img
Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 1.

“Thật đáng kinh ngạc, đây là Bệnh viện E!” - đồng nghiệp tôi bày tỏ ngạc nhiên khi cùng tôi quay lại bệnh viện mà trước đây từng ám ảnh cô bởi sự nhếch nhác, thiếu chuyên nghiệp khi tới khám. Bệnh viện E nay đã “lột xác” từ trong ra ngoài với nghĩa đen của nó, từ cơ sở hạ tầng cho tới các dịch vụ dành cho người bệnh “chẳng kém cạnh bệnh viện tư hiện đại”.

Chính điều này đã thôi thúc tôi tìm gặp “kỹ sư trưởng” tạo nên sự lột xác của bệnh viện - GS Lê Ngọc Thành, giám đốc Bệnh viện E - để nghe về cách ông “thay da, đổi thịt” nơi từng được gọi là bệnh viện “quê”.

Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 3.

Ngọc Minh: Nói chuyện với GS. Đặng Hanh Đệ tôi mới biết, ông là vị trưởng khoa đầu tiên của BV Việt Đức dám bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện "quê". Tôi rất muốn biết lý do đằng sau câu chuyện ông rời Bệnh viện Việt Đức…

Giáo sư Lê Ngọc Thành: Tôi là người thẳng thắn, không thích vòng vo. Nhân cuộc nói chuyện này tôi cũng trả lời luôn thắc mắc của chị. Khi làm ở BV Việt Đức, tôi không có khúc mắc gì với bệnh viện hay cá nhân. Quyết định sang Bệnh viện E không có một ý đồ gì trước.

Lý do rất đơn giản, tôi làm ở BV Việt Đức 27 năm, giữ chức vụ trưởng khoa Tim mạch - Lồng ngực Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức từ 2004-2010. Có lẽ trong lịch sử mổ tim tại BV Việt Đức, nơi mà tôi làm việc tại đó với cương vị trưởng khoa, từ năm 2004 -2009, số lượng ca mổ tim được coi là lớn nhất từ trước đến nay, và lần đầu tiên chúng tôi triển khai được mổ tim hở cho trẻ em dưới 10kg (năm 2005).

Tuy nhiên, dù là số lượng ca nhiều nhất, dù chúng tôi đã rất cố gắng, thì con số cũng chỉ được 800 ca/năm. Tôi vẫn luôn mong muốn có thể mổ được nhiều ca tim mạch hơn nữa, mổ được cho trẻ sơ sinh…, nhưng do nhiều yếu tố nên tất cả chỉ dừng lại ở đó. Đúng lúc đó tôi nhận được một lời mời về Bệnh viện E để phát triển trung tâm tim mạch. Và tôi biết cơ hội của mình đã đến.

Tháng 9/2009, tôi xuống Bệnh viện E thăm quan, lúc đó quanh cảnh xung quanh bệnh viện vô cùng tồi tàn. Nhưng đập vào mắt tôi là một tòa nhà to sừng sững (toà nhà H hiện nay) nên tôi đồng ý ngay. Tôi nghĩ, tại nơi đây, tôi sẽ xây dựng một trung tâm tim mạch hiện đại, tăng được số lượng mổ tim.

Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 4.

Ngay sau khi tôi nhận lời về bệnh viện E làm việc thì tôi cũng đổi ô tô luôn. Vợ tôi thấy lạ vì sao tự nhiên lại đổi xe mới. Tôi nói với bà ấy: “Đổi xe trước khi sang nơi mới, không sau này mới đổi, người ta lại nghĩ mình kiếm chác được” (GS Thành cười lớn - pv).

Ngọc Minh: Tôi rất tò mò, không biết ai là người đã mời được ông về Bệnh viện E?

Giáo sư Lê Ngọc Thành: Mọi chuyện đến với tôi rất tình cờ. Một ngày đẹp trời của mùa thu tháng 8 năm 2009, khi đang chở con trai đi học (nay cháu đã là bác sĩ phẫu thuật), tôi nhận được một cuộc điện thoại từ số lạ. Đầu dây bên kia tự xưng danh "anh Triệu đây". Tôi ngớ người một lúc mới sực nhớ, chắc là anh Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ.

