Choáng với những thương vụ giá khủng của khối ngoại
Chủ đề tiền bạc luôn là một đề tài hấp dẫn vào đầu xuân năm mới. Hãy cùng chúng tôi điểm lại những mức giá ngất ngưởng mà nhà đầu tư ngoại đã dành cho cổ phiếu Việt trong năm vừa qua.
KKR mua 10% cổ phần Masan Consumer: Hơn 220.000 đồng/cổ phiếu
Đầu năm 2011, Kohlberg Kravis Roberts (KKR) - Quỹ đầu tư private equity hàng đầu thế giới – đã mua 10% cổ phần của Masan Consumer với giá 159 triệu USD.
Theo phương án phát hành, số lượng mua là hơn 14,44 triệu cổ phiếu, tương ứng mức giá mà KKR trả cho 1 cổ phiếu Masan Consumer là hơn 11 USD – tương ứng hơn 220.000 đồng/cp.
Đây là mức giá phát hành cho đối tác chiến lược cao kỷ lục từ trước đến nay.
Diageo mua 30% cổ phần Halico: 213.600 đồng/cp
Tập đoàn đồ uống Diageo – hãng sở hữu thương hiệu rượu Johnnie Walker, Smirnoff – đã hoàn tất mua lại 6 triệu cổ phiếu, tương đương 30% cổ phần của CTCP Cồn rượu Hà Nội (Halico).
Có thể vì muốn thâm nhập hơn nữa vào thị trường Việt Nam mà Diageo đã chấp nhận trả một mức giá khá cao cho thương vụ này.
Halico là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất rượu vodka, trong khi đó, lượng cổ phiếu lưu hành rất thấp. Trước khi Diageo mua lại thì Habeco nắm 54,3%, VinaCapital nắm gần 24%.
NTT Docomo mua 25% cổ phần VMG Media: 150.000 đồng/cp
Hãng viễn thông di động lớn nhất Nhật Bản – NTT Docomo – đã bỏ ra khoảng 370 tỷ đồng để mua 25% cổ phần của CTCP Truyền thông VMG (VMG Media) nhằm mở rộng dịch vụ của hãng này tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo phương án phát hành riêng lẻ được đại hội cổ đông của VMG Media thông qua, công ty sẽ phát hành 1,6 triệu cổ phiếu cho NTT Docomo với giá 150.000 đồng/cổ phần.
Hoạt động chính của VMG Media là cung cấp các dịch vụ nội dung số nhưng cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho điện thoại di động. Là một công ty có phần ít “nổi tiếng” nhưng VMG có một kết quả kinh doanh rất ấn tượng.
Một công ty khác thuộc tập đoàn NTT là NTT Data cũng đã mua 40% cổ phần của VietUnion, công ty sở hữu ví điện tử Payoo.
Vinamilk phát hành 3% cổ phần: 130.000 đồng/cp
Mặc dù cũng thuộc nhóm “giá khủng” nhưng thương vụ này diễn ra khá im ắng. Một phần vì tỷ lệ bán không lớn và Vinamilk cũng luôn có giá cao.
Tại thời điểm phát hành (trước khi chia thưởng 2:1), giá cổ phiếu VNM khoảng 100.000 nhưng nhà đầu tư ngoại sẵn sàng mua với giá cao hơn 30%.
CFR International mua 40% cổ phần của Domesco: 53.000 đồng/cp
Công ty dược CFR International đã thực hiện mua lại hơn 40% cổ phần của CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC) với mức giá khoảng 53.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện tại, khối ngoại đang nắm giữ 46% cổ phần của DMC, trong đó CFR International sở hữu 42%.
Trong vòng 1 năm qua, mức giá cao nhất của DMC là 27.000 đồng và hiện cổ phiếu này cũng chỉ được giao dịch quanh mức giá 20-22.000 đồng.
CBA mua thêm 5% cổ phần VIB: 46.000 đồng/cổ phiếu
Cuối năm 2011, khi mà không còn cổ phiếu ngân hàng nào có thị giá trên 20.000 đồng thì ngân hàng Quốc tế (VIB) đã phát hành thêm 25 triệu cổ phiếu cho Commonwealth Bank of Australia (CBA) với mức giá 46.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy qua 2 đợt phát hành, CBA đã rót 3.400 tỷ đồng để mua 85 triệu cổ phiếu VIB (20% vốn điều lệ) với giá bình quân là 40.000 đồng/cp.
SBI Securities mua 20% cổ phần FPTS: 45.000 đồng/cp
Đầu năm 2011, FPTS đã phát hành 11 triệu cổ phiếu cho công ty chứng khoán Nhật Bản SBI Securities với mức giá 45.000 đồng/cổ phiếu – cao hơn hẳn so với mặt bằng giá của các công ty chứng khoán đang niêm yết.
Năm qua, FPTS đứng thứ 8 về thị phần môi giới tại HoSE (3,34%) và thứ 6 tại HNX (4%).
Talanx mua 25% cổ phần PVI với giá 36.000 đồng
Mức giá phát của thương vụ này không cao nhưng nó cao gấp đôi thị giá của PVI tại thời điểm phát hành và PVI đã 2 năm liên tiếp làm điều này.
Hãng bảo hiểm Talanx của Đức đã bỏ ra 93 triệu USD để mua 25% cổ phần của PVI Holdings với giá 36.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá của PVI chỉ dao động trong khoảng từ 16-18.000 đồng.
Năm 2010, Oman Investment Fund cũng đã mua hơn 20 triệu cổ phiếu PVI với mức giá 40.000 đồng – gấp đôi thị giá tại thời điểm phát hành.
KAL