168.800 tỷ đồng là số tiền Ngân sách nhà nước đã chi cho phòng, chống Covid-19
Trình bày Báo cáo thẩm tra trước Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết Ngân sách Nhà nước (NSNN) đã chi 168.800 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021.
- 22-07-2021Thủ tướng Phạm Minh Chính trình Quốc hội giữ nguyên cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ tới
- 21-07-2021Đề xuất Quốc hội giám sát gói 62.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng
- 20-07-2021Những biểu đồ tổng quan về đại biểu Quốc hội khóa XV
- 20-07-2021Ông Vương Đình Huệ tái đắc cử Chủ tịch Quốc hội, lần thứ 2 tuyên thệ nhậm chức
Trong Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm nêu rõ những tháng đầu năm 2021, những tác động từ đại dịch Covid-19 đã được chỉ ra như một yếu tố tác động mạnh tới tình hình kinh tế - xã hội.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát trong cộng đồng với tính chất phức tạp hơn, số ca nhiễm gia tăng mạnh đã tạo áp lực lớn lên công tác cách ly, điều trị; nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội.
Bối cảnh đó, Quốc hội đã đánh giá cao nỗ lực chống dịch của Chính phủ với nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đã được ban hành kịp thời với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân; duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; ổn định việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
"Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, NSNN đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với tổng số tiền 168.800 tỷ đồng", báo cáo cho biết.
Trong số này có 147.300 tỷ đồng gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí. 21.500 tỷ đồng tăng chi NSNN cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quochoi.vn
Cụ thể, Chính phủ áp dụng một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 như giảm giá điện, tiền điện; Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; Điều chỉnh giảm thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Chính phủ cũng đưa thêm đối tượng được hỗ trợ chi phí cách ly, xét nghiệm Covid-19. Chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4; Hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em bị nhiễm Covid-19 và trẻ em phải cách ly tập trung từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021, với mức 80.000 đồng/ngày/trẻ em.
Bên cạnh đó, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", hướng tới triển khai chiến lược vắc-xin, tạo miễn dịch cộng đồng, Chính phủ đã thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19; triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho tất cả người dân. Nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đồng lòng, đồng hành và chia sẻ, đóng góp vào Quỹ vắc-xin.
Ủy ban Kinh tế cũng tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ, theo đó, GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; công tác chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá cả được triển khai hiệu quả, cơ bản tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản.
"Thu, chi NSNN đạt kết quả khả quan, tổng thu đạt 58,2% dự toán năm, tăng 16,3%; tổng chi đạt 41,2% dự toán năm, giảm 4,9%. Số thu nội địa 6 tháng đầu năm tăng 13,9% . Tiến độ các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của 3 khu vực kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) trong những tháng đầu năm 2021 tăng cao hơn; thu NSNN 6 tháng từ hoạt động xuất, nhập khẩu tăng 37,5% so với cùng kỳ", báo cáo cho biết.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá ổn định, tín dụng dần phục hồi, tăng 5,68% so với cuối năm 2020; mặt bằng lãi suất cho vay giảm; thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm; thị trường chứng khoán tăng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao đạt 32,2%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục duy trì xu hướng tích cực; giải ngân vốn FDI ước đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ, báo cáo nêu rõ.