rưa ngày 9/8/1999, khán giả của kênh truyền hình NTV vô cùng sửng sốt khi xem một chương trình đặc biệt. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga, Tổng thống gọi tên người mà ông tin tưởng để kế nhiệm vai trò lãnh đạo đất nước.
Boris Yeltsin tuyên bố sau một năm nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống, và ông quyết định sẽ gọi tên người mà ông tin tưởng để lãnh đạo nước Nga: Giám đốc Cơ quan anh ninh Nga (FSB) Vladimir Putin. Đó là người "biết tập hợp quanh mình những người sẽ đổi mới nước Nga trong thế kỷ XXI", theo lời Yeltsin. Tổng thống cũng tuyên bố bãi nhiệm Thủ tướng Sergey Stepashin và đề nghị Duma quốc gia (Hạ viện) phê chuẩn Putin vào vị trí này.
Một tuần sau, Duma quốc gia Nga họp thông qua đề cử của Tổng thống Eltsin với 84 phiếu thuận, 17 phiếu chống. V.Putin chính thức trở thành Thủ tướng Nga.
12h trưa ngày 31/12/1999, các kênh truyền hình Nga đột xuất phát sớm Lời chúc mừng năm mới của Tổng thống Nga Yeltsin. Vị Tổng thống này tuyên bố từ chức, đặt toàn bộ sứ mệnh lãnh đạo đất nước vào tay Thủ tướng Putin.
Sau này, trong cuốn hồi ký "Cuộc marathon tổng thống", Yeltsin cho biết trước đó, ngày 14/12, khi được đề nghị sẽ trao quyền tổng thống, Putin trả lời là ông chưa sẵn sàng. Cuộc đối thoại thứ hai về chủ đề này diễn ra vào ngày 29/12, khi đó Thủ tướng Putin chấp thuận đề nghị của Tổng thống Yeltsin. Và Yeltsin ngay lập tức thông báo sẽ từ chức vào ngày 31/12 đồng thời nói cho Putin biết kế hoạch chuyển giao quyền lực ngay trong ngày hôm đó.
Ngày 26/3/2000, Nga tổ chức bầu cử sớm với 11 ứng cử viên tham gia và ông Putin giành chiến thắng chung cuộc với tỷ lệ 52,94% tỷ lệ ủng hộ.
Nước Nga của vị Tổng thống trẻ và rất ít tiếng tăm trên chính trường đã bước vào một giai đoạn lịch sử đặc biệt.
Tiến sỹ Jonathan Adelman (trường Josef Korbel của Đại học Denver, bang Colorado, Mỹ) đánh giá, việc nước Nga giành lại vị thế cường quốc dưới thời Putin có thể được coi là một trong những phép màu của thế kỷ 21.
Năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, nhiều người đã tin rằng nước Nga sẽ không bao giờ có thể hồi phục lại như trước. Nước Nga khi ấy chưa từng trải qua cách mạng tiêu dùng, cách mạng nông nghiệp hay tiếp nhận số lượng lớn người nhập cư. Nền kinh tế Nga do nhà nước kiểm soát chưa từng biết đến cái gọi là dân chủ hay tư bản. Tiềm lực khoa học của nước Nga sau khi Liên Xô tan rã cũng chẳng đủ để cạnh tranh với Thung lũng Silicon của Mỹ.
Trong thập kỷ đầu tiên của thập niên 1990, dưới thời cựu Tổng thống Boris Yeltsin, nước Nga lại tiếp tục lâm vào khủng hoảng. Thất bại của Liên bang Nga ở Chechnya năm 1996, sự lãnh đạo yếu kém của chính quyền ông Yeltsin, cùng nền kinh tế tan rã càng khiến nhiều người thêm tuyệt vọng rằng nước Nga đã đánh mất tất cả.
Năm 2000, khi Putin trở thành Tổng thống Nga, hầu như chẳng ai tin rằng vị lãnh đạo mới chẳng có mấy tiếng tăm này sẽ là người giúp nước Nga "thay da đổi thịt".
