6 điều bạn tuyệt đối không nên đề cập khi yêu cầu tăng lương
Nếu bạn đang lên kế hoạch để đề xuất một mức lương mới hấp dẫn hơn và phải trình bày trước cấp trên của mình, lưu ý tuyệt đối đừng đề cập tới 6 điều này.
- 20-11-2017Ryan Giggs - danh thủ từng được trả 1,5 tỷ/1 tuần sẽ nhận lương bao nhiêu ở Vingroup?
- 05-11-2017Tiền lương hay địa vị xã hội: Đâu mới là yếu tố khiến nhiều bạn trẻ trên thế giới muốn trở thành giáo viên
- 27-10-2017Khi nào là thời điểm thích hợp nhất để thảo luận về mức lương với nhà tuyển dụng
Nói chuyện về lương luôn là một vấn đề khó và nhạy cảm. Nếu bạn yêu cầu quá nhiều và quá nhanh mọi việc sẽ đem lại kết quả trái với mong đợi. Trước khi yêu cầu tăng lương, bạn cần phải hiểu rõ giá trị của bản thân, chỗ đứng của mình trong công ty và chuẩn bị cẩn thận những điều bạn sẽ nói với sếp.
Dưới đây là 6 điều bạn tuyệt đối không nên nói với cấp trên khi yêu cầu tăng lương.
“Điều này thật không công bằng”
Câu nói này hàm ý rằng, bạn nghĩ bạn đang bị đối xử bất công và ông chủ không tốt với bạn. Mục tiêu của bạn trong cuộc thảo luận yêu cầu tăng lương đó là phải chứng minh được giá trị của bạn với công ty chứ không phải về việc bạn nghĩ bạn đã bị đối xử tồi tệ như thế nào, cho dù đó là sự thật đi chăng nữa.
“Tôi đã làm việc ở đây x năm”
Đây là một lỗi phổ biến và điển hình mà nhiều người mắc phải khi yêu cầu tăng lương. Nó không phải một lập luận đủ mạnh mẽ để có thể thuyết phục sếp của bạn. Mặc dù thời gian làm việc thường được dùng để đánh giá nhân viên, tuy nhiên trên thực tế, số năm làm việc không đồng nghĩa với việc sếp sẽ công nhận giá trị của bạn đối với công ty.
Điều bạn cần nói đó là những đóng góp cụ thể của bạn trong công việc và bạn đã làm gì cho sự phát triển của công ty. Lòng trung thành rất đáng được khen ngợi, tuy nhiên, nếu nó không được nói đến trong hợp đồng tuyển dụng thì tốt nhất đừng đề cập tới nó.
“Tôi sẽ nghỉ việc nếu không được tăng lương”
Đừng bao giờ đe dọa bỏ việc nếu kỳ vọng của bạn về mức lương không được đáp ứng trừ khi bạn thực sự đang muốn tìm kiếm một công việc mới. Sử dụng cớ thôi việc để làm điều kiện cho đòi hỏi tăng lương sẽ khiến sếp của bạn cảm thấy mình đang bị “mặc cả” và có thể dẫn tới những quyết định không có lợi cho bạn.
Hơn thế nữa, họ sẽ đặt một dấu hỏi lớn về lòng trung thành của bạn với công việc mà bạn đang đảm nhận kể cả khi bạn đang thành công với nó.
“Bạn cần tôi hơn tôi cần bạn”
Khi yêu cầu tăng lương, bạn tuyệt đối không được nói điều này với sếp. Nó sẽ phản tác dụng và khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Sếp của bạn có thể sẽ cho bạn nghỉ việc để chứng minh rằng bạn đã sai lầm khi nghĩ họ cần bạn còn bạn thì không.
Hãy chứng minh năng lực và giá trị của bạn với công ty bằng những dẫn chứng và số liệu cụ thể. Bạn đã đóng góp đáng kể vào việc tăng doanh số công ty hoặc giúp cải thiện hoạt động của nhóm như thế nào? Đó là những lý do chính đáng để cấp trên cân nhắc tăng lương cho bạn chứ không phải chỉ bằng cách nói rằng bạn tuyệt vời còn họ thì không.
“Anh ấy được trả lương cao hơn tôi”
Có nhiều lý do khiến đồng nghiệp của bạn được trả lương cao hơn. Anh ta có bằng cấp cao hơn, có năng lực nổi trội hơn hoặc đảm nhận nhiều công việc hơn. Bạn cần phải hiểu rõ về vị trí và khả năng của mình trước khi so sánh. Sếp sẽ không hài lòng nếu bạn liên tục so sánh lương của mình với đồng nghiệp.
"Tôi không quan tâm đến việc làm ăn thua lỗ của công ty"
100% cấm. Việc lựa chọn thời gian để đưa ra những đề xuất của bản thân là vô cùng quan trọng. Đừng bao giờ nghĩ đến việc đòi hỏi một mức lương cao hơn nếu công ty của bạn vừa mới công bố kết quả tài chính không như mong đợi.
Đòi hỏi trong hoàn cảnh như vậy chứng tỏ rằng bạn không hề đặt kết quả làm việc của công ty ở vị trí hàng đầu và cơ hội để bạn có một mức đãi ngộ hấp dẫn hơn rất khó có thể xảy ra.
Trên đây là 6 lưu ý bạn tuyệt đối không được đề cập với nhà tuyển dụng trong cuộc thảo luận tăng lương. Thay vì khăng khăng nói rằng bạn xứng đáng hãy chứng minh cho họ thấy giá trị của bạn với công ty. Điều này sẽ giúp bạn thành công trong mọi cuộc thỏa thuận với sếp.
CNBC