4 sai lầm phổ biến trong việc bảo quản và sử dụng lại thức ăn thừa vào mùa hè mà nhiều người mắc phải
Vào mùa hè, thực phẩm nhanh bị hư hỏng, thức ăn thừa bảo quản sai cách rất chóng ôi thiu và trở thành lý do khiến các ca ngộ độc thực phẩm tăng nhanh.
- 03-05-2021Nghề mới nổi ở Trung Quốc, chuyên phục vụ cho các "cậu ấm cô chiêu": Tìm hiểu sâu mới thấy, sinh ra và lớn lên trong gia đình tài phiệt cũng thật không dễ dàng
- 03-05-2021Cặp vợ chồng triệu phú tự thân tiết lộ 7 bài học lớn trong hành trình xây dựng giá trị ròng 7 con số: Hãy coi tiền chỉ như một công cụ!
- 03-05-202116 quy tắc tiền bạc khiến các triệu phú nổi tiếng toàn cầu "khắc cốt ghi tâm"
Thời tiết mùa hè nắng nóng, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi sinh vật phát triển, gây nấm mốc, hư hỏng các loại thực phẩm, đặc biệt là thức ăn thừa. Để bảo quản thức ăn thừa một cách an toàn, nhiều người cho rằng chỉ cần đặt chúng vào tủ lạnh, khi nào dùng thì lấy ra là xong.
Tuy nhiên, chính suy nghĩ tưởng chừng đơn giản này lại là một trong những sai lầm phổ biến khi bảo quản và sử dụng lại thức ăn thừa vào mùa hè mà nhiều người mắc phải. Dưới đây là 4 sai lầm như thế, mong rằng bạn không mắc phải cái nào.
1. Để thức ăn thừa ngoài nhiệt độ phòng hơn 2 giờ
Nếu bảo quản thức ăn thừa ở nhiệt độ phòng, vi sinh vật có thể sinh sôi nhanh chóng và gây hư hỏng thực phẩm.
Vì vậy, không nên bảo quản thực phẩm đã nấu chín quá 2 giờ ở nhiệt độ phòng. Tất cả thực phẩm chín cần được làm nguội và cho vào tủ lạnh kịp thời, nhiệt độ tủ lạnh tốt nhất là dưới 5 độ C. Đối với thức ăn thừa cũng vậy, sau khi kết thúc bữa ăn, bạn nên cất nó vào tủ lạnh càng sớm càng tốt (trong vòng 2 tiếng sau khi chế biến xong).
2. Bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh quá 3 ngày
Ngay cả khi thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh, nhiều loại vi sinh vật vẫn sinh sôi, có thể mang đến những nguy cơ về mất an toàn thực phẩm. Vì vậy, thức ăn thừa nên được bảo quản trong tủ lạnh không quá 3 ngày.
Bạn có thể dán một nhãn nhỏ lên phần thức ăn thừa để đánh dấu thời gian cất trữ, nếu đã quá 3 ngày kể từ khi cất trữ thì không nên sử dụng nữa.
3. Hâm nóng thức ăn thừa sai cách
Bất kể thức ăn thừa được bảo quản như thế nào trước đó, chúng ta cũng nên làm nóng nó ở nhiệt độ trên 60 độ C trước khi ăn. Vì hầu hết các vi sinh vật sẽ mất hoạt tính ở nhiệt độ trên 60 độ C.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần giảm thiểu số lần hâm nóng lại thức ăn thừa bởi việc hâm nóng nhiều hơn một lần có thể làm mất chất dinh dưỡng của thức ăn, thậm chí khiến chất dinh dưỡng bị biến tính, không có lợi cho sức khỏe.
Do đó, với lượng thức ăn thừa lớn, bạn nên phân chia nó ra thành các phần nhỏ vừa đủ ăn cho một bữa để hạn chế số lần hâm nóng lại thức ăn thừa.
4. Rã đông ở nhiệt độ phòng
Đối với những loại thức ăn thừa cần cất trữ trong ngăn đá tủ lạnh, khi lấy ra sử dụng, bạn chắc chắn sẽ phải rã đông nó. Nhiều người có thói quen để thức ăn thừa đông đá ra nhiệt độ phòng để rã đông, tuy nhiên, đây là cách làm không đúng.
Với lượng thức ăn lớn, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để rã đông nó theo cách này. Hơn nữa, rã đông ở nhiệt độ phòng có thể tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh chóng của vi sinh vật và mang đến các mối nguy hại về an toàn thực phẩm.
Rã đông bằng lò vi sóng dù an toàn hơn một chút nhưng cũng không thực sự hiệu quả. Sau khi rã đông bằng lò vi sóng, bạn cần hâm nóng lại thức ăn ở nhiệt độ trên 60 độ C ngay lập tức để ngăn cản sự phát triển của vi sinh vật.
Cách rã đông tốt nhất là rã đông trong môi trường lạnh, bạn hãy để thức ăn thừa đóng đá xuống ngăn mát (lạnh) của tủ lạnh, việc làm này có thể làm giảm sự sinh sản của vi sinh vật. Sau khi cảm thấy lớp đá trong thực phẩm đã tan bớt, bạn có thể mang ra và hâm nóng để tiêu thụ, cách này vừa an toàn vừa thuận tiện.
Nguồn và ảnh: Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh, QQ, Kknews, Eat This
Pháp luật và Bạn đọc