MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2016 là năm ảm đạm với phần lớn các ngành công nghiệp Việt Nam

06-01-2017 - 10:14 AM | Tài chính quốc tế

Tình hình sản xuất của 11 ngành công nghiệp Việt Nam trong năm 2016 được coi là ảm đạm khi một loạt ngành thế mạnh như than, dầu khí, phân bón, da dày… tăng trưởng thấp hoặc sụt giảm so với năm 2015.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành Công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có báo cáo tình hình sản xuất của các ngành công nghiệp năm 2016. Theo đó, tình hình sản xuất của 2 ngành giảm, 1 ngành đạt, 5 ngành tăng trưởng thấp và chỉ có 2 ngành tăng trưởng cao.

Ngành điện: Tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá so với năm 2015, đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và các sự kiện chính trị. Giá điện được giữ ở mức ổn định. Điện sản xuất và mua năm 2016 của EVN ước đạt 176,99 tỷ kWh, tăng 10,8% so với năm 2015 và tăng 1,09 tỷ kWh so với chỉ tiêu được giao.

Ngành than: Sản xuất tiếp tục khó khăn. Lượng than sạch sản xuất cả năm ước đạt 39,6 triệu tấn, giảm 3,1% so với năm 2015 và bằng 94,3% kế hoạch năm. Nguyên nhân là do giá bán thấp, chi phí sản xuất tăng, các loại thuế, phí liên quan tới ngành tăng.

Ngành dầu khí: Gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2016 đạt kế hoạch đề ra, tương đương 16,66 triệu tấn dầu quy đổi. Tổng khai thác dầu trong và ngoài nước đạt 17,23 triệu tấn, vượt 1,19 triệu tấn so với kế hoạch năm. Tuy nhiên, đây là mức thấp nhất của ngành dầu khí so với nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó, tác động xấu từ giá dầu thế giới cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động thăm dò, tìm kiếm và khai thác.

Ngành thép: Là một trong những ngành hiếm hoi tăng trưởng cao trong năm 2016. Tuy nhiên, vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sắt thép nội địa và tiếp tục là ngành nhập siêu lớn. Lượng sắt thép thô đạt 5.154,3 nghìn tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ; thép cán đạt 5.351,5 nghìn tấn, tăng 26,8% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt 4.702,9 nghìn tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ.

Ngành cơ khí: Sản xuất trong nhóm ngành cơ khí, đặc biệt là ngành sản xuất máy công cụ và máy nông nghiệp, tăng trưởng thấp do tiêu thụ giảm, cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc.

Ngành hoá chất, phân bón: Giảm so với năm 2015. Sản lượng phân đạm urê giảm 13,3% và chỉ đạt 86,5% so với kế hoạch đề ra. NPK giảm 10,5%, chỉ đạt 65,5% so với kế hoạch. Nguyên nhân của sụt giảm là do nguồn cung phân đạm từ thế giới và khu vực dồi dào nên áp lực cạnh tranh từ phân bón nhập khẩu lớn.

Ngành dệt may: Sản xuất và xuất khẩu dệt may vẫn tiếp tục tăng nhưng ở mức thấp hơn so với năm 2015. Sản xuất vải từ sợi bông, sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo ước đạt 1.027 triệu m2, tăng 4% và bằng 96% kế hoạch năm. Sản xuất quần áo mặc thường ước đạt 3.435 triệu cái, tăng 6,2% so với năm 2015 và bằng 97,3% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành Dệt May đạt 28,5 tỷ USD, thấp hơn 1,5 tỷ USD so với kế hoạch.

Ngành dày da: Sản xuất da giày tăng trưởng thấp và không đạt chỉ tiêu kế hoạch với mức ước đạt 272 triệu đôi, tăng 2,8% so với năm trước và bằng 86,75 kế hoạch năm. Xuất khẩu dày dép các loại ước đạt gần 12,9 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khách quan được cho là do áp lực suy thoái kinh tế toàn cầu, chuỗi sản xuất và cung ứng nguyên liệu phụ kiện thiếu đồng bộ.

Ngành thuốc lá: Có mức tăng trưởng khá cao, sản xuất ước đạt 5.435 triệu bao, tăng 3,5% so với năm trước.

Ngành Bia-Rượu-Nước giải khát: Sản lượng sản xuất tăng chậm ở mức 9,3%, chỉ bằng 85,6% kế hoạch năm với sản xuất ước đạt 3.787 triệu lít.

Ngành Giấy: Tốc độ phát triển ngành giấy có xu hướng chậm lại. Hầu hết các doanh nghiệp có công suất nhỏ, dây chuyền cũ nên chi phí sản xuất cao trong khi giá giấy trên thị trường thế giới thấp. Việc tiêu thụ sản phẩm giấy khó khăn, phải cạnh tranh gay gắt với giấy nhập khẩu và giấy sản xuất trong nước.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên