- Tao vừa nộp đơn đơn, hết tháng này tao nghỉ việc
- Sao đột ngột thế, thế định nhảy sang đâu?
- Không đâu cả. Tao sẽ nghỉ ngơi vài tuần, rồi làm freelancer 1 thời gian.
Freelancer - làm tự do, cụm từ thật hấp dẫn và thật lấp lánh. Đặc biệt với những người trẻ hiện đại. Nếu trước đây, công thức hoàn hảo cho "tầng lớp trí thức" là tốt nghiệp rồi xin việc vào chỗ nào lương cao, có cơ hội phát triển nghề nghiệp và thăng tiến thì vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều người nghiêng ngó, suy tính đến việc trở thành freelancer, làm tự do.
Lý do thì có nhiều, nhưng đa phần, vì 2 chữ "tự do" thật bay bổng, hấp dẫn, so với hàng loạt nguyên tắc, những đồng nghiệp nhiều lời và cả những vị sếp khó tính đôi khi ta phải nhịn như nhịn cơm sống chốn công sở.
Lâm Xuân Nguyệt: Thu nhập cao gấp 3 - 4 lần trước đây. Hạnh phúc, luôn có động lực để làm việc, không chán nản uể oải như thời fulltime.
Nguyễn Thành Long: Sướng vì làm thật ăn thật, tiền từ ví khách chạy thẳng vào túi mình, thanh khoản nhanh. Được thử thách, rèn luyện bản thân và hoàn thiện mình mỗi ngày.
Trần Hồng Minh: Được chồng hậu thuẫn và không đặt nặng chuyện phải kiếm thật nhiều tiền, nên có cuộc sống freelancer khá thảnh thơi, nhiều niềm vui và tự chủ. Có nhiều thời gian cho con cái và chính mình.
Nguyễn Xuân Giang: Được tự do. Có cơ hội đi nhiều nơi, gặp nhiều người thú vị, ngày nào cũng mới mẻ và sở hữu cả một kho ảnh đẹp.
Nguyễn Tất Sỹ: Hạnh phúc nhất là cảm giác được là chính mình hơn. Thay vì tập trung 100% mục tiêu cuộc sống cho công việc, mình chọn những hướng đi phù hợp bản thân, làm ít hơn, trải nghiệm nhiều hơn, dành thời gian chiêm nghiệm nội tâm của mình. Làm freelancer cũng khiến mình năng động hơn và nhiều cơ hội để có những trải nghiệm mới ngoài cuộc sống ở văn phòng.
Trăn trở, băn khoăn trước khi nghỉ cũng nhiều, niềm vui khi trở thành freelancer cũng lắm. Như Sỹ tâm sự, sau 6 tháng chùng chằng, một biến cố gia đình đã khiến Sỹ quyết định chấm dứt công việc toàn thời gian đã theo mình 3 năm.
"Em viết đơn xin nghỉ việc khi đang ngồi bên hồ Con Rùa. Nhấn gửi email đi, em ngẩng mặt lên bỗng thấy xúc động ghê. Em nhận ra lâu lắm rồi mình mới có thời gian để ngắm quang cảnh. Trước đó, khi đi làm em hay ngồi một mình, khu vực riêng để làm việc, gần như không giao tiếp với ai. Nếu có đi ra công viên chạy bộ, em vẫn cứ nghĩ về công việc chứ có ngắm nghía gì đâu".
Nhìn vào những gương mặt rạng rỡ, nghe về những cái được, cuộc sống tự do, của những freelancer trên đây và cả nhiều freelancer khác, không ít người trong chúng ta ở chốn công sở ít nhiều ghen tị, khát khao. Nhưng đó chỉ là những ngày đẹp trời.
Một năm có đến 365 ngày, sau những ngày nắng đẹp, gió mơn man ấy là không ít ngày xấu trời, mưa bão, chớp giật. Dân freelancer có những căng thẳng và áp lực của riêng mình. Có điều không phải lúc nào họ cũng kể, nên người ngoài nhìn vào nhầm tưởng đấy thôi!