Cách đây một năm, vào nửa đêm, tôi cũng nhận được cuộc gọi số lạ nói “anh Triệu đây”, tôi buột miệng: Triệu nào??? Thực sự mà nói, bác sĩ tại BV Việt Đức, họ chỉ tập trung chuyên môn và thường không để ý tới việc khác. Tôi cũng vậy, nghĩ chẳng phải lên Bộ Y tế làm gì, mà lên Bộ cũng không đến lượt mình, nên tôi cũng không lưu số Bộ trưởng, vì nghĩ sẽ chẳng bao giờ có việc gọi nhờ.

Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 5.

Rút kinh nghiệm cho lần trước, tôi đáp vâng. Đầu dây bên kia anh Triệu nói: "Chú đang ở đâu, cho anh địa chỉ, 2 giờ chiều có người tới nhà đón chú đi TP.HCM với anh".

2h chiều tôi tới nhà anh Triệu đã thấy có giáo sư Phạm Gia Khải đang ngồi trong nhà từ trước. Lúc đó tôi mới biết, mình được đi hội chẩn cho Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông bị phồng động mạch chủ bụng. Thầy Khải biết tôi rành về vấn đề đó nên đã nói với anh Triệu muốn tôi đi cùng.

Lúc ngồi trên ô tô ra sân bay Nội Bài, anh Triệu có hỏi tôi về vấn đề mổ tim. Tôi nói rất cụ thể những thuận lợi và khó khăn. Anh Triệu nghe xong rất tâm đắc và muốn tôi về Bệnh viện E để xây dựng dự án trung tâm tim mạch tại đây.

Khi vào TP.HCM hội chẩn cho Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải tại Bệnh viện Thống Nhất, có cả e-kip BV Chợ Rẫy sang. Sau hội chẩn thì vấn đề phồng động mạch chủ bụng của nguyên Thủ tướng không phải can thiệp, tôi cùng anh Triệu, thầy Khải về khách sạn nghỉ để mai về Hà Nội sớm.

Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 6.

Lần đầu tiên đi công tác với Bộ trưởng, tôi nghĩ sẽ được ở khách sạn “xịn” nhưng không phải vậy, chúng tôi chỉ ở nhà khách của Bộ Y tế. Nửa đêm hôm đó, anh Triệu sang phòng tôi gọi cửa: "Thành ơi! Cậu nói về mổ tim lúc chiều có thật không?".

Trong cơn ngái ngủ tôi lẩm nhẩm: "Nói chuyện với Bộ trưởng ai nói dối". Bộ Trưởng Triệu mừng ra mặt: "Được rồi, mai ra Hà Nội anh sẽ họp".

Sau đó, anh Triệu về Hà Nội trước, tôi lỡ chuyến phải về chuyến sau. Hôm sau, vào chiều ngày thứ 3, tôi nhận được cuộc điện thoại mời ngày mai lên Bộ Y tế họp đề án phát triển mổ tim tại Bệnh viện E.

Ngay sau khi nhận lời Bộ trưởng, về BV Việt Đức, tôi đã bàn với team của mình lên đường xuống Bệnh viện E. Tất cả mọi người đều đồng ý cùng tôi đi khai phá một vùng đất mới, phát triển tim mạch. Ai cũng hừng hực khí thế, nhưng sau đó rơi rụng gần hết chỉ một số ít người ra đi.

Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 7.
Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 8.

Ngọc Minh: Nhắc đến chuyện này, có vẻ ông rất suy tư. Chắc hẳn lúc đó, ông đã phải chịu rất nhiều áp lực?

Giáo sư Lê Ngọc Thành: Thời điểm đó, về mặt chuyên môn, tôi không có gì áp lực. Nhưng lại có vô số rào cản khác. Nhiều người không muốn tôi xây dựng trung tâm tim mạch.

Anh Triệu đã thành lập một Hội đồng khoa học bao gồm các lãnh đạo Bộ và rất nhiều lãnh đạo của các bệnh viện lớn để đóng góp ý kiến. Rất nhiều người phản đối, ngay cả Bệnh viện E cũng chỉ muốn thành lập khoa tim mạch.

Tính tôi vốn thẳng thắn nên chẳng sợ mất lòng ai. Tôi nói với anh Triệu: "Nếu anh tin em, chắc chắn em sẽ làm được và làm thật tốt". Anh Triệu đã giao cho tôi toàn quyền quyết định thành lập Trung tâm tim mạch.

Ngọc Minh: Bệnh viện thiếu thốn đủ bề, nhiều người vẫn không muốn ông phát triển thành công trung tâm tim mạch… Chắc hẳn, để thực hiện ca mổ đầu tiên thành công là điều không hề dễ dàng?

