Trong muôn vàn hình ảnh về người phụ nữ Việt Nam đảm đang, câu chuyện của Thanh Vũ nổi bật như một nốt nhạc mạnh mẽ giữa bản giao hưởng thường nhật. Không chỉ là một vận động viên siêu bền đầu tiên của Việt Nam, Thanh Vũ (tên thật Vũ Phương Thanh) còn là biểu tượng của quyết tâm và ý chí vượt qua mọi giới hạn.
Đối mặt với những thử thách khắc nghiệt trên các cung đường đua, Thanh không chỉ chinh phục các giải đấu quốc tế mà còn thách thức những định kiến xã hội về vai trò và khả năng của người phụ nữ. Hành trình của Thanh không đơn thuần chỉ là câu chuyện cá nhân, nó là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho những ai đang loay hoay tìm kiếm lý do để tiếp tục, cho những ai đang chùn chân trước thử thách. Qua từng bước chạy, cô đã chứng minh được rằng: bản lĩnh và sự kiên cường sẽ không bị giới hạn bởi bất kỳ rào cản nào.
“Nữ siêu anh hùng” Thanh Vũ - khi mỗi cột mốc không chỉ là thành tích mà còn là biểu tượng cho sức mạnh phi thường.
Thanh Vũ (tên thật là Vũ Phương Thanh) lớn lên trong một gia đình bình thường ở Hà Nội, nơi thể thao không phải là điều được ưu tiên, càng không phải là lựa chọn phổ biến cho những đứa trẻ. Tuổi thơ của cô gắn liền với những ngày tháng học hành, những trò chơi giản dị cùng hàng xóm, và nỗi lo thường trực của bố mẹ về một cô con gái yếu ớt. Sinh ra với vấn đề về phổi, Thanh thường xuyên ốm đau, xanh xao, và dường như không có ai, kể cả chính cô, nghĩ rằng mình sẽ có một ngày chinh phục những thử thách vượt xa sức tưởng tượng của con người.
Năm 2014, Thanh đang là một du học sinh tại Singapore bận rộn với nhịp sống hối hả của công việc, học tập. Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi cô tình cờ đọc được một bài báo về Marathon des Sables – giải chạy siêu bền nơi các vận động viên phải vượt qua 250km hoang mạc Sahara dưới cái nắng cháy da. Những hình ảnh ấy gợi lên trong Thanh một câu hỏi khiến cô trăn trở: "Liệu mình có thể làm được điều gì đó vượt qua giới hạn của chính mình không?". Ý tưởng ấy khởi đầu như một tia lửa nhỏ, cảm giác muốn thử thách bản thân, thoát khỏi sự quen thuộc và nhàm chán dần len lỏi trong tâm trí Thanh. Câu hỏi "Nếu mình bước ra khỏi vùng an toàn, mình có thể đi xa đến đâu?" đã thôi thúc cô biến ý tưởng thoáng qua thành hành động, dù hành trình phía trước đầy rẫy những khó khăn mà cô chưa từng lường đến.
Từ một cô gái chẳng mấy mặn mà với thể thao, Thanh bắt đầu chạy bộ từng bước, từng bước. Những ngày đầu không hề dễ dàng, Thanh chạy với đôi giày cũ mòn, trên những con đường công viên lát đầy lá rụng nơi chẳng có ai cổ vũ, cũng chẳng ai đồng hành. Thanh nhớ lại:"Ngày đầu tiên mình chỉ chạy được chưa đầy 2km, tim đập mạnh như thể sắp ngừng, cả người rã rời đến mức phải dừng lại giữa chừng". Không ai bắt buộc Thanh phải tiếp tục, bởi cô không phải vận động viên chuyên nghiệp và chẳng chịu áp lực phải chứng tỏ bản thân trước bất kỳ ai. Nhưng mỗi lần ý nghĩ dừng lại lóe lên, hình ảnh hoang mạc Sahara lại hiện ra trong tâm trí với những bước chân băng qua cát bỏng, những gương mặt rạng ngời khi về đích. Đó không chỉ là một đích đến xa vời, mà là lời nhắc nhở rằng cô có thể làm được nhiều hơn những gì bản thân từng nghĩ."Mỗi ngày mình cố gắng thêm một chút, chỉ để xem mình có thể tiến xa đến đâu" Thanh chia sẻ. Cảm giác chiến thắng chính mình, dù chỉ là chạy thêm vài trăm mét, dần trở thành động lực mạnh mẽ, giúp cô vượt qua sự mệt mỏi. Thanh nhận ra rằng hành trình này không chỉ là việc chạy, mà còn là cách cô đối diện với những giới hạn, nỗi sợ hãi và cả những hoài nghi trong lòng.
Lần đầu tham gia một cuộc thi marathon, Thanh không thể hoàn thành chặng đua. Thất bại ấy để lại nỗi buồn sâu sắc, nhưng thay vì từ bỏ, cô biến nó thành động lực để bước tiếp. Thanh bắt đầu thử thách bản thân trong những điều kiện khắc nghiệt hơn, như tập ngủ trên sàn nhà hay giảm khẩu phần ăn để làm quen với cảm giác thiếu thốn. Mỗi ngày, cô rèn luyện không chỉ thể lực mà còn ý chí, từng bước chuẩn bị cho mục tiêu tưởng chừng không thể…
Để chuẩn bị cho một cuộc thi khắc nghiệt như Marathon des Sables hay The Deca Ultra Triathlon, Thanh đã rèn luyện như thế nào, đặc biệt trong điều kiện thiếu thốn vừa đòi hỏi sức bền và ý chí phi thường?
Lúc mới bắt đầu, tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm gì với các cuộc thi siêu bền như thế này. Tôi khởi đầu bằng những buổi chạy ngắn trong công viên, sau đó từ từ tăng cường độ và thời gian tập luyện. Nhưng điều quan trọng nhất chính là rèn luyện ý chí. Tôi cố gắng tái tạo điều kiện khắc nghiệt để cơ thể và tinh thần quen với thử thách, như tập ngủ trên sàn nhà hay giảm khẩu phần ăn để thích nghi với việc thiếu thốn. Những trải nghiệm đó tuy khó khăn nhưng lại giúp tôi xây dựng một nền tảng thể chất và tinh thần vững vàng để chinh phục sa mạc khắc nghiệt.
Bất kỳ chặng đua nào Thanh tham gia đều yêu cầu rất nhiều sự chuẩn bị cả về thể lực lẫn tinh thần, vậy thì Thanh có thể chia sẻ một kỹ năng đặc biệt nào mà bạn đã học được trong quá trình luyện tập?
Điều quan trọng nhất tôi học được chính là khả năng thích nghi. Chẳng hạn, tôi đã tập làm quen với việc ngủ trong điều kiện thiếu thốn, hay cách xử lý cơn khát giữa môi trường khô cằn. Kỹ năng này không chỉ giúp tôi trên đường chạy mà còn trong cuộc sống hàng ngày khi đối mặt với những tình huống bất ngờ.
À, cuộc thi chạy trong tuyết gần đây là một trong những thử thách khó khăn nhất tôi từng đối mặt. Tôi phải tự kéo theo một chiếc xe chứa toàn bộ đồ dùng cần thiết, tự nấu tan tuyết để lấy nước, và đôi khi không gặp ai trên đường suốt hàng chục cây số. Điều kiện khắc nghiệt, như bị ngập trong tuyết hoặc nhiệt độ thay đổi đột ngột, khiến tôi phải thật cẩn trọng trong từng bước đi. Ngày đầu tiên, tôi bị sụp xuống hố tuyết và ướt hết tất, điều cực kỳ nguy hiểm trong môi trường lạnh. Dù khởi đầu khá chậm chạp và lúng túng, tôi dần thích nghi và căn chỉnh sức lực phù hợp. Cuối cùng, tôi hoàn thành cự ly 500km trong 10 ngày, một trải nghiệm dạy tôi rất nhiều về sự kiên nhẫn, khả năng thích nghi, và cảm giác khiêm tốn trước những người đi trước, những người ở độ tuổi 50-60 vẫn khỏe mạnh vượt qua những thử thách tưởng như không thể.
Có khi nào Thanh cảm thấy cô đơn trên những cung đường khắc nghiệt như Marathon des Sables hay 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới, gồm: Sahara, Gobi, Atacama, Nam Cực?
