img

Bắn súng là một trong những môn lâu đời nhất của Olympic, được đưa vào chương trình thi đấu ở kỳ đầu tiên năm 1896 và duy trì cho đến nay (chỉ trừ năm 1904 và 1928). Nhắc tới những thành tích ấn tượng của bộ môn này của thể thao nước nhà, không thể không kể tới tấm HCV tại Olympic năm 2016 của Hoàng Xuân Vinh. 6 năm sau khoảnh khắc tỏa sáng vinh quang ấy, Hoàng Xuân Vinh trở thành HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam tại SEA Games 31. Tiếp tục viết tiếp truyền lửa và viết tiếp những giấc mơ lớn cho bắn súng nước nhà. 

Xuất hiện tại buổi phỏng vấn với trang phục đơn giản, ở Hoàng Xuân Vinh toát lên sự điềm tĩnh và cương nghị của một người được rèn giũa trong môi trường quân đội. Khi chia sẻ về hành trình dài suốt hơn 20 năm qua với bộ môn bắn súng, anh chỉ lặp đi lặp lại một từ: "Khổ luyện!".

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và 20 năm thăng trầm với bắn súng Việt Nam: “Chất thép trong tôi được tích luỹ ngày này qua ngày khác, khi đủ về lượng sẽ có biến đổi về chất” - Ảnh 1.

Từ khi nào anh phát hiện ra mình có năng khiếu với bộ môn bắn súng? 

Tôi học sĩ quan công binh ở Bình Dương và tốt nghiệp năm 1994 khi 21 tuổi. Trong môi trường quân đội, tôi tích cực tham gia nhiều bộ môn thể thao. Tiêu biểu là bộ môn 3 môn quân sự phối hợp (chạy, ném lựu đạn, bắn súng).

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và 20 năm thăng trầm với bắn súng Việt Nam: “Chất thép trong tôi được tích luỹ ngày này qua ngày khác, khi đủ về lượng sẽ có biến đổi về chất” - Ảnh 2.

Chơi được nhiều môn thể thao nhưng thành tích của tôi không quá xuất sắc… Riêng bắn súng là phù hợp, dễ dàng với tôi hơn cả. Tôi thấy bắn súng rèn cho con người ta là sự chính xác, bản lĩnh, tập trung và cả tư duy. Luyện tập nhiều thì bắt đầu thấy mình có năng khiếu, dần dần đam mê hơn. 

Tới năm 1998, tôi rời khỏi đơn vị đóng quân ở Thường Tín, tham gia phong trào bắn súng toàn quân. Những dịp đó, HLV của các trung tâm thể thao quân đội thường đi tìm kiếm, lựa chọn người có năng lực và tôi đã được các CLB xin về. Đó có thể coi là dấu mốc đầu tiên trong sự nghiệp. 

Leonardo De Vinci từng luyện vẽ quả trứng cả nghìn lần khi bắt đầu hội họa. Việc luyện tập trong bắn súng thì sao?

Với các bộ môn đồng đội, yếu tố chiến thuật và kỹ thuật rất quan trọng. Còn các bộ môn cá nhân, kỹ năng lại là then chốt. Luyện tập môn bắn súng có sự lặp đi lặp lại nên rất dễ chán. Làm những việc khó, lặp đi lặp lại nhiều lần thì không phải rèn luyện nữa mà là khổ luyện. Muốn thành công thì phải duy trì đam mê liên tục, ý chí bền bỉ, tinh thần và kỷ luật cao. 

Trung bình tôi luyện tập 8 tiếng/ngày ngắm bắn, giữ súng. Ngoài giờ đó, tôi chơi thể thao bổ trợ, dành thời gian thiền định, khí công. Những người chơi bắn súng như tôi có tính cách trầm tĩnh, không sôi nổi, vội vàng. 

