img
Xuất khẩu lao động: Những ngôi nhà báo hiếu xây từ mồ hôi, máu hay những giấc mơ đổi đời phải trả bằng cái giá quá đắt - Ảnh 1.
Xuất khẩu lao động: Những ngôi nhà báo hiếu xây từ mồ hôi, máu hay những giấc mơ đổi đời phải trả bằng cái giá quá đắt - Ảnh 3.

Hoàng Thị Hà, sinh năm 1988, quê ở Đô Lương, Nghệ An, tốt nghiệp đại học Thương Mại năm 2010, hiện là kế toán của một công ty xây dựng tại Hà Nội. Nhờ kinh nghiệm và sự chỉn chu, cô được trả lương ở mức cao so với đồng nghiệp cùng cấp là 16 triệu đồng/tháng. Một năm cô được nhận một lần thưởng vào dịp Tết Âm lịch, mức thưởng bằng 2 lần lương cộng thêm phần trăm thâm niên. Dù vậy sau gần 10 năm rời quê ra Hà Nội lập nghiệp, Hà vẫn chưa thành công theo định nghĩa của cô.

Bởi: "Chưa có chồng, chưa có nhà, chưa có xe, chưa có vốn liếng."

Từ đầu năm nay, Hà bàn với gia đình kế hoạch đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Dĩ nhiên, ở cái tuổi đầu 3 như thế, cả nhà không ai đồng ý cho Hà đi. Nhưng cô vẫn quyết tâm lên đường. Chi phí cô cần trả cho môi giới là 130 triệu đồng. 

Xuất khẩu lao động: Những ngôi nhà báo hiếu xây từ mồ hôi, máu hay những giấc mơ đổi đời phải trả bằng cái giá quá đắt - Ảnh 4.

Theo tính toán của Hà, mỗi tháng, sau khi trừ tiền ăn ở, Hà sẽ được chủ lao động trả cho khoảng 20-23 triệu đồng.

Anh chị Hà đều khuyên con số ấy không đáng để cô phải vất vả xa nhà, nhưng theo Hà, cả 10 năm nay cô vất vả làm việc nhưng đọng lại trong tay cũng chẳng có gì. Công việc gọi là cũng ổn định, tuy nhiên để nói là nhàn hạ thì không hề. Mang tiếng học hành đàng hoàng, có công việc nhiều người mơ ước trên tận Hà Nội mà một chuyến du lịch báo hiếu cho bố mẹ Hà vẫn chưa làm được. Sang "bên kia" 2-3 năm thôi có khả năng Hà sẽ thu về khoản vốn chừng 6, 7 trăm triệu rồi về kinh doanh gì thì kinh doanh, không thì đi làm kế toán lại, trả góp một căn chung cư nhỏ cho có chỗ ổn định. 

Xuất khẩu lao động: Những ngôi nhà báo hiếu xây từ mồ hôi, máu hay những giấc mơ đổi đời phải trả bằng cái giá quá đắt - Ảnh 5.

Hà cũng nói bạn bè cô ở quê, cả nam lẫn nữ đều đi xuất khẩu lao động từ lâu. Người đi Nga, người đi Nhật, Hàn, người sang Đức vì "Bằng tuổi tôi, không học hành như tôi, nhưng họ đã xây được nhà cho bố mẹ, có vốn liếng làm ăn cho tương lai."

Không dừng lại ở kế hoạch như Hà, ông Bằng, 48 tuổi, sống ở thôn Gia Mỹ, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, từng có 2 năm xuất khẩu lao động tại Nga và 2 năm làm việc ở Angola. Ông có 4 người con, hai trai hai gái. Cô con gái 22 tuổi vừa sang Đức làm việc ở một tiệm nail mới được ít tháng. Đây là chuyến đi thứ 3 của cô. Lần đầu tiên, cô đi "chui" từ Nga qua ngả Latvia, bị bắt và trục xuất. Lần thứ hai, cô đi chính ngạch, nhưng ra Hà Nội làm giấy tờ thì bị phát hiện đã lưu dấu vân tay ở châu Âu, thế là lại rớt. Đến lần thứ ba, chỉ sau 1 tuần, con gái ông gọi điện về báo đã tới "nơi". 