Nhầm tưởng 1: Freelancer nghĩa là sẽ rất nhàn
Trong suy nghĩ của nhiều người, làm freelancer nghĩa là sẽ rất nhàn, ưng thì làm mà chẳng ưng thì bỏ đó đi chơi. Bạn có thể như thế thật, nếu làm freelancer trong tâm thế cơm áo có người gánh vác giùm, hoặc đã có tích lũy quá đủ để khỏi nghĩ chuyện hóa đơn hàng tháng. Còn không, hãy xác định là bận sấp mặt nguyên một ngày dài, sương sương từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, có những khi deadline dí, ngồi máy đến quá 0 giờ hoặc sáng sớm mới được ngả lưng.
Nghe có vẻ lạ nhưng với Nguyệt, làm freelancer ở nhà còn bận và cần nghiêm túc hơn đi làm fulltime. Nguyệt kể, việc viết bài, kiểm tra mail, họp với khách, tiếp khách tarot, chăm sóc khách mua hàng online khiến cô thường chẳng có mấy thời gian ngơi tay.
Về cơ bản, Nguyệt không có cuối tuần, không có thứ hai, không có nghỉ phép vì ngày nào cũng làm việc cật lực. Có những thời điểm bận quá, cả tuần cô không "gặp gỡ loài người", trừ khi đi lên - đi xuống để đưa hàng - lấy hàng, mua đồ ăn - lấy đồ ăn, spa và siêu thị (cũng ngay trong tòa nhà).
Bữa nào ngơi việc, ngơi khách, xong deadline, đó chính là cuối tuần. Những ngày đó, Nguyệt sẽ đi bơi, đi spa, đi cắt tóc gội đầu, đi mua sắm với bạn bè, đi ăn tối bên ngoài, nhưng đa số là lịch như trên.
So với việc đi làm công sở ngày trước, ngồi văn phòng vẫn tranh thủ trà bánh, "ăn bớt" thời gian để đọc báo, vào mạng xã hội hóng chuyện, được nghỉ cuối tuần, về lượng công việc, làm freelancer không phải miếng bánh ngọt ngào dễ xơi.
Nhầm tưởng 2: Freelancer ít áp lực và chẳng cần làm đẹp lòng ai
Freelancer chẳng phải chịu áp lực trên đe dưới búa của sếp và đồng nghiệp, đó cũng là điều nhiều người hay nghĩ về những nhân sự tự do. Nhưng có thật thế không, khi áp lực chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác?
Xuân Giang và Hồng Minh thấm hơn ai hết cái giá phải trả khi chọn con đường tự do này. Giang thường bị bố mẹ càm ràm là kẻ "lông bông", công việc không ổn định, đôi khi cũng tự thấy mình "thất bại" khi nhìn vào ví. Dù yêu nghề, nhưng nghe mãi những bài thuyết giảng của bố mẹ, thỉnh thoảng gặp khách hàng không hợp tác cũng đủ khiến chàng nhiếp ảnh bị giằng xé giữa hai con đường: Chạy theo đam mê hay kiếm một việc "tử tế" hơn để bố mẹ hài lòng.
Còn Hồng Minh thổ lộ rằng, làm ở nhà, nghe thì nhàn hạ nhưng có cả trăm thứ việc vô hình bám lấy, áp lực đổ xuống đầu còn dã man hơn khi làm công sở. Chồng, gia đình, đồng nghiệp cũ, hàng xóm… sẽ có lúc nào đó coi bạn là kẻ thất bại, vì "học hành bao năm rồi cũng để vứt đi", rồi bị so sánh với cô X cô Y làm công ty.
Hơn cả, chính việc không quá căng thẳng phải kiếm ra tiền đã khiến chị đi chậm hơn với những gì mình đặt mục tiêu. Không có sếp thúc việc bên hông và thế là có những giai đoạn cơn lười biếng, sự thong thả xâm chiếm lấy chị từ ngày này qua ngày khác, rút cục chẳng làm được gì.
