Một người bạn của tôi, trong một buổi sáng mệt mỏi cùng cực sau hơn nửa tháng trời chạy ngược xuôi lo chuyện trường lớp học hành cho con vào lớp 1 đã nức nở nói: "Không biết bao giờ những tháng ngày mệt mỏi này mới kết thúc. Càng yêu thương con bao nhiêu thì càng căng thẳng vì nó bấy nhiêu. Có việc đi học thôi mà cũng khổ sở, vật vã".
Lễ khai giảng năm học mới vừa qua, bên cạnh hàng nghìn những em bé ngây thơ, hồn nhiên còn đang bỡ ngỡ, lạ lẫm và đầy bối rối khi bỗng chốc trở thành "học sinh lớp 1" thì cũng có từng ấy những phụ huynh đang phấp phỏng âu lo và rối bời vì không biết mình đã lựa chọn được "điều tốt nhất cho con" hay chưa, không biết chặng đường phía trước mà con phải tiến lên sẽ là bao nhiêu những buổi tối cùng con vật lộn với bài tập về nhà hay bao nhiêu buổi sáng quần thảo với con để tụi nhỏ dậy sớm đi học đúng giờ?
Có bao giờ chúng ta tự hỏi vì sao "chỉ có mỗi chuyện học hành của con" thôi mà cũng ngốn hết của chúng ta tất cả năng lượng tốt lành như vậy?
Bố mẹ luôn mong rằng trường mới, bạn mới, thầy cô mới sẽ cùng con vẽ nên thật nhiều kỉ niệm đẹp.
Trong cuốn sách Becoming Brilliant - Khoa học nói gì với chúng ta về việc nuôi dạy một đứa trẻ thành công, hai tác giả Roberta Michnick Golinkoff và Kathy Hirsh-Pasek viết rằng: "Chúng ta dường như đang sống trong một thời đại "phát rồ", cha mẹ không ngừng lo lắng về con cái mình. Khi mà họ nhận được hàng loạt những thông điệp rằng trẻ phải đạt được điểm cao trong các cuộc thi."
Shimi Kang, tác giả của cuốn sách Nuôi dạy con kiểu cá heo, trong phần nói về những áp lực mới của phụ huynh thế kỷ 21 cũng viết rằng: "Quảng cáo và tiếp thị cũng góp phần "đưa ra ý kiến chuyên gia" về công việc làm cha mẹ (từ khi nào các bậc phụ huynh cần chuyên gia để có thể nuôi dạy con vậy?). Ví dụ như, hãy thử xem xét chương trình Baby Einstein. Nhờ sự tiếp thị tuyệt vời và quảng cáo cường điệu trong khả năng nuôi dạy trẻ, các video Baby Einstein trở thành thứ chắc-chắn-phải-có vào đầu những năm 2000. Baby Einstein được quảng cáo như một phương pháp kích thích trí thông minh của trẻ sơ sinh và thậm chí ngăn cản các nơ ron thần kinh chết đi. Tuy nhiên, hóa ra là Baby Einstein và các video "có tính giáo dục" khác gây hại nhiều hơn có lợi.
Ví dụ, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trẻ sơ sinh xem Baby Einstein trung bình học được ít hơn 7 từ trong một ngày so với những bé không xem chương trình này. Nhưng phát hiện này đã không thể ngăn hàng triệu bậc phụ huynh dành rất nhiều tiền, thời gian và năng lượng để có được thứ mà họ được thuyết phục là "điều tốt nhất" cho con họ. Chỉ là chúng ta không thể ngăn mình bị ảnh hưởng bởi tiếp thị và các chuyên gia thôi, phải không nào? Hãy luôn ghi nhớ rằng nhà bác học Einstein không bao giờ xem bất kỳ video nào khi ông còn nhỏ, và ông vẫn trưởng thành rất TỐT!".
Đó chính là những tổng kết không thể đúng hơn về thế hệ chúng ta, những người dành cả một phần đời đẹp đẽ nhất của mình để lo lắng và quay cuồng trong vô vàn lựa chọn nhằm tìm ra được "điều tốt nhất" cho con.
"Điều tốt nhất" cho con mà chúng ta tìm kiếm là gì?
Những khóa học giúp con học kĩ năng sống từ nhỏ.
Những ứng dụng, phần mềm giúp "kích hoạt" trí não, những phương pháp để con "học bằng tiềm thức", những tài liệu giúp "thúc đẩy" những năng lực tiềm ẩn của con, để "tăng cường" nội lực và khả năng tiềm tàng trong con.
Những lịch sinh hoạt ngoại khóa liên tu bất tận, con chúng ta cần học piano hay ít ra cũng phải là violon, chúng cần được học tính nhẩm, học toán nhanh hay các buổi tập luyện thể thao.
Những ngôi trường mà "lịch học ngoại khóa" dày đặc, nơi các con được học ngoại ngữ, học đọc, học chữ, được làm các bài tập rèn luyện trí thông minh hằng ngày.
Nhiều bạn nhỏ chỉ vừa vào tiểu học những đã đều đặn "đi học thêm" sau khi tan học hoặc vào các cuối tuần; nhiều bạn khác có "vở bài tập về nhà" để về nhà bố mẹ luyện thêm giúp cô.
Hãy giúp các con luôn ngập tràn niềm vui, thỏa mãn trí tò mò và năng lượng khám phá, bố mẹ nhé!
Nhiều bố mẹ đón con ở trường với câu hỏi thường xuyên dành cho các cô: "Hôm nay ở lớp con có học được gì không cô?".
Càng ngày trẻ càng thiếu thốn thời gian vui chơi vì phải để dành cho các hoạt động mang tính "học tập" trong lớp học nhiều hơn. Điều đáng buồn là sự sụt giảm thời gian vui chơi một cách trầm trọng này lại chính là nguyên nhân quan trọng nhất tác động đến sự chậm thích nghi và khả năng học tập của trẻ khi bước vào giai đoạn tiểu học và cả thời gian học tập sau này. Niềm vui, trí tò mò, năng lực sáng tạo… những yếu tố quan trọng tạo nên hứng thú học tập của trẻ dần bị vùi lấp bởi những hoạt động mà hầu hết cha mẹ vẫn nghĩ rằng đang giúp cho con có được nhiều kiến thức và kĩ năng hơn.
Hãy nghe câu chuyện giáo dục mầm non ở Đức - một trong ba đất nước sở hữu nhiều giải Nobel nhất trên thế giới. Trẻ em ở Đức có được đào tạo ngay từ "giai đoạn vàng phát triển trí não" để trở thành những cá nhân kiệt xuất không? Câu trả lời là "hoàn toàn không"! Trẻ em ở Đức trước khi vào tiểu học chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là "vui chơi hết mình" để lúc nào cũng ngập tràn niềm vui, thỏa mãn trí tò mò và năng lượng khám phá.
Trẻ em Đức yêu việc đến trường mẫu giáo vì ở đó chúng hoàn toàn được vui chơi, không có những tiết học gò bó, không có những hoạt động để "rèn luyện trí não", không có các bài tính nhẩm hay các giờ học đọc, học chữ. Ngay từ khi còn là những đứa trẻ, chúng đã thực sự phải "làm việc" rất nhiều thay vì "đi học", những đứa trẻ được tham gia làm vườn, dọn dẹp trang trại, xoay xở nhóm lửa trong rừng để nấu ăn, thu hoạch các cây trái, rau củ khi mùa thu hoạch đến…
Cha mẹ ở Đức luôn luôn từ chối trước những đề nghị cho trẻ đi học thêm hoặc học trước tuổi, ưu tiên hàng đầu của họ là để con vui chơi nhiều nhất có thể ở ngoài thiên nhiên, được tham gia vào những trải nghiệm thực tế của cuộc sống để phát triển với tốc độ tự nhiên của trẻ. Điều này cũng giúp trẻ nuôi dưỡng khả năng lãnh đạo, khả năng thấu cảm và trí thông minh cảm xúc - những điều thực sự cần thiết cho trẻ khi trưởng thành.
Các nhà giáo dục và cha mẹ ở Đức tin rằng, việc kích hoạt trí não và khai mở trí lực của trẻ nhỏ quá sớm là một điều hoàn toàn sai lầm. Trí lực của trẻ bị khai thác quá mức hoàn toàn không mang đến những kì vọng như cha mẹ vẫn ảo tưởng, bởi vì, vui chơi là bản năng của trẻ và bộ não của trẻ cần có không gian cho trí tưởng tượng, trí tò mò bay bổng và mơ mộng. Khi bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức trong những năm đầu đời, não của trẻ sẽ biến thành một ổ cứng máy vi tính, lâu dần, bộ não sẽ chỉ hoạt động với một chức năng duy nhất là một cỗ máy lưu trữ và xử lý thông tin chứ không còn linh hoạt và chủ động suy nghĩ, sáng tạo nữa.
Một trong 5 yếu tố then chốt giúp cha mẹ Thụy Điển nuôi dạy con thành công rất được nhấn mạnh đó là việc trì hoãn cho trẻ đến trường, bởi vì trẻ càng có nhiều thời gian vui chơi trước khi đến trường, càng giúp giảm đi những khó khăn trong học tập sau này.
"Tự do vui chơi dạy trẻ bớt lo âu", đó chính là bí quyết nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc.
Trong cuốn sách Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc - Bí quyết của người Đan Mạch, dân tộc hạnh phúc nhất thế giới, tác giả Jessica Joelle Alexander và Iben Dissing Sandahl trải qua rất nhiều nghiên cứu, tìm hiểu và ghi chép của mình cũng cho rằng: "Tự do vui chơi dạy trẻ bớt lo âu" và "Càng vui chơi bao nhiêu, đứa trẻ càng có năng lực đàn hồi và tinh thông giao tiếp xã hội bấy nhiêu". Đó cũng là những tốt chất quan trọng cần thiết cho trẻ xây dựng một nền tảng hạnh phúc bền vững sau này.
Hãy luôn ghi nhớ một câu nói này của Giáo sư Kathy Hirsh, một nhà tâm lý học xuất sắc với hàng chục năm kinh nghiệm, đồng tác giả cuốn sách Becoming Brilliant - Khoa học nói gì với chúng ta về việc nuôi dạy một đứa trẻ thành công, đó là: "Những gì chúng ta làm với trẻ ngày hôm nay, có thể sẽ là vấn đề trong hai mươi năm sau đó. Nếu chúng ta không làm đúng, dù hối hận cũng không thể thay đổi được nữa. Rất có thể nó sẽ trở thành khủng hoảng".
Vì thế, điều cha mẹ nên làm là đừng cố gắng ĐỊNH LƯỢNG những gì mà con đang học hỏi, khám phá và đạt được. Hãy bỏ ra khỏi đầu và xóa ngay những từ ngữ đầy tính hối thúc như "tăng cường", "thúc đẩy", "kích hoạt", "mở não", "học bằng tiềm thức", "giai đoạn vàng"… ra khỏi từ điển làm cha mẹ của bạn và thay bằng những từ như "bình tĩnh", "kiên nhẫn", "thư giãn" và "tận hưởng". Bởi vì, chúng ta không thể nuôi dưỡng một đứa trẻ hạnh phúc nếu chúng ta cứ mãi chìm đắm trong cảm giác âu lo và căng thẳng, đúng không nào!
Hãy để mỗi ngày đến trường của con là một ngày đầy ắp niềm vui, bố mẹ nhé!
* Ảnh trong bài viết chỉ mang tính minh họa.
Trí thức trẻ