Xuất khẩu lao động: Những ngôi nhà báo hiếu xây từ mồ hôi, máu hay những giấc mơ đổi đời phải trả bằng cái giá quá đắt - Ảnh 6.

Ông Bằng từng hết lời khuyên con gái ở nhà lấy chồng, "hưởng lộc chồng" nhưng cô không nghe. Riêng cậu con trai 19 tuổi, ông khuyến khích cho đi. Con trai ông sang Đài Loan làm công xưởng, lương tháng 15 triệu. Ông bảo, so với việc cho con trai theo vợ chồng chị gái lớn vào Sài Gòn làm công nhân xây dựng thì đi Đài Loan ít tiền hơn. Theo cái lý của ông thì cũng phải.

"Sài Gòn thì nó đa hệ mà hầu như là hệ ăn chơi. Làm có tiền đấy, nhưng tuần làm 9 công vẫn được (trả lương), muốn ăn nhậu thì ăn nhậu, không có khuôn khổ. Đi Đài coi như đi lính 2 năm, cờ bạc (bị) đuổi liền, ăn nhậu không được, làm việc có giờ giấc, tối có người canh, tiền nhận bao nhiêu còn nguyên bấy nhiêu, nó ngay ngắn con người.", ông Bằng giải thích.

Bùi Thị Nhung, 19 tuổi và Nguyễn Đình Tứ, 26 tuổi, người thôn Phú Xuân, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, cùng có mặt trên chuyến xe container định mệnh chở 39 nhập cảnh vào Anh trái phép và gặp nạn hôm 23/10. Bùi Thị Nhung bỏ học từ lớp 9 vì cha mắc bệnh ung thư. Khi đó gia đình cô vừa cất xong căn nhà mái bằng có tầng lửng thay cho ngôi nhà cấp 4 cũ. Công thợ và vật liệu còn nợ nhiều. 4 năm chữa bệnh cho cha, tiền vay nợ ngày một tăng. Nhung quyết định bỏ công việc làm thuê cho một cửa hàng bán giày dép ở thị trấn Yên Thành với mức lương chưa đến 4 triệu đồng, vay mượn bạn bè để đi Anh. 

Xuất khẩu lao động: Những ngôi nhà báo hiếu xây từ mồ hôi, máu hay những giấc mơ đổi đời phải trả bằng cái giá quá đắt - Ảnh 7.

Nguyễn Đình Tứ đã có vợ và hai con: gái 5 tuổi, trai 18 tháng. Anh kết hôn với cô bạn gái thời cấp 3 sau hai năm đi nghĩa vụ quân sự trở về. Lập gia đình, bố mẹ cho miếng đất bên cạnh ra ở riêng, anh Tứ vay mượn cất một căn nhà mái bằng. Số tiền làm nhà hiện còn nợ hơn 100 triệu đồng.

Vợ anh Tứ, chị Hoàng Thị Thương, làm việc tại một công ty may của Hàn Quốc. Một ngày, chị làm việc từ 7g30 sáng và tuần vài buổi tăng ca đến 8 giờ tối thì nhận được khoảng hơn 4 triệu tiền lương. Hai con gửi nhờ ông bà nội. 

Chị Thương nhận xét, chồng chị rất chăm chỉ, không nề hà việc gì, ở nhà chăm con rất chu đáo. Khi có thông báo tuyển lao động đi Rumani chính ngạch, anh vay mượn thêm tiền để đi. Hợp đồng hai năm lao động tại Rumani mất phí môi giới là 70 triệu đồng, lương tháng là 9 triệu đồng. Tuy vậy, để chuyển tiền từ Rumani về Việt Nam, anh Tứ mất thêm phí 1 triệu đồng cho môi giới, nên vợ anh thực nhận có 8 triệu thôi. 

Xuất khẩu lao động: Những ngôi nhà báo hiếu xây từ mồ hôi, máu hay những giấc mơ đổi đời phải trả bằng cái giá quá đắt - Ảnh 8.