Việc đầu tiên Putin tiến hành khi trở thành Tổng thống là hội nhập với xu hướng quốc tế: Ông đã thay thế những tư tưởng từ thời Liên Xô cũ bằng hình thức chủ nghĩa dân tộc mới, ban bố các chính sách hỗ trợ những tôn giáo lớn như Chính thống giáo Nga và Hồi giáo. Để duy trì mối quan hệ tốt với Israel, ông Putin đã thường xuyên đối thoại với lãnh đạo tôn giáo này và hỗ trợ xây dựng bảo tàng Do Thái mới. Thậm chí ông còn ngỏ lời mời những người Do Thái quay trở về Nga, và viếng thăm Israel hai lần.
Tổng thống Putin đã tận dụng và phát triển các nguồn lực của nước Nga: Công nghệ cao, vũ khí mạnh mẽ, và nền kinh tế trực thuộc trung ương. Nga sở hữu 7.000 quả bom nguyên tử, tương đương với số lượng bom mà nước Mỹ sở hữu, và con số ấy nhiều gấp 30-40 lần so với Anh, Pháp và Trung Quốc. Nước Nga sở hữu lực lượng quân đội mạnh nhất thế giới, và là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất nhì thế giới. Ngoài ra, nước Nga còn sở hữu tổ hợp công nghiệp-quốc phòng rất phát triển. Bên trong những tổ hợp ấy là một triệu nhà khoa học và kỹ sư xuất chúng.
Theo đánh giá của tiến sỹ Adelman, Putin đã thực hiện nhiều chính sách đối nội và đối ngoại rất khôn khéo, bằng cách này hoặc cách khác giành lại từng phần nhỏ của Liên Xô cũ ở Nam Ossetia, Abkhazia, Crimea, và giành được chiến thắng ngoạn mục ở Syria.
Đặc biệt, trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống Obama và Tổng thống Trump dường như đang rút dần khỏi nhiều khu vực trên thế giới, nhiều cánh cửa cơ hội đang rộng mở với Tổng thống Putin.
Putin - "Người đưa nước Nga run rẩy trở lại vị thế siêu cường"
Putin đã rất nỗ lực củng cố quan hệ với các quốc gia vốn ít nhiều có thiện cảm với Nga như Ấn Độ, Cuba, Syria, Ai Cập. Sau đó, ông lại tiếp tục tìm cách hàn gắn quan hệ với Trung Quốc, Đức và Ả Rập Saudi (thông qua thỏa thuận vũ khí), và phát triển mối quan hệ mới với các nước quan trọng như Israel, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tiến sỹ Adelman cho rằng, Tổng thống Putin đã làm được điều tưởng chừng bất khả thi: Đó là hồi sinh nước Nga, và đưa Nga trở lại vị trí cường quốc số hai thế giới một cách ngoạn mục. Tất cả những thay đổi kì diệu ấy chỉ diễn ra trong vòng hai thập kỷ.
Nikita Ivlev không phải là người quan tâm nhiều tới chuyện chính trị. Nhưng cậu học sinh này chắc chắn chỉ có Tổng thống Vladimir Putin mới có thể điều hành được nước Nga rộng lớn. Anastasia Kuklina, một sinh viên ngành luật, ca ngợi sự "hòa bình và ổn định" dưới thời cầm quyền của ông Putin và đang rất phấn khích với trung tâm thương mại mới ở nơi cô sinh sống. Còn cô gái trẻ Darya Yershova khẳng định cuộc sống người dân Nga hiện tại đã tốt đẹp và tự do hơn trong quá khứ.
"Khi gia đình tôi trò chuyện, bố mẹ tôi đôi lúc lại ngạc nhiên tột độ vì những cơ hội chúng tôi có ngày hôm nay," cô nói.
Trả lời phóng viên Wall Street Journal, Ivlev, Kuklina và Yershova đều nói họ không biết tới nhà lãnh đạo nào khác ngoài Tổng thống Putin.
Sau gần 2 thập kỉ nắm quyền, Putin đã thay đổi bộ mặt nước Nga và cải thiện đời sống người dân. Ông đã đưa ra các chính sách giúp người dân sống ổn định hơn, cải thiện vị thế Nga trên trường quốc tế. Hai thập kỷ là quãng thời gian đủ để một thế hệ trẻ lớn lên. Và họ, những người như Ivlev, Kuklina, Yershova đa phần đều ủng hộ Putin vì ông đã giúp họ có cuộc sống dễ chịu hơn thế hệ trước.
"Không ai làm phiền tôi, không ai tịch thu căn hộ hay thức ăn của tôi, như thế là quá tốt rồi", Ivlev, một công dân sống tại thành phố công nghiệp Chelyabinsk - miền đông dãy núi Ural, nói.
Ivlev kể lại câu chuyện về gia đình mình. Khoảng những năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ, mẹ của Ivlev phải dậy sớm để xếp hàng tại các cửa hàng thực phẩm. Nếu xếp hàng sau 6 giờ sáng, sẽ chẳng còn gì để mua ngoài những hộp rong biển ngâm. Đó là thời kì thiếu thốn lương thực trầm trọng.
Ngày hôm nay, các siêu thị và trung tâm thương mại Chelyabinsk tràn ngập thực phẩm và các mặt hàng khác. Ivlev có thời gian để xem phim, đi chơi với bạn bè hoặc nghe nhạc trên chiếc điện thoại thông minh của cậu. Thế hệ trẻ ngày hôm nay có nhiều cơ hội hơn khi xưa: họ có thể đi các gói du lịch giá rẻ tới Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ai Cập, 1/3 những người trẻ tuổi biết ít nhất 1 ngoại ngữ.
Marina Konoval, một sinh viên mỹ thuật đến từ Tver, cho biết, cô không phải là người ủng hộ lâu năm của Tổng thống Putin. Tuy nhiên cô coi ông là tượng đài không thể suy chuyển của nền chính trị nước Nga. Theo Konovalova, trừ khi có một người khác thực sự xuất chúng, cô không thấy có lí do nào để không tiếp tục bỏ phiếu cho Putin.
"Sao phải thay thế Tổng thống Putin chứ? Tôi thấy ông ấy đã đem đến cho nước Nga rất nhiều tiến bộ...", Konovalova nói.
Số liệu của The Guardian cho thấy các thanh niên Nga từ 18 đến 24 tuổi có xu hướng ủng hộ Tổng thống Putin nhiều hơn phụ huynh của họ, hay những người thuộc thế hệ trước. Nhiều người trẻ tin rằng đất nước sẽ đi đúng hướng với đường lối của Putin.
Đúng như dự đoán, Tổng thống Putin đã tái đắc cử và sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ 4 trên cương vị người đứng đầu nước Nga. Trong các nhiệm kỳ trước, ông đã thành công trong rất nhiều mục tiêu quan trọng: Nâng cao mức sống của người Nga (số người sống dưới mức đói nghèo giảm từ 42 triệu năm 2000 xuống 20 triệu hiện nay); Giữ lạm phát và thất nghiệp ở mức thấp (Thất nghiệp giảm từ 10,6% năm 2000 xuống 5,3% hiện nay, lạm phát từ 21% năm 2000 giảm một cách ngoạn mục xuống 4% năm 2017)...
Tuy nhiên, 6 năm trước mắt vẫn là quãng thời gian đầy thách thức với Putin. Hai mươi triệu người sống dưới mức nghèo đói vẫn là quá nhiều và Putin đã hứa sẽ tiếp tục giảm con số này. Nền kinh tế Nga vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào dầu khí. Phát triển giữa các vùng miền không đồng đều, năm 2014, chỉ 14/83 chính quyền vùng ở Nga nộp ngân sách trung ương nhiều hơn số mà họ được trợ cấp. Mục tiêu đầu tư cho công nghệ để Nga cạnh tranh với Thung lũng Silicon vẫn chưa đạt được như kỳ vọng...
