Quả thực, để có một buổi hẹn gặp cô Thúy trong những ngày này quả thực rất khó. Cô cứ bận rộn trong vòng quay dạy học, đến trường rồi lại lên Hà Nội dự hội thảo. Cô cũng không nỡ bỏ một tiết học nào với học trò vì chỉ cần 1 tiết duy nhất cũng đủ để các em kết nối ra thế giới theo cách đặc biệt của cô. Sự hiện diện của một cô giáo toàn cầu đã khiến cô cậu nào cũng háo hức, cũng mong muốn được tận tai nghe cô dạy một lần cho biết.
Trong căn phòng học rộng chừng hơn 25m2, “đồ nghề” chỉ vỏn vẹn 1 chiếc máy chiếu và 1 cái máy tính. Sau khi thấy được những thành quả thay đổi gần 10 năm trời, nhà trường đã đồng ý với đề xuất xin nối 70 mét dây mạng từ phòng nhà hiệu bộ cho đến lớp học để dù có ngồi một chỗ nhưng lũ trẻ vẫn có thể di chuyển đến tất cả các nơi trên thế giới.
“Tụi trẻ háo hức lắm, cứ giục chị phải nhanh nhanh vào bài thôi. Tuy giáo viên bọn chị còn nhỏ bé, ở làng quê này còn khó khăn nhưng nếu có mạng thì vẫn bắt kịp tất cả xu thế giáo dục hiện đại”. Cô khẳng định chắc nịch với nhóm chúng tôi như vậy trước khi bước vào bài giảng.
Hôm nay đặc biệt hơn mọi ngày vì cả lớp sẽ “đến” với vườn quốc gia Yellowstone, một khu rừng trong sách giáo khoa tiếng Anh lớp 10. Những con vật chỉ được nhìn qua sách, những rặng cây đặc trưng chỉ có ở nước Mỹ sẽ hiện ra chỉ sau một cú click. Không có giáo viên nào dạy cả, người dẫn đường hôm nay sẽ là kiểm lâm rừng. Cứ thế chú dẫn đám học trò vào ngôi rừng hùng vĩ mà không mất một đồng phí, và hành trình vươn ra thế giới cũng bắt đầu từ đây…
Nếu nhắc đến cô Thúy, người ta sẽ nói nhiều đến cô Thúy Skype, cô giáo trường làng, cô giáo toàn cầu. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, không có con đường nào bắt đầu đã trải thảm đỏ, không có hy sinh nào mà không có nước mắt. Để đạt đến Top 50 giáo viên toàn cầu, cô Thúy cũng đã từng có những năm tháng dạy học thất bại và bị coi là “kẻ khờ mộng mơ” trong chính ánh mắt những người xung quanh.
Cách đây 20 năm, có một cuốn tạp chí Tiếng Anh đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của một cô bé lớp 6. Cô Thúy khi ấy vẫn chỉ là một đứa trẻ chưa biết một từ tiếng Anh, chưa hiểu gì về thế giới, còn mải sáng đi học chiều về đánh cá phụ cha mẹ. Cuốn tạp chí song ngữ có hình ảnh, từ vựng và cách học Tiếng Anh đã mở ra một chân trời khác mà làng quê những năm 1999 của cô chưa có. Đó như nhát dao phá bỏ những định kiến an toàn về một lớp học chỉ quẩn quanh sách giáo khoa, đưa tâm hồn đứa trẻ vượt hàng ngàn dặm đi đến những lớp học hiện đại.
Cô bắt đầu quyết tâm học Tiếng Anh và thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ai sinh ra từ vùng quê nghèo khó cũng đem theo một giấc mơ thoát nghèo. Bố mẹ cô Thúy sinh ra là những người làm nghề đánh cá trên sông Hồng, vị mặn của cá mòi đã nuôi anh em khôn lớn. Họ cũng mong con mình sẽ tìm được chỗ đứng ở đô thị và có công ăn việc làm ổn định. 22 năm sống là người con Đức Hợp liệu đã quá đủ để cô nói lời tạm biệt và đi tìm những dấu chân mới trên hành trình của mình? Khi chúng tôi đặt câu hỏi, cô Thúy cười thật tươi và trầm ngâm nhớ lại: “Chị trăn trở rất nhiều nếu như ở Hà Nội thời điểm đó sẽ có công việc ổn định và tốt hơn. Thế nhưng chị lại nhớ đến chính bản thân mình thời đi học chỉ được học Tiếng Anh một năm duy nhất rồi phải nghỉ. Tiếc lắm, vất vả lắm. Chị muốn quay trở lại truyền cảm hứng, hướng dẫn các em tìm được nội lực riêng để hiểu rằng với Tiếng Anh người ta có thể làm được tất cả”.
Nhưng bài toán làm sao để học sinh mình có thể học và những gánh nặng mưu sinh lại đặt trên vai. Cô giáo tự nhận những năm tháng đầu đời dạy học của mình là “thất bại”. Thất bại vì nghĩ chỉ cần bê nguyên kiến thức vào dạy là được. Thất bại vì nghĩ mình rất uyên thâm, mình rất chuyên nghiệp nhưng càng dạy mới thấy quá sức với các em. Thất bại khi chứng kiến ánh nhìn bất lực của học trò mỗi dịp 20/11: “Cô ơi, việc học Tiếng Anh khó quá!”.
Đôi khi, mọi thứ trên đời không hề vận hành dễ dàng như cách chúng ta nghĩ. Cô Thúy có năng lực, có nhiều ý tưởng nhưng không phải học trò nào cũng dễ dàng tiếp cận. Những ngày đó, cô vừa sinh nên lắm hôm phải thức đến 2-3 giờ sáng trông cu cậu ngủ rồi mới chồm dậy làm tiếp giáo án để kịp 7 giờ đi dạy. Nhiều hôm liền cô Thúy dành đến 16-18 tiếng ngồi trước máy tính, sửa dự án thực hành cùng học trò. Có những trang giáo án đã sửa đi sửa lại nhiều lần, có những phương pháp áp dụng với học trò chuyên Anh thì được nhưng những cô cậu khác lại không tiếp thu vào. Và cũng có cả những học sinh tự ti vì nghĩ khả năng không tới. “Người ta hay nói đến quy tắc 80-20, 80% nỗ lực và 20% tri thức. Nhưng đối với chị thì đó sẽ đổi thành 80% tâm lý các em, các em tin rằng mình có thể học được môn tiếng Anh, các em có thể nói được, các em có thể phát âm một từ nào đấy chính xác và 20% còn lại là sự nỗ lực không ngừng”, cô nói.
Cô Thúy không chấp nhận ước mơ dạy học của mình trôi tuột theo vòng quay của cuộc sống. 6 năm ròng rã thay đổi đủ loại phương pháp dạy từ theo đuổi cách dạy truyền thống cho đến những tiết học thực tế, những bài giảng ngoài giờ lên lớp. Nhiều người ái ngại nói làm chi nhiều vậy cho mất công, học sinh làng không đi học thêm nhiều thì làm gì theo kịp được học trò chuyên trên thành phố. Không nản chí, cô bắt đầu chọn cách học qua màn hình Skype vì chỉ cần kết nối mạng là đã trở thành công cụ miễn phí. Cô tạo nên những tiết học trò chuyện tiếng Anh với các em học sinh cũng như giáo viên các nước khác bằng việc gặp các anh chị đồng nghiệp trong Cộng đồng Sáng tạo Việt Nam, sau đó gia nhập thành viên Cộng đồng giáo viên Sáng tạo Toàn cầu của Microsoft. Tháng 3/2016, cô Thúy kết nối phiên Skype đầu tiên với cô giáo người Nhật, cũng là người đã đề cử cô vào Top 50 giáo viên toàn cầu sau này. Khi cô Thúy bắt đầu thay đổi, cô không biết mình có thể đi được những đâu nhưng chắc chắn, cô biết mình có thể đi và đi rất xa.
