MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 tư tưởng cũ rích cần loại bỏ ngay khỏi đầu những người muốn làm giàu

26-06-2017 - 07:32 AM | Sống

Để làm giàu, bạn phải bắt đầu cải cách suy nghĩ của mình. Bạn đang cảm thấy mỗi ngày là một cơ hội đang chờ hay một danh sách những công việc nhàm chán? Nếu chọn vế thứ hai, bạn nên thay đổi lại suy nghĩ, xây dựng niềm tin để có một tương lai tốt đẹp hơn.

Keith Cameron Smith, một diễn giả truyền cảm hứng, đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc mà ông rút ra được trong 2 năm làm việc và nghiên cứu về người giàu có, sự khác biệt trong suy nghĩ của họ so với người bình thường.

Dưới đây là 5 suy nghĩ mà các nhà tỷ phú đã và đang không ngừng khuyên mọi người nên từ bỏ nếu muốn làm giàu.

Tư duy ngắn hạn

Để đạt được mục tiêu, điều bạn cần làm là hướng tới tương lai chứ không phải ám ảnh về tình hình hiện tại, có nghĩa là bạn phải đặt ra các mục tiêu không chỉ kéo dài vài tuần hoặc vài tháng mà phải hàng năm hay hàng chục năm.

Theo Keith, mục tiêu của bạn càng dài, bạn càng trở nên giàu có. Đó là bởi vì mục tiêu dài hạn buộc bạn phải vật lộn với những câu hỏi lớn như "Làm thế nào để tăng gấp đôi thu nhập trong năm nay?" Thay vì các vấn đề ngắn hạn, chẳng hạn như "Mình sẽ thanh toán hóa đơn trong tháng này như thế nào?".

Sợ thay đổi

Dù mức độ nhỏ hay lớn, sự thay đổi chắc chắn sẽ gây tác động tâm lý đến tất cả mọi người. Nhưng nếu vượt qua những nỗi sợ hãi không tên này, bạn sẽ thấy sự thay đổi chính là một cơ hội. Sự khác biệt giữa tầng lớp trung lưu và giàu có là tầng lớp trung lưu nhìn nhận tất cả biến cố theo hướng tiêu cực, tầng lớp thượng lưu cho rằng, dù là tiêu cực hay tích cực thì thay đổi cũng sẽ có lợi cho họ.

Keith lập luận, học cách chào đón thay đổi và những sự việc đi cùng với nó sẽ giúp bạn tự tin. Do quen với nó, bạn sẽ dễ dàng xử lý tất cả các tình huống phát sinh theo cách của riêng mình và đó chính là chìa khóa để thành công.

Mong muốn được đền đáp ngay lập tức

Xây dựng sự nghiệp vững mạnh đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, sự chăm chỉ và kiên nhẫn. Keith nhận thấy rằng, các nhà tỷ phú sẵn sàng tạm thời giữ khoảng cách an toàn để tìm kiếm sự tự do tài chính lâu dài. Trái lại, những người ở tầng lớp trung lưu luôn muốn được thỏa mãn ngay tức thì.

Keith chia sẻ, ông đã từng có tư tưởng đó trong nhiều năm, khi ông thích bất kỳ thứ gì, ông sẽ dùng thẻ tín dụng mua nó. Tuy nhiên, bây giờ thì hoàn toàn khác, ông sẵn sàng chờ đợi vì mục tiêu tự do lâu dài và đặt ra quy định để trì hoãn sự thỏa mãn.

Phải làm mọi thứ một mình

Trong khi người giàu trở nên giàu hơn bằng cách thiết lập nhiều dòng thu nhập, những người ở tầng lớp trung lưu cảm thấy sợ hãi khi làm như vậy bởi vì họ tin rằng nó sẽ không an toàn trừ khi họ tự quản lý. Niềm tin rằng mình phải làm tất cả mọi thứ sẽ tạo ra những giới hạn cực đoan về tiềm năng tài chính của bạn.

Xung quanh bạn có rất nhiều người có tài, nhờ sự giúp đỡ của họ, bạn có thể bù lấp những thiếu sót của mình và xây dựng nguồn tài chính vững mạnh. Do vậy, hãy dừng ngay suy nghĩ tiêu cực này và bắt đầu đặt niềm tin vào những người làm việc cho bạn.

Bạn không đủ khả năng để cho đi

Trong khi người tầng lớp trung lưu thường tin rằng họ không đủ khả năng tài chính để giúp đỡ người khác, người giàu lại thấy sự hào phóng là điều cần thiết. Hầu hết các triệu phú đều tin vào luật nhân quả. Họ dùng tiền như hạt giống vì họ biết rằng nếu hào phóng, họ sẽ nhận được nhiều hơn những gì cho đi.

Với tư tưởng đó, rất nhiều triệu phú và tỷ phú đã trở thành nhà từ thiện. Trong năm 2010, Warren Buffett và Bill Gates cùng hợp tác để hình thành lời cam kết The Giving Pledge, một nỗ lực khuyến khích người giàu cực đoan hiến tặng phần lớn tài sản của họ vì mục đích tốt. Động thái này nhận được rất nhiều phản hồi tích cực, hơn 150 tỷ phú đã ký kết, trong đó có Mark Zuckerberg, Richard Branson và Elon Musk.

Nguyễn Nguyễn

CNBC

Trở lên trên