Chắc chắn rồi, cô đơn là một phần không thể thiếu trong những thử thách như vậy. Nhưng chính cảm giác cô đơn đó lại giúp tôi có cơ hội lắng nghe bản thân mình nhiều hơn. Tôi học cách làm bạn với chính mình, chấp nhận những khuyết điểm, nỗi sợ và từ đó, tìm thấy sức mạnh để vượt qua. Mình nhận ra rằng để vượt qua hoang mạc, trước tiên mình cần vượt qua những giới hạn trong chính mình.
Một trong những trải nghiệm khó quên nhất của tôi là khi tham gia chặng đua 80km tại sa mạc Gobi năm 2016. Ngày hôm đó, nhiệt độ lên tới 51 độ C, nước uống nóng hơn cả cơ thể, còn thức ăn thì không thể nuốt trôi vì sức nóng. Tôi chứng kiến cả những vận động viên xuất sắc nhất cũng kiệt quệ, nằm gục bên đường như những bóng dáng tàn lụi, và bản thân tôi cũng cảm thấy hoang mang, sợ hãi. Không có bóng cây nào để trú ẩn, tôi phải tìm những hòn đá nhỏ để tránh nắng như một con vật tìm hang trú thân.
Đó là một ngày đầy giằng xé giữa việc tiếp tục hay bỏ cuộc. Nhưng ngay cả bỏ cuộc cũng không phải là giải pháp dễ dàng, có người còn bỏ cuộc phải chờ hàng giờ đồng hồ để được rút khỏi chặng đua. Vì vậy, tôi ép mình ăn, dù ăn xong phải nhổ bỏ, chỉ để cơ thể lấy được chút năng lượng. Khi trời mát hơn vào buổi tối, tôi cố gắng tăng tốc để về đích trước khi bão cát ập đến. Nghe kể lại, những người còn trên đường khi bão cát nổi lên đã phải di chuyển trong cảnh mịt mù gần như không thấy gì và Ban tổ chức buộc phải rút họ về để bảo đảm an toàn.
Điều gì đã giữ Thanh tiếp tục tiến bước?
Khi vượt qua thử thách này, tôi mới nhận ra khó khăn thực sự bắt đầu sau đó. Trở về, tôi bị ám ảnh bởi những gì đã trải qua, thậm chí mất niềm tin vào mục tiêu của mình. Tôi tự hỏi liệu những rủi ro này có đáng không. Hai tuần sau đó, ngày nào tôi cũng khóc vì sợ hãi và cảm giác tội lỗi. Nhưng nhờ sự động viên của cộng đồng, tôi tìm lại được niềm vui trong mỗi bước chạy, coi đó là một đặc ân, và điều này đã giúp tôi tiếp tục chinh phục hai sa mạc cuối cùng trong thử thách. Có những lúc chân đầy bọng, toàn bộ cơ thể gào thét dừng lại, nhưng ngay khi mình sức nhớ lý do mình bắt đầu, động lực lại trở lại. Những lúc kiệt quệ, tôi luôn nghĩ đến lý do lớn hơn bản thân, chính là việc trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia và hoàn thành những thử thách này. Tôi tin rằng điều đó sẽ tạo ra một nền tảng, một nguồn cảm hứng cho những người khác tiếp tục chinh phục những điều vĩ đại. Khi mọi thứ trở nên khó khăn, tôi tập trung vào từng bước nhỏ, không nghĩ xa về quãng đường còn lại, mà chỉ cố gắng làm tốt từng bước một. Quan trọng nhất, tôi học cách biết ơn cơ hội mình có, sự hỗ trợ từ cộng đồng, và coi mỗi bước tiến là một đặc ân. Sau những giai đoạn khó khăn như vậy, tôi càng nhận ra giá trị của việc có một hệ thống hỗ trợ vững chắc từ bạn bè, đồng đội và những người luôn tin tưởng, truyền cảm hứng để tôi tiếp tục tiến về phía trước. Tôi nghĩ rằng, nếu không bước tiếp, mình sẽ đánh mất không chỉ cuộc thi này mà còn là một phần quan trọng trong cuộc sống. Khi chạy, tôi thấy rõ giới hạn của mình, và cũng thấy cách vượt qua nó.
Khoảnh khắc nào trong những hành trình khắc nghiệt này để lại dấu ấn sâu đậm nhất với Thanh?
Khoảnh khắc đáng nhớ nhất với tôi là khi tôi bước qua vạch đích của Marathon des Sables lần đầu tiên. Đó không chỉ là chiến thắng cá nhân, mà còn là sự khẳng định rằng tôi đã vượt qua nỗi sợ và giới hạn của chính mình. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trên ngực áo khi ấy khiến tôi vô cùng tự hào. Tôi nghĩ, đó là sự nhắc nhở rằng không có điều gì là không thể. Mỗi bước chân là một cuốn phim quay chậm, nó cho thấy khả năng vượt qua giới hạn của chính bản thân. Quan trọng nhất, khi bạn dám bước, thế giới có thể thay đổi dưới đôi chân bạn.
Trên mỗi chặng đường, từng bước chân của Thanh là một cuộc đối thoại nội tâm, nơi cô phải lựa chọn giữa tiến lên hay dừng lại. Chính trong những thời khắc tưởng chừng muốn bỏ cuộc, cô dần hiểu được giá trị của tự do – tự do vượt qua nỗi sợ, tự do phá bỏ những rào cản mà xã hội từng đặt ra cho phụ nữ. Mỗi bước chạy trên cát nóng bỏng không chỉ là một thử thách về thể chất, mà còn là hành trình cô khám phá sức mạnh bên trong chính mình. Thanh luôn nhắc nhở bản thân lý do cô bắt đầu, nhớ về cô gái nhỏ từng không tin rằng mình có thể chạy xa hơn vài trăm mét. Từng vết đau, từng hơi thở nặng nhọc không làm cô chùn bước, mà trở thành động lực để Thanh chứng minh rằng bất kỳ ai, chỉ cần đủ quyết tâm, đều có thể vượt qua mọi giới hạn.
Thanh Vũ không chỉ chạy vì bản thân mà còn vì lá cờ tổ quốc. Hình ảnh cô mang lá cờ đỏ sao vàng đi khắp thế giới đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng người Việt và cả quốc tế. Cô trở thành biểu tượng cho ý chí của người phụ nữ Việt Nam hiện đại: nhỏ bé nhưng mạnh mẽ, kiên cường nhưng đầy khiêm nhường.
Thanh từng chia sẻ rằng, mỗi cuộc thi là một trải nghiệm độc nhất, không chỉ thử thách sức bền mà còn mở ra cơ hội giao lưu với những con người đến từ khắp nơi trên thế giới. "Những người tôi gặp trên đường chạy là nguồn cảm hứng lớn nhất", từ những cuộc trò chuyện bên đường chạy đến những ánh mắt đồng cảm khi vượt qua chặng cuối, cô nhận ra thể thao là ngôn ngữ không biên giới, một cách để hiểu rõ hơn về bản thân và văn hóa của những người xung quanh.
Thanh thường chia sẻ rằng mỗi cuộc thi là một hành trình đặc biệt. Vậy những khoảnh khắc giao lưu với các vận động viên khác có ý nghĩa như thế nào với bạn?
Với tôi, những người mà mình gặp trên đường chạy chính là nguồn cảm hứng lớn nhất. Có lần, tôi trò chuyện với một vận động viên người Đức – cô ấy mạnh mẽ như một chiến binh, luôn giữ được sự bình thản trong mọi hoàn cảnh. Hoặc một lần khác, tôi ngưỡng mộ sự kiên trì và cách tập trung tuyệt đối của một vận động viên người Pháp. Những câu chuyện của họ khiến tôi nhìn nhận lại chính mình, tự hỏi làm thế nào để mình cũng có thể tạo ra những tác động tích cực như vậy.
Trong những cuộc giao lưu ấy, bạn có bao giờ cảm thấy mình khác biệt hay gặp phải sự nghi ngại từ những người xung quanh không?
Chắc chắn là có. Đôi lúc, tôi cảm nhận rõ ánh mắt tò mò khi họ thấy tôi lúng túng trong một môi trường hoàn toàn xa lạ. Nhưng thay vì né tránh, tôi chọn cách đối mặt. Tôi muốn mọi người thấy rằng, dù xuất phát điểm của tôi có khác, nhưng sự nỗ lực và quyết tâm có thể xóa bỏ mọi ranh giới. Quan trọng hơn, tôi không chỉ học hỏi từ họ mà còn muốn để lại những điều tích cực qua cách mình ứng xử và vượt qua thử thách.
