Nhã, 30 tuổi, có gương mặt xinh đẹp và tính tình hiền lành, nhạy cảm, rất đáng yêu. Bàn tay cô có 6 ngón và chân mang hình dạng như chân ếch. Đó là di chứng của chất độc màu da cam mà người bố đã mất truyền lại cho Nhã và cô đã sống lặng lẽ, thiệt thòi từ khi sinh ra theo cách gọi của hàng xóm là "người khuyết tật".
Còn Nhất là một chàng trai có ngoại hình hoàn toàn bình thường, chỉ có điều, anh mắc chứng động kinh. Hồi còn ở quê, mẹ Nhất giấu bệnh để cưới vợ cho con trai. Ngay trước ngày cưới, người vợ phát hiện ra người chồng sắp cưới qua mai mối có chứng động kinh, bèn lập tức từ hôn. Nhất mang trong mình nỗi mặc cảm rất lớn và luôn lo lắng bị tình yêu chối bỏ.
Nhã và Nhất gặp rồi yêu nhau khi cùng làm việc tại xưởng may nằm trên phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) của Công ty thời trang IntelLife. Vượt qua những tổn thương, 2 người tổ chức đám cưới. Nhưng hạnh phúc vẫn chưa đến với họ. Nhã mang thai trong niềm hạnh phúc của 2 bên gia đình, rồi lại tột cùng đau đớn khi phát hiện ra em bé tiếp tục bị di chứng chất độc màu da cam, bàn tay có 7 ngón và không có xương chân. Sau khi bỏ thai, Nhã được bác sỹ cho biết sẽ không có khả năng làm mẹ nữa.
"Trải qua rất nhiều nỗi đau như thế, tôi thấy 2 bạn ấy vẫn duy trì làm việc ở xưởng may và còn làm tốt nữa. Chỉ có thể nói là bản lĩnh và nghị lực" – Chị Nguyễn Thị Thoa, quản lý xưởng kể lại.
Tại xưởng may mang tên Xưởng may Thiên thần này, hơn 70 công nhân thì có 41 người khuyết tật. Những câu chuyện đầy nước mắt trong quá khứ được kể rất nhiều.
Thư từng bị lừa khi làm việc cho một xưởng may. Nói bị lừa vì cô là người khuyết tật, được hứa sẽ làm việc với chế độ của người khuyết tật nhưng khi vào xưởng, cô buộc phải làm việc theo chế độ của người bình thường với mức lương rẻ mạt và thường xuyên bị nợ. Trong khi, đôi tay của cô với những ngón chưa đến một cm không thể nào điều khiển linh hoạt. Chỉ 6 tháng làm việc ở đây, cô đã phải khóc đến hàng chục lần.
Một số người trong ngành dệt may cho biết, tại nhiều xưởng gia công, thậm chí là tại một số công ty, việc thuê người khuyết tật chỉ nhằm mục đích lợi dụng nhân công giá rẻ và đôi khi, đánh bóng tên tuổi như một hình thức thực hiện trách nhiệm xã hội.
"Nhưng em không có lựa chọn nào khác. Nếu không đi làm, em không có tiền" – Thư nói.
Bây giờ Thư cũng làm việc tại xưởng may của TokyoLife do chị Thoa quản lý. Thu nhập tốt, môi trường vui vẻ giữa những người đồng cảnh ngộ, Thư thấy hạnh phúc và tự tin.
Khi nhắc đến người khuyết tật, ý nghĩ đầu tiên của mọi người là những cảnh đời bất hạnh, nghèo khổ như Nhã, như Nhất hay Thư. Thực tế, cộng đồng người khuyết tật cũng rất đa dạng.
Thanh – hơn 40 tuổi, tóc tém, nhuộm màu hồng, đeo khuyên mũi, trang điểm đậm và ăn mặc lộng lẫy khi đi làm tại xưởng may này. Thanh là người điếc. Thế giới của người điếc thường bị "đóng kín" vì không có cánh cửa tiếp nhận âm thanh, nhưng đời sống của Thanh lại rất nhiều màu sắc. Cô hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội, không bỏ lỡ các thú chơi của người trẻ, hứng thú với các cuộc "buôn dưa lê" dù việc nói chuyện đó diễn ra bằng tay.
Trong câu chuyện về những con người khác nhau trong xưởng may TokyoLife, chị Thoa kể lại một lần phải chạy khắp các quán bar ở Hà Nội vào 11 giờ đêm để tìm một "công nhân may" câm điếc bỏ đi chơi. Người mẹ vào Tp.HCM lo việc, gửi gắm đứa con tại nhà trọ miễn phí của TokyoLife và nhờ chị Thoa trông nom giúp 1 tuần. Hôm trước hôm sau, người con biến mất.
"Cháu không nghe được, không nói được. Bây giờ mà có làm sao, bị bắt sang Trung Quốc thì em chết mất" – Chị Thoa vừa khóc vừa gọi điện cho mẹ của bạn kia.
Trời thương chị Thoa, 2 hôm sau, 'công nhân may' trở về làm như bình thường. Cuộc sống 5 năm qua của "Quản đốc" Nguyễn Thị Thoa trong một cộng đồng mấy chục người khuyết tật, không thiếu những phen thót tim như thế.
Một buổi sáng của năm 2018, chị Thoa nói chuyện với lãnh đạo công ty về việc Việt Nam có hơn 6 triệu người khuyết tật, mình có thể làm gì để giúp đỡ mọi người?
Thế là dự án Thiên thần ra đời vào ngày 19/7/2018. TokyoLife đã kết hợp với Hội người khuyết tật để giới thiệu và cung cấp việc làm. Còn chị Thoa – người phụ nữ được các lãnh đạo công ty gọi là "hổ báo", ăn nói ghê gớm "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu" được lựa chọn làm mama tổng quản cho Xưởng may thiên thần.
"Lúc đầu tôi giãy nảy. Mình cũng là người lương thiện, có điều mình cảm thấy không đủ sự bao dung hay kiên nhẫn để làm một vị trí tiếp xúc và quản lý nhiều người yếu thế như vậy. Mình lại còn nóng tính, nói to, làm sao làm với những người hay mặc cảm được đây?" – Chị Thoa nhớ lại.
Nhưng trong 3 ngày ngồi suy nghĩ, chị Thoa đọc được câu chuyện của Chú bé Xương thuỷ tinh. Những giọt nước mắt chảy không ngừng với câu hỏi: Tại sao hoàn cảnh khổ như vậy mà một đứa trẻ có thể vươn lên, vượt qua nghịch cảnh như vậy? Chị Thoa quyết định nhận việc.
Với dự án Thiên thần, bước đầu tiên, TokyoLife kết nối với Bộ Lao động và Hội người khuyết tật Tp.Hà Nội tuyển dụng nhóm 50 người khuyết tật vận động để vào làm việc ở xưởng may của công ty. Chị Thoa là người dày dặn kinh nghiệm trong tuyển dụng và đào tạo công nhân may, nhưng với bước ngoặt sự nghiệp này, chị gần như phải học lại từ đầu. Thật dịu dàng, thật kiên nhẫn và tiếp nhận những kỹ năng mới trong chăm sóc, đào tạo người khuyết tật.
Không chỉ đem lại con cá, tạo ra cần câu, mà còn tạo ra những hồ câu vui vẻ - Đó là mục tiêu của Dự án Thiên thần.
"Các bạn rất nhạy cảm, dễ tự ti. Mình phải thực sự chân thành để các bạn tin tưởng, thậm chí trở thành chỗ dựa về tinh thần. Giờ đây, tôi rất tự hào vì được các bạn gọi là cô, xưng con, lắng nghe lời dạy bảo và có những bạn còn gửi tiền tiết kiệm để tôi giữ giúp" - Chị Thoa hạnh phúc nói.
Đào tạo kỹ năng với người khuyết tật là một việc khó khăn. Thực tế, những nhân sự khiếm khuyết vận động thường sẽ chỉ sản xuất được sản phẩm đơn giản như khẩu trang. Nhân sự khiếm khuyết thính giác vẫn có đôi bàn tay khéo léo, chỉ là khả năng tiếp nhận thông tin cần quá trình dài hơn, họ được phân để sản xuất áo giữ nhiệt. Ở xưởng may sản xuất những sản phẩm phức tạp hơn của TokyoLife chưa có nhiều người khuyết tật.
Sau xưởng may Thiên thần, vào tháng 2/2021, TokyoLife ra mắt mô hình Ngôi nhà Thiên thần. Đây là những cửa hàng đặc biệt trong hệ thống của người điếc, đảm nhận những công việc từ đơn giản như đón khách, chăm sóc hàng hoá đến phức tạp hơn như tư vấn.
Những cửa hàng đặc biệt của TokyoLife từng được truyền thông nói đến nhưng không phải khách hàng nào cũng biết. Chị Thoa kể lại, có lần khách đến cửa hàng, gọi nhân viên lấy đồ nhưng gọi mãi mà không ai thưa. Vị khách tức giận bỏ đi và viết lời phê bình gay gắt. Nhận ra thiếu sót trong truyền thông, TokyoLife đã chia sẻ với khách hàng: Trong cửa hàng của TokyoLife có một số nhân sự là người câm điếc, trên áo sẽ in dòng chữ “Tôi là người điếc, xin vui lòng vỗ vai tôi”, mong các chị hỗ trợ và chỉ bảo. Bất ngờ là vị khách thậm chí quay lại cửa hàng để xin lỗi.
Tại xưởng may Thiên thần, công nhân được nhận vào đào tạo nghề và thử việc đều được lĩnh lương. Từ mức lương 2 triệu đồng tại những xưởng may gia công nhỏ dưới quê, ở TokyoLife, họ bắt đầu có thu nhập 4-5 triệu, những người tay nghề tốt đã vươn lên mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng.
Anh H.V.X, 33 tuổi, người Huế tâm sự: "Trước đây ra đường mình cũng khá tự ti, vì hay bị người khác nhìn ngó. Nhưng giờ mình thấy mình là người có ích, tạo ra giá trị cho xã hội, có thu nhập tốt nên không thua kém ai cả".
Anh X. nghĩ đến một ngày tìm kiếm được tình yêu của đời mình, giống như nhiều anh chị trong xưởng may đã tìm thấy nhau và nên duyên vợ chồng.
Dù ở xưởng may hay ở cửa hàng, những người khuyết tật sau khi được tuyển dụng vào TokyoLife đều được tiếp cận với tài liệu, chương trình đào tạo và nhận được sự hướng dẫn cụ thể để có thể bắt tay vào công việc một cách nhanh chóng. Tùy vào mong muốn và khả năng, các nhân sự có thể làm việc ở khối văn phòng. Ban lãnh đạo và cả đội ngũ quản lý cũng tham gia vào quá trình hoà nhập bằng việc đi học lớp ký hiệu để có thể giao tiếp với nhóm người điếc trong công ty.
Đến nay, TokyoLife đang có 4 Ngôi nhà Thiên thần tại Hà Nội và Đà Nẵng, tiến tới tương lai 10% cửa hàng trong toàn hệ thống TokyoLife sẽ được chuyển đổi thành không gian do người khuyết tật vận hành, đạt mục tiêu nâng tổng số người khuyết tật trong công ty lên khoảng 300 người.
Niềm hạnh phúc của chị Thoa sau 5 năm phụ trách Xưởng may thiên thần là chứng kiến sự thay đổi rõ rệt của các công nhân.
"Tôi nhận thấy các bạn không còn ích kỷ vì lợi ích bản thân, không tham lam, bon chen trong công việc, trong cuộc sống như ngày xưa. Và rõ rệt nhất chính là các bạn biết yêu thương hơn" - Chị Thoa nói.
Tinh yêu đó không chỉ là yêu thương và trân trọng chính bản thân mình hơn, mà còn là tình yêu thương giữa những người cùng làm tại xưởng. Đó là việc "người lành" đem tặng "người rách" một đôi dép khi thấy họ không có dép để đi, là khi mọi người cùng đem quần áo, tiền bạc để giúp đỡ một công nhân quá nghèo khó, ôm lấy nhau chia sẻ niềm vui khi đạt được dấu mốc mới trong công việc hay cuộc đời…
Còn với riêng chị Thoa, điều chị thu lại được còn nhiều hơn thế.
"Vốn là người nóng tính, hay nói to, ít nhiều có sự ích kỷ trong cuộc sống và công việc, nhưng khi làm việc cùng các bạn, sống trong sự chân thành, thật thà, tinh thần vượt khó vượt khổ của các bạn thì tôi đã không còn ích kỷ nữa" - Chị Thoa vui vẻ nói.
Người phụ nữ hổ báo năm nào giờ "lột xác" hoàn toàn, luôn nhẹ nhàng, điềm tĩnh. Ánh mắt chị lấp lánh ánh sáng khi một "người con" trong xưởng may Thiên thần đứng trước ống kính máy quay, tự tin chia sẻ về câu chuyện cá nhân, và cười hạnh phúc mỗi lần các bạn khẳng định: Mình muốn làm ở đây, mình sẽ không chuyển đi đâu cả.
"Những nỗi khó khăn thì nhiều lắm, nhưng mỗi lần đồng hành cùng một bạn giải quyết khó khăn ấy, tôi cảm thấy như mình đã trả được một nghiệp, nhẹ nhõm và thanh thản lắm" - Chị Thoa nói.
"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
Nhịp sống thị trường