Thực tế, luyện tập bắn súng là quá trình chiến đấu và vượt lên chính mình. Ngoài luyện kỹ năng, tôi tự tìm hiểu, trang bị cho mình kiến thức về dinh dưỡng để chăm sóc cho chính mình. Khó khăn nhất với bắn súng đó là phải vượt qua những thói quen đời thường, kiềm chế trước những món ăn ngon, sở thích cá nhân có tác động không tốt đến sức khoẻ, thành tích. 

Bạn sẽ phải từ bỏ những thói quen rất đơn giản như được nghỉ ngơi tuỳ ý, xem ti vi, đi chơi hay ăn những món ăn mình thích…. Nghe rất đơn giản, nhưng đó lại là quá trình đấu trí với bản thân cam go. Bởi chỉ cần tặc lưỡi 1 lần, là phá vỡ kỷ luật, công sức luyện tập có thể tan thành mây khói. Và đỉnh cao thực sự không dành cho những ai vô kỷ luật.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và 20 năm thăng trầm với bắn súng Việt Nam: “Chất thép trong tôi được tích luỹ ngày này qua ngày khác, khi đủ về lượng sẽ có biến đổi về chất” - Ảnh 3.

Động lực nào giúp anh vượt qua những khó khăn, thách thức mỗi ngày như vậy? 

Trong bắn súng, để người học trò luyện tập hăng say không bị nhụt chí, sự động viên của người thầy rất quan trọng. Người thầy biết động viên, mở ra tầm nhìn về tương lai, nhưng mục tiêu lớn lao cho học trò, sẽ giúp học trò nâng cao tinh thần, củng cố niềm tin. Ví dụ như HLV nói với tôi: Em sẽ trở thành nhà vô địch, châu Á, Olympic… 

Ngoài ra, việc đặt mục tiêu sẽ là kim chỉ nam dẫn đường cho con đường tôi đi. Với tôi, làm bất cứ điều gì cũng cần có mục tiêu và có kế hoạch, phương pháp logic, khoa học để đạt được mục đích đó. Trong khó khăn, có niềm vui, khi đạt được mục tiêu thì mình thấy rất toại nguyện với những gì mình mong muốn. 

Việc đạt mục tiêu được tôi xác định ngay từ khi bước vào giải đấu đầu tiên năm 2001. Tôi đặt ra kế hoạch luyện tập từng ngày, với thầy và tự tập thêm buổi tối. Sau giờ tập với thầy, tôi tập chạy thêm 5-7km, tập bơi, tập cơ bắp với dây thun để bổ trợ… 

Bên cạnh đó, tôi luôn tự hỏi. những năm tháng tôi tập luyện, hy sinh cuộc sống cá nhân sẽ đánh đổi lại được gì. Mục tiêu đó có phải điều mình mong muốn không. Mỗi lần đạt được mục tiêu là một lần tôi củng cố thêm niềm tin vào năng lực của bản thân. 

Nhiều người có tố chất nhưng không được động viên, thổi bùng ngọn lửa khao khát đúng cách nên vẫn cảm thấy tự ti.

Có một học trò từng nói với tôi: "Trong đợt thi đấu vừa rồi em cảm thấy hơi buồn vì không đạt được mục tiêu mình mong đợi". Thực tế, có người chỉ mong được huy chương... Tôi nói với các em rằng: "Những mục tiêu đó cũng tốt, nhưng nếu chỉ thi đấu bằng thành tích thì nó hơi tầm thường. Em chưa cố gắng đủ, triệt để. Nếu cảm thấy hôm nay buồn vì chưa đạt được như ý thì hãy nỗ lực hơn nữa".

Có những người đạt được thành tích cao nhưng lại biến thành tích trở thành một giới hạn, khiến mình khó vươn lên tầm cao mới. Thể thao là một nghề, cũng là một niềm đam mê cần có sự khổ luyện mới có thể vươn tới đỉnh cao mới.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và 20 năm thăng trầm với bắn súng Việt Nam: “Chất thép trong tôi được tích luỹ ngày này qua ngày khác, khi đủ về lượng sẽ có biến đổi về chất” - Ảnh 5.

Vai trò của HLV trong sự nghiệp của mỗi VĐV là điều không thể phủ nhận. Anh có thể chia sẻ về những thầy của mình? 

Tôi có khoảng 4-5 người thầy dẫn dắt. Người đã nhìn ra tài năng và cho tôi cơ hội thi đấu là thầy Trịnh Dũng. Sau đó là thầy Lê Tuấn Đồng và thầy Nguyễn Quốc Cường và chuyên gia Park Chung Gun. Đó là những người làm công tác quản lý, đã giúp đỡ tôi rất nhiều. 

Người thầy tác động nhiều nhất đối với tôi là chị Nguyễn Thị Nhung - HLV trưởng đội bắn súng. Chị Nhung là người dẫn dắt đội tuyển bắn súng suốt 16 năm, đồng hành với những VĐV nhiều dấu ấn, trong đó có tôi. 

Nhiều khi nói vui rằng, không thầy đố mày làm nên. Chị Nhung là người đồng hành lâu nhất và hiểu tôi nhất. Bản thân tôi cũng rất hiểu người thầy của mình. Sự thấu hiểu giữa HLV và VĐV rất quan trọng đối với thành tích thể thao.

Tôi và chị Nhung có sự thấu hiểu từ suy nghĩ tới tư duy, tập luyện và tư tưởng trong thể thao. Nhưng không phải lúc nào tôi và chị Nhung cũng vui vẻ, hòa hợp. Chúng tôi cũng thường có những mâu thuẫn, xung đột xung quanh vấn đề luyện tập. Chị Nhung đã góp phần giúp tôi rèn tính kỷ luật, kiên trì khi tập luyện.

Ngoài việc đưa ra những yêu cầu, chị Nhung còn là 1 người bạn, người chị tinh thần của tôi. Trong bộ môn bắn súng, kỹ năng là thứ ai cũng có thể rèn luyện được. Rèn luyện lặp đi lặp lại trong nhiều năm, những kỹ năng của ai cũng giống nhau. Nhưng để có thể áp dụng các kỹ năng tốt nhất trong điều kiện thi đấu căng thẳng, có trạng thái, có cường độ, có sức ép thì hoàn toàn khác. 

Tuy nhiên, khi có tinh thần thép, sự bình tĩnh thì kết quả mang lại sẽ hoàn toàn khác. Nếu thả lỏng tinh thần, tư duy thì bạn khó mà vượt qua những áp lực khi thi đấu. Chị Nhung là người rất nghiêm túc, đưa ra những yêu cầu rất khắt khe với các tiêu chí luyện tập. Tôi cho rằng, rất ít HLV có thể làm được điều này 1 cách triệt để.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và 20 năm thăng trầm với bắn súng Việt Nam: “Chất thép trong tôi được tích luỹ ngày này qua ngày khác, khi đủ về lượng sẽ có biến đổi về chất” - Ảnh 6.

Gia đình phản ứng như thế nào khi anh chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp?

Ban đầu, bố tôi đã định hướng cho tôi con đường nhà binh chuyên nghiệp bằng cách đi học sĩ quan. Khi tôi chuyển sang chơi thể thao chuyên nghiệp, ông cũng đồng tình, ủng hộ. Bố dặn tôi rằng, làm nghề gì cũng được, quan trọng là ở bản thân mình có ý chí phấn đấu ra sao.

Khi còn trẻ, chưa lập gia đình, tôi thường ở đơn vị cả tháng mới về nhà 1 lần. Ngoài thời gian tập huấn, rèn luyện, ngày nghỉ tôi cũng ở lại để tập thêm hoặc nghỉ ngơi. Nhưng thú thật, sau khi có gia đình nhỏ, thời gian tôi có thể về nhà thực sự rất ít. Có khi 1-2 tháng mới về nhà 1 lần. Mọi chuyện trong nhà, đối nội, đối ngoại, chăm sóc con cái đều do 1 tay vợ tôi vun vén. 

