Số lượng du khách đổ tới Venice, Italy quá lớn khiến "Thành phố tình yêu" rơi vào cảnh nhếch nhác, xô bồ và có nguy cơ trở thành khu vui chơi giải trí "Disneyland trên biển".
Du khách Trung Quốc nằm trong số hàng chục triệu người tới Venice tham quan mỗi năm. Ảnh: New York Times
"Này các cậu, hãy nhanh nhanh đi nào. Chúng ta không có nhiều thời gian đâu", cô gái trẻ người Mỹ nói với những người bạn đang len lỏi giữa đám đông du khách trên con phố chật hẹp gần trung tâm Venice. Khung cảnh quyến rũ tới mê người ở thành phố nổi tiếng nước Ý giờ đây nhường chỗ cho sự xô bồ, huyên náo như những khu vui chơi giải trí của Disneyland khi phải tiếp đón quá nhiều người đổ tới.
"Này các cậu, hãy nhanh nhanh đi nào. Chúng ta không có nhiều thời gian đâu", cô gái trẻ người Mỹ nói với những người bạn đang len lỏi giữa đám đông du khách trên con phố chật hẹp gần trung tâm Venice. Khung cảnh quyến rũ tới mê người ở thành phố nổi tiếng nước Ý giờ đây nhường chỗ cho sự xô bồ, huyên náo như những khu vui chơi giải trí của Disneyland khi phải tiếp đón quá nhiều người đổ tới.
Venice giờ đây đầy "khách phượt", những người chỉ dừng chân một ngày để khám phá thành phố mộng mơ. Âm thanh quen thuộc trên những con đường là sự ồn ã và tiếng xe đẩy chở vali hành lý lăn trên những con phố. Trên những con kênh đào nổi tiếng, tàu thuyền chen chúc và di chuyển chậm dãi. Tiếng Anh, tiếng địa phương, tiếng Trung Quốc hay những ngôn ngữ khác khiến bầu không khí càng trở nên hỗn độn.
Những chuyến bay giá rẻ, những siêu tàu du lịch đưa lượng lớn du khách tới Venice vào mỗi buổi sáng. Những ngôi nhà cũng dần dần được thay thế bởi các khách sạn, nhằm phục vụ lượng lớn người ghé thăm. Dù hút được lượng lớn du khách nhưng giới chức Italy lại tỏ ra ngao ngán về cái họ gọi là "du lịch chất lượng thấp" đồng thời xem xét giới hạn số lượng du khách có thể vào thành phố mỗi ngày.
Dario Franceschini, Bộ trưởng Văn hóa Italy, than thở: "Nếu bạn đến cùng một con tàu lớn, sau khi xuống cảng, bạn sẽ có 2 hay 3 giờ để đi như chạy theo người hướng dẫn viên du lịch. Họ đưa bạn tới những danh thắng nổi tiếng của thành phố trước khi trở lại tàu. Đây là kiểu du lịch vắt chân lên cổ, kéo theo những hệ lụy với thành phố".
Ông Franceschini cũng nhấn mạnh vẻ đẹp của Venice không chỉ nằm ở kiến trúc mà còn là các hoạt động của thành phố, cách ăn uống hội họp của con người nơi đây. "Chúng ta phải giữ gìn bản sắc của thành phố", Bộ trưởng Franceschini nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững ở Venice thay cho cảnh tượng xô bồ hiện nay.
Bản thân người dân Venice cũng đã chán ngấy cảnh 20 triệu du khách đến đây mỗi năm. Thậm chí, các cửa hàng còn đặt dấu mũi tên hướng về Quảng trường St. Mark hay Ponte di Rialto để tránh phải liên tục trả lời du khách hỏi thăm.
Số lượng lớn du khách đổ về khiến Venice trở nên đông đúc và chật chội. Ảnh: New York Times
Phần lớn tàu thuyền muốn vào thành phố buộc phải đi qua kênh Giudecca. Tuy nhiên, sự hiện diện của những con tàu lớn giống như nhật thực che mặt trời. Không ít người trong số cư dân Venice đã tổ chức hiệp hội chống lại những con tàu lớn nhằm ngăn chúng đổ hàng nghìn du khách xuống đây mỗi lượt.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, những con tàu khổng lồ cũng mang tới Venice những món tiền lớn, điều mà nó cần khi vai trò thành phố cảng đang ngày càng suy yếu. Các tàu du lịch không chỉ mang lại những khoản phí mà còn tạo công ăn việc làm cho toàn bộ chuỗi cung ứng, trong đó có dịch vụ taxi trên sông.
Sáng sớm, những chiếc thuyền đậu đầy bến cảng để đưa rác thải và đồ giặt là vào khu vực xử lý trước khi mang đồ sạch và các mặt hàng ra Venice. Ảnh: New York Times
Giống như mọi nơi khác trên thế giới, khách du lịch tới Venice cũng có những nhu cầu về ăn nghỉ, mua sắm hay các dịch vụ khác. Đắt hàng ở thành phố này là quà lưu niệm, trong đó có mặt nạ, đồ chơi truyền thống, những chiếc thuyền buồm nhỏ, áo bóng đá, túi xách…. Tuy nhiên, những công việc này phù hợp hơn với người lớn tuổi, khiến nhiều người trẻ rời đi nơi khác.
Bruno Ravagnan, một người dân địa phương 33 tuổi sống bằng nghề kéo xe chở hành lý cho du khách, nhận định: "Cuộc sống ở đây ngày càng khó khăn".
Venice đang trở nên rất khác trong mắt những người từng nhiều năm gắn bó. Ảnh: New York Times
Những người ở lại Venice chuyển tới sống ở những khu vực cách xa trung tâm thành phố, nơi luôn chật kín du khách. Họ muốn tận hưởng bầu không khí yên bình nhưng đó chỉ là sự yên bình bề ngoài. Tommaso Mingati, 41 tuổi, kể về những thiếu thốn mà du khách gây ra khi đổ qua nhiều về đây. Mọi dịch vụ của thành phố đều đã quá tải.
Buổi sáng, khoảng 2.500 khách sạn của thành phố đồng loạt thay ga trải giường và các loại khăn cần giặt. Venice không thể đáp ứng cho chúng nên vào lúc bình minh, tàu thuyền sẽ mang đồ bẩn và rác thải ra Tronchetto, hòn đảo nhân tạo đang được dùng làm bãi đậu xe cho những chiếc xe tải tới từ đất liền. Khi trở về, những con tàu mang theo khăn và ga sạch, nước uống và thực phẩm và những món đồ tiêu dùng khác.
Ngoài ra, sự hiện diện của du khách cũng khiến những giá trị truyền thống của Venice biến mất gần như hoàn toàn. Ngay cả những lễ hội truyền thống và đầy tự hào của người dân nơi đây cũng trở nên "lạ lẫm" bởi sự góp mặt của quá nhiều du khách. Một người sống 20 năm ở Venice nhận định, thành phố này chỉ thực sự là chính mình vào lúc sáng sớm, khi phần lớn du khách đã rời đi và lượt du khách mới chưa kịp thức dậy để đến.
Chứng kiến những gì đã xảy ra với thành phố mà mình đã sống cả đời, mẹ của ông Mingati tỏ ra tiếc nuối khi mô tả nó là "Disneyland trên biển". Cách nói ví von của người phụ nữ cao tuổi cho thấy thực trạng xô bồ như một công viên giải trí ở thành phố từng được cả thế giới ngưỡng mộ và ao ước một lần ghé thăm – Thành phố tình yêu.
Trí Thức Trẻ