Nhầm tưởng 3: Làm tất, ăn cả, nói chung là dễ sống
Đấy là suy nghĩ của những kẻ ngoại đạo. Còn Tất Sỹ cho rằng, để có tự do, các freelancer phải đánh đổi và chấp nhận "cực thân" hơn người khác. Ngoài kỹ năng chuyên môn, người ta còn cần học cách quản lý thời gian, cân đối tài chính, học cách tương tác, thương thuyết và… đòi tiền khách hàng. Quan trọng hơn cả là phải tự chịu trách nhiệm với công việc, vì không có ai bên cạnh để hỗ trợ.
Mặt khác, việc gần như không có thăng tiến, khen thưởng, vinh danh, lên chức… như nhân sự "cứng" ở công ty sẽ khiến nhiều freelancer dễ rơi vào vòng luẩn quẩn, bối rối trong sự nghiệp. Điều đó đòi hỏi bản thân Sỹ cũng như những người chọn lối đi này phải nỗ lực hơn, định hướng rõ ràng trong công việc để phát triển và chủ động lên kế hoạch toàn bộ cho bản thân.
Thành công về mặt thu nhập, nhưng Thành Long khăng khăng, cái giá của nguồn thu hấp dẫn là việc luôn phải căng mình làm việc sao cho từng phút trong ngày không bị lãng phí. Và việc làm tất ăn cả bắt buộc bạn phải kiêm nhiệm thêm cả tá thứ, cũng như có những rủi ro mà không có ai chia sẻ cùng. Hiện tại Long vừa phải làm việc kỹ thuật chuyên môn, vừa phải kiêm làm sale, marketing, làm kế toán, đi thu nợ… một mình làm hết việc tương đương một tổ chức.
Cũng không ít lần đang triển khai dự án nửa chừng, tư vấn xong xuôi thì khách đổi ý, thôi đành chép miệng bảo mình đen. Cũng có nhà xong nội thất từ lâu, khách vào ở chán chê nhưng… bùng tiền hoặc nợ lại hàng trăm triệu. Mỗi lần như thế, Long đùa anh phải lẩm nhẩm hần chú: "Không được chửi khách, chửi khách là mất tiền" trước khi khéo léo tìm cách thu hồi vốn.
Cái mác rất "sang" của việc bỏ chỗ làm fulltime để làm nhân sự tự do, nhiều phiêu lưu và cơ hội làm giàu khiến nhiều kẻ chán chường nơi công sở khát khao. Nhưng sự thật thì con đường freelancer đâu chỉ toàn sung sướng. Cơm áo chẳng đùa với bất kỳ ai, và dân freelancer không ngoại lệ.
Trong thế giới của freelancer, nguyên tắc và kỷ luật nghề nghiệp chính là mỏ neo giúp người ta không bị cuốn bay vào mê lộ chán nản và thất bại. Để trụ được với lựa chọn của mình, người ta buộc phải nỗ lực hơn, có trách nhiệm hơn, kiểm soát đầu việc tốt hơn thì mới có thể phát triển bản thân hoặc đạt mục tiêu như ta kỳ vọng.
Với những công việc đòi hỏi sự sáng tạo, chăm chút ý tưởng và deadline khắc nghiệt như Nguyệt, như Sỹ, như Giang, chưa xong việc đừng hòng đi ngủ. Họ phải rất khoa học và cặn kẽ trong sắp xếp thời gian, nghiêm túc tuyệt đối giờ nào việc nấy để đảm bảo việc trôi chảy.
Đồng thời họ cũng sẵn sàng làm thêm giờ, cày xuyên màn đêm mỗi khi có deadline gấp, vì chỉ cần một lần thất hứa, bạn sẽ rất khó để lấy lại uy tín, mà nhỡ bị phạt vì chậm muộn thì bao nhiêu công sức đổ sông cả.
Câu chuyện deadline hay ý tưởng không quá làm khó Long, nhưng căng nhất là việc phải biến mình thành "tắc kè", liên tục thay đổi phong cách để phù hợp với gu của khách hàng mà vẫn đảm bảo nguyên tắc kiềng 3 chân của mình: Đúng hẹn, đúng chất lượng, đúng giá.
Lắm khi nhà khách xây kiểu thuần Việt mà nhất định đòi thiết kế nội thất, bàn bếp kiểu Tây. Nếu ngày xưa hồi làm công ty, Long sẽ bật khách tanh tách, nhưng giờ thì đố dám, trừ phi xác định là mất luôn dự án, toi cả mối quan hệ. Kỷ luật của một freelancer dịch vụ, đó là phải kìm cái tôi cá nhân xuống, thử thách sự nhẫn nhịn, khéo léo, kỹ năng thuyết phục của mình, miễn là được việc.
Freelancer là một con đường cô đơn. Làm việc độc lập, bạn phải tự chịu trách nhiệm với mọi thứ của mình: Kiếm việc, đảm bảo deadline, cân đối thu nhập hàng tháng. Rồi sẽ có thể không tránh được việc stress, dỗi hờn cả thế giới bởi đôi khi 1 chiếc email tới cũng làm bạn muốn bật khóc.
Và rồi giai đoạn khắc nghiệt nhất mà hầu như ai cũng đối mặt khi là một freelancer, đó là khi người ta chán: Chán dự án mình đang làm và nản lòng với việc là một nhân sự tự do.
Để đi qua những mùa "giáp hạt" ý tưởng, chiến đấu với sự lười biếng và tư tưởng buông xuôi trong mình, Long chọn động lực là tiền công, Giang nghĩ về nỗi sợ bị gò vào văn phòng, Minh đi tìm ý tưởng mới, đọc sách, chơi cùng con còn Nguyệt gập máy tính, đi chơi xả hơi tám chuyện với bạn bè cùng chí hướng một buổi, để thấy mình vẫn còn sung sướng dữ lắm. Làm gì thì làm, chán gì thì chán, vẫn phải hoàn thành hết việc của ngày hôm đó đã!
Sức hút đầy hấp dẫn và cả những "hố đen" của nghề freelancer đã khiến không ít người từ bỏ làm freelancer về làm công ty vì không chịu nổi áp lực, rủi ro và cô đơn; có người vài năm rồi vẫn băn khoăn không biết mình đang đúng hay sai. Nhưng có một điều chắc chắn, khi đã dấn thân vào con đường này, bạn sẽ nhìn thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình, sẽ học được cách khiến mình linh hoạt hơn.
Bạn không thể nhạt, một màu hay uể oải trong cuộc phiêu lưu này, vì thiếu ý tưởng, cạn năng lượng là "chết". Bạn luôn phải trong tâm thế giương cung lên là bắn, và phải chuẩn bị tinh thần để đi đến tận cùng hành trình khám phá chính mình. Quan trọng hơn cả, đừng nhìn vào cuộc sống của người khác, thành công của người khác để dệt ước mơ cho mình.
Không có cái đích ngọt ngào nào bạn chạm tới mà con đường đi lại bằng phẳng, nhưng thử thách thì mang lại niềm hứng thú và bản thân thì sẽ không còn chịu sự giới hạn. Câu hỏi còn lại là, bạn có dám không?
Bạn hãy cân nhắc thật kỹ trước khi chọn lựa, vì sểnh nhà ra thất nghiệp, vì con đường này, cầu vồng trên đầu và gai nhọn dưới chân. Nếu hôm nay bạn muốn trở thành freelancer, câu hỏi tiếp theo là: "Bạn sẽ làm gì với thời gian rảnh sắp tới?". Nếu đủ can đảm trả lời câu trên, thì mời bạn bắt đầu.
Trí thức trẻ