Và trên hết, đó là nước Nga vẫn chưa tìm được phương án cho thời kỳ hậu-Putin.
Theo Sputnik, Tổng thống Nga tiết lộ ông đã nghĩ về việc tìm người kế nhiệm từ khi nhậm chức hồi năm 2000.
"Tôi đã nghĩ về chuyện đó từ năm 2000. Nghĩ là một chuyện, còn ai sẽ kế nhiệm tôi thì chỉ người dân Nga mới có thể quyết định. Dù tôi thích hay ghét ai đó, thì vẫn sẽ có những ứng viên tham gia bầu cử tổng thống và cuối cùng người dân Liên bang Nga sẽ đưa ra quyết định cuối cùng," ông Putin trả lời phỏng vấn của đài NBC.
Khi được hỏi cụ thể hơn về tiêu chí chọn người kế nhiệm, ông Putin mường tượng rằng đó sẽ là một người trẻ tuổi.
"Tôi nghĩ nhà lãnh đạo tương lai của Nga sẽ là một người trẻ nhưng đủ trưởng thành."
Theo Leonid Gozman, chính khách tự do, đồng Chủ tịch đảng Sự nghiệp Chính nghĩa, việc tìm ra người kế nhiệm là một thách thức lớn của ông Putin. Nhân vật này cần nhận được sự ủng hộ từ chính phủ, từ công chúng, và cả từ những oligarch [những nhà tài phiệt có khả năng chi phối kinh tế lẫn chính trị Nga].
Ngoài ra, người kế nhiệm ông Putin còn cần phải điều phối, cân bằng và giải quyết các mâu thuẫn giữa các bên trên chính trường, chưa xét tới việc phải có được ít nhất 1/2 số phiếu trong các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, có rất ít nhân vật thân cận của ông Putin đáp ứng được các yêu cầu trên.
Khi ông Putin xác nhận việc tái tranh cử vào chức Tổng thống Nga, có lẽ ông đã "nổ phát súng" trong cuộc chạy đua cho vị trí người kế nhiệm khi ông kết thúc nhiệm kì vào cuối năm 2024.
Dù không ai chắc chắn về kế hoạch của Putin sau khi kết thúc nhiệm kì thứ tư, nhưng thách thức lớn nhất đặt ra cho Putin trong thời điểm này có lẽ là đưa một nhân vật có đủ khả năng tiếp nối quyền lãnh đạo của ông vào chính quyền.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu Putin trao quyền quá sớm cho một lãnh đạo khác, vai trò của ông sẽ dần mờ nhạt trên chính trường.
Ngược lại, nếu Putin tìm kiếm người kế nhiệm quá muộn, thì người này có thể sẽ không có đủ thời gian để chuẩn bị gánh vác trách nhiệm nặng nề ở vai trò tổng thống. Việc này có thể sẽ khiến chính trường Nga bất ổn và rối ren dưới thời tân tổng thống.
Liệu Putin sẽ chọn một người trẻ, có tầm nhìn cải cách nước Nga, hay một nhân vật theo tư tưởng bảo thủ cũng là câu hỏi chưa có lời giải. Chuyện này sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới vấn đề tự do hóa chính trị, kinh tế và chính sách ngoại giao.
Một bài phân tích trên The Guardian cho rằng, Tổng thống Putin có lẽ đang bỏ nhiều tâm sức cho việc tìm kiếm và tập hợp những người có tố chất ở độ tuổi 40, hoặc thậm chí 30. Họ sẽ được giao cho các trọng trách, thử thách và rèn luyện. Và khi người kế nhiệm xuất hiện, Putin có thể đóng vai trò "cha già dân tộc" (pater patriae) của nước Nga, hoặc theo mô hình Tổng thống cố vấn tương tự như Lý Quang Diệu ở Singapore.
Trí thức trẻ