Giáo sư Lê Ngọc Thành: Khi triển khai mổ tim tại Bệnh viện E, đụng tới cái gì cũng thiếu, bác sĩ thì chưa được đào tạo bài bản. Để thực hiện ca mổ tim đầu tiên, tôi đã phải bỏ tiền túi của mình ra để cho bác sĩ đi học. Tôi đã cho 2 nhân viên của bệnh viện đi học về xét nghiệm. Tôi nói với hai bác sĩ : "Em ơi! Chịu khó đi học giúp anh nhé!"

Mọi thứ đã xong, tới ngày gần mổ, tôi nói nhân viên đưa tôi đi kiểm tra hệ thống nước. Khi kiểm tra nước, tôi tá hỏa, cốt bể ngầm chứa nước cho tòa nhà H còn thấp hơn bể phốt của bệnh viện. Bệnh viện chưa mưa đã ngập, mùa hè nước ngập như mùa mưa. Nếu mổ mà làm nhiễm trùng bệnh nhân thì rất nguy.

Ngay lập tức tôi gọi điện cho anh Triệu đề nghị cho bỏ bể ngầm và xin mua 6 téc nước 100 khối để trên mặt đất. Lúc đó, tôi thở phào... tý thì chết.

Có lần tôi điện cho anh Triệu, chị Hạnh (vợ anh Triệu) nghe điện giọng lo lắng hỏi: "Thành ơi, chị hỏi thật có mổ được không?". Tôi khẳng định: "Mổ được!"

Sau hơn một tháng bị hoãn, ca mổ tim đầu tiên tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cũng đã được triển khai và kết quả thành công ngoài sự mong đợi.

Ngọc Minh: Có phải do bị cản trở, nhiều người vây lại "đánh" nên có một thời gian dài ông chỉ đi khám bệnh từ thiện, ít mổ xẻ?

Giáo sư Lê Ngọc Thành: Sau khi Trung tâm thành lập, chúng tôi cũng mổ thành công được khoảng hơn 10 ca. Nhưng sau đó gặp nhiều cản trở, tôi rảnh quá nên đi khám bệnh miễn phí cho tất cả bệnh nhân nghèo ở các tỉnh phía Bắc.

Mọi người đồn tôi đi khám bệnh miễn phí để thu dung bệnh nhân, nhưng chưa bao giờ tôi khuyên bệnh nhân về bệnh viện E mổ. Tôi dặn các bác sĩ tại Trung tâm chỉ tư vấn cho bệnh nhân hướng điều trị.

Đưa bác sĩ của Trung tâm đi khám bệnh miễn phí cho người dân nghèo, tôi mong muốn qua những lần đi từ thiện sẽ giúp họ thấu hiểu được nỗi khổ của những bệnh nhân nghèo, họ cần bác sĩ tới nhường nào!

Nhưng, đi làm từ thiện mà tôi vẫn có người gửi đơn kiện. Họ vu cho tôi tham ô, tham nhũng, bịa đặt đủ thứ chuyện trên đời. Đơn thư liên quan tới tôi nhiều tới mức Thanh tra Chính phủ phải vào làm việc. Kết quả cuối cùng, thanh tra kết luận tôi chẳng tham ô, tham nhũng, còn việc thiếu cái này thừa cái kia thì bệnh viện nào cũng xảy ra.

Sau đó, tôi xin anh Triệu cho Trung tâm được hạch toán độc lập. Nhờ vậy mà Trung tâm dần phát triển, nhiều bệnh nhân tìm tới mổ tim hơn. Bác sĩ của Trung tâm cũng có nguồn thu, bác sĩ không còn chịu cảnh đi làm không đủ ăn như trước.

Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 10.

Ngọc Minh: Cách đây 5-6 năm, khi đưa người nhà tới khám tại bệnh viện E, cảm quan của tôi lúc đó là nơi này khá nhếch nhác. So với hồi đó, có thể nói bây giờ, bệnh viện đã “lột xác” từ trong ra ngoài. Ông đã làm những gì để bệnh viện có được ngày hôm nay?

Giáo sư Lê Ngọc Thành: Tôi tự đánh giá mình là một trong những lãnh đạo… sướng. Việc tới đâu tôi làm tới đó và đã nhận làm là quyết liệt chứ không có kế hoạch định sẵn.

Năm 2015, Bộ Y tế giao quyền phụ trách Bệnh viện E, lãnh đạo Bộ phụ trách chuyên môn các bệnh viện nhắc nhở tôi trong thời gian này nhớ giữ gìn, đừng làm gì... Tính tôi không làm thì cảm thấy ngứa ngáy. Sau 2 tuần ngồi trên ghế phụ trách bệnh viện, tôi quyết định phải làm gì đó.

2 việc đầu tiên tôi làm: Thứ nhất, làm biển chỉ vào Bệnh viện E; Thứ 2, chuyển toàn bộ xe rác trước cửa bệnh viện ra chỗ khác. Nghĩ là làm, tôi gọi điện ngay cho chủ tịch quận nhờ giúp. Ngày hôm sau khi xe rác đã được chuyển đi chỗ khác, tôi đang ngồi trong phòng, một người phụ nữ vào gõ cửa xin gặp: "Em xin bác cho em 1 phút. Nhà em ở ngoài cổng viện hôm nay vào đây cảm ơn bác. Nhờ có bác mà nhà em hết cả mùi hôi thối".

Nhưng tôi nói thật, xây dựng bệnh viện khang trang, sạch sẽ, tôi thấy là việc quá dễ, ai cũng làm được. Nhưng thay đổi về mặt con người thì vô cùng vất vả.

Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 11.

Cả một thời kỳ dài, bệnh viện E bị lãng quên, các bác sĩ trẻ không được đi đào tạo tới nơi tới chốn. Một bệnh viện muốn phát triển thì phải có con người. Khi lên làm giám đốc, tôi tuyên bố với tất cả nhân viên trong bệnh viện: "Tôi không lấy rào cản bảo hiểm để giữ bệnh nhân lại. Bác sĩ phải phấn đấu, điều trị tốt để giữ bệnh nhân. Để có được bệnh nhân thì bác sĩ cần phải học. Ngẫm từ tôi, không tự dưng làm tốt mà đều phải học hết, học đâu ra đấy. Không học gì làm sao có được bệnh nhân".

Bệnh viện E chưa có tên tuổi gì nên không thể cạnh tranh được với bệnh viện lớn. Tôi có nói vui với các bác sĩ trẻ “các em tranh thủ thời gian lúc này khi ở các bệnh viện khác họ đang mải kiếm tiền thì mình đi học, và học ở nước ngoài như tôi đã từng học. Lấy cái tận tình với người bệnh để giữ người bệnh lại với mình".

Trước năm 2015, bệnh nhân ở Bệnh viện E chuyển đi nhiều hơn bệnh nhân chuyển đến, tiền quỹ bảo hiểm tiêu không hết. Sau 2 năm, cán cân thay đổi dần. Từ năm thứ 3, bệnh nhân chuyển đến nhiều hơn chuyển đi, bệnh viện luôn trong tình trạng vỡ quỹ BHYT.

Hiện, các bác sĩ bệnh viện nô nức đi học một cách bài bản trong và ngoài nước. Với lứa bác sĩ này, tôi dự đoán 3-5 năm nữa sẽ "chín". Lúc đó bệnh viện E sẽ hết sức vững vàng.

Ngọc Minh: Thu hút được nhân tài đã giúp thay đổi vị thế Bệnh viện E? Nhiều bác sĩ giỏi có tiếng trong giới kể với tôi, họ nhận được nhiều lời mời về các bệnh viện lớn, nhưng chọn Bệnh viện E sau cuộc nói chuyện với giáo sư…

Giáo sư Lê Ngọc Thành: Tôi không hứa hẹn bất cứ điều gì với bác sĩ vì tiền bạc, vị thế Bệnh viện E đều không có. Tôi chỉ nói với các bác sĩ đó: "Nếu cậu cứ ở bệnh viện lớn thì mãi mãi cũng chỉ có cái mác làm ở bệnh viện đó. Nhưng nếu về Bệnh viện E thì cậu có toàn quyền thực hiện các ý tưởng, các cậu làm được thì tên của các cậu được biết đến".

Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 12.

Một bác sĩ khi tới Bệnh viện E, tôi chỉ nói 2 điều: "Anh giỏi giang ở đâu tôi không biết, nhưng làm ở bệnh viện phải chịu khó và trung thực. Điều thứ 2 là đừng bao giờ suy nghĩ “lúa ngắn ngày”….

Có những bác sĩ đang thu nhập cả trăm triệu ở bệnh viện lớn nhưng chấp nhận về bệnh viện E. Môi trường làm việc của bệnh viện là cực kỳ cởi mở giúp bác sĩ tha hồ áp dụng ý tưởng của họ.

Ngọc Minh: Khi nói chuyện với nhiều bác sĩ làm ở Bệnh viện E, tôi thấy họ chia sẻ: Làm việc tại bệnh viện tiền ít nhưng họ thấy hạnh phúc…

Giáo sư Lê Ngọc Thành: Quan điểm quản lý của tôi là lấy đức để trị người chứ không phải pháp trị. Tôi giao toàn quyền cho bác sĩ tự sáng tạo, phát triển khoa, và luôn nhắc nhở các bạn là xây dựng khoa phòng như nhà của mình và để làm được việc đó phải biết tập hợp và chia sẻ, cảm thông với tất cả mọi người. Tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho tất cả mọi người, ngay cả những người thời gian trước kiện tụng mình.

Về quyền lợi kinh tế tôi không hề hứa hẹn vì bệnh viện còn nghèo. Nhưng nếu muốn học hành thì tôi đảm bảo. Bác sĩ không có tiền đi học, tôi sẵn sàng cùng bệnh viện bỏ tiền túi đầu tư cho học thêm. Tôi cũng nói với các bác sĩ trong viện: "Bệnh viện E không sẵn nong, săn né như các bệnh viện khác nên các em sẽ phải tự lập".

Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 13.
Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 14.

Ngọc Minh: Làm đúng chuyên môn yêu thích lại được thỏa sức sáng tạo thì ai cũng thích. Nhưng ông bà có câu "có thực mới vực được đạo" nên ít ai có thể hạnh phúc trọn vẹn nếu thu nhập không đủ giúp gia đình có một cuộc sống tốt?

Giáo sư Lê Ngọc Thành: Đúng vậy. Bác sĩ làm nghề muốn sống được thì cũng phải có thu nhập để lo cho cuộc sống gia đình. Lương của bác sĩ Bệnh viện E chắc chỉ đủ ăn, đủ tiêu. Bác sĩ của bệnh viện thu nhập khoảng 20 triệu/tháng, bác sĩ ngoại khoa cao hơn khoảng 30-40 triệu/ tháng. So với nơi khác, mức thu nhập như thế có thể là hơi thấp. Nhưng để bù đắp cho điều đó, họ được làm việc trong môi trường thân thiện, đoàn kết, mọi người coi nhau như người thân trong gia đình.

Nghề y là một ngành nghề có đặc thù riêng liên quan tới việc điều trị cho con người. Những sai sót về mặt chuyên môn dẫn đến tai biến, thậm chí khiến cho bệnh nhân tử vong, là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, những sai sót đó đều không phải do ý chủ quan của bác sĩ.

Đã có những trường hợp, khi xảy ra tai biến, mọi trách nhiệm đều đổ lên đầu bác sĩ. Nhưng tại bệnh viện E, khi tôi làm giám đốc, nếu không may có ca tai biến, bệnh viện đều đứng ra giải quyết cùng các bác sĩ. Tới thời điểm này tôi chưa từng kỷ luật một ai trong bệnh viện.

Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 15.

Nhưng, dù bệnh viện đứng ra nhận trách nhiệm, dù không bác sĩ nào bị xử lý kỷ luật, thì tôi vẫn luôn nhắc nhở các bác sĩ của mình: “Các em phải luôn cố gắng làm tối đa những điều tốt nhất cho bệnh nhân. Nếu không may có tai biến, biến chứng, ngay cả tử vong thì lòng mình cũng thanh thản không phải ân hận gì, vì các em đã làm hết sức và phải hiểu là: chữa bệnh nhưng không thể chữa được mệnh và không được có tư tưởng ban ơn, làm phúc cho người bệnh vì đây là nghề của mình, và luôn nhớ phải làm tốt nhất”.

Ngọc Minh: Bác sĩ Bệnh viện E có nhận phong bì của bệnh nhân?

Giáo sư Lê Ngọc Thành: Nghề y có một điều rất khác là liên quan tới con người, con người thì có tình cảm. Vì vậy, sau khi khỏi bệnh sẽ có những bệnh nhân tới cảm ơn bác sĩ, và xã hội phải coi đây là việc làm bình thường.

Cần phải hiểu đúng, ở đây là chuyện nhận phong bì bệnh nhân cảm ơn, khác với chiếc phong bì kiểu vòi vĩnh bệnh nhân trong thời gian điều trị. Tôi luôn nhắc bác sĩ của mình, nếu vòi vĩnh gây khó khăn cho bệnh nhân hay kê đơn thuốc để ăn tiền hoa hồng của hãng đều là vi phạm y đức. Tôi thường “doạ”: “Nhân quả báo ứng sớm lắm, các cậu phải cẩn thận đấy!”

Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 16.

Còn với món quà bệnh nhân cảm ơn sau khi điều trị khỏi bệnh, bác sĩ vẫn có thể nhận. Bản thân tôi giờ không làm gì vẫn có nhiều người biếu quà. Khi họ thực tâm, tôi vẫn nhận rồi sau đó chia lại cho nhân viên của mình.

Tôi còn nhớ, ca bệnh đầu tiên mổ tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, là một bệnh nhân mổ u trung thất. Sau ca mổ, bệnh nhân có cảm ơn Trung tâm một phong bì 6 triệu để “mở hàng”, giúp trung tâm may mắn. Và tôi vẫn nhắc bác sĩ trong khoa phải biết ơn bệnh nhân đó. Nhờ có ca "mở hàng" thành công mang lại may mắn, trung tâm mới phát triển như ngày hôm nay.

Chiếc phong bì nhiều tiền nhất mà tôi từng nhận là 260 triệu từ một bệnh nhân Việt kiều sống tại Anh. Năm 2012, bệnh nhân vào Trung tâm Tim mạch để mổ thay van tim. Khi mổ xong, bệnh nhân nói: "Anh Thành ơi! Em thấy các bác ở đây khó khăn và thiếu thốn quá, em thì có điều kiện. Nếu em mổ tại Anh, số tiền của em mất sẽ gấp 10 lần số tiền biếu các bác". Món quà của bệnh nhân này sau đó, tôi gửi lại bệnh viện.

Tôi thấy có những bệnh nhân giúp bác sĩ của tôi mua nhà giá rẻ, nhập hộ khẩu thời bao cấp… còn quý hơn tiền nhiều.

Ngay cả mẹ đẻ tôi chữa bệnh người già tại bệnh viện E - nơi chính con trai cụ đang làm giám đốc, khi ra viện, cụ bảo: "Con ơi! Mày cho mẹ mấy chai rượu để biếu các bác tại khoa" và cụ còn tự mang hoa quả biếu.

Do vậy đừng nhầm lẫn việc bác sĩ nhận những món quà người bệnh gửi để cảm ơn với việc vòi vĩnh phong bì phạm vào y đức. Trường hợp này, ai nói bác sĩ nhận phong bì là nói bậy.

Tôi chỉ có một lưu ý với các bác sĩ, học trò của mình, tuyệt đối không lấy tiền của người nghèo, dù họ có muốn cảm ơn mình.

Ngọc Minh: Tôi được biết, ông mới nhận thêm chức hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học quốc gia Hà Nội và ông không hề nhận lương của trường. Chắc hẳn thu nhập của ông phải rất "khủng"?

Giáo sư Lê Ngọc Thành: Thu nhập chỉ đủ tiêu thôi (cười lớn). Tôi có rất nhiều nguồn thu từ làm chuyên môn (phẫu thuật, hội chẩn, mổ ở các bệnh viện khác…), quản lý, khám bệnh, hướng dẫn đề tài nghiên cứu sinh, dạy học… Tới thời điểm này, tổng thu nhập của tôi cỡ vào khoảng 800 triệu đến 1 tỷ/ năm.

Tôi còn có một khoản tiền dự trữ tích được từ những lần tôi đi Pháp làm việc. Ngày tôi đi Pháp, lương bác sĩ Việt Nam học bên đó chỉ 4.000-6.000 Franc, nhưng tôi có may mắn hơn về vấn đề chuyên môn mà được các thầy người Pháp tín nhiệm cho làm nhiều nơi nên tôi thường nhận khoảng 20.000 – 24.000 Franc. Số tôi không giàu nên giờ cũng chỉ đủ ăn đủ tiêu. Nhưng nhờ vốn tích cóp tại Pháp nên khi về Việt Nam, tôi có đầy đủ mọi thứ, do vậy tôi dễ làm việc hơn, không phải bon chen.

Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 18.

Ngọc Minh: Tháng 8 tới đây ông sẽ nghỉ quản lý. Ông có đề cử ai thay vị trí lãnh đạo bệnh viện của mình?

Giáo sư Lê Ngọc Thành: Ngay khi nhận thông báo của Bộ Y tế, tôi lập tức triệu tập họp Đảng ủy, Ban Giám đốc xin ý kiến về kiện toàn nhân sự Bệnh viện (đề cử giám đốc và bổ sung 1 phó giám đốc). Một điều tôi cảm thấy rất vui khi tập thể lãnh đạo bệnh viện đồng thuận 100% đề nghị Bộ Y tế cho phép lấy nguồn tại chỗ để thay thế. Các anh trên Bộ còn rất ngạc nhiên vì điều này chưa có tiền lệ: lãnh đạo chưa về hưu đã đề xuất việc thay thế mình.

Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 19.

Người mà chúng tôi đề cử thay thế cho vị trí của tôi là người đang làm tại Bệnh viện E. Tôi lựa chọn người thay thế dựa vào 2 điều:

Thứ nhất, bác sĩ đó đủ tiêu chuẩn, đủ phần cứng, đạo đức, tác phong tốt, trung thực trong công việc và cuộc sống, chuyên môn giỏi có khả năng hội nhập trong và ngoài nước, luôn hết lòng vì người bệnh và việc phát triển chuyên môn của bệnh viện…).

Thứ 2, không ai hiểu Bệnh viện E bằng các bác sĩ đã gắn bó, đóng góp cho sự phát triển của bệnh viện. Đề cử của tôi cũng là sự tin tưởng, gửi gắm niềm tin đối với những học trò đã bao năm âm thầm phụng sự, cùng với tôi gây dựng, mang lại uy tín cho Bệnh viện E cả trong và ngoài nước, và đặc biệt không hề tư lợi.

Tôi đề cử người trong bệnh viện cũng là mong muốn có một lãnh đạo hiểu bệnh viện và thực hiện những điều tôi còn đang làm dang dở. Vì 1 nhiệm kỳ làm giám đốc là quá ngắn cho việc xây dựng và phát triển đặc biệt là vấn đề “con người”.

Ngọc Minh: Vấn đề chạy chức, chạy quyền có tồn tại ở Bệnh viện E?

Giáo sư Lê Ngọc Thành: Tới thời điểm này tôi có thể khẳng định, lãnh đạo bệnh viện (từ phó giám đốc, trưởng khoa, phó khoa, điều dưỡng trưởng..) đều là do chúng tôi mời và bổ nhiệm, không có chuyện chạy chức ở Bệnh viện E trong thời gian tôi làm giám đốc. Người giỏi, nhưng tư cách không tốt, có tiền chạy chức vào bệnh viện E cũng không được.

Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 20.

Ngọc Minh: Sau khi nghỉ quản lý ông có kỳ vọng gì về tương lai của bệnh viện?

Giáo sư Lê Ngọc Thành: Đương nhiên là có, trước tiên tôi rất mong Bộ Y tế đồng thuận với đề cử của tôi. Đồng thuận ở đây không phải vì lợi ích nhóm, vì cá nhân mà vì sự phát triển lâu dài của bệnh viện, đưa Bệnh viện E trở thành một trong những bệnh viện hạng đặc biệt, là cơ sở hàng đầu của cả nước về phẫu thuật tim mạch, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và hội nhập với các nước phát triển. Mặt khác, bệnh viện nào cũng vậy, cần phải có sự ổn định mới có thể phát triển được, và đề cử của tôi đã được 100% Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện đồng thuận.

Kỳ vọng của tôi trong thời gian tới, Bệnh viện E vẫn sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo con người, phát huy các thế mạnh về chuyên môn sâu, tăng cường y đức để phát triển bền vững và nhanh chóng hòa nhập vào kỷ nguyên số.

Ngọc Minh: Cảm ơn ông về cuộc nói chuyện đã giúp cho mọi người có cái nhìn toàn diện hơn về đường hướng phát triển và thành công của một bệnh viện. Chúc ông sức khỏe và tiếp tục thành công!

Vị trưởng khoa đầu tiên của Việt Đức bỏ bệnh viện lớn về bệnh viện quê và cuộc cải tổ khiến ngành y kinh ngạc - Ảnh 22.
Ngọc Minh
Hoàng Anh
Dingtea
26.04.2021

Theo Ngọc Minh Ảnh: Hoàng Anh Thiết kế: Dingtea

Trí thức trẻ

Trở lên trên