Từ 2001-2021, có khi tổng thời gian tôi ở VN chỉ khoảng 10 năm, 10 năm còn lại tôi ở nước ngoài, đi tập huấn ở khắp nơi. Vợ thay tôi lo toan hết mọi việc. Bấy giờ, điều kiện kinh tế cũng không quá tốt. Vợ tôi thực sự làm cả vai trò của người chồng người cha. Sự tảo tần, vất vả dường như trở thành thói quen.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và 20 năm thăng trầm với bắn súng Việt Nam: “Chất thép trong tôi được tích luỹ ngày này qua ngày khác, khi đủ về lượng sẽ có biến đổi về chất” - Ảnh 7.

Trước sự hy sinh thầm lặng đó của vợ, anh động viên cô ấy thế nào? 

Tôi thường xuyên gọi điện về hỏi thăm chuyện nhà, động viên tinh thần và bù đắp bằng việc lo kinh tế tốt hơn. Nhưng thực sự không tránh khỏi thời điểm con ốm đau vợ tôi phải một mình đưa con đi viện, một mình chăm con. 

Nói chung, những người phụ nữ chấp nhận làm bạn đời với lính, chưa tính đến lính chơi thể thao, thì phải hy sinh rất lớn khi chồng thường xuyên vắng nhà. Họ có tình cảm son sắt và cực kỳ bền bỉ mới vượt qua được những cô đơn, tủi thân khi không có người chồng bên cạnh cùng gánh vác trọng trách gia đình. Tôi rất trân trọng sự vất vả, tảo tần của vợ. Nhờ có sự hy sinh rất nhiều từ cô ấy, tôi có thể yên tâm với sự nghiệp thể thao. 

Có một lần, khi tôi đi tập huấn nước ngoài thì con nhỏ ở nhà nghịch và bị keo 502 bắn vào mắt. Khi ấy, nếu có tôi ở nhà thì chắc mọi việc sẽ được xử lý ổn và đỡ vất vả hơn. Nhưng vợ tôi cũng đã làm rất tốt khi sơ cứu cho cháu và đứa con đi bệnh viện để bóc tách vết keo. Vợ tôi nuôi con rất khéo, chuẩn bị rất kỹ lưỡng việc chăm sóc con. Trộm vía con tôi cũng ít ốm đau, lại có sự hỗ trợ từ ông bà ngoại, nên may mắn không có chuyện gì quá nghiêm trọng xảy ra.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và 20 năm thăng trầm với bắn súng Việt Nam: “Chất thép trong tôi được tích luỹ ngày này qua ngày khác, khi đủ về lượng sẽ có biến đổi về chất” - Ảnh 8.

Khi thi đấu chuyên nghiệp, yếu tố nào làm nên một cú bắn thành công? 

Tâm lý. Nhưng đây là yếu tố không thể luyện rèn. Ngoài ra, là sự kết hợp của tố chất con người và sự luyện tập kỹ năng mỗi ngày và một người thầy động viên, đồng hành. 3 yếu tố đó sẽ rèn cho VĐV một bản lĩnh tâm lý thép. 

Ngày xưa, tôi chơi thể thao vì đam mê, thi đấu để chinh phục đỉnh cao, vượt lên chính mình chứ không có những toan tính vật chất như được bao nhiêu tiền thưởng…. 

Bây giờ, chỉ những VĐV thực sự đam mê mới có thể đạt được vinh quang trong thể thao. Người nào chỉ thi đấu vì mưu sinh thì rất là khó.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và 20 năm thăng trầm với bắn súng Việt Nam: “Chất thép trong tôi được tích luỹ ngày này qua ngày khác, khi đủ về lượng sẽ có biến đổi về chất” - Ảnh 9.

Sau khi giành HCV Thế vận hội 2016, cuộc sống của anh đã thay đổi như thế nào? 

