img
Trận đánh của Viettel ở thị trường thứ 10 - Ảnh 1.

Bước xuống sân bay quốc tế Yangon, giữa khung cảnh những người đàn ông mặc longyi, miệng nhai trầu và những người phụ nữ vẫn còn dùng bột Thanaka bôi lên mặt để chống nắng, là rất nhiều biển quảng cáo smartphone của Samsung, Oppo và Vivo. Myanmar - sau gần 3 năm mở cửa – đang đón nhận đầy hứng khởi cơn lốc công nghệ từ thế giới bên ngoài tràn vào. Tính đến cuối năm 2017, quốc gia này có 16 triệu tài khoản Facebook, tương đương 30% dân số.

Myanmar vì thế được gọi là mảnh đất vàng cho các doanh nghiệp viễn thông. Xen giữa những biển quảng cáo smartphone nói trên, có một màu da cam nổi lên rực rỡ với cái tên ngắn gọn dễ nhớ: Mytel. Đó là hãng viễn thông thứ 4 gia nhập thị trường Myanmar, cũng là thương hiệu thứ 10 tại thị trường nước ngoài của Tập đoàn Viettel.

Trận đánh của Viettel ở thị trường thứ 10 - Ảnh 2.

Tháng 10/2016, sau cuộc gặp gỡ của Tổng thống Mỹ Barack Obama và bà Aung San Suu Yi, Mỹ đã tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận kéo dài 19 năm về kinh tế và tài chính đối với Myanmar. Sự kiện này mở ra một thời kỳ mới cho xứ sở chùa Vàng sau thời gian dài hạn chế giao lưu với thế giới bên ngoài.

Bối cảnh kinh tế của Myanmar khá giống Việt Nam và thị trường viễn thông Myanmar lúc này cũng tương tự như Việt Nam cách đây gần 15 năm. Điều đó khiến cho Tập đoàn quân đội Viettel dù phải vất vả với Myanmar hơn 10 năm trời, vượt qua nhiều lần lỡ hẹn vẫn không từ bỏ quyết tâm bước chân vào đất nước này.

Đáp lại lòng nhiệt tình đó, tháng 6/2018, Mytel, tên thương hiệu của Telecom International Myanmar – liên doanh giữa Viettel Global (công ty con của Tập đoàn Viettel) với 2 đối tác địa phương là Star High Public Company và Myanmar National Telecom Holding Public (MNTH) đã chính thức khai trương.

Trận đánh của Viettel ở thị trường thứ 10 - Ảnh 3.
Trận đánh của Viettel ở thị trường thứ 10 - Ảnh 4.

Trước đó 5 năm, khi Myanmar mở cửa cho thị trường viễn thông, bên cạnh nhà mạng quốc doanh MPT có mặt từ lâu thì 2 nhà mạng nước ngoài là Telenor (đến từ Nauy) cùng Ooredoo (đến từ Qatar) đã nhanh chóng nhảy vào chiếm phần "ngon" nhất và cho đến lúc này, thị trường đang bị thống trị bởi MPT (42%), Telenor (35%) và Ooredoo (23%). Sự xuất hiện của nhiều nhà mạng đem lại sự thay đổi vượt bậc cho người dân Myanmar. 10 năm trước, một chiếc sim điện thoại có thể lên tới 3.000 USD, giờ đây giá của nó là 1,5 USD. Viettel có mặt sau, cũng không nằm ngoài mức giá bán đó.

Theo quy luật khi thị trường đã thiết lập thế chân vạc, thông thường sẽ không có cơ hội cho thương hiệu thứ 4 lọt vào top 2. Nhưng Viettel đã có bài học kinh nghiệm tại Việt Nam. Họ xuất phát từ vị trí thứ 4 song với chiến lược khác biệt, Viettel đi thẳng lên vị trí đứng đầu. Bài toán ở Myanmar cũng tương tự như vậy.

