MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

12 quốc gia có mức "chi tiêu ít hơn thu", người dân không phải gánh bất kỳ khoản nợ công nào

09-10-2016 - 15:41 PM | Tài chính quốc tế

Gần đây, các tổ chức tài chính lớn như Deutsche Bank, Barclays, HSBC, Credit Suisse hay Morgan Stanley đều đưa ra cảnh báo về tình trạng chi tiêu Chính phủ lớn và kích thích tài chính vượt trần đang là mối đe dọa đến cân đối ngân sách của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Về phía Việt Nam, trong một báo cáo mới cập nhật gần đây, Ngân hàng thế giới WB dự báo nợ công của Việt Nam sẽ lên tới hơn 64% GDP, vượt xa mức 117 tỷ USD cuối năm 2015. Tính trung bình, mỗi người dân Việt Nam đang gánh khoảng 30 triệu đồng nợ công.

“Hầu hết các quốc gia đều đang áp dụng chính sách nới lỏng tài khóa để kích thích nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Trong khi các ngân hàng trung ương vẫn do dự trong việc tung ra các gói kích thích tiền tệ do lo ngại lạm phát” – chuyên gia Antonio Garcia Pascual đến từ Barclays lập luận.

Tuy nhiên, theo số liệu mới công bố của WEF, bên cạnh những nước nợ "ngập đầu" thì vẫn có nhiều quốc gia trên thế giới lại đang thặng dư ngân sách khá lớn. Điều này đồng nghĩa với việc thu ngân sách (từ thuế) của các quốc gia, vùng lãnh thổ này đang lớn hơn mức chi tiêu Chính phủ.

1. Qatar – thặng dư ngân sách: 10,3%

Đất nước giàu mỏ này hiện đang là “quán quân” có thặng dư ngân sách đạt mức kỷ lục thế giới, tuy nhiên điều này có thể thay đổi vào cuối năm nay. Theo dự báo của Bloomberg, do khủng hoảng giá dầu nên rất có thể năm nay Qatar sẽ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách.

2. Na Uy – thặng dư ngân sách: 5,4%

Na Uy là quốc gia thịnh vượng nhất thế giới, với mức thặng dư ngân sách từng đạt kỷ lục 19%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của “cơn địa chấn” giá dầu, trong những năm gần đây, Na Uy đã không còn duy trì được mức thặng dư kỷ lục và chỉ xếp ở vị trí thứ 2.

3. Cộng hòa Dân chủ Congo – thặng dư ngân sách: 1,9%

Mặc dù thuộc nhóm nước nghèo đói ở Trung Phi sau 9 năm vật lộn với chiến tranh và đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, năm 2015 Cộng hòa Dân chủ Congo vẫn đạt mức thặng dư ngân sách 43 triệu USD.

4. Hồng Kông – thặng dư ngân sách: 1,5%

Trong suốt giai đoạn từ 2008-2015, Hồng Kông luôn đạt mức thặng dư ngân sách cao kỷ lực, vượt mức mong đợi.

5. Kuwait – thặng dư ngân sách: 1,2%

Đất nước đứng thứ 4 thế giới về thu nhập bình quân đầu người này đồng thời là quốc gia có đồng tiền (đồng dinar) có giá trị nhất trái đất.

6. Singapore – thặng dư ngân sách: 1,1%

Nổi tiếng là một trung tâm tài chính sôi động bậc nhất thế giới, Chính phủ Singapore luôn đánh giá cao các nguyên tắc tài khóa và chi tiêu ít hơn mức thu nhập mang lại từ thuế.

7. Luxembourg – thặng dư ngân sách: 1%

Quốc gia nhỏ bé nằm ở vùng Trung Âu này là nơi có GDP danh nghĩa bình quân đầu người cao nhất trái đất. Ngân sách của Luxembourg cũng luôn thặng dư kể từ năm 2011 đến nay.

8. Nepal – thặng dư ngân sách: 1%

Quốc gia nhỏ bé nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc lại là một nơi kiểm soát tài chính hết sức chặt chẽ. Thậm chí, Chính phủ Nepal từng bị chỉ trích vì dùng tiền ngân sách đầu tư sai lầm vào nền kinh tế trong khi số tiền đó đáng lẽ ra phải được dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng.

9. Iceland – thặng dư ngân sách: 0,7%

Không có gì bất ngờ khi quốc đảo với dân số chưa đến 400.000 người và GDP đạt khoảng 17 tỷ USD này luôn nằm trong top các nước “dư thừa tiền”. Đây cũng là quốc gia có chỉ số hạnh phúc toàn cầu lớn nhất nhờ kiểm soát chặt chẽ chính sách tài chính.

10. Đức – thặng dư ngân sách: 0,6%

Đức là quốc gia nổi tiếng với các nguyên tắc tài khóa và luôn đạt thăng dư ngân sách. Theo số liệu thống kê, quốc gia này đạt mức thặng dư 18,5 tỷ Euro trong 6 tháng đầu năm nay.

11. Estonia – thặng dư ngân sách: 0,5%

Với việc Chính phủ kiên trì tập trung vào các nguyên tắc tài chính, trong những năm gần đây, Estonia luôn định hình mình như một trung tâm công nghệ ở Bắc Âu và đã đạt thặng dư ngân sách 2 năm liên tiếp.

12. New Zealand – thặng dư ngân sách: 0,3%

Tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới, quốc gia nhỏ bé nằm ở phía Nam Thái Bình Dương này là một nền kinh tế dựa chủ yếu vào các ngành dịch vụ và luôn thặng dư ngân sách. “Giảm tỷ lệ nợ xuống mức an toàn sẽ giúp cho chính phủ New Zealand có nhiều hỗ trợ người dân hơn”, Bộ trưởng Tài chính New Zealand cho biết hồi tháng 5.

Theo Khánh Ly

Trí thức trẻ/ Cafebiz

Trở lên trên