Thành tích thay đổi cuộc sống của tôi, cho tôi sự nổi tiếng và tất nhiên là về tài chính tốt, cuộc sống dư giả một chút hơn trước. Nhưng những điều đó không tác động quá lớn đối với tôi.

Có người từng hỏi tôi, tại sao đạt được đỉnh cao rồi thì không giải nghệ trong vinh quang. Nhưng tôi tự đặt câu hỏi cho mình là: Nghỉ để làm gì. Bởi bắn súng là đam mê và là công việc tôi theo đuổi. Chỉ khi nào đam mê, nhiệt huyết giảm sút thì lúc đó tôi sẽ dừng. 

Người ở đỉnh cao vinh quang, ngoài những lời khen, cũng có không ít ý kiến phản biện. Có bình luận cho rằng "thành tích đó chỉ là ăn may". Anh đã đối mặt với những ý kiến trái chiều đó ra sao? Đương nhiên, khi có thành tích, trở thành người của công chúng, thì không thể tránh những ý kiến trái chiều. Nhưng với bản lĩnh của một người lính, tôi luôn hiểu và đối mặt một cách bình thản.

Khi đạt được vinh quang thì sẽ có sự ghen tị, bon chen nhất định. Điều đó là điều thường xảy ra trong xã hội. Mình cần sự khôn khéo để dung hòa các mối quan hệ nhằng nhịt, phức tạp. Mình là người hiểu mình nhất, đừng quá tâm đến những người khác. 

Tôi không quan tâm nhiều về những lời nói của người khác. Tôi vẫn tiếp tục công việc và mục tiêu của mình, chỉ khi cảm thấy đến lúc cần thiết tôi mới dừng lại. 

Suy nghĩ về chặng đường tôi luyện bản thân suốt hơn 40 năm qua, anh mô tả bản thân bằng từ gì? 

Khát vọng. Tôi luôn có niềm tin mãnh liệt với cuộc sống, và chính mình. Tôi luôn nỗ lực mỗi ngày để đạt được mục tiêu của mình một cách tích cực. Cuộc sống của tôi như một bức tranh đã được vẽ nét đứt trước. Nỗ lực mỗi ngày của tôi giúp tô đậm nét những mục tiêu và biến nó trở thành hiện thực.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và 20 năm thăng trầm với bắn súng Việt Nam: “Chất thép trong tôi được tích luỹ ngày này qua ngày khác, khi đủ về lượng sẽ có biến đổi về chất” - Ảnh 10.

Khi đã hiểu vinh quang đi cùng với hy sinh và trả giá, có bao giờ anh nghĩ nếu không theo bắn súng anh sẽ làm nghề gì?

Nghề sẽ chọn người. Tôi cũng không định hướng, gò ép con cái. Không ai có thể xác định nghề mình muốn theo là gì. 

Anh nghĩ thế nào để "chất thép" trong mình? 

Thép được tôi luyện sẽ cứng có thể chặt đứt bất cứ thứ gì. 

Thép được tôi tức là được rèn luyện qua một môi trường khắc nghiệt. Tôi cũng không hoàn toàn được tôi như thép, nhưng luôn nỗ lực hàng ngày hàng giờ. Đó là sự tích lũy ngày này qua ngày khác. Khi sự tích lũy đủ về lượng sẽ có biến đổi về chất. Càng tập luyện, chín chắn hơn, tôi càng thấy cuộc sống của mình thăng trầm, như quá trình luyện thép. 

Trong cuộc sống này, muốn thành công đương nhiên phải rèn luyện, trải qua những khó khăn, gian khổ. Đúng như thông điệp: Mọi sự thành công đều có giá của nó, phải trải qua thăng trầm với đam mê, khổ luyện và kiên trì nỗ lực. 

 Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và 20 năm thăng trầm với bắn súng Việt Nam: “Chất thép trong tôi được tích luỹ ngày này qua ngày khác, khi đủ về lượng sẽ có biến đổi về chất” - Ảnh 11.
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Ánh Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên