Chính phủ nhiệm kỳ hiện tại khởi động ở một giai đoạn chưa từng có trong lịch sử khi rơi vào đúng thời kỳ đại dịch Covid-19, toàn bộ nỗ lực phải tập trung cho chống dịch, sau đó là phục hồi kinh tế.
Cho đến hiện tại, tình thế đã có thay đổi nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn bởi những biến động bất ngờ của địa chính trị quốc tế cũng như điểm nóng từ các vụ án kinh tế lớn… Đến cuối năm 2023, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã bắt đầu sáng dần và ngày 31/12/2023 cũng là tròn 1.000 ngày của Chính phủ đương nhiệm.
Nếu nhìn lại 1.000 ngày của Chính phủ, ông sẽ thấy câu chuyện xuyên suốt là gì?
Khó khăn, khó khăn và khó khăn. Đó là nét đặc trưng thứ nhất xuyên suốt hoạt động của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tại sao lại dùng điệp ngữ ba lần khó khăn? Khó khăn thứ nhất là khó khăn quốc tế, địa chính trị quốc tế thay đổi. Khó khăn thứ hai là đại dịch Covid-19 thay đổi làm thay đổi nhận thức. Khó khăn thứ ba là nền kinh tế trong nước chưa chuyển đổi kịp.
Nét đặc trưng thứ hai là chọn điểm đột phá đúng. Trong ba điểm đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã chỉ rõ là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực thì cơ sở hạ tầng là đột phá đầu tiên. Ở đó, phương châm chủ đạo là "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", cùng chủ trương của Bộ Chính trị là được thu lại phí BOT, phí đường trên tất cả các tuyến đường cao tốc.
Trước đây, một số chuyên gia từng dự báo: sau Covid-19 sẽ là một chu kỳ tăng trưởng vì nền kinh tế giống như chiếc lò xo bị nén. Thế nhưng, hậu Covid-19, tình hình không giống như vậy. Điều gì đã thay đổi hay nhân tố nào chưa được tính tới khi đưa ra nhận xét về chiếc lò xo bị nén?
Khi đưa ra dự báo đó, có lẽ người ta cho rằng đó là một cú sốc kinh tế xã hội bình thường, thì sau Covid-19 sẽ là một chu kỳ tăng trưởng. Nhưng đó không phải là cú sốc bình thường mà là toàn cầu nên phải nhìn nhận ở góc nhìn toàn cầu.
Anh dù khỏe đến mấy, có thể vượt lên được nữa nhưng mà hai người bạn đồng hành với anh vẫn nằm ở đấy thì anh cũng không thể đi được. Anh không thể chèo con thuyền ra khơi được, bởi thuyền cần một lái và hai chèo.
Đại dịch xảy đến khiến sức mua của của thế giới rơi hẳn xuống, mất đầu ra. Thực tế, Covid-19 đã làm đứt gãy cả cung và cầu của thế giới, toàn bộ chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Điều này rất khác với giai đoạn khủng hoảng 2008-2009 khi chúng ta chỉ bị giảm cầu, nên chỉ cần kích cầu thôi.
Khi đứt gãy thì cần thời gian để nối lại và bây giờ chúng ta đang ở trong quá trình sắp xếp, định hình lại trật tự mới của nền kinh tế thế giới. Nhưng khi nền kinh tế toàn cầu đang tìm cách để sắp xếp lại được hơn một năm thì ngày 24/2/2022, xung đột giữa Nga – Ukraine xảy ra. 18 tháng sau đó, đến ngày 7/10/2023, tiếp tục là chiến sự Hamas và Israel.
Những biến động chính trị cực kỳ là sâu sắc và mạnh mẽ đó cùng với một cú sốc đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn thế giới khiến cho chu kỳ tăng trưởng của Việt Nam hậu Covid-19 không thể giống như một chiếc lò xo bị nén.
Ngoài ra, thế giới đang bước sang giai đoạn khởi đầu của năng lượng bền vững tái tạo, đi cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng khi những nhận thức và ứng xử của xã hội đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở ta còn chưa được định hình rõ nét, những yếu tố về động lực phát triển mới dựa trên trí tuệ nhân tạo trên thế giới như Chat GPT đã manh nha.
Bên cạnh đó, nền kinh tế nội địa trong nước cũng có những biến cố liên tục xảy ra, khiến nửa nhiệm kỳ của Chính phủ đối diện với rất nhiều thách thức.\
Gặp những khó khăn rất lớn từ đại dịch Covid, biến động lớn về địa chính trị trên thế giới đi kèm với những vụ án lớn trong ngành tài chính ngân hàng khiến việc điều hành vĩ mô gặp những thách thức cũng rất lớn. Ông thấy gì về cách thức xoay chuyển tình thế của Chính phủ trước những bài toán khó như vậy?
"Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Trong sự kiện xung đột Nga – Ukraine, Chính phủ thể hiện quan điểm nhất quán là đàm phán, tôn trọng quyền lợi chính đáng của cả 2 dân tộc chứ không nghiêng về một bên nào. Và điều này đang trở thành trào lưu chủ đạo trong quan hệ quốc tế của Việt Nam. Còn đối với xung đột Israel – Hamas, chúng ta thực hiện hỗ trợ cho nhân đạo cho người dân Palestine.
Chính phủ kiên định quan điểm làm bạn với tất cả, xuất phát từ thực tế nền kinh tế và lịch sử của đất nước, rằng không có một cuộc xung đột nào, không một mâu thuẫn nào mà không thể giải quyết được bằng ngoại giao.
Có thể thấy, "dĩ bất biến, ứng vạn biến" là một trong những điều được Chính phủ thực hiện tương đối ổn định trong chính sách ngoại giao hơn 2 năm vừa qua.
Còn ở trong nước, các vụ việc như Vạn Thịnh Phát, hay trước đó một năm là trái phiếu doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh… được coi như những thực tế khách quan và cần bình tĩnh xử lý. Những sự việc này đã trải qua thời gian tích tụ và khi vỡ ra, phải xử lý thì cần thêm hành lang pháp lý.
Ở Quốc hội khóa 14 thì chúng ta có Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đến nhiệm kỳ này thì có dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, với nội dung giám sát đặc biệt ngân hàng và xử lý các ngân hàng trong tình huống xấu.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" hồi cuối tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ có nói một câu quan trọng với lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản lớn: "Lúc làm ăn có lãi bù trừ với lúc làm ăn thua lỗ, không thể lúc nào cũng có lãi được, không thể khó khăn cũng đòi có lãi, không có ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng, phải góp phần vì cái chung".
Thủ tướng đã nói đến mức độ như thế, nghĩa là nếu các doanh nghiệp không chủ động, tích cực để xử lý các vấn đề tồn đọng như nợ, mà để thành điểm nóng thì các doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trong bối cảnh "3 khó" kể từ đầu nhiệm kỳ, đâu là những tín hiệu tích cực khi Chính phủ vẫn đang tìm cách mọi cách đưa nền kinh tế vượt khó khăn?
Với những biến đổi về địa chính trị trên thế giới, điểm tích cực là khi thế giới định hình lại thì Việt Nam cũng có cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng mới ví dụ như bán dẫn, vi mạch. Đó là những lĩnh vực mà trước đây chúng ta chưa từng nghĩ tới nhưng giờ đây lại có thể.
Đi cùng xu hướng phát triển xanh của thế giới, Việt Nam đã tăng tốc và có khả năng trở thành một trong những quốc gia sử dụng năng lượng tái tạo hàng đầu, với tỷ trọng lớn. Theo tổng sơ đồ điện VIII mà tháng 5/2023 Thủ tướng vừa phê duyệt thì đến năm 2030, các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2%. Trước đó, vào năm 2022, tỷ trọng điện năng từ gió, mặt trời đã lên tới 26,5% - gấp 40 lần năm 2010.
Về cơ sở hạ tầng – một trong 3 điểm cần đột phá, cả nước đã hoàn thành và đưa vào khai thác 649 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên toàn quốc đến thời điểm hiện nay là 1.822 km, tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ra một số chỉ đạo, nghị quyết về việc phát triển công nghiệp đường sắt, đặc biêt là đường sắt cao tốc – yếu tố tác động đến sự phát triển nhanh của đất nước trong 20 năm tới.
Vậy còn việc xoay chuyển những yếu tố mang tính cấu trúc của nền kinh tế?
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, một trong 12 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu năm 2023 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ là: "Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế".
Chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế là một vấn đề rất lớn, và mọi dự báo chỉ là dự báo. Nhiều người hay nghĩ là chuyển dịch hoặc đổi mới cơ cấu nền kinh tế như kiểu một lần là xong. Trong khi đó, thực tế của việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế giống như sự thay đổi của một cơ thể sống. Từ một cậu bé phát triển thành thanh niên thì mỗi độ tuổi có sự thay đổi khác nhau. Thậm chí cùng độ tuổi thanh niên nhưng do rèn luyện ở các môi trường khác nhau thì việc chuyển đổi hay phát triển cũng không giống nhau.
Trong hơn 2 năm gần đây, kinh tế Việt Nam trải qua những biến động rất khác thường cả về địa chính trị quốc tế, lẫn các thay đổi trong nước, nên việc chuyển đổi cơ cấu cũng không giống với những dự báo trước đó là điều bình thường.
Tuy nhiên, điểm quan trọng trong việc đổi mới nền kinh tế không phải là việc làm mang tính mùa vụ hay phong trào cần phải phát động nữa, mà là một quá trình liên tục, thường xuyên và không ngừng đi lên.
Bài tiếp: Phỏng vấn Đại sứ Phạm Quang Vinh về những đột phá ngoại giao sau nửa nhiệm kỳ và chuyện thú vị về 2 chuyến viếng thăm đặc biệt năm 2023
Nhịp sống thị trường