Trong vài năm qua, sự chuyển dịch sang phân khúc ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam thể hiện khá rõ nét. Nhiều ngân hàng đã đặt mục tiêu phát triển bán lẻ, nhưng chỉ một số ít ngân hàng có chiến lược, định hướng cụ thể rõ ràng, và thực hiện chuyển đổi từ sớm bắt đầu gặt hái những thành quả ban đầu.
Việt Nam đang được kỳ vọng là một quốc gia tăng trưởng vững mạnh trong khu vực và sớm trở thành một trong những thị trường mới nổi ở tương lai gần. Bối cảnh ấy cùng sự gia tăng của dân số trẻ và tầng lớp trung lưu mang đến cơ hội rất lớn cho các ngân hàng bán lẻ có sự am hiểu thị trường và khách hàng.
So sánh với các nước trong khu vực, tỷ lệ người Việt sở hữu ô tô ở mức rất thấp, 16 xe/1000 dân, trong khi đó tại Thái lan 196 xe/1000 dân, Malaysia 341 xe/1000 dân, cao gần 20 lần so với Việt Nam.
Theo World bank, dự kiến dân số Việt Nam sẽ vượt mức 120 triệu người vào 2050, tăng trên 20 triệu người so với hiện tại. Đi kèm với tỷ lệ đô thị hóa nhanh, tăng trưởng dân số thành thị của Việt Nam giai đoạn 2020-2025 ở mức 2,2%, cao hơn các nước láng giềng như Indonesia (2%), Thái lan (1,6%). Bên cạnh đó, tỷ trọng dân số trẻ chiếm phần lớn và thu nhập của người dân gia tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu nhà ở, đặc biệt ở khu vực thành thị sẽ còn nhiều triển vọng tăng trưởng trong những năm tới.
Ngoài ra, thu nhập và nhận thức của người dân gia tăng sẽ dẫn tới sự tăng trưởng của các sản phẩm tài chính nâng cao như bảo hiểm và đầu tư. Hiện nay, tỷ lệ phí bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam chỉ ở mức trên dưới 1,56% GDP, trong khi ở các nước láng giềng, tỷ lệ này là 2-4% GDP.
Talkshow "Ngân hàng bán lẻ - Động lực bứt phá của Ngành Ngân hàng" diễn ra vào giữa tháng 12 vừa qua đã thu hút hơn 350.000 nhà đầu tư và môi giới chứng khoán, chứng tỏ sức hấp dẫn của nội dung này. Ông Daniel Tabbush – sáng lập viên Tabbush Report, chuyên gia phân tích nghiên cứu mảng ngân hàng thị trường khu vực Châu Á nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ đang ở giai đoạn sơ khởi và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng so với cấu trúc dân số và quy mô tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo ông Daniel Tabbush, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều tiềm năng hấp dẫn nhờ kỳ vọng phục hồi tích cực của nền kinh tế. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 lên tới 6.6%, cao hơn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, …
Về định giá ngân hàng, theo ông Daniel, chỉ số P/B chỉ phù hợp khi trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, lúc mà các nhà đầu tư quan tâm về tình trạng tài sản và giá trị sổ sách của ngân hàng. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và hồi phục nhanh chóng, chỉ số P/E sẽ phù hợp hơn, đặc biệt là chỉ số PEG (PE đã phản ánh tăng trưởng EPS) sẽ phản ánh bản chất mức độ tăng trưởng dự kiến của của doanh nghiệp. So với các ngân hàng trong khu vực với mức PEG từ 2-4, VIB và một số ngân hàng TMCP Việt Nam đang có mức định giá hấp dẫn với mức PEG 0.2- 0.4 lần (dưới 0.5 là rất tốt).
Xác định bán lẻ là chiến lược trọng tâm, VIB từ một ngân hàng có cấu trúc thiên về khách hàng doanh nghiệp đã chuyển đổi thành công thành ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp. Đây là một bước chuyển rất quan trọng, giúp ngân hàng đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm thiểu rủi ro tập trung, đồng thời mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai với xu thế đi lên của nền kinh tế và thu nhập đầu người tại Việt Nam.
Sau hơn 5 năm tích cực chuyển đổi toàn diện, hiện nay VIB đang là ngân hàng bán lẻ hàng đầu trong hệ thống ngân hàng với tỷ trọng lên đến 90% cơ cấu danh mục tín dụng, trong đó khoảng 93% dư nợ bán lẻ có tài sản đảm bảo – cả hai tỷ lệ này đều vượt trội so với ngành theo đánh giá của các chuyên gia. Với dư nợ bán lẻ tăng trưởng bình quân trên 50%/năm và chất lượng tài sản tốt, VIB 5 năm vừa qua là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng bán lẻ thuộc top đầu ngành.
Chia sẻ với các nhà đầu tư tại talkshow "Ngân hàng bán lẻ - Động lực bứt phá của Ngành Ngân hàng", bà Trần Thu Hương – Giám đốc chiến lược kiêm Giám đốc khối Bán lẻ VIB nhận định "Trong 5 năm tiếp theo, tiềm năng tăng trưởng của mảng ngân hàng bán lẻ sẽ tính bằng lần. Ngân hàng dẫn đầu sẽ là ngân hàng nắm bắt và giải quyết các nhu cầu của khách hàng cá nhân một cách vượt trội và trên quy mô lớn. "
Theo đại diện của VIB, phân khúc khách hàng trẻ (thế hệ Millenials và Gen Z) sẽ chiếm khoảng 85% danh mục khách hàng tới năm 2025. Hành vi của nhóm khách hàng này hoàn toàn khác với các khách hàng ở thế hệ U50 hay U60: họ hướng đến mua sắm, bảo hiểm và đầu tư vào nhiều loại tài sản mới thay vì tiết kiệm và đầu tư bất động sản như thế hệ trước. Nhu cầu cá nhân hóa và số hóa của nhóm khách hàng này rất cao, do đó, các ngân hàng dẫn đầu sẽ cần đưa ra các sản phẩm tiên phong và phù hợp.
Nhờ tiên phong áp dụng AI, Big Data và Machine Learning tại Việt Nam với mục tiêu phục vụ hàng chục triệu khách hàng bán lẻ, VIB đã cho ra mắt thành công các sản phẩm số hóa và nhanh chóng chiếm thị phần đáng kể trong thời gian vừa qua. Thẻ tín dụng VIB liên tục dẫn đầu xu thế thẻ tại Việt Nam với nhiều dòng sản phẩm độc đáo nhất trên thị trường, đón đầu nhu cầu của thế hệ Millenials và gen Z với công nghệ thẻ ảo và chi tiêu ngay chỉ sau 15-30 phút đăng ký hoàn toàn online. VIB cũng là ngân hàng có tốc độ chi tiêu trên thẻ và tốc độ tăng trưởng về thẻ tín dụng thuộc top đầu tại Việt Nam. Ngoài ra, VIB áp dụng số hóa cho các mảng kinh doanh bán lẻ dẫn đầu thị phần của mình trong nhiều năm qua như bán bảo hiểm, cho vay ô tô... Ngân hàng dự kiến sẽ giới thiệu ra thị trường nhiều sản phẩm tài chính số hóa đặc thù và duy nhất tại Việt Nam cho giới trẻ trong năm 2022.
Một số sản phẩm thẻ nổi bật của VIB
Kể từ khi chuyển hướng sang mảng bán lẻ, doanh thu và lợi nhuận của VIB ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng. Tăng trưởng kép lợi nhuận của VIB trong 5 năm qua đạt hơn 70%/năm, trong khi trung bình ngành chỉ ở mức 40% – 50%. Đặc biệt, danh mục bán lẻ đạt gần 90% giúp VIB không những gia tăng biên sinh lợi mà còn giúp phân tán rủi ro, đưa NIM sau khi điều chỉnh chi phí rủi ro của VIB vào top 3 các ngân hàng TMCP tư nhân hiện nay.
Với sự hồi phục tích cực của nền kinh tế cùng khả năng thích ứng linh hoạt bằng các sáng kiến chuyển đổi số, VIB dự kiến lợi nhuận năm 2021 sẽ gấp 10 lần so với năm đầu chuyển đổi và cao nhất trong lịch sử 25 năm hoạt động của ngân hàng. Kết quả này giúp nhà băng tiếp tục là ngân hàng sinh lời đầu ngành với tỷ lệ ROE lên đến gần 30% cao vượt bậc so với trung bình ngành hiện chỉ ở mức 18%.
“Những kết quả vượt bậc của VIB ngày hôm nay không phải là kết quả ngẫu nhiên của một vài yếu tố đơn lẻ, mà là nhờ một chiến lược dài hạn, nhất quán và tập trung trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam về quy mô và chất lượng. Với triển vọng của mảng bán lẻ đi kèm với dự báo phục hồi của nền kinh tế, VIB sẵn sàng cho sự bứt phá về tăng trưởng trong những năm tiếp theo dựa trên nền tảng chuyển đổi số, giải pháp tài chính vượt trội, và quản trị vững mạnh” - bà Hương chia sẻ.
Nhịp sống kinh tế