"Nó nghĩ làm 1 năm mới trả hết nợ, 1 năm còn lại tiền kiếm được không đủ trả nợ tiền nhà, nên tháng thứ hai làm được 20 ngày thì nó bỏ sang Đức…", ông Nguyễn Đình Sắt, cha ruột anh Tứ chia sẻ. 

Tứ sau đó lại bỏ Đức để sang Anh, nhưng đã không còn liên lạc về kể từ cuộc gọi cuối cùng tối ngày 22/10.

Hoàng Văn Minh, 29 tuổi, làm nghề lái xe ở thị trấn Can Lộc, Hà Tĩnh, cho hay: "Bạn bè em đi nước ngoài gần hết". Theo lời kể của anh Minh, bố mẹ anh có miếng đất gần 5 chục mét mặt đường mới ở trung tâm thị trấn, cho thuê mỗi tháng hơn ba chục triệu. Bố mẹ cũng mua cho anh 1 chiếc xe ô tô để chạy khi anh lập gia đình. Từ khi người Hà Tĩnh, Nghệ An đi máy bay nhiều, thu nhập anh Minh cũng tăng lên trên dưới chục triệu mỗi tháng nhờ đưa đón khách ra sân bay Vinh. 

Khi được hỏi về ý định đi nước ngoài, anh Minh nói: "Em cũng muốn đi chứ, nhưng người nhỏ bé, không có sức. Giờ ở chung với bố mẹ cũng phức tạp, vợ con muốn ở riêng, nhưng ở riêng thì phải dựng cái nhà. Lương lái xe như em bao giờ mới xây được nhà…"

Xuất khẩu lao động: Những ngôi nhà báo hiếu xây từ mồ hôi, máu hay những giấc mơ đổi đời phải trả bằng cái giá quá đắt - Ảnh 9.
Xuất khẩu lao động: Những ngôi nhà báo hiếu xây từ mồ hôi, máu hay những giấc mơ đổi đời phải trả bằng cái giá quá đắt - Ảnh 10.

"Từ những năm 90 về trước, vùng này bão lụt, 1 năm 12 cơn bão giật trên cấp 12 hết luôn. Từ tháng 8 trở lên ăn chỉ có đi trét nhà, lợp nhà thôi. Ông cha rất khổ về cái ở, ăn thì không nói vì thế nào cũng được. Nên ai cũng muốn làm cái nhà cho bố mẹ, chứ không phải ham vật chất mà xây nhà to đâu. Ai cũng muốn độ an toàn nào đó vững chãi cho gia đình mình.", ông Bằng lý giải về chuyện nhà cửa khang thang, biệt thự mọc lên san sát ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.

Tiền được người lao động gửi về từ nước ngoài luôn được ưu tiên cho việc xây nhà trước là vì thế. Người chưa lập gia đình thì xây cho bố mẹ, người có gia đình rồi thì lại xây cho vợ con. Đàn bà ở xã Đô Thành phải gánh vác công việc vốn mặc định là của đàn ông: xây nhà. Để xây được nhà, tổ ấm buộc phải xé lẻ, chịu cảnh phân ly.

"Ở đây có những người hơn 10 năm chưa về, vợ đẹp con khôn trắng phau nằm đắp chăn. Đi để xây nhà mà thực thì sập nhà", ông Nguyễn Đình Sắt vừa nói vừa cười. Sau cặp kính, hai con mắt đỏ sọng loang loáng nước. "Con đường này (lao động bất hợp pháp ở nước ngoài) giàu nhanh nhất và cuộc đời cũng ngắn nhất", ông Sắt nói thêm.

Người cha đã mất con này than thở cho những người lao động xa xứ khác. Ông bảo, cứ mang tiếng tham giàu, muốn giàu nhanh, muốn đổi đời, nhưng có sống sót làm ăn tốt mà gửi tiền về cho gia đình thì cũng đâu được hưởng nhà lầu xe hơi. "Chỉ có bố mẹ, vợ con là được, còn mình cô đơn bên kia, chịu cảnh sống chui rúc, bị phân biệt kì thị, không có tự do."

Xuất khẩu lao động: Những ngôi nhà báo hiếu xây từ mồ hôi, máu hay những giấc mơ đổi đời phải trả bằng cái giá quá đắt - Ảnh 11.

Ông Bằng làng Gia Mỹ kể lại trong 2 năm đi Nga và 2 năm đi Angola, ông chỉ đủ tiền xây nhà cho vợ con, tiền dư lại chỉ còn một ít, chẳng đáng là mấy. Nhiều người cũng giống ông, và họ đi tiếp. Hành trình lưu lạc xa xứ mưu sinh vì thế ít khi dừng lại. Nhà xây xong không ở, tiền bạc dành dụm không dám tiêu gửi cả về gia đình, tiếng thơm "giàu sang" hay "hiếu thảo" cũng nào có được nghe thấy.

 "An phận một nơi còn tốt. Nhiều người ở nơi này đang tốt, thấy bạn bè mách bên nước kia thu nhập cao hơn là đi, mong một sự bứt phá hơn nữa về tiền", ông Bằng lý giải cho việc nhiều lao động nhảy việc từ chỗ hợp pháp sang chỗ "chui", hay nhảy từ thị trường này sang thị trường khác qua con đường container, tình nguyện trở thành "thùng nhân".

Ông Sắt kể, anh Nguyễn Đình Tứ con ông khi sang Rumani đã gọi điện về tâm sự với chị gái rằng: "Biết ra đi là khổ, kiếm được đồng tiền trả nợ, nuôi vợ nuôi con thực ra quá dài. Khi em trở về, bố mình liệu có còn nữa không…"

Xuất khẩu lao động: Những ngôi nhà báo hiếu xây từ mồ hôi, máu hay những giấc mơ đổi đời phải trả bằng cái giá quá đắt - Ảnh 12.

"Thấy người ta đi nước ngoài về, đeo đô la tiêu xông xênh nghe nói họ nhặt bên đấy răng thế là mình thích. Mình cũng phải đi. Kiếm ăn hàng chục năm cũng được. Là hy sinh đấy. Vì có tiền nhưng có sướng đâu. Cái bất hạnh của con người đi làm thuê xứ người là cứ phải bỏ chạy, chỗ đó bỏ đi chỗ ni, chỗ nào cũng không ổn.", người đàn ông ngoài 70 tuổi chua chát nói.

Không cần ai phải dạy cho những người dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh về những hiểm nguy cùng những hệ lụy đau đớn của xuất khẩu lao động bất hợp pháp, bởi hơn ai hết, họ hiểu rõ mọi nỗi bi hài, mọi hên xui của hành trình này. Họ cũng không xa lạ với những người tay trắng ra về, những người bỏ mạng oan uổng nơi đất khách. Nhưng tham vọng đổi đời nhanh chóng vẫn khiến biết bao người ra đi bằng mọi cách.

Xuất khẩu lao động: Những ngôi nhà báo hiếu xây từ mồ hôi, máu hay những giấc mơ đổi đời phải trả bằng cái giá quá đắt - Ảnh 13.

Cùng với sự lột xác của nhà cửa, ruộng vườn ở đất Yên Thành bị bỏ hoang nhiều hơn. Ông Bằng cũng cho biết trẻ con ở làng nghỉ học từ cấp 2 rất nhiều vì chúng không thấy tương lai của việc học hành. Ông Bằng còn lo lắng khi sinh hoạt của trẻ con cũng thay đổi theo chiều hướng tiêu cực: "Tiền (người lao động xa xứ) gửi về, xây nhà cửa xong rồi làm gì? Bây giờ các cháu nhỏ đi học mua đồ ăn sáng chứ không bao giờ ăn cơm, ăn sáng xong phải cho tiền mới đi học, ăn vặt rất nhiều, tệ nạn đấy."

Nhiều năm qua, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An không ngừng báo động, tập trung ở bậc THCS. Báo Nghệ An đưa tin, năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 2.080 học sinh bỏ học, nhiều hơn năm học 2015-2016 300 em. Trong đó, ba địa phương có học sinh bỏ học nhiều nhất là Quỳnh Lưu (291 học sinh), Con Cuông (219 học sinh) và Yên Thành (212 học sinh). 

Cũng năm học 2016-2017, tỷ lệ học sinh lớp 9 không thi vào lớp 10 chiếm 14,74%, tỷ lệ học sinh lớp 12 không tham gia thi và xét tuyển đại học cao đẳng chiếm 38,21%. Đến năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh Nghệ An không thi và xét tuyển đại học cao đẳng tăng lên 41%.

Xuất khẩu lao động: Những ngôi nhà báo hiếu xây từ mồ hôi, máu hay những giấc mơ đổi đời phải trả bằng cái giá quá đắt - Ảnh 14.

Tại huyện Yên Thành, nơi đứng thứ ba toàn tỉnh về số học sinh bỏ học, số xuất khẩu lao động không ngừng tăng lên mỗi năm. Bà Phan Thị An - Trưởng phòng LĐTBXH huyện - cung cấp thông tin: "Số liệu thống kê năm 2018, cả huyện có 15200 người đi xuất khẩu lao động. Độ tuổi phổ biến từ 18-35." Bà An cũng cho biết đây là số lao động đi nước ngoài theo đường chính ngạch, còn lao động "chui" cơ quan quản lý địa phương không nắm được.

Hồi tháng 9/2019, chiếc vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 được trao cho một học sinh Nghệ An - Trần Thế Trung của trường THPT Chuyên Phan Bội Châu. Nhưng với những số liệu kể trên, có lẽ với nhiều dân xứ Nghệ, học hành không còn là con đường thoát nghèo được ưa chuộng nữa. Điều này cũng phần nào lý giải cho câu hỏi vì sao tương lai của những người lao động không được hoạch định bằng sự hiểu biết mà hoàn toàn bị dẫn dắt bởi những tấm gương hàng xóm láng giềng, những người gửi đô la về quê xây nhà cao cửa rộng, sắm sửa cho bố mẹ, vợ con họ một cuộc sống sung túc hơn xưa.

Buổi lễ chiều cuối cùng của tháng 10 tại nhà thờ họ Gia Mỹ thuộc xã Đô Thành, người dân đổ về tham dự rất đông. Chiếm đại đa số là người già, phụ nữ trung tuổi và trẻ nhỏ. Gần như không thấy bóng dáng thanh niên. Một người phụ nữ dẫn theo cô con gái chừng 7,8 tuổi đến cầu nguyện cho chồng mình đã mất liên lạc 10 ngày nay trên đường từ Nga sang Đức lao động. Ngày cuối cùng chị nhận được điện thoại của chồng là 26/10 âm lịch. Ông Bằng bình tĩnh động viên: "Có thể do bị tịch thu điện thoại thôi".

Xuất khẩu lao động: Những ngôi nhà báo hiếu xây từ mồ hôi, máu hay những giấc mơ đổi đời phải trả bằng cái giá quá đắt - Ảnh 16.

Người đàn ông 48 tuổi không giấu ánh mắt lo lắng, cảm thông. Bởi chính ông cũng trải qua những ngày tháng con gái mất liên lạc khi đặt chân tới Nga để chuẩn bị vượt biên qua nhiều nước vào Đức. Chấp nhận mất gì để được gì khi đi lao động xứ người bất hợp pháp, những người dân như ông Bằng đều xác định rất rõ. Nhưng có những mất mát biết trước mà vẫn khó có thể chấp nhận. Và có những ranh giới mà phần đa không thể xác định để giữ bản thân trong vòng an toàn.

Ông Bằng, sau 4 năm xa xứ mưu sinh và khẳng định đã hoàn toàn dừng lại hành trình này, hài lòng với những mất mát, những cơ hội bị tuột khỏi tay. Nhưng những người như ông không nhiều. Biết rõ rủi ro, nhiều thanh niên vẫn muốn xuất ngoại làm giàu bằng mọi cách. Xa hơn nữa, với tỉ lệ học sinh bỏ học tăng lên, những cao niên không khỏi lo lắng khi nghĩ về viễn cảnh tương lai của con em mình.

Xuất khẩu lao động: Những ngôi nhà báo hiếu xây từ mồ hôi, máu hay những giấc mơ đổi đời phải trả bằng cái giá quá đắt - Ảnh 17.
HH
Sơn Nguyễn
Trang Trim
Hà Mĩ
Kingpro

 

Theo PV

Trí thức trẻ

Trở lên trên