Nếu có ai được dịp tiếp xúc với cô Thúy sẽ thấy cô bận lòng nhất với đám học trò quê. Cả chặng đường dài suốt gần 4 năm, cô trò cùng nhau đi qua 22 quốc gia, 215 lượt kết nối và trên 1 triệu km tính theo thực tế. Đều đặn 1 tiết/ tuần, khi thì đến Trung Quốc, khi thì qua Nhật, khi lại đến hẳn Kim tự tháp Ai Cập.... Mỗi phiên kết nối Skype lại gặp những con người mới, làm đầy thêm kho báu tri thức mà vốn dĩ những tiết học trên lớp chẳng thể nào có được. Kho báu của cô Thúy có lẽ không nằm ở đích đến mà ngày nào kết nối, cô trò lại được gặp những con người mới, những câu chuyện đẹp đẽ mà có khi nhìn lại cũng không hiểu sao con người nơi đó có nghị lực để vượt qua.
Sau cùng, cô Thúy cũng đã gặt hái được những thành quả nhất định. Năm 2016, cô cùng học trò đạt giải Nhì cuộc thi Giáo viên Sáng tạo trên nền tảng Công nghệ thông tin với dự án “Bảo vệ cuộc sống của chúng ta trước thuốc trừ sâu”. Với dự án này, cô tiếp tục có cơ hội trở thành 1 trong 4 giáo viên tham dự Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada với sự tham dự của hơn 300 chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft (MIE) đến từ 83 quốc gia khắp thế giới. Nhóm của cô đã xuất sắc vượt hơn 40 nhóm khác và giành giải thưởng chung cuộc - giải cao nhất tại Diễn đàn.
Cô Thúy vinh dự là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất có cơ hội được trực tiếp phỏng vấn ngài Anthony Salcito, Phó Chủ tịch Khối Giáo dục toàn cầu của Tập đoàn Microsoft. Đứng trước những người có sức ảnh hưởng to lớn cho giáo dục, cô kể về hành trình kiến tạo con chữ qua Skype, nỗi khó khăn của học trò quê và niềm tin mãnh liệt vào việc học được tiếng Anh sẽ là “hộ chiếu xanh” bước ra thế giới. Sự tự tin và cố gắng của cô đã chạm đến trái tim của ngài đại diện lãnh đạo Microsoft cùng lời chào đến với nền giáo dục mới: “Nếu có thể, chào mừng bạn tới Canada!”.
Đáp lại, cô Thúy chỉ mỉm cười cảm ơn vì đã có người đồng cảm và lắng nghe những suy nghĩ và mong muốn thay đổi việc dạy. “Chị quan niệm dù cho đi đến bất cứ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào thì ‘Ra đi là để trở về’ giúp các em học sinh. Các em đã có giấc mơ của riêng mình thì chị nhất định sẽ có cách để giúp học trò phát triển và biến nó thành sự thực”.
Đôi khi người ta rong ruổi cả một hành trình dài, làm những điều lớn lao để rồi khi có cơ hội lại chọn cho mình những điều thân thuộc nhất. Có lẽ trong mắt nhiều người cô Thúy rất dại. Dại vì chấp nhận thức đêm thức hôm để thay đổi một nền giáo dục đã trở nên quá truyền thống, nếu vẫn cứ dạy bình thường thì vòng quay cuộc sống vẫn cứ đều đặn trôi. Dại vì bỏ lỡ cơ hội thoát nghèo, bỏ lỡ nền giáo dục hiện đại nơi những ý tưởng sáng tạo của cô có dịp thực hành. Cô Thúy sau quyết định “dại dột” đó vẫn là cô giáo dạy những đứa trẻ vùng quê, nhà vẫn dột mỗi khi mưa lớn và vẫn sáng dạy học, chiều đánh cá cùng cha mẹ mỗi khi thiếu người.
Sau lần trở về từ Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu, cô Thúy có quãng thời gian chững lại bởi vì mọi người, dù không phán xét nhưng vẫn sẽ nghĩ rằng cô Thúy có nhiều giải thưởng, cô Thúy đi hẳn Canada. Thay vào đó, cô chú tâm vào việc hoàn thành bài giảng, để chứng minh rằng thành quả của mình là có cơ sở và thực hiện nốt niềm tin rằng mình có thể tác động đến mọi người nếu chính bản thân dám thay đổi.
Nhưng thành quả không chỉ dừng lại ở đó. Cô Thúy bất ngờ được 1 cô giáo người Nhật đề cử vào Top Giáo viên Toàn cầu của Tổ chức Varkey Foundation, giải thưởng được coi là “giải Nobel” trong lĩnh vực giảng dạy. Vượt qua hơn 17,000 ứng cử viên đến từ 179 quốc gia, cô Thúy giành được vị trí chung cuộc trong Top 50 và cũng nằm trong 39 quốc gia được lựa chọn treo quốc kỳ.
Khi viết về thành tích của cô Thúy, tôi không định viết về cô như một người hùng. Vì thực sự hành trình gần 10 năm thay đổi giáo dục của cô không hề dễ dàng. Như cách cô nói với chúng tôi: “Chị chỉ là giáo viên bình thường, nhưng thực lòng chị luôn mong những điều tốt nhất cho học trò và muốn biến tiếng Anh thành lợi thế của các em”.
Có gặp cô Thúy ngoài đời mới thấy cô tràn đầy năng lượng và vui vẻ thế nào. Cả đoàn chúng tôi ai cũng trai tráng tuổi đôi mươi nhưng đến trưa cũng đành “tắt điện”, vội xin cất máy nửa tiếng nghỉ ngơi. Ấy vậy mà cô Thúy lại tất bật đi chuẩn bị đồ dùng cho buổi chiều hoạt động CLB, nhanh nhẹn đi kê một đống bàn ghế. Nguồn năng lượng ấy làm tất cả chúng tôi chuyển từ trạng thái bất ngờ sang hạnh phúc lây. Bất giác cả đoàn ai cũng ngại ngùng và vui vẻ gác lại giấc ngủ trưa để tiếp tục làm tiếp.
Đối với cô Thúy, giáo viên phải là người truyền lửa và “cao” hơn học sinh một cái đầu: “Chỉ có những giáo viên hạnh phúc mới tạo ra những bài giảng tích cực nhất. Bản thân giáo viên cũng phải học trước. Bởi vì giáo viên lúc nào cũng phải ‘cao’ hơn học sinh một cái đầu. Mình phải tốt thì mới có đủ uy để dạy dỗ các em”.
Suốt 10 năm trời thức khuya dậy sớm sửa biết bao trang giáo án và nghĩ đủ phương pháp giảng dạy, cô Thúy đến giờ mới dần được mọi người công nhận. Khi con người trải qua một hành trình tưởng chừng không thể làm được thì mọi khó khăn sau này đều sẽ nhẹ như không. Con đường giảng dạy của cô sẽ còn nhiều thách thức nhưng chúng tôi tin, cô sẽ vẫn tiếp tục làm và sẽ làm bằng cả trái tim.
Chúng tôi chào tạm biệt cô Thúy khi những mái nhà dần lên đèn và lớp học tiếng Anh miễn phí cũng đến giờ kết thúc. Nhìn bóng lũ trẻ tranh nhau ôm lấy cô và khoác tay nhau đi về khiến tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc, bình yên lây lan. Hóa ra, cảm xúc bên những người yêu quý và được làm điều mình thích lại an yên đến như vậy. Tôi ghi lại câu chuyện đẹp đẽ này và sẽ dõi theo những kiến tạo giáo dục khác để biết rằng việc học có thể trở nên thú vị và sáng tạo đến cỡ nào. Từ trong lòng, chúng tôi thành tâm mong mọi giấc mơ của cô giáo toàn cầu sẽ trở thành hiện thực…
Trí thức trẻ