"Khi người ta chạy ra thì mình chạy vào" – triết lý này được áp dụng thông qua chiến lược "lấy nông thôn vây thành thị". Mytel không phải doanh nghiệp đầu tiên phủ sóng vùng nông thôn và vùng đảo. Các hãng viễn thông khác, bằng cam kết với Chính phủ, cũng đã đầu tư dựng trạm thu phát sóng ở các vùng quê nghèo xa xôi hẻo lánh nhưng trước sự cản trở của địa hình, thời tiết và bài toán chi phí, họ chỉ dựng với số lượng ít.

Viettel thì khác. Tốc độ dựng trạm, dựng cột của họ chỉ có thể được mô tả bằng một từ "thần tốc". Cũng giống như đã làm ở Việt Nam, họ đầu tư rất nhanh, đầu tư trên diện rộng vào các địa bàn xa xôi, hẻo lánh. Sau đó mới tiến hành kinh doanh với giá thấp đi cùng phổ cập dịch vụ cho người dân.

Nhìn lại, chỉ trong vòng 1 năm, Mytel đã xây dựng hệ thống hạ tầng bao gồm 6.000 trạm thu phát sóng, 30.000 km cáp quang để phủ sóng 2G và 4G lên 80% dân số. Những vùng đất khắc nghiệt nhất, nguy hiểm nhất Myanmar đều in dấu chân những người Viettel và hệ thống trạm, cột, cáp quang của họ.

Với độ phủ đó, Mytel tự tin rằng, ở vùng đất nào, sóng di động và tốc độ data của Mytel cũng nhanh hơn đối thủ.

Sự tự tin đó được minh chứng bằng con số rõ ràng, khi vào ngày 20/7/2018 – tức là chỉ hơn 1 tháng sau ngày khai trương, Mytel đã vượt mốc 2 triệu thuê bao. Đây là tốc độ phát triển khách hàng nhanh nhất trong số tất cả các thị trường (cả Việt Nam và quốc tế) mà Tập đoàn Viettel từng đầu tư và cũng là tốc độ tăng trưởng khách hàng đáng mơ ước với các hãng viễn thông trên thế giới.

Trận đánh của Viettel ở thị trường thứ 10 - Ảnh 6.

Trong vòng 4 năm, tỷ lệ thâm nhập di động của Myanmar đã tăng 10 lần với tổng số thuê bao tăng từ 5 triệu (năm 2013) lên hơn 50 triệu (quý 1/2018), tương đương gần 80% dân số.

Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn của Myanmar, nơi tập trung 70% dân số, tỷ lệ thâm nhập di động chỉ đạt mức 50%. Cũng mới có 60% dân số Myanmar được tiếp cận dịch vụ Internet, tức nằm ở mức giữa so với các nước Đông Nam Á trong khi tại Singapore và Thái Lan, con số này lên tới 100%. Thị trường data của Myanmar có 20% người dùng.

"Myanmar là cô gái không còn trẻ nhưng vẫn rất đẹp." - ông Lê Đăng Dũng – Phó TGĐ Tập đoàn nói trong một bài phỏng vấn. Thị trường vẫn còn "mênh mông" và một điểm khiến cho Viettel tin vào thành công ở xứ chùa Vàng, đó là đặc tính của người tiêu dùng. Mỗi người dân không dùng một SIM mà thường có nhiều SIM. Khi có mạng mới ra, người dân sẽ dùng thử thêm một SIM nữa và nếu dịch vụ tốt, giá rẻ, họ sẽ dùng SIM này làm SIM chính.

Ông Zaw Min Oo – Phó Giám đốc đối ngoại của Mytel chia sẻ, cuộc khảo sát vừa thực hiện gần đây cho thấy, đối với khách hàng, một nhà mạng lý tưởng phải có chất lượng dịch vụ tốt nhất, giá thấp hơn đối thủ, vùng phủ rộng trên toàn quốc, và có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn, đáng tin cậy.

Trận đánh của Viettel ở thị trường thứ 10 - Ảnh 7.

"Có 2 con đường cao tốc, 1 bên chật cứng người và 1 bên thì chưa có ai, bạn thích lưu thông trên con đường nào? Hòa vào dòng người cùng chờ đợi hay lướt đi cùng làn gió?" - Ông Zaw Min Oo nói – "Đó chính là điều tôi muốn bạn liên tưởng về công nghệ 4G của Mytel. Chúng tôi là nhà mạng mới, đầu tư mạnh mẽ một hạ tầng mạng lưới rộng khắp cả nước và sử dụng 90% vùng phủ để tạo ra một xa lộ thông tin thực sự".

Với định hướng chiến lược D-A-T-A, trong đó D là D-igital & New services (Nền tảng số hóa và dịch vụ mới); A là A-dvanced Technology (Công nghệ cao); T là T-rustworthy (Lòng tin, sự minh bạch); A là A-ffordable & Various (Giá cước tốt nhất, dịch vụ đa dạng), Mytel tự tin đáp ứng các chỉ tiêu của nhà mạng lý tưởng nói trên.

Về giá cước, trong thời gian đầu, Mytel sẽ cung cấp dịch vụ với giá thoại và SMS bằng 1/2 mức cước hiện hành trên thị trường, cước data thấp hơn 37%. Mytel cũng là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên ở Myanmar tung ra hình thức gọi giây nào tính tiền giây đó, trong khi đối thủ vẫn áp dụng các block 15s, 20s.

Hệ thống phân phối của Mytel đồng thời là một sự khác biệt. Nếu như các đối thủ tập trung phân phối qua hệ thống đại lý thì Mytel sử dụng đội salemans đông đảo để tiếp cận tới từng khách hàng.

Lãnh đạo Mytel cho hay, tính cách của người Myanmar là tình cảm, nghĩa tình. Hiểu đặc tính đó, Viettel quyết định dùng cách thức tiếp xúc trực tiếp giữa người với người để khiến người dân cảm thấy gần gũi và tin tưởng Mytel hơn. Đồng thời, việc quản lý chi phí cũng dễ dàng hơn khi bán qua đại lý – vốn phải chịu tỷ lệ chiết khấu cao.

Trận đánh của Viettel ở thị trường thứ 10 - Ảnh 9.

Ngày 09/06/2018, trong buổi lễ chính thức ra mắt Mytel diễn ra ở Yangon, một đoạn phim ngắn đầy cảm xúc về hành trình của Viettel tại Myanmar được trình chiếu trước hàng trăm quan khách cấp cao, phát đi thông điệp: EMPOWER My Myanmar (tiếp thêm sức mạnh cho Myanmar).

Những người Viettel nói rằng, trong thời đại ngày nay, viễn thông và công nghệ thông tin không chỉ là phương tiện liên lạc giữa người với người. Chúng là nền tảng để thông minh hóa cuộc sống, giúp các quốc gia nhanh chóng trở nên hùng cường.

"Chính vì thế chúng tôi đã đem đến những công nghệ hiện đại nhất với mục tiêu xây dựng một Myanmar số hóa. Chúng tôi cam kết sẽ đưa công nghệ thông tin vào mọi ngóc ngách của xã hội." – Viettel cam kết làm điều đó với việc cung cấp các giải pháp công nghệ cho Chính phủ điện tử, nông nghiệp thông minh và hệ thống internet trong trường học, bệnh viện…

Trận đánh của Viettel ở thị trường thứ 10 - Ảnh 11.

Myanmar là một "cô gái đẹp" khi đất nước vừa mới mở cửa, nền kinh tế đang trên đà phát triển và được dự báo sẽ tăng trưởng rất cao trong những năm tới. Nhu cầu thông tin khổng lồ trong thời đại ngày nay cùng với việc khả năng chi trả của người dân tăng lên sẽ tạo ra lượng cầu to lớn cho các dịch vụ viễn thông, đặc biệt là data.

Nhưng Viettel không chỉ đơn giản là muốn xuất hiện tại Myanmar. Họ đặt mục tiêu trở thành mạng di động lớn nhất ở đây với hạ tầng mạnh nhất gồm 7.000 trạm thu phát sóng và phủ sóng di động tới 90% dân số. Là người đi sau 3 nhà mạng khác, Viettel có chiến lược để đạt được mục tiêu đó, nhưng đồng thời cũng có cách đi để tận dụng lợi thế của mình.

