Nhìn lại chặng đường đã qua, ông đánh giá như thế nào về đóng góp chung của ngành Ngân hàng vào sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước?
Có nhiều điểm tích cực, đáng khích lệ trong đóng góp của ngành ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đầu tiên, hoạt động của ngân hàng Trung ương những năm qua đóng góp phần lớn vào việc chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là những năm kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định nhất. Lạm phát rất thấp chỉ khoảng 3-4%, thậm chí có năm thấp hơn. Nhờ vậy, các doanh nghiệp có hệ thống giá cả ổn định cho hoạt động kinh doanh, nhất là đối với nhóm doanh nghiệp có liên quan xuất nhập khẩu.
Trong khi đó, khối ngân hàng quốc doanh và Ngân hàng chính sách xã hội có đóng góp lớn trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Đây là chương trình thiên niên kỷ mà chúng ta cần khối lượng vốn hàng triệu tỷ đồng cho vùng nông thôn, miền núi, cho sinh viên, cho hợp tác xã vay hay tài trợ khởi nghiệp,… Và có thể nói, đây là đóng góp rất lớn của nhóm ngân hàng này đối với sự phát triển đất nước.
Thứ ba là đóng góp của toàn ngành ngân hàng vào ngân sách nhà nước rất lớn, chỉ đứng thứ 2 sau ngành dầu khí. Trong khi đó, đóng góp vào ngân sách của nhóm dầu khí còn đến từ tài nguyên, từ thu cổ tức, cổ tức liên doanh.
Đóng góp bao trùm của ngành ngân hàng là tín dụng. Ở Việt Nam, thị trường chứng khoán chưa đủ lực để cung ứng nguồn vốn, nên vốn trung dài hạn và cả ngắn hạn từ ngân hàng là chính, chiếm 75%. Thế nên, cho tới giờ phút này chưa có lực lượng nào thay thế hoạt động vốn từ ngân hàng và chắc chắn điều này sẽ còn kéo dài nhiều năm.
Số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, trong năm 2023, Top 10 ngân hàng tư nhân nộp ngân sách đã đóng góp tổng cộng hơn 36.800 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, tăng hơn 10.700 tỷ đồng so với năm 2022. Ông đánh giá như thế nào về con số này, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn?
Cách đây 24 năm, khu vực ngân hàng tư nhân có đóng góp không đáng kể khi chỉ chiếm 10% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng, 15% tín dụng của toàn hệ thống. Nhưng thời gian vừa qua, đây là khu vực phát triển vũ bão nhất. Minh chứng là con số đóng góp của 10 ngân hàng tư nhân nộp vào ngân sách gần 37.000 tỷ đồng chỉ riêng năm 2023.
Đến ngày hôm nay, tổng tín dụng của khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân chiếm tới một nửa tổng tín dụng các khối ngành kinh tế. Có vẻ trong thời gian tới đây, tốc độ tăng của khu vực này còn nhanh hơn nhóm ngân hàng quốc doanh.
Dự báo đến năm 2030, tín dụng do các ngân hàng tư nhân cung cấp chiếm tới 60%. Đây cũng là một điều phù hợp với quy luật phát triển kinh tế tư nhân khi các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh dần. Đóng góp của khu vực này cho GDP, hệ thống tài chính nói riêng sẽ mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Nhiều ngân hàng có mức nộp ngân sách tăng gấp đôi so với năm trước. Số nộp ngân sách lớn liệu có phải là thước đo cho thấy sự tăng trưởng quy mô, đóng góp cho đất nước cũng ngày càng tăng của các ngân hàng?
Trong khoảng chục năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của khu vực ngân hàng tư nhân ví như Thánh gióng. Và đồng nghĩa tốc độ tăng tổng tài sản là tốc độ tăng cho vay, cũng đồng nghĩa là tốc độ tăng đóng góp vào NSNN.
Chúng ta không có gì ngạc nhiên khi toàn bộ hệ thống ngân hàng nói chung đóng góp cho NSNN nhiều nhất, thậm chí chỉ sau các tập đoàn dầu khí. Trong khi đó, một nửa đóng góp của ngân sách Nhà nước của ngành ngân hàng đến từ khối NHTM cổ phần. Và đây cũng là nhóm doanh nghiệp tư nhân có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế.
Một đóng góp khác mà ít người biết tới, đó là gần như phát hành trái phiếu Chính phủ từ 150-500 ngàn tỷ đồng, tức khoảng nửa triệu tỷ, chủ yếu do NHTM mua. Đây là đóng góp lớn và đầy tiềm năng. Sắp tới đây khi chúng ta khởi công các công trình lớn như đường sắt trên cao, đường sắt phụ cận,… nguồn vốn mà Chính phủ huy động và hi vọng huy động chủ yếu sẽ đến từ trái phiếu.
Bên cạnh đó, đóng góp của các NHTM tư nhân ngày càng trở nên quan trọng đối với việc cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu không có nhóm ngân hàng thương mại, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn rất lớn.
Đóng góp tiếp theo là cho vay tiêu dùng. Đây là ngách nhỏ, chi phí cao. Các ngân hàng lớn thường chú trọng vay khoản lớn. Ngân hàng lớn cũng có khoản tiền gửi thanh toán của các doanh nghiệp rất lớn, lãi suất rất thấp khiến bình quân lãi suất ngân hàng giảm xuống. Nhưng các ngân hàng tư nhân lại không có khoản này. Họ chủ yếu sử dụng tiền tiết kiệm bởi vậy họ phải quan tâm nhiều các khoản vay nhỏ. Khoản vay nhỏ buộc phải chấp nhận chi phí cao vì lý do nguồn vốn của họ chủ yếu là nguồn vốn tiết kiệm dẫn tới lãi suất tương đối cao. Nhưng đây lại là một lĩnh vực hoạt động trong tương lai của hệ thống ngân hàng khi xu hướng cho vay tiêu dùng, cho vay khoản nhỏ với thời gian ngắn hạn nhiều hơn.
Một đóng góp khác còn có thể kể tới là đóng góp lớn vào thị trường bất động sản. Theo thống kê, bất động sản là một trong những thị trường có đóng góp lớn cho GDP, khoảng 10%. Nhưng theo tôi dự tính, con số này phải tới khoảng 20%. Tại Trung Quốc, con số này khoảng 27%.
Cho vay bất động sản có đặc điểm là rủi ro rất cao, nhưng lợi nhuận tốt. Đây là khu vực mà ngân hàng quốc doanh không quan tâm nhiều vì doanh nghiệp quốc doanh có định hướng khác. Vì vậy, phần lớn các NHTM cổ phần tham gia gần như 100% vào thị trường này. Đây là thị trường có tốc độ phát triển nhanh, đóng góp vào GDP của Việt Nam. Bằng cách gián tiếp cho vay bất động sản, nguồn tín dụng ngân hàng đã góp phần vào gia tăng đóng góp cho GDP.
Như vậy đóng góp của nhóm ngân hàng tư nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ngày càng lớn, thể hiện vai trò vươn lên đầu tàu của khối doanh nghiệp tư nhân?
Tất nhiên! Không chỉ đúng là vai trò đầu tàu mà ngành ngân hàng chính là hệ thống tuần hoàn của nền kinh tế, cung cấp sức mạnh tài chính cho cả nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp trong đó có các tập đoàn kinh tế lớn có thương hiệu quốc tế mạnh.
Ở Việt Nam, doanh nghiệp phải dựa vào ngân hàng. Ngân hàng mạnh thì doanh nghiệp mạnh, ngân hàng yếu thì doanh nghiệp cũng khó khỏe mạnh. Nói thế để thấy được vai trò rất lớn, vai trò bà đỡ, trụ cột của ngành ngân hàng đối với nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Ở một số thời điểm khi các ngân hàng báo lãi, nhiều ý kiến đưa ra rằng cần phải xem xét lại và đó là nghịch lý khi các doanh nghiệp trong nước đang chật vật. Liệu nhìn nhận như vậy có công bằng với ngành ngân hàng?
Thực ra lợi nhuận từ ngành ngân hàng có cấu trúc phức tạp hơn doanh nghiệp, chủ yếu đến từ 3 khu vực: Thứ nhất là nguồn tín dụng tạo ra lợi nhuận, chiếm khoảng 60-70%. Phần còn lại là dịch vụ kinh doanh nguồn vốn, ngoại tệ như kinh doanh thẻ, hệ thống thanh toán, tư vấn tài chính.
Thực tế, có những năm lợi nhuận từ khu vực tín dụng tăng lên mạnh. Có những năm lợi nhuận giảm. Tiền gửi, lãi suất cho vay có lúc có lợi cho ngành ngân hàng nhưng có lúc bất lợi. Nên không thể so sánh đơn giản giữa 2 hệ thống tài chính với nhau. Hệ thống kế toán ngành ngân hàng có khoảng 300-400 tài khoản trong khi hệ thống kế toán doanh nghiệp chỉ chiếm 1/10.
Để nói một cách chính xác, có khi doanh nghiệp phát triển mạnh thì ngân hàng phát triển chậm lại, lợi nhuận thấp đi. Ngược lại, ngân hàng tăng mạnh, lợi nhuận doanh nghiệp giảm đi. Theo tôi, không nên so sánh như thế và cần nhìn cấu trúc kế toán của nó mới biết chính xác.
Là một người từng hoạt động lâu trong ngành ngân hàng, theo ông, đâu là những vấn đề khó khăn đặc thù của riêng ngành này hiện nay?
Khó khăn lớn nhất của ngành ngân hàng hiện nay đó là tín dụng kèm theo nợ xấu. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất, rủi ro lớn nhất của ngành ngân hàng. Vì cho vay mà không đòi được sẽ rất lo. Bởi khi cho ai vay thì đầu tiên chúng ta đều nghĩ tới: Họ có trả không.
Đối với ngành ngân hàng, không đòi được tiền cho vay xuất phát từ nhiều lý do như doanh nghiệp kinh doanh lỗ. Họ có thể lỗ vì khách quan trên thương trường khiến doanh nghiệp điêu đứng. Đây là rủi ro lớn nhất.
Thứ hai là rủi ro về hoạt động nội bộ. Như vụ SCB là ví dụ điển hình của việc hoạt động nội bộ không được kiểm soát chặt chẽ dẫn tới có những cá nhân thao túng khiến nguồn tiền của ngân hàng dịch chuyển không đúng quy hoạch của ngân hàng Trung ương.
Rủi ro thứ ba là biến động lãi suất trên thị trường, biến động tỷ giá hối đoái cũng tác động đến NHTM. Nhưng tôi nghĩ mấy năm nay rủi ro này gần như được kiểm soát khá tốt. Các NHTM Việt Nam hiện đã có kinh nghiệm nhất định trong việc kiểm soát rủi ro của ngành, của thị trường.
Ông dự báo như thế nào về sự phát triển cũng như đóng góp của khối ngân hàng tư nhân trong thời gian tới?
Ngân hàng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh. Nền kinh tế Việt Nam cũng vậy, đang bước vào đà tăng trưởng với quán tính lớn. Năm vừa qua, kinh thế thế giới còn gian nan còn kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển khá tích cực.
Chúng ta vượt qua những thăng trầm của nền kinh tế, dịch bệnh thành công. Trong điều kiện như vậy, ngành ngân hàng không có lý do gì mà không phát triển. Ngân hàng Việt Nam vẫn tiếp tục đà phát triển trong nhiều năm qua. Đặc biệt là vẫn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và hỗ trợ nền kinh tế, cũng là khu vực đóng góp thuế cho ngân sách nhiều nhất. Đây cũng sẽ là khu vực tạo ra nguồn vốn cho Chính phủ triển khai thi công dự án mạnh mẽ nhất.
Cho nên, nhìn ngân hàng dưới con mắt người cho vay như chủ vợ - con nợ là không đúng mà nên nhìn nó dưới con mắt là trụ cột, bà đỡ của nền kinh tế, là khu vực đóng góp cho ngân sách kể cả nhất thời cho đến trung hạn và dài hạn. Đầu tư công đang khởi công vô vàn dự án mà không có nguồn vốn từ ngân hàng, thì khó có thể thực hiện. Bởi vốn ODA chẳng đáng là bao và chúng ta không thể dựa mãi vào ODA.
Đến thời điểm hiện tại, tiềm lực tài chính của ngân hàng với quy mô 16 triệu tỷ là rất lớn, đủ đảm đương nhiệm vụ kinh tế trung và dài hạn.
Cần khẳng định lại rằng, những năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã phát triển và trở thành một khu vực tài chính có sức mạnh tài sản lớn nhất cả nước.
Ngay ở Nhật Bản, nơi là thị trường chứng khoán lớn thứ 2, thứ 3 thế giới nhưng mãi đến những năm gần đây, kinh tế Nhật Bản mới bớt phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Nói vậy để thấy vai trò của ngân hàng Việt Nam tiếp tục kéo dài vì chúng ta có tốc độ phát triển thấp hơn cách đây hơn 30 năm của Nhật Bản rất nhiều. Các doanh nghiệp Việt Nam vốn thấp nên cần nguồn vốn từ ngân hàng rất nhiều. Bởi vậy, chúng ta cần củng cố hệ thống, hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành ngân hàng phát triển ổn định, là nền tảng cho nền kinh tế Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, có điều gì khiến ông trăn trở, lo ngại đối với sự phát triển của ngành ngân hàng?
Cá nhân tôi lo ngại trong thời gian tới có 2 vấn đề lớn.
Thứ nhất, lâu nay kinh tế khó khăn, dịch bệnh trì hoãn chuyển nhóm nợ xấu. Đến ngày nào đó trong thời gian tới, tất cả báo cáo tài chính sẽ quay trở lại bình thường. Khoản phải thu dần dần trở thành nợ xấu. Điều này sẽ khiến ngành ngân hàng có bảng cân đối tài khoản xấu hơn, dẫn tới tâm trạng hoang mang của các doanh nghiệp vay. Lâu nay, họ chưa bị chuyển nhóm nợ xấu, đang giao dịch bình thường. Đến lúc đó mọi thứ bỗng trở thành “vấn đề”.
Thứ hai, chúng ta đang bước rất nhanh vào kinh tế xanh. Sức ép từ bên ngoài vào Việt Nam rất lớn. Năm 2024, Việt Nam có 5 mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu đều phải báo cáo phát thải khí nhà kính. Nếu không báo cáo được sẽ phải nộp phạt. Điều này tạo nên khó khăn rất lớn, đặc biệt ngành sắt thép đang chiếm thị phần khoảng 12-13% tổng thị phần châu Âu. Sắp tới đây, tức năm 2026, các mặt hàng xuất khẩu phải báo cáo phát thải nhà kính.
Nhưng chúng ta lại chưa có cơ sở dữ liệu để lập nhanh chóng một báo cáo phát thải khí nhà kính với doanh nghiệp. Dù các bộ ngành đã có hướng dẫn song phần đông doanh nghiệp chưa quan tâm lắm bởi nhiều doanh nghiệp còn đang khó khăn.
Đến năm 2026, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng sang châu Âu buộc phải có báo cáo phát thải nhà kính. Báo cáo này bao gồm: những gì doanh nghiệp phát thải ra, những phát thải nào nằm trong diện bảo vệ, hay phát thải nằm trên con đường vận chuyển kể cả đầu vào và đầu ra,...
Thông thường các doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm báo cáo những gì mà doanh nghiệp phát thải ra như một năm tiêu thụ bao xăng dầu,… nhưng nếu phát thải nằm trong kiện hàng mà tôi nhập khẩu về như thế nào sẽ không biết. Báo cáo tài chính thì dễ nhưng báo cáo phát thải nhà kính thực sự là vấn đề. Trong khi, phía châu Âu quan tâm đầu tiên phải có báo cáo và đối chiếu với tiêu chuẩn mà họ đặt ra. Nếu không có báo cáo thì hàng sẽ không thể xuất khẩu.
Đây cũng là điều các NHTM lo khi cho doanh nghiệp vay. Nếu đến năm 2026 mà doanh nghiệp không báo cáo được thì NHTM cũng sẽ bị “cuốn theo chiều gió”. Khi đó, tài sản đảm bảo không phải là tiêu chí để cho vay mà phải là đầu ra của thị trường. Đó không còn là vấn đề bệnh tật đau ốm mà là vấn đề sống và chết. Đó cũng là vấn đề mà truyền thông bỏ qua. Nếu không đẩy mạnh thông tin, NHTM trong thời gian tới sẽ đứng trước nhiều khó khăn.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
PRIVATE 100 – Top Doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam là danh sách được CafeF thu thập từ những nguồn công khai hoặc các số liệu có thể xác thực, phản ánh toàn bộ số thực nộp ngân sách của doanh nghiệp, bao gồm các khoản thuế, phí, các khoản phải nộp. Các doanh nghiệp có số nộp ngân sách trong năm tài chính gần nhất từ 100 tỷ đồng trở lên đều có thể được tham gia vào danh sách. Một số doanh nghiệp tiêu biểu trong danh sách năm 2024, thể hiện số thực nộp của năm tài chính 2023, có thể kể đến như ACB; HDBank; Masan Group; OCB; PNJ; SHB; SSI; Techcombank; TPBank; Tập đoàn Hòa Phát; VNG; VPBank; VIB, VietBank,…(xếp theo thứ tự bảng chữ cái)
Đời sống Pháp luật