Thanh có cảm thấy áp lực với vai trò đại diện này không?
Có chứ, đôi lúc áp lực đến từ chính kỳ vọng của mình. Nhiều người trên đường chạy đã tò mò khi thấy tôi cầm lá cờ đỏ sao vàng và hỏi rằng tôi có gì để tự hào giới thiệu về Việt Nam không. Điều đó khiến tôi nhận ra rằng mình có thể là người Việt đầu tiên, thậm chí là duy nhất họ từng gặp. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng hết sức để làm tốt nhất, để khi họ nhìn vào, họ không chỉ thấy một vận động viên mà còn cảm nhận được tinh thần và niềm tự hào của cả một đất nước. Với tôi, mỗi hành động, mỗi bước chân đều mang ý nghĩa giới thiệu và lan tỏa hình ảnh tích cực của Việt Nam đến thế giới.
Đằng sau một Thanh Vũ mạnh mẽ trên đường chạy, bạn có bao giờ yếu lòng? Làm thế nào để vượt qua những cảm xúc đó?
Có chứ, tôi cũng có những khoảnh khắc yếu lòng như bất kỳ ai. Những lúc mọi thứ không như ý, tôi chọn cách đối mặt thay vì trốn tránh. Viết nhật ký hoặc dành thời gian suy ngẫm trong yên tĩnh giúp tôi hiểu bản thân hơn. Chính những giây phút yếu đuối ấy lại trở thành động lực để tôi đứng lên mạnh mẽ hơn.
Bạn có lời khuyên nào cho những người đang muốn thử sức ở lĩnh vực mới nhưng vẫn còn do dự?
Đừng sợ thất bại. Sợ hãi chỉ khiến bạn đánh mất cơ hội để thử sức. Hãy bắt đầu từ những bước đi nhỏ và kiên trì mỗi ngày. Mỗi bước tiến, dù nhỏ bé, đều là một chiến thắng. Điều quan trọng là tin vào bản thân và không ngừng cố gắng – bạn sẽ bất ngờ với những gì mình có thể đạt được.
Bạn có ước mơ về việc thế hệ trẻ Việt Nam sẽ đạt được những điều gì vượt xa cả hành trình của bạn? Và nếu có thể giúp đỡ thế hệ sau, bạn muốn làm gì để họ tự tin hơn trên hành trình của mình?
Tôi rất tin tưởng vào thế hệ trẻ. Gen Z Việt Nam sáng tạo và tràn đầy năng lượng. Tôi mong các bạn sẽ không ngần ngại thử sức ở những lĩnh vực mới mẻ, từ thể thao đến khoa học, thậm chí khám phá vũ trụ. Điều quan trọng nhất là không giới hạn bản thân, luôn tin rằng mình có thể làm nên những điều phi thường.
Tôi muốn hỗ trợ các bạn trẻ thông qua những hoạt động cộng đồng hoặc tìm kiếm tài trợ. Khi tôi bắt đầu, tài chính và thời gian là những trở ngại lớn. Nếu thế hệ trẻ có thể sớm hội tụ đủ các yếu tố như tài chính, thời gian và sự ưu tiên, tôi tin họ sẽ làm được những điều còn lớn lao hơn rất nhiều.
Hành trình của Thanh Vũ không chỉ dừng lại ở những bước chân vượt qua hoang mạc hay những cuộc thi đầy khắc nghiệt mà đó là cách cô khẳng định rằng bất kỳ ai, dù xuất phát điểm thế nào, cũng có thể vượt qua giới hạn của chính mình. Mỗi người đều mang trong mình tiềm năng phi thường, chỉ cần họ đủ dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn và kiên trì theo đuổi mục tiêu. Và cô luôn khao khát một ngày không xa, sẽ có thêm những người trẻ Việt Nam tự tin tiến ra thế giới, để mỗi khi ai đó nhìn vào, họ không chỉ thấy những con người tài năng, mà còn cảm nhận được tinh thần bất khuất, mạnh mẽ và tràn đầy niềm tự hào dân tộc.
Tổ Quốc