So với các nhà mạng nước ngoài khác, có thể thấy lợi thế của Mytel chính là từ Việt Nam. Đối với người dân Myanmar, Việt Nam không chỉ là đất nước gần gũi về văn hóa mà còn là hình ảnh đáng khâm phục về tinh thần kiên cường bất khuất và trong suy nghĩ của họ, người Việt Nam là những người hiền lành đáng tin cậy. Gặp một người Myanmar, nếu bạn nói "Tôi là người Việt Nam", họ sẽ không ngại ngần mà trao tặng bạn một sự phấn khích không che giấu "Việt Nam – Hồ Chí Minh".

Với thông điệp "Tiếp thêm sức mạnh cho Myanmar", Mytel xây dựng hình ảnh một doanh nghiệp Việt Nam anh em, cam kết đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và đó là hình ảnh quá đỗi tuyệt vời trong mắt người dân Myanmar, đồng thời tạo dựng được mối thiện cảm để được sự hỗ trợ từ Chính quyền.

"Mytel tin rằng, nếu như trong thế kỷ trước, những con đường từng được coi là yếu tố quan trọng nhất của một nền kinh tế thì nay, xa lộ thông tin trở thành con đường ngắn nhất để các quốc gia trở nên thịnh vượng. Xây dựng xa lộ thông tin ở Myanmar là kế hoạch mà chúng tôi đang thực hiện, bởi nó sẽ góp phần tiếp thêm sức mạnh cho người dân và đất nước Myanmar trên con đường đi đến một tương lai thịnh vượng" – Viettel phát đi thông điệp.

Trận đánh của Viettel ở thị trường thứ 10 - Ảnh 12.

Ông Tint Lwin, Chủ tịch HĐQT của Telecom International Myanmar (Mytel) nói: "Có những lúc chính tôi cũng tự hỏi liệu rằng liên doanh Viettel, StarHigh và MNTH có thể vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành việc xây dựng mạng lưới, chính thức cung cấp dịch vụ trên toàn quốc chỉ trong hơn 1 năm ngắn ngủi hay không?"

Thế nhưng quả thực Mytel đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ vượt kế hoạch. Điều gì đã tạo nên kỳ tích ấy?

"Việc gì khó, người ta không chịu làm thì Viettel làm" – một lãnh đạo của Viettel bình thản trả lời như vậy.

Đến thăm các chi nhánh của Mytel tại Myanmar, nghe những câu chuyện về quá trình xây dựng trạm thu phát sóng, chúng ta sẽ hiểu được điều này.

Trận đánh của Viettel ở thị trường thứ 10 - Ảnh 13.

Ví dụ như tại Sagaing, đây là tỉnh có diện tích bằng 1/3 đất nước Việt Nam mà nếu chạy xe 10 ngày vẫn chưa thể đi hết bởi địa hình đồi núi hiểm trở chiếm gần ½ diện tích. Thời tiết Sagaing vô cùng khắc nghiệt, nắng thì gay gắt mà mưa thì tối tăm mặt mũi. Mytel đã dựng gần 400 trạm thu phát sóng ở đây, và rất nhiều trong số đó phải dựng tại các vùng địa hình hiểm trở mà ô tô không thể đi đến nơi.

Khi mà cả chục lái xe người Myanmar đi lên đã phải "bỏ chạy" vì quá nguy hiểm và vất vả thì họ đã dùng sức người để kéo cột. Có nơi, Mytel vận chuyển cột và thiết bị bằng bè trên sông. Vào mùa mưa lũ, đất đai ngập trắng nước, họ phải lặn xuống độ sâu 2m để đào hố chôn cột…

Khổ cực như thế nhưng những người Viettel ở đây đều rất vui vẻ, họ nói: So với Haiti, Mozambique, Cameroon… thì Myanmar là thiên đường. Myanmar có thức ăn, có nước tắm, có điện và không có trộm cắp.

Khi cuộc gọi đầu tiên của Mytel trên đất nước Myanmar được thực hiện, những người đàn ông xù xì đã rơi nước mắt: "Cảm giác như nghe tiếng gọi bố lần đầu tiên của con vậy. Mà thực sự, Mytel là đứa con tinh thần của chúng tôi"

Trận đánh của Viettel ở thị trường thứ 10 - Ảnh 14.
Thanh Mao
Thế Anh
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Ánh Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên