TS Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) đã có những phân tích rất thẳng thắn khi nói về nền kinh tế Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19.
"Bão" Covid-19 "đổ bộ" vào Việt Nam khoảng 3 tháng qua, đã gây thiệt hại nặng nề cho toàn bộ nền kinh tế. Nhìn vào thực tế đã xảy ra, lúc này, điều gì khiến ông cảm thấy lo lắng nhất cho các doanh nghiệp trong nước?
TS Nguyễn Đình Cung: Doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có khả năng linh hoạt tốt, nhưng sức chống chịu lại rất yếu. Về mặt tài chính, họ không có dự trữ. Khi xảy ra dịch bệnh, nhiều công ty không còn dòng tiền, không có thu nhập. Vì bị lệ thuộc, chứ chưa đứng được ở vị trí chi phối thị trường, nên khi một mắt xích nào đó trong chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thì ngay lập tức, họ chịu tác động mạnh.
Người lao động nước ta chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều lao động chính thức hoặc phi chính thức sống theo kiểu: "Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ". Vì thế, khi mất việc, họ sẽ mất luôn kế sinh nhai. Từ đó, gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.
Nhưng thực tế không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó, mà hồi đầu tháng 4, bảy tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã báo lỗ hơn 3.700 tỷ đồng, trong đó, Vietnam Airlines thiệt hại nặng nhất, với số lỗ hơn 2.000 tỷ đồng, cần nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ, vì đã cạn kiệt 3.500 tỷ đồng dự trữ. Ông có đánh giá gì về điều này?
TS Nguyễn Đình Cung: Lúc này, không chỉ có doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp ở nước ngoài… đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Dịch bệnh không phân biệt thành phần kinh tế, quốc gia, dân tộc, nó rất bình đẳng trong việc gây tác động.
Ngoại trừ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin… có thể chịu ảnh hưởng xấu thấp hơn, thì một số ngành đang phải hứng chịu tác động trực tiếp, rất mạnh và ngay lập tức, điển hình là lĩnh vực dịch vụ, bao gồm cả vận chuyển hàng không.
Tuy nhiên, nếu nói về thua lỗ thì ngoài Vietnam Airlines, VietJet Air hay Bamboo Airways cũng bị đều ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng VNA có thể đang chịu ảnh hưởng nặng, khó khắc phục hơn hai doanh nghiệp còn lại, vì công ty này chỉ kinh doanh duy nhất dịch vụ vận chuyển hàng không. VJA, BBA là những đơn vị kinh doanh đa ngành. Một số ngành khác của họ có thể chịu tác động ít hơn, cho nên sức chống chịu của VJA hay BBA có lẽ sẽ tốt hơn VNA.
Việc VNA thua lỗ và khó khăn như vậy là có thật! Nhưng tôi lại không thấy lo lắng nhiều cho doanh nghiệp này, vì Covid-19 chỉ là giai đoạn tạm thời, chứ không phải là mãi mãi. Hơn nữa, doanh nghiệp có sự tích lũy đóng góp trong nhiều năm, nên nhà nước chắc chắn sẽ có những chính sách phù hợp, giúp doanh nghiệp chống chịu qua đại dịch. Nhà nước sẽ lo đến các vấn đề tổng thể vì toàn bộ nền kinh tế là một chỉnh thể thống nhất. Cứu doanh nghiệp, chẳng qua cũng là để cứu cả nền kinh tế.
Không lo cho Vietnam Airlines, nhưng trong số 6 tập đoàn lớn còn lại (Tập đoàn Dầu khí quốc gia; Xăng dầu Việt Nam; Hoá chất Việt Nam; Tổng công ty Cảng hàng không; Hàng hải Việt Nam; Đường sắt Việt Nam; Lương thực miền Nam; Cà phê Việt Nam) cùng dự kiến thua lỗ nặng, không cân đối được thu chi, thì liệu có tập đoàn nào khiến ông cảm thấy lo lắng?
TS Nguyễn Đình Cung: Tôi không lo ngại cho tập đoàn nào cả! Tôi cũng rất mong, các tập đoàn này đừng than vãn và đi xin tiền nhà nước. Lúc này, nhà nước đang dốc sức hỗ trợ toàn quốc gia gồng mình chống dịch, mà còn phải đi hỗ trợ tập đoàn nhà nước thì có lẽ sẽ là điều hơi phản cảm.
Dịch bệnh tuy gây ra nhiều khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để các tập đoàn kinh tế nhà nước chủ động bứt phá. Thay vì xin tiền, các tập đoàn này nên xin cơ chế phù hợp, làm sao để doanh nghiệp năng động, linh hoạt, sáng tạo hơn, từ đó có thể khai thác có hiệu quả khối tài sản lớn và biến nó thành sức mạnh dân tộc, làm được như thế mới là điều đáng làm!
Ông đánh giá gì về quyết định nới lỏng cách ly, mở cửa lại nền kinh tế của Chính phủ vào lúc này?
TS Nguyễn Đình Cung: Có thể nói, đây là thời điểm khá an toàn và thích hợp để mở cửa lại thị trường trong nước. Công tác chống dịch của nước ta đã cho kết quả rất tốt, đủ để tạo độ tin cậy khi mở cửa lại thị trường trong nước. Nếu chúng ta sớm phục hồi thị trường nội địa, thì khi thị trường thế giới mở ra, kinh tế trong nước đã tương đối khỏe mạnh, có cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu nhanh hơn.
Sau khi Chính phủ có tuyên bố chính thức, tôi nghĩ các địa phương cũng nên mạnh dạn hơn nữa vì dường như, nhiều nơi vẫn còn đang rụt rè. Chẳng hạn, trường hợp của Hà Giang, mới chỉ có một ca nhiễm, mật độ dân số khá thưa, di chuyển lại khó khăn vì địa hình đồi núi, mà cũng phải đặt cả tỉnh vào diện nguy cơ cao, thì đó là sự cẩn trọng hơi thái quá. Cái gì đã quá lên đều không tốt, vì nó ngăn cản sự phát triển và khiến rất nhiều người phải cùng chịu thiệt thòi.
Sau ngày 22/4, khi lệnh cách ly được nới lỏng, tôi rất mong Việt Nam có thể mở cửa đồng loạt thị trường trong nước, tránh tình trạng dè dặt như trước đó. Chẳng hạn, Nghệ An, Quảng Bình được đánh giá là nguy cơ thấp nhưng Hà Tĩnh, vì có một số ca nhiễm, lại bị đánh giá nguy cơ cao. Vậy thì chỉ riêng việc di chuyển giữa Nghệ An, Quảng Bình cũng đã gặp khó khăn. Mở cửa mà dè chừng như thế, khác nào mở cũng như không!
Nếu Việt Nam mở cửa đồng bộ theo cách ông nói, thì tính từ lúc này, liệu trong khoảng bao lâu nữa, kinh tế trong nước mới có thể phục hồi, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Cung: Rất khó để đưa ra dự đoán chính xác. Một số ý kiến cho rằng, kinh tế sẽ phục hồi theo kiểu sức nén của lò xo, nhưng tôi nghĩ, tình huống đó sẽ không xảy ra, vì bên cầu không thể tăng nhanh như vậy.
Mặc dù thị trường trong nước đang mở cửa trở lại, nhưng kinh tế Việt Nam vốn có độ mở lớn, nên khi bên ngoài vẫn còn dịch, nước ta vẫn còn chịu ảnh hưởng vì cửa biên giới vẫn sẽ phải khép lại.
Tuy nhiên, với kết quả chống dịch rất tốt, cộng thêm việc kiểm soát biên giới chặt chẽ, mở cửa biên giới một cách có chọn lọc thì tôi tin rằng, kinh tế trong nước sẽ bắt đầu phục hồi, khởi động lại.
Nếu đúng là kinh tế Việt Nam đang trên đà đi lên như lời ông nhận định, thì theo ông, ngành nào sẽ đi lên nhanh nhất?
TS Nguyễn Đình Cung: Việc phục hồi kinh tế vẫn phải phụ thuộc vào công tác chống dịch. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu hàng hóa nông nghiệp đang gia tăng, thì đây có thể sẽ là ngành phục hồi tốt.
Ngành dịch vụ thời gian qua đang gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng tôi lại rất hy vọng, thiệt hại nhiều thì sức bật trở lại của ngành này cũng mạnh mẽ. Mặc dù thị trường của ngành vẫn chỉ giới hạn trong nước, nhưng đó cũng là thị trường khá đông, tới gần 100 triệu dân.
Tới đây, khi việc đi lại trong nước được tự do, các đường bay nội địa hoạt động trở lại, mùa du lịch cũng đã sắp tới, thì dịch vụ cũng là chỗ để chúng ta hy vọng.
Với tình hình có ít ngành để hy vọng như vậy, theo ông, nền kinh tế nước ta sẽ phải lấy đâu làm điểm tựa vững chắc nhất để vươn lên?
TS Nguyễn Đình Cung: Có hai thứ là kinh tế vĩ mô và lòng tin của cả nước nhờ chống dịch thành công.
Khủng hoảng do Covid-19 gây ra, khác hẳn với những cuộc khủng hoảng từ trước đến nay ở hai điểm. Thứ nhất, nó xảy ra khi kinh tế vĩ mô ổn định, giúp nâng cao sức chống chịu. Chính nhờ có sự cải thiện đó, chúng ta mới có được những công cụ, lực lượng để hỗ trợ doanh nghiệp và an sinh xã hội. Điều này trái ngược hoàn toàn với khủng hoảng năm 2008-2009, 2011, bởi khi ấy, kinh tế vĩ mô của nước ta đang trong tình trạng bất ổn.
Điểm khác biệt thứ 2 là cho đến nay, dịch bệnh chưa tác động đến hệ thống tài chính. Các ngân hàng trong nước tương đối tốt, an toàn, có thể hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Tình huống này khác với cuộc khủng hoảng năm 2008, khi mà sự đứt gãy, nguồn cơ bệnh tật gây khủng hoảng kinh tế, lại nằm ở chính hệ thống tài chính.
Ông nhận xét, các ngân hàng trong nước đang khá tốt và an toàn, nhưng một số báo cáo gần đây đã cho thấy, nhiều ngân hàng đang sụt giảm doanh thu mạnh mẽ. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, hôm 14/4, cũng vừa mới yêu cầu, các ngân hàng có vốn Nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) sẽ phải giảm tối thiểu 40% lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay?
TS Nguyễn Đình Cung: Khó có thể nói, trong quá trình này sẽ có ai đó không phải chịu thiệt. Tuy nhiên, đánh giá của tôi là các ngân hàng vẫn chống chịu được. Quan trọng nhất, hệ thống ngân hàng không phải là nguồn cơn gây bệnh cho nền kinh tế, mà trong lúc này, nó vẫn đang là công cụ để hỗ trợ nền kinh tế vực dậy.
Ngân hàng chưa phải tăng thêm cung tiền. Các gói hỗ trợ thực ra vẫn nằm trong số tiền mà nền kinh tế đang có, nên bối cảnh trong nước chưa nhìn thấy yếu tố gì tăng thêm lạm phát. Nhờ sự giúp đỡ từ ngân hàng và Chính phủ, các doanh nghiệp nhìn chung vẫn nhận được hỗ trợ, chia sẻ về thiệt hại để cùng nhau chống chịu qua đợt dịch.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định và ngân hàng vẫn còn sức chống chịu như vậy thì theo ông, Chính phủ có nên tăng thêm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp?
TS Nguyễn Đình Cung: Cho đến hiện nay, về mặt chính sách thì đã đủ nhưng vấn đề tôi băn khoăn là quy mô. Chẳng hạn, việc giãn, hoãn thuế mấy tháng, theo tôi là chưa đủ và có lẽ phải kéo dài thêm. Tôi cũng mong, trong chính sách của Chính phủ sẽ có hai chữ miễn, giảm nhiều hơn là giãn, hoãn.
Ví dụ chi phí công đoàn thì theo tôi, không nên giãn, hoãn mà nên miễn hoàn toàn cho doanh nghiệp trong vòng 3 năm. Nếu sau đó có thu, thì cũng nên giảm xuống 1% thay vì con số 2% như hiện tại.
Ngoài ra lúc này, nếu đầu tư công hướng vào các công trình trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa như đã quyết định, thì sẽ đem lại hiệu quả rất lớn trong việc kích thích nền kinh tế. Ví dụ như dự án sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc – Nam là các dự án đã quyết rồi thì nên làm nhanh.
Đầu tư công đúng hướng không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà còn giải quyết các vấn đề căn bản trong lâu dài của nền kinh tế. Chẳng hạn, khi du lịch, giao thương phát triển, các hãng hàng không mở ra ngày một nhiều, nhưng hạ tầng ách tắc thì cũng không thể phát triển mạnh mẽ được!
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ đúng, nhanh, kịp thời rất quan trọng. Chính sách đã có, đã đủ nhưng việc thực thi phải tốt. Nếu bắt doanh nghiệp xin 5-7 con dấu chứng nhận thiệt hại mới hỗ trợ, thì sẽ rất mất thời gian!
Những ai có hành động hạch sách doanh nghiệp lúc này, cần phải loại bỏ luôn khỏi hệ thống. Nhân dịp này, khi toàn xã hội đang gồng mình chống dịch, với mong muốn kinh tế sớm phục hồi, mà họ còn không chịu thay đổi, thì khó có hy vọng, trong điều kiện bình thường họ có thể thay đổi!
Nhìn ra bên ngoài, các nước khác đang tung ra rất nhiều gói cứu trợ kinh tế, theo ông, Việt Nam có nên học hỏi điều gì không?
TS Nguyễn Đình Cung: Theo tôi, về mặt tri thức, kinh nghiệm, nước ta đều có đủ và không thua kém bất cứ nước nào! Mỗi nền kinh tế đều có đặc thù riêng, có những khó khăn riêng cần giải quyết. Quan trọng là phải nhìn nhận vào thực tế trong nước để có giải pháp phù hợp.
Việc nhìn ra thế giới, tham khảo cách làm của các nước là tốt, nhưng cũng không nên quá đặt nặng vấn đề nhất định phải học hỏi. Vì chúng ta có đủ sức mạnh, trí tuệ để tự mình đưa ra những quyết định phù hợp, vực dậy nền kinh tế sau khi đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh!
Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!
Trí thức trẻ