"Sốt" vàng và thay đổi nhân sự cấp cao tại một số ngân hàng
Giá vàng lên cao nhất hơn 13 tháng; Sacombank, Eximbank, Vietcombank thay đổi nhân sự cấp cao; IMF, ADB hối thúc Việt Nam giải quyết nợ xấu...là những tin tức nổi bật tuần qua.
"Cơn sốt" vàng chưa hạ nhiệt
Giá vàng lên tới 48,4 triệu đồng/lượng - cao nhất kể từ ngày 22/8/2011, và duy trì khoảng cách cao hơn thế giới gần 3 triệu đồng/lượng.
Nhưng khác với các cơn sốt vàng trước, cảnh người dân xếp hàng mua vàng không tái diễn nhưng giá vàng trong nước vẫn tăng từng ngày, thường xuyên chạy nhanh hơn thế giới. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải tình trạng này, trong đó có việc độc quyền vàng miếng và cho bán khống.
Nhiều chuyên gia cho rằng, một lượng khá lớn vàng huy động đã bị các ngân hàng thương mại, đặc biệt là nhóm G5 (nhóm 5 NH được phép bán vàng huy động, mua vàng tài khoản để bình ổn thị trường - ACB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, Đông Á) bán ra trước đây nay phải mua vào với giá cao trong khi nguồn cung có hạn đã gây áp lực tăng giá.
Việc chuyển đổi từ vàng phi SJC sang vàng SJC đang giúp cho các doanh nghiệp kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá từ hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng.
Vietcombank, Sacombank và Eximbank thay đổi nhân sự cấp cao
Ngay trong ngày đầu tiên của tháng 10, ba ngân hàng lớn đã
khiến thị trường chú ý bởi động thái thay đổi nhân sự cấp cao.
Tại Eximbank, ông
Nguyễn Đức Thanh thôi giữ chức Phó Tổng giám đốc từ ngày 1/10.
Ông Thanh được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên
kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên quản lý nợ và khai thác tài sản
- Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam.
Tại
Sacombank, từ 1/10, ông Phạm Nhật Vinh thôi giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc
để công tác tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS).
Ông Võ Anh Nhuệ và ông Hồ Doãn Cường được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc.
Ngân hàng Vietcombank trong khi đó bổ nhiệm ông
Yutaka Abe (quốc tịch Nhật bản) làm Phó Tổng giám đốc. Ông Abe là đại diện
của đối tác Mizuho.
Các tổ chức quốc tế nhận định về hệ thống ngân hàng
Các tổ chức quốc tế tiếp tục đưa ra những đánh giá và nhận định về hệ thống ngân hàng Việt Nam. Moody’s đưa ra 5 kịch bản để xử lý nợ xấu; Barclays cho rằng VN có thể đảo chiều nới lỏng chính sách vào giữa năm 2013.
ADB trong khi đó muốn Việt Nam rõ ràng hơn trong việc giải quyết nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng; IMF thì cho rằng Việt Nam nên ưu tiên giải quyết nợ xấu và tái cấu trúc và quá trình đó phải duy trì thường xuyên.
Dự trữ ngoại tệ tăng 2,5 lần chỉ sau 9 tháng
Theo Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2012 của ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), do có dòng vốn từ bên ngoài và tỷ giá hối đoái ổn định đã cho phép NHNN tăng dự trữ ngoại hối lên mức đủ để trang trải khoảng 2,4 tháng nhập khẩu. Từ mức dự trữ 9 tỷ USD hồi cuối năm 2011, đến nay, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã đạt trên 20 tỷ USD.
Thành Hưng