MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 năm qua thu nhập của người nông dân trồng lúa Việt Nam đã giảm tới 7 lần, ngành gạo phải làm gì?

Thu nhập nông dân trồng lúa nước tại Việt Nam còn thấp, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan, 1,5 lần so với Indonesia.

Ngành gạo gặp khó

Với 4 triệu tấn gạo, An Giang là tỉnh sản xuất lớn nhất trong 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long song đây đã là trần khó có thể vượt qua. Mặc dù tỉnh này đã có nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị từ nghiên cứu ứng dụng đến chuyển giao, phối hợp với nông dân sản xuất. Cùng với mô hình sản xuất lúa chất lượng cao của Nhật Bản song ngành lúa gạo ở An Giang vẫn còn manh mún, sản lượng nhiều nhưng chất lượng chưa cao.

Đây cũng là tình cảnh chung của ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang sản xuất ra hơn 90% lượng lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam. Khó khăn này ngày càng tăng lên do xu hướng bảo hộ mậu dịch và hàng rào kỹ thuật ở nhiều thị trường lớn ngày càng cao. Nên việc định đoạt thị trường phụ thuộc vào các nước xuất khẩu chính chứ không phải các nước xuất khẩu.


Xuất khẩu gạo gặp khó khăn so với những năm trước.

Xuất khẩu gạo gặp khó khăn so với những năm trước.

"Tại sao Campuchia đi sau chúng ta 15 năm mà có thương hiệu gạo mạnh nhất toàn cầu, xuất khẩu ra thị trường châu Âu được?" Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi trong Hội nghị về giải pháp bền vững phát triển ngành lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

"Những vướng mắc hiện nay là gì? Có việc tham nhũng tiêu cực trong ngành lúa gạo không? Đi liền với nó những thể chế nào, quy định nào gây ách tắc cho sản xuất. Hiệp hội lương thực Việt Nam có gây cản trở gì không? Việc ban phát hạn ngạch hạn điền nữa không?", Thủ tướng đặt ra nhiều vấn đề.

Những câu hỏi Thủ tướng đưa ra không mới, và cũng đã là khúc mắc tồn tại khá lâu trong ngành này. Nhưng tựu chung lại, ngành gạo của Việt Nam đang vướng phải 2 khó khăn chính.

Đầu tiên, đó là các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc nông nghiệp công nghệ cao Trung An dẫn chứng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã phải xét lên xét xuống khó chứa, vùng nguyên liệu,… đã cấp giấy phép xuất khẩu gạo rồi nhưng đến khi ký được hợp đồng xuất khẩu gạo rồi phải chờ con dấu của Hiệp hội lương thực Việt Nam mới được khai hải quan. "Thế thì dấu của Hiệp hội lương thực Việt Nam to hơn của Thủ tướng Chính phủ hay Bộ công thương sao?", ông Bình hỏi.

Một số doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ với vai trò kiến tạo chỉ cần sửa đổi một số nghị định liên quan đến trồng và sản xuất lúa gạo cho phù hợp với thực tế chứ không cần ban hành thêm chính sách mới thì ngành lúa gạo đã có thể tốt hơn hiện nay. Bởi có những nghị định thông tư ban hành đã lâu nhưng không thể áp dụng được trong thực tiễn.

Thứ hai, đó là vấn đề áp lực cạnh tranh từ nhiều quốc gia xuất khẩu gạo khác. Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc tổng công ty lương thực miền Bắc cũng chia sẻ khó khăn: "Vì sao một số nước mới nổi lên như Myanmar hay Campuchia mặc dù mới xuất khẩu nhưng đã có thương hiệu trên thế giới. Hôm qua Hàn Quốc tổ chức đấu thầu gạo thì gạo Việt Nam đắt hơn Thái Lan. Gạo Thái trúng thầu với giá 340 USD còn gạo Việt Nam là 350 USD. Việc đấy chứng tỏ chi phí của chúng ta hiện nay rất cao".

Thu nhập người nông dân trồng lúa Việt Nam đã giảm 7 lần chỉ trong vòng 10 năm qua

Thực tế cho thấy ngoài trở ngại về chi phí lớn, giá trị gia tăng của hạt gạo Việt Nam hiện chưa cao. Sau khi đạt đỉnh cao khoảng 8.000 đồng/kg lúa tươi thì hiện trong vài năm gần đây giá lúa chỉ xoay quanh mức 5.000 đồng/kg. Điều này cũng khiến thu nhập nông dân trồng lúa nước tại Việt Nam còn thấp, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan, 1,5 lần so với Indonesia.


Thu nhập nông dân trồng lúa giảm 7 lần so với 10 năm trước.

Thu nhập nông dân trồng lúa giảm 7 lần so với 10 năm trước.

Làm thế nào?

Dù lúa gạo gặp nhiều khó khăn, nhưng có một thực tế phải đặt ra, hiện Việt Nam hay thế giới không có loại cây trồng nào để thay thế trên quy mô lớn cho cây lúa, đặc biệt khi nhắc tới vấn đề an ninh lương thực. Vì vậy, bài toán ở đây là tìm cách khắc phục khó khăn, chứ không phải giải pháp thay thế.

Theo ý Thủ tướng, tầm nhìn của ngành lúa gạo Việt Nam về dài hạn, đó là phải giữ vững vị trí quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, song song với đó là trong vòng 10 - 20 năm tới, đẩy mạnh giá trị gia tăng của hạt gạo do chúng ta sản xuất.

Để thực hiện được tầm nhìn này Thủ tướng cho rằng phải tăng quy mô sản xuất bằng cách mở rộng hạn điền phù hợp với hình ảnh cánh đồng mẫu lớn đi cùng với kết hợp doanh nghiệp và nông dân. Hiện tại, Chính phủ cũng đang ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất.

Một số biện pháp hỗ trợ cũng sẽ được đẩy mạnh. Thủ tướng đã yêu cầu phải giảm lãi vay ngân hàng, giảm thuế đối với đầu tư sản xuất và thu mua lúa gạo đi cùng với xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam không chỉ để xuất khẩu mà còn cho thị trường 100 triệu dân trong nước.

"Mình đang xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long nhưng xâm thực gạo các nước vào Việt Nam mới là xâm thực đáng sợ. Chúng tôi đề nghị bộ Nông nghiệp, bộ Công thương phối hợp với nhau tính toán tập trung một số thương hiệu lớn có thể quảng bá ra thế giới.", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Theo Thảo Nguyên

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên