“235.000 tỷ đồng chi chuyển nguồn sang năm 2018 làm bức tranh kinh tế vĩ mô bị sai lệch”
Các khoản chi chuyển nguồn của ngân sách địa phương đang khiến cho tăng trưởng kinh tế thật của cả nước giảm sút so với báo cáo. Trong khi đó, địa phương cho biết các khoản chuyển nguồn bị áp đặt bởi quy định hiện hành ảnh hưởng đến việc giải ngân.
- 22-05-2018Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Bảo FDI “sai” thì cứ tưởng tượng như chúng ta nhìn đứa con của mình!
- 22-05-2018Quỹ lương từ ngân sách phải tăng thêm 859 tỷ đồng do biên chế tuyển vượt 78.112 người
- 22-05-2018Các ông lớn FDI chỉ 'hắt xì' là nền kinh tế bị 'phát sốt'
Nền kinh tế bị sai lệch vì chi chuyển nguồn
Trong phiên thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ngày 22/5, các Đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những bất cập chung quanh vấn đề chi chuyển nguồn.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá, chuyển nguồn đang làm cho bức tranh thực về tăng trưởng và đời sống nhân dân giảm sút so với báo cáo.
"Những vấn đề gây áp lực lên kinh tế vĩ mô chủ yếu bắt đầu từ địa phương, chứ không phải từ doanh nghiệp trung ương. Phần chi chuyển nguồn của địa phương là rất lớn. Năm 2018, chuyển nguồn khoảng 235.000 tỷ đồng, tức là đã xuất ra khỏi ngân sách rồi nhưng không chi hết được. Vì thế, lại chuyển sang năm sau để chi tiếp. Đây là những khoản làm cho bức tranh kinh tế vĩ mô đẹp nhưng thực chất lại có vấn đề" – ông Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: Tiến Tuấn.
Bên cạnh đó, số nợ phải trả tương đối lớn cũng đặt ra vấn đề đối với nền kinh tế. Thống kê cho thấy, khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2017 đạt khoảng 199 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, khoản nợ gốc chưa tính lãi đã lên đến 150 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách nhà nước cũng đạt 180 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tiền thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ đủ để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước. Năm 2018 và 3 năm còn lại của kế hoạch 5 năm sẽ là thời kỳ phải áp dụng các giải pháp thắt chặt kỷ luật tài khóa.
"Những cái gì chi rồi, đưa vào dự toán rồi thì tuyệt đối không để nó ảnh hưởng đến bội chi và không chuyển nguồn nữa. Nếu chúng ta cứ chuyển nguồn như vậy thì nó làm cho bức tranh thật của nền kinh tế có phần bị sai lệch" – ông Nguyễn Đức Kiên đề nghị.
Tiếp cận từ phía địa phương, có đại biểu Quốc hội cho rằng quy định chuyển nguồn như hiện nay là áp đặt và làm khó cho tỉnh. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, địa phương không thể dùng số tiền chuyển nguồn của khoản này để chi cho việc khác, cản trở giải ngân.
"Địa phương đang bị áp đặt về việc chuyển nguồn. Đáng lẽ tiền mua mắm thừa thì chuyển sang mua rau để chấm mắm. Nhưng mà dứt khoát mắm phải là mắm, rau phải là rau. Nói thật với các đồng chí, sao mà làm được. Đáng lẽ phải phân cấp rõ ràng, phân bổ cho địa phương một cục. Nếu cán bộ làm sai với chiến lược của Trung ương, sai với chỉ đạo của địa phương thì cán bộ, nhóm cán bộ đấy sẽ chịu trách nhiệm" – ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Tiến Tuấn.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng kiến nghị, sớm xem xét sửa sổi Luật Đầu tư công. Không chỉ cản trợ việc giải ngân, quy định hiện hành còn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trước mắt, Quốc hội có thể ban hành ngay một Nghị quyết để tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện.
Chi chuyển nguồn là gì?
Hàng năm, các địa phương đều phải lập bản dự toán ngân sách. Trong đó, thể hiện đầy đủ các khoản thu, chi trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được phê duyệt.
Kết thúc năm ngân sách, những khoản chi được bố trí trong dự toán chưa thực hiện hết phải nộp về ngân sách cấp trên. Nếu cơ quan có thẩm quyền cho phép, số tiền này sẽ được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng. Điều 43, Nghị định 163 ban hành ngày 21/12/2016 của Chính phủ đã quy định rõ các khoản được chuyển nguồn ngân sách từ năm trước sang năm sau.
Đối với khoản chi đầu tư phát triển thực hiện chuyển nguồn sang năm sau phải tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công. Trong khi đó, Luật Đầu tư công chỉ quy định 4 lĩnh vực đầu tư công, bao gồm: Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Đầu tư và hỗ trợ hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích; Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư.
Theo Điều 4 Nghị định 163, bội chi ngân sách trung ương (địa phương) được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách trung ương (địa phương) và tổng thu ngân sách trung ương (địa phương) trong một năm ngân sách. Như vậy, tỷ lệ này sẽ thay đổi nếu những khoản chi bố trí trong dự toán chưa thực hiện hết được nộp về ngân sách cấp trên, thay vì chuyển nguồn sang năm sau.