Trung Quốc". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới thăm Nhật Bản và Hàn Quốc để khẳng định vị thế đồng minh thân cận và không lâu sau đó ông Trump đón tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngay tại khu resort Mar-a-Largo của ông ở Florida. 

Nhìn vào tất cả những điều trên cộng với tính cách khó đoán của Tổng thống Trump, ở thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để khẳng định chính sách đối ngoại của ông đối với châu Á là như thế nào. Trong bối cảnh ấy, chuyến công du sắp tới hứa hẹn sẽ đem lại nhiều chỉ báo hữu ích.


Thu Hương
7pm
Theo Trí Thức Trẻ01/11/2017


Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên